10 lưu ý quan trọng để kết nối thàng công (phần 3)
Kết nối sẽ không còn khó nữa nếu bạn nắm rõ 10 lưu ý quan trọng. Dưới đây là 4 lưu ý cuối cùng giúp bạn xây dựng những mối quan hệ chất lượng.
Bài viết dưới đây được trích từ cuốn sách Siêu Cò – Cách thức biến quan hệ thành tiền tệ (tác giả Judy Robinett)
Bạn có thể đọc lại 10 lưu ý quan trọng để kết nối thành công (phần 1)
Bạn có thể đọc lại 10 lưu ý quan trọng để kết nối thành công (phần 2)
7. Đề cập đến yêu cầu của bạn, nhưng đừng cố “bán” nó
Chỉ sau khi bạn đã làm tăng giá trị cho mối quan hệ, bạn mới nên nói về nhu cầu và mong muốn của riêng mình. Hãy nghĩ về nó như một trò “trêu” người khác hơn là một yêu cầu nghiêm túc.
Bạn cần họ biết điều gì đó về bạn và doanh nghiệp bạn, cũng như những điều bạn đang làm lúc này để họ có thể nhớ tới bạn. Hãy nhớ rằng, các mối quan hệ chỉ phát triển mạnh mẽ nếu cả hai bên đều có cơ hội cho và nhận. Bạn đang cung cấp cho mọi người thông tin rằng: bạn cho phép họ giúp đỡ bạn lúc nào đó nếu có cơ hội. Việc đề cập đến yêu cầu của bạn sẽ giúp đặt nền tảng cho mối quan hệ chuyên môn giữa hai đối tác bình đẳng.
8. Tạo ra điểm kích thích đặt nền tảng cho một cuộc gặp gỡ khác
Nhiều người mắc sai lầm khi cố gắng gây ấn tượng với một kết nối tiềm năng trong cuộc gặp đầu tiên. Nhưng để phát triển mối quan hệ lâu dài, bạn cần nhắm đến mục tiêu tạo điểm kích thích, chứ không phải gây ấn tượng.
Chuyên gia truyền thông Robert Dilenschneider gọi đây là “sự đâm sâu”: bạn liên lạc một cách nhanh chóng, thiết lập đủ điều kiện để đảm bảo có cuộc gặp mặt tiếp theo, sau đó rời đi.
Các chuyên gia thuyết trình nói rằng: bất cứ khi nào phát biểu, bạn nên tự hỏi bản thân rằng, “Phần thông tin quan trọng mà tôi muốn để lại cho khán giả là gì?”. Hãy thử tự hỏi bản thân câu hỏi tương tự: “Tôi có thể nói điều gì để tạo ra một nền tảng để kết nối trong tương lai?”.
Như Martin Zwilling từng bình luận, “Những người kết nối tuyệt vời không chỉ mải mê trong cuộc trò chuyện. Họ dùng ý định và sắc thái của mình để định hình chúng một cách cẩn thận”.
Một khi bạn đã phát hiện ra điều mọi người thực sự muốn và cần, thì bạn cũng đã tăng thêm giá trị trong các lĩnh vực đó, bạn đã hoàn thành việc đặt nền tảng cho liên hệ sẽ diễn ra trong tương lai. Như mọi người thường nói trong ngành sân khấu, đây là lúc bạn rời khỏi sân khấu và khiến khán giả cảm thấy muốn xem nhiều hơn nữa.
9. Nắm bắt dữ liệu của họ, và cam kết theo dõi một cách nhanh chóng
Để có thể giữ được liên lạc, trong một thời gian ngắn bạn sẽ cần nắm bắt dữ liệu của họ một cách hiệu quả và thanh lịch.
Hãy nhận và đưa danh thiếp. Hãy chắc chắn trên danh thiếp có liệt kê nhiều cách để liên lạc với bạn: số điện thoại, email, thông tin LinkedIn, website… Nếu thích hợp, trước khi đưa danh thiếp, bạn có thể nói, “Hãy đợi một lát, để tôi cho bạn số điện thoại trực tiếp của tôi” và viết số ở mặt sau danh thiếp.
Tùy thuộc vào từng cá nhân, tôi có thể sẽ hỏi, “Cách tốt nhất để liên lạc với bạn là gì?” hay “Trợ lý của bạn tên gì nhỉ?” và sau đó ghi chú vào mặt sau danh thiếp. Dù bạn nắm bắt thông tin bằng cách nào – trên điện thoại, trong phần mềm Outlook, trong phần “Relationship” của hồ sơ cá nhân trên LinkedIn – đừng bao giờ quên ghi chú về nơi chốn và thời điểm bạn gặp người này, cũng như bất kỳ chi tiết nào có thể hữu ích trong tương lai.
Trở về từ một hội nghị mà trong tay chỉ có một tấm danh thiếp và ký ức mơ hồ sẽ không thể giúp bạn xây dựng các mối quan hệ chiến lược mạnh mẽ.
Để kết nối quyền năng, bạn cần những hệ thống cụ thể, chứ không phải trí nhớ.
Đọc thêm Xây dựng chiến lược kết nối 5+50+100
Khi bạn chuẩn bị rời đi, hãy cam kết sẽ sớm liên lạc lại với họ – và hãy làm đúng như lời bạn nói. Nếu câu chuyện của bạn đã đủ kích thích, họ sẽ hoan nghênh đề nghị của bạn thôi.
Với các mối quan hệ trong kinh doanh, hầu hết mọi người đều dừng lại nếu người họ cần cách họ quá ba liên kết. Trước khi bạn rời khỏi bất kỳ cuộc họp hoặc cuộc nào, đừng bao giờ quên hỏi ba câu hỏi vàng sau đây.
Đầu tiên, “Tôi có thể giúp gì cho bạn?”
Câu hỏi này mang đến cho bạn cơ hội ngay lập tức làm tăng giá trị cho mối quan hệ với một gợi ý, lời giới thiệu, hoặc cơ hội. Nó sẽ thiết lập bạn với hình ảnh một người “cho đi” và có khả năng là người mà họ muốn quen biết.
Thứ hai, “Bạn có ý tưởng gì cho tôi không?”
Việc hỏi về ý tưởng cho phép người bạn đang nói chuyện tăng thêm giá trị cho bạn, như bạn đã (hy vọng là bạn đã làm được) tăng giá trị cho họ.
Thứ ba, “Bạn nghĩ tôi nên nói chuyện với người nào nữa?”
Kết nối mà bạn rất cần có thể nằm trong mạng lưới quan hệ của người này, và cách duy nhất để tìm ra người đó là hỏi câu hỏi này. Một khi bạn hỏi những câu hỏi này, hãy im lặng và lắng nghe. Nếu bạn đã gắn kết được với họ trong suốt cuộc trò chuyện vừa qua, bạn có thể rất vui mừng với câu trả lời nhận được. Sau đó, hãy kết thúc cuộc trò chuyện bằng một tuyên bố đơn giản nhưng đầy ý nghĩa: “Rất vui khi giúp được bạn”. Như vậy thì đối phương có thể sẽ nhớ nó khi bạn liên lạc lại với họ.
10. Không phải mọi cuộc trò chuyện đều dẫn đến một sự bổ sung mối quan hệ mới cho vòng tròn quyền lực của bạn
Không phải mọi việc bạn làm hoặc mọi thông tin giá trị bạn trao đi sẽ được trả lại. Đôi khi bạn chỉ có một cuộc đối thoại thân thiện, sau đó chúc anh ấy/cô ấy có một cuộc sống tuyệt vời và không bao giờ gặp lại họ lần nào nữa. Cho dù cuộc trò chuyện và gặp gỡ của bạn có biến thành mối quan hệ lâu dài hay không, tôi vẫn tin rằng việc tập trung và cung cấp giá trị cho con người chính là khoản vay mà chúng ta phải trả cho thời gian sống trên trái đất.
Tôi cũng tin rằng trong mỗi cuộc gặp gỡ, bạn đều có thể học được điều gì đó mới mẻ, có được những trải nghiệm mới và có thể tìm thấy một người bạn hoặc cộng sự mới. Càng cung cấp nhiều giá trị, càng kết nối được với nhiều người, thì sẽ càng có nhiều cơ hội và mối quan hệ đến với bạn hơn.
Happy Live Team
Nguồn: Trích sách “Siêu Cò – Cách thức biến quan hệ thành tiền tệ”