2 vấn đề trọng yếu liên quan tới nâng hạng thị trường đã được UBCKNN làm việc với Ngân hàng Nhà nước và Bộ Kế hoạch đầu tư nhằm tháo gỡ
Chủ tịch Vũ Thị Chân Phương cho biết UBCKNN sẽ tiếp tục đề ra các giải pháp khắc phục và tập trung triển khai vào một số mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2023.
Ngày 12/7/2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tổ chức Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Chủ tịch Vũ Thị Chân Phương dự và chủ trì Hội nghị. Cùng tham dự Hội nghị còn có Ban Lãnh đạo UBCKNN, đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Tài chính và UBCKNN; đại diện lãnh đạo Sở GDCK Việt Nam (VNX), Sở GDCK Hà Nội (HNX), Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh (HOSE) và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD).
Trình bày báo cáo tại Hội nghị, ông Phạm Hồng Sơn – Phó Chủ tịch UBCKNN cho biết, mặc dù trải qua nhiều biến động mạnh, nhưng xét về tổng thể, thị trường chứng khoán Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 vẫn giữ vững hoạt động ổn định, thông suốt và an toàn. Những kết quả khả quan về tình hình kinh tế – xã hội, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo; chính sách tiền tệ, tài khóa được điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả là những yếu tố nền tảng tích cực của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, Ban lãnh đạo UBCKNN đã quyết liệt chỉ đạo, điều hành và đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ được giao, cụ thể:
Thứ nhất về hoàn thiện khung pháp lý, UBCKNN đã chủ động, tích cực nghiên cứu, xây dựng các văn bản pháp lý theo đúng chương trình đề ra, theo đó UBCKNN đã trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 30/2023/TT-BTC ngày 17/5/2023 hướng dẫn việc đăng ký, lưu ký, thực hiện quyền, chuyển quyền sở hữu, thanh toán giao dịch và tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ tại thị trường trong nước; đã hoàn thiện dự thảo 02 Thông tư (i) về hướng dẫn hình thức đóng góp, mức đóng góp, trích lập, quản lý và sử dụng quỹ hỗ trợ thanh toán, quỹ phòng ngừa rủi ro nghiệp vụ do Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam quản lý và (ii) Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 57/2021/TT-BTC quy định lộ trình sắp xếp lại thị trường giao dịch cổ phiếu, thị trường giao dịch trái phiếu, thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh và thị trường giao dịch các loại chứng khoán khác. Đồng thời, UBCKNN đã tiến hành rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán 2019, Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, các văn bản hướng dẫn để có đánh giá, tổng kết thi hành và kiến nghị các cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với bối cảnh hoạt động mới của thị trường.
Thứ hai về công tác giám sát, thanh kiểm tra trên TTCK, UBCKNN đã chỉ đạo các Sở Giao dịch Chứng khoán theo tuyến giám sát, đẩy mạnh việc giám sát tuân thủ đối với các công ty niêm yết, đăng ký giao dịch; giám sát giao dịch trên thị trường chứng khoán để có các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật. Trong 6 tháng năm 2023, trên cơ sở kết quả giám sát thường xuyên, kết quả thanh kiểm tra, UBCKNN đã ban hành hơn 180 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong đó xử phạt 02 trường hợp thao túng với tổng số tiền phạt 2,05 tỷ đồng; một số vụ việc xử phạt đã áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả. Bên cạnh đó, UBCKNN đã phối hợp chặt với với các cơ quan chức năng trong xử lý các vụ việc có dấu hiệu hình sự.
Thứ ba về hoạt động tổ chức thị trường, UBCKNN đẩy mạnh công tác tái cấu trúc thị trường chứng khoán, nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng của các định chế trung gian thị trường thông qua việc tiếp tục thực hiện tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, kết quả, về năng lực tài chính của các công ty chứng khoán, tính đến hết quý I/2023, tổng nguồn vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán là 230.134 tỷ đồng, tăng 27,4%; tỷ lệ an toàn tài chính trên 180%; đối với các công ty quản lý quỹ, tổng giá trị tài sản quản lý (AUM) tại các công ty quản lý quỹ thống kê tại thời điểm hết tháng 5/2023 ước tính khoảng 600 nghìn tỷ đồng, tăng 9,2% so với thời điểm cuối năm 2022, hoạt động kinh doanh của các công ty quản lý quỹ là ổn định và có lãi.
Thứ tư về việc nâng hạng thị trường, nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam là nhiệm vụ cần sự đồng thuận và phối hợp triển khai không chỉ của riêng thị trường chứng khoán mà còn cả sự tham gia của các Bộ, ngành liên quan. Việc thống nhất về quan điểm giữa các Bộ, ngành để triển khai hoặc sửa đổi quy định hiện hành nhằm tạo điều kiện cho công tác nâng hạng thị trường là yếu tố rất quan trọng. Trong các vấn đề còn vướng mắc để nâng hạng thị trường, UBCKNN trong thẩm quyền của mình đã và đang triển khai đồng thời các giải pháp tháo gỡ, đã tổ chức làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Kế hoạch đầu tư để tháo gỡ hai vấn đề trọng yếu trước mắt ảnh hưởng đến việc nâng hạng thị trường.
Thứ năm về công tác truyền thông, UBCKNN đã tăng cường cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời tới công chúng đầu tư, giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận nhanh và đầy đủ nguồn thông tin chính thống, hạn chế sự tác động về tâm lý do tin đồn, tin giả mạo trên thị trường. Nâng cao chất lượng nhà đầu tư cá nhân gắn với đào tạo, phổ cập kiến thức và thông tin tuyên truyền.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương bày tỏ sự cảm ơn các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, các Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký chứng khoán đã phối hợp chặt chẽ với UBCKNN để thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Chia sẻ một số nội dung trọng tâm đã triển khai trong 6 tháng đầu năm, Chủ tịch Vũ Thị Chân Phương cho biết, UBCKNN đã cùng với các Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán và các đơn vị liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi, bổ sung một số nội dung cho phù hợp với sự phát triển của thị trường trong thời gian tới.
“Công tác thanh tra, giám sát được tăng cường, quyết liệt, một số vụ việc đã được phát hiện, xử lý nghiêm. Căn cứ kết quả giám sát, kiểm tra, UBCKNN đã chủ động chuyển cơ quan chức năng xem xét, xử lý một số vụ việc thao túng thị trường chứng khoán, từ đó đảm bảo thị trường chứng khoán hoạt động an toàn, minh bạch hơn, tạo niềm tin cho nhà đầu tư.” – Chủ tịch Vũ Thị Chân Phương nhấn mạnh.
Cũng tại Hội nghị, Chủ tịch UBCKNN cho biết, nền kinh tế trong nước những tháng cuối năm có nhiều triển vọng tăng trưởng tích cực khi những nút thắt của kinh tế đang tiếp tục được tháo gỡ, chính sách tiền tệ nới lỏng hơn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, trong khi kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. Tuy nhiên, Việt Nam với độ mở kinh tế lớn nên vẫn tiềm ẩn những rủi ro do suy thoái kinh tế toàn cầu, chính sách tiền tệ thắt chặt ở các nước phát triển, giá cả hàng hóa leo thang và biến động địa chính trị.
“Trong bối cảnh trên, nhìn nhận những kết quả đã đạt được cùng những vấn đề còn tồn tại trong 6 tháng đầu năm 2023, UBCKNN tiếp tục đề ra các giải pháp khắc phục và tập trung triển khai vào một số mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2023” – Chủ tịch Vũ Thị Chân Phương nói.
Trong thời gian tới, UBCKNN sẽ phối hợp với các Sở GDCK, Trung tâm lưu ký chứng khoán hoàn thiện khung pháp lý, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin…. Bên cạnh đó, UBCKNN sẽ tiếp tục phát triển thị trường bền vững, minh bạch thông qua việc rà soát, thẩm định chặt chẽ, đúng quy định đối với các hồ sơ phát hành; tăng cường công tác giám sát theo các tuyến và thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm hỗ trợ thị trường chứng khoán hoạt động minh bạch, hiệu quả, bền vững.
Thông tin thị trường chứng khoán 6 tháng đầu năm 2023
Tính đến ngày 30/6/2023, chỉ số VN-Index đạt 1.120,8 điểm, tăng 11,2% so với cuối năm 2022; HNX-Index đóng cửa ở mức 227,32 điểm, tăng 10,7% so với cuối năm 2022.
Cùng diễn biến với chỉ số, sau khi giảm mạnh trong quý I/2023, thanh khoản trên thị trường có diễn biến tích cực trong quý II/2023 với thanh khoản liên tục cải thiện, đặc biệt trong tháng 4 và tháng 6, thanh khoản đã tăng lần lượt 25,8% và 27,2% so với tháng trước và đạt 19.829 tỷ đồng/phiên trong tháng 6, tăng 64,8% so với bình quân của tháng 1/2023. Từ đầu năm đến nay mặc dù giảm khoảng 31,9% so với bình quân năm trước, song giá trị giao dịch bình quân quý II vẫn tăng khoảng 37% so với quý I.
Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu và quy mô niêm yết tiếp tục tăng so với cuối năm 2022. Tính đến ngày 30/6, mức vốn hóa thị trường đạt 5,78 triệu tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2022, tương đương 60,8% GDP. Quy mô niêm yết, đăng ký giao dịch của thị trường tính đến cuối tháng 6/2023 đạt gần 2 triệu tỷ đồng, tăng 0,7% so với cuối năm 2022 với 743 mã cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 sở giao dịch chứng khoán và 866 mã cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Số lượng tài khoản nhà đầu tư mới tham gia thị trường tiếp tục tăng. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, tổng số tài khoản mở mới tăng 413.976 tài khoản chứng khoán, đưa tổng số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam lên hơn 7,31 triệu tài khoản, tăng 6% so với cuối năm 2022.
Trong quý I/2023, thị trường chứng khoán phái sinh duy trì diễn biến sôi động của năm trước, tiếp tục trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn cho công chúng đầu tư, giúp nhà đầu tư đa dạng hóa dòng tiền đầu tư. Khối lượng giao dịch bình quân hợp đồng tương lai chỉ số VN30 trong quý I đạt khoảng 305 nghìn hợp đồng/phiên, tăng 12% so với thanh khoản trung bình năm 2022. Đặc biệt, ngày 30/3 thị trường ghi nhận phiên giao dịch có khối lượng hợp đồng mở (OI) lập đỉnh mới với 72.075 hợp đồng. Tuy nhiên, tính chung trong 6 tháng đầu năm thanh khoản thị trường giảm so với năm trước khi thị trường trầm lắng hơn trong quý II với khối lượng giao dịch bình quân sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 đạt 237.713 hợp đồng/phiên, giảm 12,8% so với bình quân năm trước. Khối lượng mở (OI) tăng nhẹ, tính đến ngày 30/06/2023, khối lượng mở OI toàn thị trường đạt 50.337 hợp đồng, tăng 1,1% so với cuối năm 2022.
Tính đến cuối tháng 5/2023, tổng mức huy động vốn thực tế trên TTCK ước đạt 187.273 tỷ đồng, tăng 86,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tiến Phát