fbpx

10 dấu hiệu lừa đảo Chứng Khoán – Tài Chính bạn nhất định phải biết

Nếu bạn đang tìm cơ hội đầu tư và kiếm tiền trên thị trường chứng khoán, có khả năng bạn sẽ gặp một số đối tượng quảng cáo ‘cam kết lãi 100%’ hoặc những lời hứa hẹn viển vông tương tự. Đa phần đó là sự lừa đảo.

Bạn sẽ tự hỏi: ‘Điều đó làm sao thực hiện được nhỉ?’. Đa số trường hợp câu trả lời là không thể nào, và những lời đề nghị, hứa hẹn đó đều dùng để đánh lạc hướng, nếu không muốn nói là lừa đảo. Ngay cả những nhà đầu tư sành sỏi kinh nghiệm nhất cũng có thể trở thành nạn nhân của trò lừa đảo đầu tư, điển hình là những nhà quản lý chuyên nghiệp đã đem tiền của khách hàng cho Bernard Madoff. Còn một nhà đầu tư có trí tuệ cũng như kinh nghiệm trung bình như bạn thì sao, phải làm gì để tự bảo vệ mình khỏi những tay siêu lừa đang cố chia cắt bạn và những đồng tiền bạn kiếm bằng mồ hôi nước mắt? Có vài dấu hiệu có thể cảnh báo sự bất ổn của một kế hoạch đầu tư, nếu bạn chịu khó tập trung và biết mình nên tìm hiểu những gì. Và đây là 10 dấu hiệu đó:

1. Một kế hoạch quá béo bở để trở thành hiện thực

Bạn biết đấy. Thỉnh thoảng có những tay sát thủ trên thương trường, nhưng rất, rất ít thôi. Và bọn họ cũng không thể giữ phong độ suốt ngày này sang tháng khác. Nếu ai đó đứng ra đảm bảo một khoản lợi nhuận vừa kếch xù vừa chắc chắn, thì bạn nên tránh xa lời đề nghị như vậy.

2. Họ đưa ra một lời ‘đảm bảo’.

Không ai đảm bảo được lợi nhuận, trừ phi họ mời chào các loại trái phiếu hoặc chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cố định. Lợi nhuận trên thị trường chứng khoán không bao giờ được đảm bảo. Không bao giờ.

3. Đó là một cơ hội phức tạp và hiếm có.

Có đôi khi người ta phán rằng họ tiếp cận được một cơ hội đặc biệt, không phải ai cũng được chào mời. Họ có thể sử dụng những lời hoa mỹ như: ‘chứng chỉ cho vay với lãi suất cơ bản’ hoặc ‘cố phiếu phát hành mới cho cá nhân’. Hoặc họ quảng cáo rằng mình thông thạo kỹ thuật liên quan đến dự báo thị trường hoặc thị trường ngoại hối (forex).

4. Những mô hình kinh doanh mới.

Có thể bạn được chào mời cơ hội tham gia đầu tư cho một công nghệ ‘làm thay đổi thế giới’ nào đó. Các công ty về công nghệ sinh học và công nghệ xanh đang rất phổ biến hiện nay. Một công ty công bố rằng họ đang nắm giữ bằng phát minh của một công nghệ tạo ra cuộc cách mạng thay đổi thế giới, còn bạn may mắn có cơ hội tham gia đầu tư trước khi các nhà đầu tư thuộc tổ chức bước chân vào. Thử đoán xem? Công nghệ ở đây có thể về lý thuyết thì tuyệt vời, nhưng khả năng cao là nó không hề tồn tại.

5. Bạn bị lôi kéo bởi một ‘người giới thiệu’.

môi giới chứng khoán

Đây là một trong những trò lừa đảo kinh điển trong sách vở, dựa trên sức mạnh của các mối quan hệ xã hội. Tên lừa đảo sẽ trả tiền cho những người ở tầng trên cùng, nhằm khiến họ lôi kéo thêm bạn bè người quen. Bạn bị thuyết phục bởi người giới thiệu là người quen: họ thực sự nhận được thù lao như đã hứa. Nếu may mắn bạn có thể được trả tiền. Nhưng khi tên lừa đảo đã có được điều hắn muốn thì tất nhiên hắn sẽ cao chạy xa bay, còn bạn thì ở lại với hai bàn tay trắng.

6. Áp lực thời gian.

Nhiều tay lừa đảo sẽ tạo áp lực cho bạn bằng những lời ‘chào bán ngắn hạn’ buộc bạn đưa ra quyết định sớm. Chúng không cho bạn thời gian cân nhắc xem các cổ phiếu chào bán này có giá trị gì hay không.

7. Không sử dụng tài khoản độc lập của bên thứ ba.

Không có hình thức đầu tư nào lại ‘đổ’ tiền của bạn và của người khác vào trong một tài khoản chung. Bạn luôn cần phải có tài khoản riêng được chịu trách nhiệm bởi ai đó chứ không phải đối tượng lừa đảo, ngoài ra bạn cần phải được cập nhật thông tin tài khoản định kỳ. Đương nhiên việc này không ngăn chặn được mô hình Ponzi của siêu lừa Madoff, nhưng cũng là một cách thức cảnh báo cho bạn tránh được những hình thức lừa đảo sơ đẳng hơn.

8. Thuyết âm mưu.

Kẻ lừa đảo nhắm vào nỗi sợ hãi của con người. Chúng có thể bóng gió rằng nhà nước đang chủ động ‘kìm hãm’ bạn khỏi công cuộc làm giàu bằng cách bưng bít thông tin hoặc cấm đoán một số loại hình đầu tư nào đó mà chúng rất sẵn lòng giới thiệu cho bạn.

9. Chúng không đăng ký giấy phép.

Rõ như ban ngày rồi. Bất cứ công ty đầu tư chính thống nào cũng như các nhân viên chào bán các khoản đầu tư phải được Ủy Ban Chứng Khoán hoặc cơ quan chức năng nào đó cấp phép. Hãy đảm bảo bạn xác nhận được việc người chào bán có đăng ký. Việc này có thể không phải lúc nào cũng bảo vệ được bạn, nhưng ít ra cũng hữu dụng khi bạn cần cầu cứu trong trường hợp bị lừa đảo.

10. Những lời khuyên đầu tư thực sự tồi.

Bọn lừa đảo sẽ khuyến cáo bạn ‘dồn hết tài sản’ vào mối đầu tư của chúng. Chúng có thể còn hối thúc vay thêm hoặc trích khoản tiền hưu trí của bạn để góp vào quỹ đầu tư với chúng. Bất cứ điều gì đi ngược lẽ thường đều là tín hiệu cảnh báo cho bạn. Bạn muốn đầu tư số tiền vất vả kiếm được để sinh lời. Nhưng hãy đầu tư một cách thông minh, và đừng dại dột biếu không cho những tay lừa đảo láu cá.

Nguồn: tindich/lifehack

Có thể bạn quan tâm: Lạc Quan Tếu – Irrational Exuberance

Nhận diện SIÊU BONG BÓNG

Cơ hội làm giàu từ sự phi lý trí của thị trường chứng khoán

Giải mã từ khóa “lạc quan tếu” trong tâm lý đầu tư

ĐỌC THỬ

ĐẶT SÁCH

Các viết cùng chủ đề