fbpx

Warren Buffett: Từ “thất nhân tâm” đến “đắc nhân tâm” (Phần 1)

Từ thời tiểu học, Warren Buffett đã là một “doanh nhân”, số tiền Buffett kiếm được ngày càng nhiều và mô hình kinh doanh của cậu ngày càng đa dạng. Thế nhưng, kỹ năng giao tiếp và thu phục lòng người của cậu lại không tỷ lệ thuận với điều đó. Buffett phải làm thế nào để hòa nhập với bạn bè cùng trang lứa và có thêm cơ hội mở rộng quan hệ làm ăn cho mình? 

Xem thêm Warren Buffett và thời thiếu niên đầy “tội lỗi” >> tại đây

Warren Buffett thời học trung học
Warren Buffett thời học trung học

Warren Buffett: Từ “Thất nhân tâm” và nhân duyên tìm ra chìa khóa “Đắc nhân tâm”

“Tháng 8 năm 1945, trong khi gia đình Buffett về nghỉ hè tại Omaha thì Mỹ thả hai quả bom nguyên tử xuống hai thành phố Horoshima và Nagasaki của Nhật Bản. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Nhật chính thức đầu hàng đồng minh vô điều kiện. Chiến tranh kết thúc. Dân Mỹ ăn mừng chiến thắng trong điên loạn. Warren nhớ lại rằng cậu nhanh chóng suy nghĩ về các bước đi tiếp theo sau vụ bỏ bom này.

Hiện trường vụ thả bom tại Nhật Bản
Nhật Bản sau khi hứng chịu hai quả bom nguyên tử

“Tôi không hiểu gì về vật lý. Nhưng tôi biết rằng bạn có thể giết chết hàng trăm ngàn người khi bạn là người đầu tiên sử dụng bom nguyên tử trong cuộc chiến. Việc đó cũng giống như tôi lao đầu chạm vào một gã nào đó trong một con hẻm tối, tôi có một khẩu đại bác, nhưng hắn lại có một cây súng lục. Nếu hắn muốn bóp cò và trong khi tôi do dự về sự ăn năn hối lỗi sau khi làm chuyện đó thì hắn ta sẽ thắng. Einstein đã nói ngay sau đó rằng: “Việc này đã thay đổi tất cả mọi thứ trên đời, ngoại trừ cách nghĩ của con người.”

“Nó tạo ra một ngòi nổ để kết thúc thế giới. Giờ đây, có thể đó là một ngòi nổ dài hơn và có thể có nhiều cách để ngắt nó, nhưng một khi quả bom đó có một tá ngòi nổ đang cháy thì rắc rối sẽ trở thành một dạng vật chất khác so với việc không có ngòi nổ nào đang bị đốt cháy. Tôi chỉ mới 14 tuổi, nhưng dường như tôi thấy rất rõ điều gì sắp xảy ra, và thực sự nó đã xảy ra với mức độ thật nghiêm trọng.”

Vài tuần sau, gia đình Buffett quay trở lại Washington, Warren trở lại trường và hoàn thành nốt năm học lớp 10 tại trường trung học Woodrow Wilson. Vẫn còn là một cậu bé nhưng giờ đây Warren đã là một doanh nhân. Bằng nghề giao báo cậu đã tích lũy được 2.000 đô la. Howard cho phép con trai đầu tư vào cổ phiếu của Builder Supply Co., một cửa hiệu bán đồ kim khí điện máy mà Carl Falk mở gần nhà máy thức ăn gia súc ở Omaha. Trong khi đó, Warren tự mình mua một miếng đất 40 mẫu Anh với giá 1.200 đô la cách nhà hơn 100 cây số, gần Walthill, thuộc quận Thurston, Nebraska. Một nông dân nhận phần đất đó canh tác và chia lợi nhuận – một kiểu thu xếp mà Warren rất thích, tức một ai đó sẽ đứng ra làm việc chân tay thay cậu. Warren bắt đầu giới thiệu mình là Warren Buffett đến từ Nebraska, người có một trang trại cho thuê ở vùng Trung Tây.

Woodrow Wilson - trường trung học của Warren Buffett
Ngôi trường nơi Warren Buffett từng học

Cậu suy nghĩ như một doanh nhân nhưng nhìn bề ngoài thì không giống doanh nhân chút nào. Cậu hòa nhập một cách không thoải mái với đám học sinh, luôn mặc những chiếc áo thun dài tay cùng một kiểu rách rưới và đi những đôi vớ bốc mùi thò ra khỏi chiếc quần tây lùng thùng hết ngày này đến ngày khác. Cái cổ xương xẩu và đôi vai hẹp như bị nuốt chửng bởi chiếc áo sơmi của cậu. Nếu bắt cậu phải mang giày, cậu sẽ mang vớ vàng hoặc trắng thòi cả ra ngoài lớp da giày mòn vẹt. Cậu dường như luôn ngọ nguậy trong chỗ ngồi của mình. Đôi khi cậu trông thẹn thùng đến mức ngờ nghệch. Cũng có khi cậu biểu lộ một nét mặt cứng rắn, sắc lạnh rất khó gần.

Doris và Warren thường làm ngơ nhau nếu chẳng may hai chị em cùng đi chung đường xuyên qua đại sảnh của trường. “Doris, cô chị được nhiều người yêu mến của tôi, đặc biệt mắc cỡ về tôi bởi tôi ăn mặc rất tuyềnh toàng. Đôi khi chị em gái có thể giúp bạn hòa nhập tốt hơn với những người xung quanh, nhưng tôi thì cự tuyệt điều đó. Tất nhiên đó không phải là lỗi của chị ấy. Tôi rất cảnh giác về việc bị điều chỉnh sai lệch trong giao tiếp. Tôi cảm thấy thất vọng vô cùng.”

Người chị Doris thường làm ngơ khi gặp em trai mình ở đại sảnh của trường
Người chị Doris thường làm ngơ khi gặp em trai mình ở đại sảnh của trường

Gương mặt rắn như đá và hành động ngông nghênh che giấu sự không thể thích nghi đầy đủ với xã hội làm cuộc đời cậu trở nên khó khăn từ khi rời Omaha. Cậu muốn có một cuộc sống bình thường như mọi người làm sao! Nhưng cậu vẫn cảm thấy mình là người ngoài cuộc.

Không biết do đâu, có lẽ nhờ cậu là con của một nghị sĩ Quốc hội nên cậu đợc cho lên một chương trình phát thanh ngày 3 tháng Giêng năm 1946. Chuyên mục “Màu sắc học đường Mỹ” của đài phát thanh CBS đưa chương trình của họ đến WTOP, một đài phát thanh địa phương do Washington Post sở hữu, để cậu và bốn người bạn nhỏ khác ngồi quanh một chiếc mi-cro tranh cãi ỏm tỏi giống như “Quốc hội đang tranh luận” vậy.

Người dẫn chương trình giao cho cậu nhiệm vụ khơi mào cuộc tranh luận. Cậu đưa ra những lý lẽ thuyết phục biện hộ cho những điều vô lý – những ý kiến về quy định thuế thu nhập hay việc thôn tính Nhật bản. “Khi họ muốn một ai đó vào vai phản diện, tôi xung phong nhận ngay”. Warren kể. Nhưng khi cậu lấy tranh cãi làm vui thì thì sự láu cá của cậu ở chiều ngược lại. Những ý kiến phản bác xuất hiện nhanh như chớp và sự đối đáp một cách dữ dội gây trở lại cho công cuộc đi tìm sự yêu mến của những người bạn đồng trang lứa.

Đến lúc này, những nổ lực hòa đồng với mọi người chỉ đem lại những kết quả hỗn tạp. Cậu có khả năng mê hoặc người lớn, ngoại trừ các thầy cô giáo của cậu. Cậu cảm thấy phát ốm nếu phải chơi với đám bạn đồng trang lứa nhưng cậu cũng cố kiếm một vài người bạn thân. Cậu tha thiết muốn mọi người yêu mến cậu và đừng công kích cậu một cách cá nhân. Cậu muốn có một qui tắc. Thực ra cậu có một qui tắc, nhưng cậu không sử dụng qui tắc đó ở mức cao nhất. Giờ đây, vì thiếu các kỹ năng khác nên cậu bắt đầu chú ý đến nó hơn.

Warren tìm ra qui tắc này ở nhà ông nội cậu, nơi cậu đọc ngấu nghiến mọi thứ có thể đọc được trong tầm tay, như cậu từng đọc ở nhà mình. Lướt qua kệ sách ở phòng ngủ phía sau nhà, cậu đã “tiêu hóa” hết mọi thứ trên tờ Progressive Grocer và từng bản Daily Nebraskan từng được cha cậu biên tập, và đọc như một con mọt sách trong suốt 15 năm tờ Reader’s Digest mà Ernest đã cất giữ lại. Cái kệ sách nhỏ đó cũng có một loạt các sách tiểu sử danh nhân mà nhiều người trong số họ là doanh nhân. Từ khi còn nhỏ Warren đã được học về cuộc đời các danh nhân như Cooke, Daniel Drew, Jim Fisk, Cornelius Vandebilt, Jay Gould, John D. Rockefeller và Andrew Carnegie. Một vài trong số các quyển sách này được cậu đọc đi đọc lại nhiều lần. Một trong số đó rất đặc biệt – không hẳn là một cuốn tiểu sử bìa cứng mạ vàng mà là một cuốn sách bìa mềm được viết bởi một cựu nhân viên bán hàng tên là Dale Carnegie,có cái tựa rất lôi cuốn là How to Win Friends and Influence People. Cậu phát hiện ra cuốn này vào năm cậu 8 hay 9 tuổi.

Đắc nhân tâm
Quyển sách giúp “mở ra một chân trời mới” cho Warren Buffett

Warren biết rằng cậu cần thu phục bạn bè, và cậu muốn gây ảnh hưởng với mọi người. Cậu mở sách ra và nó hút hồn cậu ngay từ trang đầu tiên. “Muốn lấy mật thì đừng phá tổ ong.” Cuốn sách bắt đầu như thế.

Chỉ trích là vô ích, Dale Carnegie viết. Qui tắc thứ nhất: Không chỉ trích, oán trách hay than phiền. Ý này đã bám chặt đầu óc Warren kể từ ngày đó. Chỉ trích là điều cậu thường làm.

Chỉ trích đẩy con người vào thế phòng thủ, Carnegie nói, và làm họ cố gắng tự điều chỉnh mình. Điều đó thật nguy hiểm, bởi vì nó làm tổn thương lòng kiêu hãnh của con người, làm mất cảm giác mình là người quan trọng và khơi dậy lòng oán giận. Carnegie chủ trương tránh đối đầu. “Ai trong chúng ta cũng không muốn bị chỉ trích hay phê bình. Chúng ta muốn sự thành thật và sự cảm kích của người khác.” Carnegie không nói về thói xu nịnh, vốn giả dối và ích kỷ. Sự cảm kích là chân thật và nó xuất phát từ con tim. Tiếng gọi sâu xa thầm kín nhất của con người là “khát khao được trở thành người quan trọng.”

Dù rằng “không chỉ trích” là điều quan trọng nhất, nhưng có tất cả 30 qui tắc được Dale Carnegie nêu ra. Dưới đây là một vài qui tắc trong số đó:

Ai cũng muốn được chú ý và được người khác ngưỡng mộ.

Không ai muốn bị phê bình hay chỉ trích.

Âm thanh ngọt ngào nhất là tên gọi của mỗi người.

Cách tốt nhất để giải quyết một cuộc tranh cãi là đừng để nó nổ ra.

Nếu bạn sai, hãy mạnh dạn thừa nhận điều đó ngay lập tức.

Gợi ý thay vì ra lệnh.

Hãy làm cho người khác tự hào và vui sống.

Giữ thể diện cho người khác.

Hãy phê bình một cách gián tiếp.

Warren nhảy cẫng lên vì vui sướng như thể cậu vừa tìm ra một chân lý. Đây là qui tắc sống của cậu. Cậu từng cảm thấy mình khiếm khuyết trong giao tiếp xã hội đến mức cậu cần có một bộ qui tắc để ứng xử nhất quán trước mọi người, một bộ qui tắc mà cậu chỉ cần học một lần và sử dụng mãi mãi trong mọi tình huống mà không phải đắn đo suy nghĩ.

vận dụng đắc nhân tâm

Nhưng cần có số liệu chứng minh rằng bộ qui tắc này có tác dụng. Thế là cậu quyết định làm một phân tích thống kê ghi nhận lại những gì xảy ra khi cậu áp dụng, hoặc không áp dụng các nguyên tắc của Carnegie. Cậu cố gắng ân cần và bày tỏ lòng cảm kích với những người xung quanh. Cậu cố gắng không làm những gì có thể gây ra sự khó chịu nơi người khác. Không ai biết rằng Warren đang âm thầm lấy họ làm vật thí nghiệm. Cậu theo dõi phản ứng của họ trước cách cư xử của cậu. Cậu ghi nhận tất cả các kết quả. Tràn ngập niềm vui, cậu nhận ra rằng các qui tắc đó phát huy tác dụng tốt.

Giờ đây, cậu đã tìm ra qui tắc của riêng mình, một bộ qui tắc ứng xử hẳn hoi.

Nhưng chỉ biết các nguyên tắc đó thôi sẽ không giúp ích gì cho bạn. Bạn phải sống theo các nguyên tắc ấy. Tôi đang nói về một cách sống mới, Carnegie viết.

Warren vận dụng những nguyên tắc ấy ra sao và đạt được kết quả như thế nào? 

>>Theo dõi phần 2 tại đây 

Nguồn: sách Hòn tuyết lăn

Có thể bạn quan tâm: Payback Time – Ngày đòi nợ – Phil Town

(đầu tư theo phong cách Warren Buffett, Charlie Munger)

sach-Payback-Time-ngay-doi-no-phil-town

ĐỌC THỬ

ĐẶT MUA

Các viết cùng chủ đề