fbpx

Vì sao Warren Buffet lại mua cổ phiếu Apple?

Nhà đầu tư nổi tiếng Warren Buffet đã mua lại 9,81 triệu cổ phiếu của Apple trong quý đầu tiên của năm 2016. Tổng cộng, ông đã bỏ ra số tiền 1,07 tỷ USD để thực hiện giao dịch.

Sự tăng trưởng

Theo trường phái tăng trưởng, hãy xem doanh thu, lợi nhuận của Apple trong 3-5 năm trở lại đây.

Biểu đồ sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trên mỗi cp AAPL – Nguồn Fool.com

Như vậy có thể thấy, Apple tăng trưởng khá tốt về doanh thu cũng như lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS). Về doanh số, sản phẩm chính của Apple – Iphone tăng trưởng ở mức 2 con số trong suốt 5 năm trở lại đây. Để cho dễ hình dung, hãy so sánh sự tăng trưởng của Apple với một ông lớn khác của ngành công nghệ là Google.

Biểu đồ tăng trưởng doanh thu của Google khá đẹp nhưng tăng trưởng EPS không lớn. Điều này cho thấy dù doanh thu tăng trưởng tốt những đi kèm với đó chi phí của Google cũng tăng nhanh khiến cho lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu giảm hoặc tăng không tương ứng.

Tối ưu lợi nhuận

Nói tới doanh thu, chi phí và lợi nhuận của Apple. Có lẽ không có một công ty nào làm được việc “tối đa hóa lợi nhuận” tốt như Apple.

Bạn có ngạc nhiên không nếu biết rằng Apple chỉ chiếm khoảng 15% thị phần điện thoại Smartphone trên toàn cầu năm 2014 nhưng lại chiếm tới 65% trong tổng lợi nhuận của lĩnh vực Smartphone năm đó.

Khủng khiếp hơn trong quý 1 năm 2015 – với thị phần không mấy thay đổi nhưng lợi nhuận mà Apple thu được lên tới92% tổng lợi nhuận của lĩnh vực Smartphone.

Tức là miếng bánh lợi nhuận ngon lành Apple ăn tới 92%, những công ty Smartphone khác như Samsung, Xiaomi, BlackBerry… chia nhau 8% còn lại.

Apple có bị đe dọa bởi“sự trỗi dậy của Xiaomi”hay“Apple đang bị đe dọa từ những công ty Smartphone Trung Quốc”hay không?.

Xiaomi bán hàng theo chiến lược giá rẻ để chiếm thị phần – và từng bước nâng giá dần lên để tối ưu lợi nhuận – nhưng khi đang là sản phẩm giá rẻ thì phân khúc hoàn toàn khác Apple – chưa được tính là cạnh tranh trực diện. Trong phân khúc cao cấp thì Apple hoàn toàn đọc tôn.

Cho nên những công ty Smartphone Trung Quốc mới nổi gần đây như Huawei, Lenovo, Xiaomi… Có lẽ là mỗi đe dọa lớn đối với … SamSung!

Apple chiếm tới 92% lợi nhuận lĩnh vực Smartphone Q1 2015 – Nguồn Wall Street

Trong đồ thị trên thấy tổng lợi nhuận trong lĩnh vực này của Apple và Samsung vượt 100% là do những có nhiều công ty đã rơi vào tình trạng thua lỗ.

Không phải tự nhiên mà Apple có được thành tích xuất sắc trong tối ưu hóa lợi nhuận như vậy. Công thần hàng đầu giúp Apple đạt được thành tích hoành tráng này là CEO của Apple hiện nay, Tim Cook.

Trước đây, Apple tự sản xuất các sản phẩm của mình. Chính vì vậy họ gặp hàng loạt vấn đề trong lĩnh vực sản xuất như quản lý nhà xưởng, linh kiện, kho bãi, hàng tồn, quản lý công nhân … Các vấn đề này khiến cho tỷ suất lợi nhuận của Apple thời kì đó khá kém.

Khi Tim Cook tới Apple cùng với sự quay về của Steve Jobs. Ông phụ trách mảng phân phối sản phẩm của Apple. Quyết định đầu tiên của ông chính là thanh lý toàn bộ nhà xưởng, dây chuyền sản xuất… của Apple. Biến Apple trở thành một công ty OEM – chuyên đi thuê các nhà sản xuất khác gia công sản phẩm cho mình.

Điều này khiến Apple hạ giá vốn sản phẩm do loại bỏ được gánh nặng quản lý sản xuất và tận dụng được nhân lực giá rẻ tại các quốc gia có nhà máy gia công (Trung Quốc). Mặt khác đặt nhà máy tại Trung Quốc còn có lợi cho Apple về thời gian phân phối vì tận dụng được nguồn nhân lực khổng lồ, giúp rút ngắn thời gian sản xuất.

Lợi ích lớn nhất của công ty kiểu OEM thể hiện ở các chỉ số liên quan tới quản lý tồn kho.

Hệ số xoay vòng hàng tồn kho – Inventory Turnover của Apple hiện nay là 61,26. Ngày bình quân vòng quay hàng tồn kho là 6. Nghĩa là trung bình Apple chỉ mất 6 ngày để bán hết số hàng trong kho của họ.

Đây là chỉ số quản lý hàng tồn kho tốt nhất trong tất cả các công ty OEM. Nó cho thấy Apple bán hàng nhanh như thế nào.

Một số chỉ số tài chính của Apple – Nguồn Fool.com

Một công ty nổi tiếng khác cũng được hưởng lợi từ mô hình OEM là công ty máy tính Dell. Trước khi Apple tham gia OEM thì Dell là công ty quản lý kho hàng xuất sắc nhất.

Lợi ích của việc đi thuê gia công sản phẩm đã rõ ràng.Nhưng mô hình này có một nhược điểm cực kì “trí mạng”.Nhược điểm đó là, khi hoàn toàn phụ thuộc việc sản xuất sản phẩm vào công ty gia công. Về lâu dài, sẽ không giữ được bí mật kinh doanh. Dẫn tới các công ty gia công nắm được điểm mấu chốt của sản phẩm và trở thành đối thủ cạnh tranh. Dell chính là minh chứng sống cho việc này.

Trước đây Dell thuê ASUS gia công các sản phẩm của họ. Họ thoát khỏi gánh nặng quản lý nhà xưởng, chỉ việc tập trung vào thiết kế và Marketing. Chi phí giá vốn của họ giảm tới 20% – 30% khiến tỷ suất lợi nhuận tăng mạnh. Tuy nhiên Dell ngày càng phụ thuộc vào ASUS – họ dần chuyển cho ASUS sản xuất từ A-Z máy tính Dell. Bởi vì ASUS chào giá quá mức hấp dẫn và chất lượng thì không khác Dell tự làm.

Sau vài năm, một ngày đẹp trời ASUS đưa ra thị trường một dòng máy tính mới – với lời quảng cáo“Chất lượng như Dell – giá rẻ hơn 20%”. Bây giờ ASUS đã trở thành một đối thủ cạnh tranh trực tiếp với DELL, trong khi DELL lại phụ thuộc rất nhiều vào ASUS. Đó là cái giá phải trả nếu theo đuổi tối đa hóa lợi nhuận bằng cách đi thuê gia công.

Vậy liệu Apple có gặp phải tình trạng như DELL hay không? Dễ nhận thấy rằng các công ty Smartphone Trung Quốc nổi lên rầm rộ gần đây chính là hệ quả tất yếu của một thời gian dài các hãng Smartphone khác gia công sản phẩm của mình tại Trung Quốc, khiến cho họ đã nắm rõ công nghệ sản xuất Smartphone. Với lợi thế sân nhà, các hãng Smartphone này chiếm thị phần nhờ mức giá rẻ.

Nhưng Apple với tầm nhìn xa khủng khiếp của Steve Jobs và Tim Cook sẽ không gặp phải rủi ro này. Nguyên nhân chính là nhờ hệ điều hành iOS. Nếu phần cứng của Smartphone ví như thể xác của điện hoại thông minh thì hệ điều hành chính là linh hồn của nó. Một công ty gia công có thể sao chép được cách sản xuất ra phần cứng của Smartphone, có thể cạnh tranh bằng chính sách giá rẻ. Nhưng linh hồn của những sản phẩm Apple là hệ điều hành thì họ không thể sao chép được. Chưa kể tới định vị của Apple là ở phân khúc cao cấp.

Không may với những Smartphone Android, vì là hệ điều hành mở nên sự trỗi dậy của những công ty Smartphone android giá rẻ như Xiaomi, Huawei… sẽ khiến cho sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt … đó cũng là một phần trong những nguyên nhân Samsung liên tục mất thị phần hiện nay.

Tiêu tiền

Apple là công ty có nhiều tiền mặt nhất thế giới. Với hơn 200 tỷ USD tiền mặt họ có thể làm bất cứ việc gì.

Bên cạnh việc dùng tiền để mua lại cổ phiếu, tái đầu tư vào công ty và trả cổ tức cho cổ đông thì cách Apple sử dụng núi tiền của mình cũng rất đặc biệt.

Thường các công ty công nghệ lớn có nhiều tiền mặt hay dùng tiền để thực hiện việc mua lại các công ty khác với mục đích mở rộng thị phần cũng như triệt tiêu cạnh tranh.

Nhưng Apple thì khác, họ ưu tiên giữ tiền mặt chờ cơ hội, mặt khác họ dùng tiền để mua các công ty sở hữu nguyên vật liệu dùng sản xuất các linh kiện cho điện thoại, máy tính bảng … Tức là thay vì mua lại công ty đối thủ để tránh cạnh tranh và tăng thị phần thì Apple tìm cách chiếm giữ phần lớn nguồn nguyên vật liệu quan trọng để sản xuất ra sản phẩm của mình. Khiến cho các đối thủ cạnh tranh với họ sẽ phải trả một khoản chi phí lớn hơn để sản xuất ra sản phẩm. Một cách dùng tiền thiết thực và thông minh phải không?

Trước đây Apple còn cho các nhà cung cấp của mình vay tiền để xây dựng nhà xưởng. Bởi lượng đặt hàng của Apple ngày càng lớn, các nhà sản xuất không đủ khả năng cung ứng cho họ. Vì thế Apple đã cho đối tác của họ vay tiền, xây dựng nhà xưởng, sản xuất những đơn hàng của chính Apple. Tất nhiên Apple sẽ không chịu thiệt trong các điều khoản thanh toán cũng như độc quyền của họ.

Giá cổ phiếu có rẻ không?

Tât cả những điều trình bày ở trên chỉ nói lên được một điều. Đó là Apple là một công ty xịn. Từ sản phẩm, quản lý, bán hàng, tầm nhìn, tối ưu hóa lợi nhuận, tài sản … đều cho thấy Apple là một công ty hết sức tốt. Như vậy giá cổ phiếu AAPL như hiện nay liệu có được coi là rẻ hay không? Có nên mua vào hay không?

Để trả lời câu hỏi này một cách dễ hiểu nhất ta so sánh P/E của Apple với các công ty khác cũng thuộc lĩnh vực công nghệ ở Mỹ.

Apple: P/E – 13.01

Google: P/E – 29.41

Microsoft: P/E – 29.25

Facebook: P/E – 90.66

Chỉ số P/E chính là một trong những chỉ số Key của người đầu tư giá trị. Nó được tính bắng cách lấy giá cổ phiếu hiện tại chia cho EPS (Price/EPS).

EPS là viết tắt của Earning per share – lợi nhuận trên mỗi cổ phần. Tính bằng tổng lợi nhuận sau thuế chia cho tổng số cổ phần. Chỉ số EPS thể hiện cho ta biết doanh nghiệp kiếm được bao nhiêu tiền trên mỗi cổ phần. Chỉ số này tất nhiên càng cao thì càng tốt.

P/E là chỉ số cho ta biết – nếu doanh nghiệp cứ làm ăn như hiện nay (lợi nhuận không tăng lên cũng không giảm đi). Thì nếu ta bỏ tiền ra mua và giữ cổ phiếu theo kiểu đầu tư giá trị – sau bao nhiêu năm ta sẽ thu hồi vốn. Vì vậy chỉ số này càng thấp càng tốt.

Chỉ số P/E trung bình của ngành công nghệ Mỹ quanh mức 20-21. Như vậy P/E của AAPL thấp hơn P/E chung của ngành.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính mà tỷ phú Carl Icahn viết trên trang cá nhân của ông rằng – cổ phiếu Apple đang bị định giá dưới giá trị thực rất nhiều. Ông cho rằng AAPL phải có giá hơn 200USD/cp mới đúng.

Với niềm tin đó, chính ông đã kiến nghị Apple dùng tiền mặt để mua lại cổ phiếu của mình khi giá cổ phiếu quanh mức 100USD/cp. Và Apple đã làm như vậy. Không những thế Apple còn có một kế hoạch mua lại cổ phiếu trị giá hàng tỷ đô la kéo dài tới 2016 -2017 – một trong những minh chứng rõ ràng khẳng định rằng giá cổ phiếu AAPL đang thấp hơn giá trị thực, và chính Apple tin tưởng điều đó, họ tràn đầy tự tin với tương lai của công ty.

Nguồn: NDH

Có thể bạn quan tâm: Payback Time – Ngày đòi nợ – Phil Town

(đầu tư theo phong cách Warren Buffett, Charlie Munger)

sach-Payback-Time-ngay-doi-no-phil-town

ĐỌC THỬ

ĐẶT MUA

Các viết cùng chủ đề