Vài giờ làm tỷ phú của nhà đồng sáng lập Grab
Cú sụt giá 21% của cổ phiếu Grab trong phiên giao dịch đầu tiên trên sàn Nasdaq ở New York khiến nhà đồng sáng lập Anthony Tan của công ty này chỉ được làm tỷ phú trong vài giờ đồng hồ…
“Giá cổ phiếu công ty sẽ tăng và cũng sẽ giảm”, nhà đồng sáng lập Anthony Tan của Grab Holdings LTd., nói sau lễ rung chuông vào tối ngày 2/12 ở Singapore đánh dấu việc Grab bắt đầu được giao dịch trên sàn chứng khoán Nasdaq ở New York. Đây là sự kiện đầu tiên như vậy được tổ chức ở Đông Nam Á.
Ông Tan đã nói đúng. Cổ phiếu Grab đã tăng vọt trước khi bước vào phiên giao dịch chính thức. Sau khi mở cửa với mức giá 13,6 USD/cổ phiếu, Grab đã giảm hơn 21% trong phiên chào sàn này.
Đây là phiên giao dịch đầu tiên của Grab trên thị trường đại chúng sau khi hoàn tất sáp nhập với công ty séc trắng (SPAC) có tên Altimeter Growth Corp. – thương vụ SPAC lớn nhất từ trước đến nay trên thế giới.
Cú sụt này khiến giá trị vốn hoá thị trường của Grab “bốc hơi” khoảng 17 tỷ USD. Cổ phần của ông Tan trong Grab, lúc đầu đạt hơn 1 tỷ USD, giảm còn 725 triệu USD – theo ước tính của Bloomberg Billionaires Index. Điều này có nghĩa là nhà đồng sáng lập Grab chỉ làm tỷ phú trong vài giờ đồng hồ.
Grab đến nay vẫn chưa có lãi, như vụ chào sàn thông qua SPAC của công ty đã thu hút sự ủng hộ mạnh mẽ của nhà đầu tư, với 4,5 tỷ USD tiền vốn được rót.
Thời điểm của vụ chào sàn này được cho là không thuận lợi. Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực taxi công nghệ, và sự xuất hiện của biến chủng Omicron có thể khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Cổ phiếu Uber Technologies Inc. đã giảm hơn 10% kể từ khi tuyên bố phát hiện một biến chủng mới. Tuần trước, Singapore – quốc gia nơi Grab đặt trụ sở – đã cấm các chuyến bay từ 7 nước châu Phi. Ngày 2/12, Chính phủ Singapore cho biết đã phát hiện 2 ca nhiễm Omicron là người nhập cảnh.
Ông Tan – người có cụ cố là một tài xế taxi – sáng lập nên Grab khi còn đang học MBA tại Trường kinh doanh Harvard cách đây hơn 1 thập kỷ.
Ông từ bỏ công việc kinh doanh của gia đình, là một trong những nhà phân phối ô tô lớn nhất ở Malaysia, để mở một công ty gọi xe khi đó có tên là MyTeksi. Gia nhập cùng ông Tan là bà Hooi Ling Tan, một người bạn cùng lớp ở Harvard. Dự án của hai người sau đó chuyển sang Singapore và huy động vốn để mở rộng hoạt động trong khu vực, rồi đổi tên thành Grab vào năm 2016. Ngoài gọi xe, Grab còn có các dịch vụ giao hàng thực phẩm, thanh toán trực tuyến và dịch vụ tài chính.
Theo cấu trúc cổ phiếu của Grab, Anthony Tan có 60,4% quyền biểu quyết cho dù chỉ nắm cổ phần 2,2%.
Dù cổ phiếu Grab giảm mạnh trong phiên giao dịch đầu tiên, cuộc chào sàn của công ty này đã tạo ra tài sản không nhỏ cho các nhà điều hành chủ chốt. Nhà đồng sáng lập Hooi Ling Tan và Chủ tịch Ming Maa của Grab hiện sở hữu tài sản ước tính 224 triệu USD và 126 triệu USD.
Tuy nhiên, SoftBank Group Corp., công ty đầu tư của tỷ phú Nhật Bản Masayoshi Son, mới là đối tượng hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc lên sàn này. Rót 3 tỷ USD vào Grab hồi năm 2014, SoftBank hiện nắm cổ phần 18,6%, trị giá 6,1 tỷ USD. Cổ phần của Uber Technologies Inc. và Didi Chuxing Technology Co. trong Grab có trị giá tương ứng lần lượt là 4,7 tỷ USD và 2,5 tỷ USD.
Dù tạo ra của cải cho các cổ đông, Grab vẫn đang thua lỗ. Trong quý 3, công ty này lỗ 988 triệu USD, từ mức lỗ 621 triệu USD cùng kỳ năm ngoái, và doanh thu giảm 9% còn 157 triệu USD.
“Chúng tôi vẫn lạc quan về công việc kinh doanh của mình”, ông Tan, người hiện giữ vai trò CEO của Grab, nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Bloomberg ngày 2/12.
(Châu Anh – vneconomy)
Có thể bạn quan tâm
Bộ sách
Trí tuệ tỷ đô của các bậc thầy đầu tư
Suy nghĩ vượt lên trên đám đông để trở thành
kẻ chiến thắng trong đầu tư