Vì sao các nhà đầu tư vĩ đại không đa dạng hóa danh mục đầu tư?
Một quan điểm đầu tư phổ biến là “Không bỏ hết trứng vào một giỏ” nhưng làm như vậy đồng nghĩa với việc phân tán dòng tiền và sự chú ý của nhà đầu tư. Thế nên nhiều nhà đầu tư thành công đã áp dụng một phương châm khác là “Hãy bỏ hết trứng vào một giỏ và trông chừng cái giỏ đó thật cẩn thận”.
Nhiều huyền thoại trong giới đầu tư như Warren Buffett, George Soros, William J. O’Neil và Bernard Baruch ủng hộ đầu tư tập trung vào một số ít cổ phiếu. Warren Buffett từng nói: “Đa dạng hóa có thể bảo vệ danh mục đầu tư khỏi sự ngu dốt, nhưng với những người biết mình đang làm gì thì đa dạng hóa lại không có nhiều ý nghĩa.
Thử nghĩ, một NĐT thông thường không thể theo sát hàng chục công ty trong danh mục của mình. Bernard Baruch nhận định: “Đầu tư dàn trải vào quá nhiều cổ phiếu là hành động thiếu khôn ngoan. Theo dõi những tác nhân có thể làm thay đổi giá cổ phiếu đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Và một NĐT chỉ có thể hiểu rõ về một số ít cổ phiếu chứ không thể quá nhiều.
William J. O’Neil thì viết trong cuốn sách How To Make Money In Stocks – Làm giàu qua chứng khoán (Happy.Live dự kiến xuất bản cuốn sách này vào vào tháng 12/2018): “Sở hữu càng nhiều cổ phiếu, khả năng phản ứng trước thị trường giá xuống càng chậm. Mục đích của những NĐT thành công là ăn đậm nhờ 1-2 cổ phiếu, không phải là cóp nhặt từ hàng chục cổ phiếu nhỏ”.
Nhiều tác giả viết sách tài chính thường ca ngợi đầu tư chỉ số (index investing) tức là cứ mua cả thị trường và hài lòng với kết quả trung bình nhận được. Nếu mục đích của NĐT chỉ là đạt lợi suất thị trường, không phải đánh bại thị trường thì đầu tư chỉ số là phương pháp hợp lý. Tuy nhiên, đầu tư chỉ số sẽ không giúp NĐT tích lũy được khối tài sản khổng lồ.
James Oelschlager, người sáng lập Oak Associates nói “Chưa có bệnh viện hay trường đại học nào từng được đặt tên theo một nhà đầu tư chỉ số. Chỉ những nhà đầu tư tập trung vào một số ít cổ phiếu mới có được vinh dự này”.
Tất nhiên, lựa chọn cổ phiếu cho một danh mục tập trung đòi hỏi rất nhiều phân tích và tính toán. NĐT phải nghiên cứu báo cáo tài chính, tham dự đại hội cổ đông và theo dõi diễn biến kinh doanh của công ty một cách cẩn thận.
Một trong những lập luận chính ủng hộ đa dạng hóa đầu tư là phòng vệ rủi ro. Mua nhiều cổ phiếu sẽ làm giảm rủi ro “cháy tài khoản” khi một cổ phiếu rớt giá thê thảm. Tuy nhiên đa dạng hóa cũng không phòng vệ được rủi ro chung khi toàn thị trường lao đao.
Một chiến lược hợp lý là mua một số ít cổ phiếu ở những lĩnh vực không liên quan đến nhau. Chẳng hạn, NĐT có thể mua một cổ phiếu công nghệ (rủi ro tương đối cao) cùng một cổ phiếu hàng tiêu dùng (có tính phòng thủ, ổn định).
Khi giá cổ phiếu giảm – đặc biệt là khi xuất hiện các thông tin xấu, NĐT có thể tăng cường mua vào để tăng vị thế mà không lo dùng hết tiền mua đúng đỉnh. Kể cả khi giá cổ phiếu tăng, George Soros cho rằng NĐT nên mua vào nếu thực sự tin tưởng vào công ty và triển vọng dài hạn.
“Nếu giá cổ phiếu tăng thì cứ việc mua thêm, đừng bận tâm tới tỷ trọng của cổ phiếu đó trong danh mục”. George Soros nói.
Xin nhắc lại, phương pháp này chỉ phù hợp với những NĐT sẵn sàng bỏ công sức ra để nghiên cứu kỹ chi tiết từng cổ phiếu. Nếu không, NĐT nên trung thành với các quỹ chỉ số. Còn bỏ tiền vào các quỹ tương hỗ được đa dạng hóa và quản lý chủ động thì phí quá cao dẫn tới giảm suất sinh lợi ròng.
Nguồn: vietstock
Có thể bạn quan tâm: Payback Time – Ngày đòi nợ – Phil Town (sách dành cho các nhà đầu tư giá trị kiểu Warren Bufffett)