Chu Quần Phi – Mẹ mất sớm, cha tàn tật, 16 tuổi bỏ học thành nữ tỷ phú giàu nhất thế giới
Có lẽ chẳng ai dám nghĩ rằng một cô gái bé nhỏ sinh ra trong gia đình nghèo khó ở miền quê Trung Quốc, từng bỏ học đi làm công nhân lại có thể nỗ lực vươn lên, vượt qua bao gian khổ để trở thành nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới như vậy.Câu chuyện về cô gái nhỏ được sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở vùng quê Trung Quốc đã tự mình gây dựng nên sự nghiệp huy hoàng và vươn lên trở thành nữ tỷ phú tự thân giàu có nhất thế giới khiến cho nhiều người không khỏi trầm trồ thán phục.
Tuổi thơ cơ cực: Mẹ mất sớm, bố tật nguyền
Chu Quần Phi, sinh năm 1970 trong một thôn nghèo ở thị xã Tương Hương, thành phố Tương Đàm, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc.
Trước khi Chu Quần Phi ra đời, bố của cô đã bị mất 2 ngón tay trong một tai nạn lao động, mắt cũng gần như bị mù. Đến khi Quần Phi lên 5 tuổi, mẹ cô đột ngột qua đời, để lại người chồng tội nghiệp cùng những đứa con thơ.
Ông Chu là một người thông minh, chăm chỉ và giỏi đan lát. Ông đã từng học đan qua 8 người thầy và có tay nghề khá cao. Vì vậy, ông đã vận dụng khả năng này để kiếm tiền nuôi gia đình. Tuy số tiền bán mỗi chiếc giỏ đan không được bao nhiêu, chỉ chưa đầy 1 tệ (tương đương 3.400 đồng), nhưng đó là tất cả những gì mà họ có thể làm được vào lúc ấy.
Biết gia cảnh của mình khó khăn, ngay từ nhỏ Chu Quần Phi đã luôn nỗ lực vươn lên. Mỗi buổi sáng, cô gái bé nhỏ dậy rất sớm để đi hái rau cho lợn, sau đó đi học như bao bạn bè cùng trang lứa, đến chiều tan học cô lại tất bật cho đàn lợn và đàn gà ăn. Hàng ngày Quần Phi có rất ít thời gian học, nhưng cô vẫn luôn hoàn thành đầy đủ các bài tập được giao.
Bên cạnh đó, Quần Phi còn phải đi lấy củi ở một nơi rất xa. Đường núi hiểm trở khiến cô bị ngã không ít lần, lúc nào trở về nhà quần áo cũng lấm lem bùn đất. Tuy nhiên, cô không bao giờ để nhà thiếu củi, nếu lấy chưa đủ dùng, cô luôn sẵn sàng đi lấy tiếp chuyến nữa, chẳng màng tới quãng đường xa xôi.
Cô con gái hiếu thảo Chu Quần Phi cũng trở thành đôi mắt của bố. Mỗi khi ông ra ngoài bán giỏ đan, cô đều chống gậy đi phía trước để đỡ bố, vừa đi vừa rao bán các sản phẩm do bố cô mất bao công sức để làm ra.
Sống trong khó khăn chồng chất, Chu Quần Phi đã rèn luyện được khả năng chịu đựng và luôn có ý chí vươn lên bằng chính sức của mình. Cô luôn ao ước sau này có thể gây dựng được cơ ngơi để có thể giúp người thân của mình thoát nghèo.
16 tuổi bỏ học đi làm thuê
Năm Chu Quần Phi 16 tuổi, cậu của cô ở Quảng Đông về thăm nhà. Quần Phi đã thuyết phục được cậu đưa mình đến thị trấn Thiều Quan, ở phía Bắc tỉnh Quảng Đông làm thuê cùng.
Cô bỏ học, đi làm công nhân trong một khoảng thời gian ngắn rồi nhanh chóng xin nghỉ việc để đến thành phố Thâm Quyến tìm công việc mới.
Ngày đầu đặt chân đến Thâm Quyến đã trở thành ký ức mà cả đời này Quần Phi chẳng thể nào quên. Đó là một buổi tối mưa lạnh, cô mải miết đi mãi mà chẳng thấy công xưởng mình đang tìm ở đâu, thậm chí còn giẫm phải vũng dầu khiến cho toàn thân lấm bẩn. Mãi về sau, nhờ có sự giúp đỡ của một bạn sinh viên, cô mới tìm ra được công xưởng ao ước nằm cạnh một ngôi trường Đại học của mình.
Chu Quần Phi chính thức trở thành một công nhân trong nhà máy sản xuất mặt kính đồng hồ. Ban ngày cô đi làm trong nhà máy, đến tối, thay vì đi chơi, đi xem phim như các bạn đồng nghiệp, Chu Quần Phi miệt mài tham gia lớp học bổ túc hoặc đến thư viện. Cô gần như học tất cả những gì mà mình có thể tìm được, từ máy tính, kế toán, cho đến lái xe chở hàng… Suy nghĩ của cô khi ấy rất đơn giản, bỏ túi thêm được một kỹ năng có nghĩa là con đường mưu sinh sẽ nhiều hơn một ngả.
3 tháng sau khi đến Thâm Quyến, Chu Quần Phi viết đơn xin nghỉ việc vì cảm thấy không còn gì có thể học được nữa. Thế nhưng, lãnh đạo chẳng những không đáp ứng yêu cầu của cô mà còn giao cho cô trọng trách quản lý một nhóm nhỏ trong công xưởng in ấn mới thành lập của công ty. Tuy rằng chỉ là lãnh đạo của một nhóm nhỏ, nhưng đây vẫn là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của Chu Quần Phi: từ một cô công nhân bước lên tầng lớp lãnh đạo.
Cho đến giờ, cô vẫn không thể lý giải nổi tại sao lãnh đạo lại đột ngột tin tưởng giao phó nhiệm vụ quan trọng ấy cho mình. Cô mỉm cười chia sẻ: “Có thể là do chữ viết của tôi không tồi, hoặc cũng có thể là bởi lá đơn xin thôi việc của tôi quá cảm động chăng? Tôi rất biết ơn các vị lãnh đạo vì họ đã thu nhận tôi, cho tôi có thêm cơ hội rèn luyện bản thân.”
Chuyển sang công việc mới, Quần Phi rất chăm chỉ học hỏi và tự mình tìm tòi những điều mới lạ. Tuy nhiên, vào lúc cô đang hăng say làm việc thì người đứng đầu công xưởng đột ngột xin nghỉ việc. Công xưởng khi ấy cũng gặp phải nhiều vấn đề, các nhà đầu tư cũng đã nản lòng và chuẩn bị rút hết vốn.
Trước tình hình nguy cấp, cô gái 19 tuổi đã mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo tiếp tục đầu tư vào việc sản xuất của công xưởng. Cô đã hoàn toàn thuyết phục được lãnh đạo với một câu nói: “Nếu thành công thì lương của tôi sẽ do ngài quyết định, còn nếu thất bại thì tôi sẽ làm thuê cho ngài cả đời này.”
Kể từ khi được làm người phụ trách công xưởng in ấn, Chu Quần Phi đã dùng năng lực của mình chứng minh cho lãnh đạo thấy điều cô nói là hết sức đúng đắn. Thế nhưng, khi công xưởng phát triển lên tầm cao mới, lãnh đạo lại đưa rất nhiều người nhà vào làm việc và tạo nhiều áp lực cho Quần Phi. Chính vì vậy, chẳng bao lâu sau cô đã chủ động viết đơn xin nghỉ việc để đi tìm cho mình một chân trời mới.
22 tuổi lập nghiệp, chịu đủ mọi oan ức trên đời
Sau khi Chu Quần Phi nghỉ việc, cô nhận được rất nhiều lời mời của các công ty đối thủ. Tuy nhiên, vì muốn được tự mình làm chủ, lại nhận được sự ủng hộ rất lớn của gia đình, Chu Quần Phi quyết định thành lập doanh nghiệp của riêng mình.
Ngày 18/3/1993, Chu Quần Phi cùng với anh trai, chị dâu, chị gái, anh rể và 3 người chị em họ cùng thành lập nên một công ty gia đình. 8 người bọn họ sống và làm việc chung trong 1 căn hộ 3 phòng ngủ 1 phòng khách. Phòng khách khi ấy cũng chính là công xưởng in ấn, đóng gói của công ty. Các hoạt động ăn ngủ, sản xuất đều diễn ra trong căn hộ nhỏ.
Thời gian đầu không có đơn hàng, Chu Quần Phi phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm kiếm khách hàng. Thế nhưng, thứ mà cô nhận lại được chỉ toàn là sự lạnh nhạt và những lời từ chối thẳng thừng, thậm chí có những nơi cô còn chưa kịp trình bày đã bị lũ chó trong nhà doạ cho phát khiếp hoặc bị bảo vệ đuổi thẳng cổ ngay khi mới lò dò đặt chân đến cổng. Có lẽ vì bản thân đã bị từ chối quá nhiều, nên cho đến nay Quần Phi không biết cách từ chối người khác. Cô luôn lắng nghe người khác nói rồi mới thận trọng đưa ra quyết định của riêng mình.
Mặc dù phải chịu đủ mọi đắng cay, nhưng vì sự kiên trì đi gõ cửa khắp các nhà máy của Chu Quần Phi, các đơn hàng bắt đầu lần lượt đến với công ty của cô. Dần dà, họ đã phải thuê thêm nhân công, thuê mặt bằng lớn hơn rồi cùng nhau làm việc tăng ca tới 2-3 giờ sáng mới hoàn thành hết các đơn hàng cần giao. Công việc vất vả chẳng hề khiến họ nản lòng, mà ngược lại càng khiến cho mọi người thêm hăng hái, nhiệt huyết hơn mà thôi.
Dẫu vậy, tiền trong tay Quần phi dường như chẳng hề suy suyển gì, bởi cô còn phải gánh món nợ vay vốn ban đầu quá lớn. Vì vậy, cô đành động viên mọi người tiếp tục cố gắng hơn, làm việc chăm chỉ hơn và chịu khó thắt lưng buộc bụng để phấn đấu cho tương lai. Có những lúc, Chu Quần Phi đã phải bán nhà để lấy tiền trả lương cho nhân viên, nhưng cô không hề tỏ ra nao núng mà vẫn kiên định với con đường mà mình đã chọn.
Năm 1997, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, rất nhiều công ty ở Trung Quốc đã phải đóng cửa hoặc bán tống bán tháo thiết bị để lấy tiền trả nợ. Chu Quần Phi đã biết nắm bắt thời cơ và biến cuộc đại suy thoái kinh tế này trở thành thế mạnh của mình. Cô bắt đầu thu mua rất nhiều máy móc cũ để phục vụ cho việc sản xuất của công xưởng.
Để cải tạo máy móc cũ, Chu Quần Phi khăn gói đến Hong Kong mua đồ về phục vụ công cuộc sửa chữa. Mỗi lần đi như vậy, cô đều phải vác theo một chiếc balo rất to, bên trong chứa đầy linh kiện nặng trĩu 2 vai. Có một lần, Quần Phi đưa cô con gái nhỏ của mình đi theo. Lúc đang đứng chờ ở bến xe, cô đột nhiên cảm thấy balo trên vai mình nhẹ hẳn đi. Quần Phi nghĩ rằng balo bị thủng nên đồ đạc rơi ra ngoài nên vội vàng quay đầu nhìn lại, nhưng đập vào mắt cô lại là cảnh tượng con gái nhỏ đang giúp mẹ đỡ balo để giảm bớt sức nặng lên vai cô.
Vào thời khắc ấy, nước mắt của Chu Quần Phi bỗng tuôn trào không cách nào kiềm chế. Cô đã thề với lòng mình rằng nhất định phải cải thiện tình hình khó khăn trước mắt, để gia đình cô sau này được sống tốt hơn.
Sự nghiệp hoàn toàn thay đổi ở tuổi 32
Những năm 2000 được coi là “mùa xuân” của các sản phẩm điện tử ở Trung Quốc. Chu Quần Phi nhanh chóng nắm bắt thời cơ và quyết định chuyển đổi mô hình kinh doanh từ mặt kính đồng hồ sang mặt kính điện thoại.
Năm 2001, một người bạn của Chu Quần Phi nhận được đơn hàng sản xuất điện thoại của tập đoàn TCL (TCL Corporation là một tập đoàn điện tử đa quốc gia có trụ sở ở Huệ Châu, Quảng Đông, Trung Quốc) và giao phần chế tác bề mặt cho cô. Sau khi bàn bạc và bỏ ra nhiều ngày đêm dày công nghiên cứu, Chu Quần Phi cùng các cộng sự đã gây được tiếng vang lớn khi đi tiên phong trong kỹ thuật sử dụng sản phẩm mặt kính (lens) cho điện thoại di động.
Chiếc điện thoại TCL 3188 với người đại diện là nữ diễn viên Hàn Quốc nổi tiếng Kim Hee Sun bán rất chạy trên thị trường, và cũng nhờ đó mà các đối tác thi nhau tìm đến với công ty của Chu Quần Phi, trong đó phải kể đến hợp đồng lớn với Motorola vào năm 2003.
Tuy nhiên, chính sự phát triển nhanh chóng này lại khiến Chu Quần Phi gặp nhiều cản trở. Cô đã bị một số đối tác giở thủ đoạn chơi xấu, khiến cô không có nguồn cung cấp nguyên liệu sản xuất, trong khi ngày giao hàng cho đối tác lớn đã gần kề.
Khoảng thời gian ấy, Chu Quần Phi phải chạy vạy khắp nơi để tìm nhà cung ứng mới, cô cũng phải bán cả nhà đi để lấy tiền chi trả cho những khoản vay đến hạn thanh toán. Khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng nhờ có tình yêu thương và sự động viên của gia đình, đặc biệt là cô con gái bé nhỏ mà Chu Quần Phi đã mạnh mẽ đứng lên đương đầu với mọi cam go, thử thách.
Chiếc điện thoại Motorola V3 sử dụng màn hình do công ty của Chu Quần Phi sản xuất bán rất chạy trên thị trường khắp thế giới với lượng tiêu thụ ước tính lên tới 100 triệu chiếc, công nghệ chế tạo lens cũng nhờ đó mà tăng hẳn vị thế trong thế giới đồ điện tử.
Các ông lớn trong ngành điện tử thay nhau tìm đến Chu Quần Phi. Năm 2005, Samsung sử dụng công nghệ lens cho toàn bộ sản phẩm đầu DVD và máy nghe nhạc MP3. Đến năm 2006, Chu Quần Phi trở thành nhà cung cấp cho hãng điện thoại “huyền thoại” Nokia. Rất nhiều hãng đồ điện tử gia dụng của Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều nước khác cũng tìm đến với Chu Quần Phi.
36 tuổi trở thành “nữ vương” trong ngành màn hình điện thoại cảm ứng
Công nghệ màn hình điện thoại cảm ứng chỉ thực sự thăng hoa khi Apple sản sinh ra những chiếc smartphone khiến người dân trên toàn thế giới điên đảo. Và công ty Lens Technology của Chu Quần Phi chính là nhà cung cấp màn hình cho Apple.
Để có được sự tin tưởng của Apple, Chu Quần Phi đã phải trải qua rất nhiều cuộc khảo nghiệm với vô số đêm thức trắng. Và kể từ khi chiếc điện thoại đầu tiên ra đời cho đến nay, Apple vẫn luôn sử dụng công nghệ lens trong sản xuất điện thoại.
Chu Quần Phi cho biết: “Tôi muốn những việc mà mình có thể làm tốt thì cho dù là mất ăn mất ngủ cũng phải làm cho thật hoàn chỉnh.”
Với tinh thần cầu toàn và hết mình vì công việc, cô đã nhanh chóng thống trị và trở thành “nữ vương” trong ngành màn hình điện thoại cảm ứng.
Vươn lên đỉnh cao sự nghiệp ở tuổi 45
Năm 2009, công việc kinh doanh màn hình điện thoại cảm ứng mang lại cho Chu Quần Phi mức lợi nhuận là 890 triệu tệ thì đến 6 năm sau con số này đã tăng lên 17,2 tỷ tệ.
Chu Quần Phi đã phải trải qua bao cay đắng, phải làm việc 18 giờ mỗi ngày – trong đó có 1/4 thời gian là ở văn phòng – thì mới có được thành công vang dội như ngày hôm nay.
Ở tuổi 45, Chu Quần Phi đã trở thành nữ tỷ phú tự thân giàu có nhất thế giới với khối tài sản ước tính lên tới 10 tỷ USD (theo thống kê của Forbes). Cô là người sáng lập nên Lens Technology – công ty chuyên cung cấp màn hình điện thoại cảm ứng cho các “ông lớn” trong làng điện tử thế giới có trụ sở ở thị trấn Lưu Dương, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Hiện Lens Technology có trên 74.000 nhân viên tại 32 nhà máy ở 7 địa điểm khác nhau.
Nguồn: Kenh14
Thiết Kế Cuộc Đời Thịnh Vượng – Thái Phạm
Hướng dẫn chi tiết cách xây dựng cuộc đời đáng mơ ước của bạn