3 câu hỏi mà nhà đầu tư F0 nên trả lời trước khi xuống tiền mua cổ phiếu
Tự trả lời được 3 câu hỏi này trước khi bước chân vào thị trường chứng khoán sẽ giúp nhà đầu tư F0 giảm bớt phần nào rủi ro thua lỗ.
Câu hỏi 1: Số tiền mình đầu tư có phải là tiền nhàn rỗi hay không?
Vì chứng khoán là thị trường có rủi ro nên bắt buộc số tiền mình đầu tư phải là tiền nhàn rỗi. Nếu không, khi thị trường giảm hoặc khi bạn chưa bán được hàng, mà tiền vốn lại là tiền đi vay mượn hoặc tiền tiết kiệm, tiền sinh hoạt phí,… thì lúc đó cuộc sống của bạn sẽ bị ảnh hưởng.
Tiền nhàn rỗi: Đây là khoản tiền mà bạn dám tự tin khẳng định mình sẽ “không động tới” trong một khoảng thời gian nhất định, nên là từ 3 tháng trở lên.
Thử tự hỏi mình xem nếu bây giờ không may xe cộ/điện thoại lăn ra hỏng, hoặc tệ hơn là ốm đau, thất nghiệp, liệu mình có cần dùng tới số tiền mà mình đang nghĩ là “tiền nhàn rỗi” hay không. Nếu tự tin nói “không”, đó mới là khoản tiền thực sự “nhàn rỗi” mà bạn nên tính tới chuyện đầu tư.
Câu hỏi 2: Mức độ chấp nhận rủi ro là như thế nào và lãi kỳ vọng ra sao?
Đây là vấn đề mà bạn bắt buộc phải quan tâm vì nó chính là cơ sở để bạn biết khi nào mình nên chốt lãi hoặc cắt lỗ. Ví dụ bạn xác định bản thân chỉ có thể chịu rủi ro khoảng 15% thì đến khi thấy việc đầu tư của mình lỗ sắp đến 15% rồi, bạn sẽ biết mình phải cắt lỗ thôi. Tương tự với lãi kỳ vọng. Đó đều là những điểm mốc để bạn vin vào trên hành trình đầu tư của mình.
Trong đầu tư tài chính, có một khái niệm để miêu tả mức độ chấp nhận rủi ro của một người: Khẩu vị rủi ro. Khẩu vị rủi ro là khái niệm được sử dụng để chỉ sự sẵn sàng, khả năng chấp nhận các mức độ rủi ro của nhà đầu tư trong việc theo đuổi mục tiêu mà họ cho là có giá trị và đáng để đánh đổi.
Khẩu vị rủi ro trong đầu tư không phải là một đặc tính tuyệt đối, mà thường được chia thành ba cấp độ chính: thấp, trung bình và cao.
– Khẩu vị rủi ro thấp: Những nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro thấp thường không chấp nhận sự mất mát, thua lỗ quá lớn về tiền bạc hay tài sản. Thay vào đó, họ tìm những cơ hội đầu tư có tính thanh khoản cao và mức độ rủi ro thấp, đi đôi với đó là lợi nhuận cũng không cao.
– Khẩu vị rủi ro trung bình: So với khẩu vị rủi ro thấp, nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro trung bình thường chấp nhận một mức độ rủi ro nhất định và tìm kiếm những cơ hội đầu tư có khả năng sinh lời cao hơn nhưng vẫn đảm bảo tính thanh khoản. Nhóm người này không phải là người quá “chắc ăn” hay quá “mạo hiểm”, mọi thứ với họ đều ở mức độ vừa phải: đủ rủi ro để tạo nên thách thức nhưng cũng đủ an toàn để chừa đường lui cho bản thân.
– Khẩu vị rủi ro cao: Trái ngược hoàn toàn với những người sở hữu khẩu vị rủi ro thấp, nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao là người sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để đầu tư vào các cơ hội sinh lợi cao hơn dù biết song song đó, khả năng thua lỗ của họ cũng vô cùng cao.
Xem thêm 8 cuốn sách đầu tư kinh điển đáng đọc trong năm 2024
Câu hỏi 3: Cập nhật thông tin kiến thức ở đâu?
Trước khi đầu tư chứng khoán, bạn cần tìm hiểu về thị trường, ngành nghề, kinh tế vĩ mô, doanh nghiệp và các khái niệm như lãi kép là gì? phân tích cơ bản ra sao? phân tích kỹ thuật như thế nào?… Khi có trong tay một vốn kiến thức vững, cộng thêm quá trình nghiên cứu doanh nghiệp kỹ lưỡng, bạn sẽ tự tin khi đặt lệnh mua – bán cổ phiếu.
Nếu bạn là nhà đầu tư F0, hãy tham khảo chuỗi video chứng khoán A Bờ Cờ được chia sẻ bởi anh Thái Phạm, người có hơn 17 năm kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán.
Nếu bạn là nhà đầu tư F0, muốn đọc thêm những cuốn sách nền tảng, hãy tham khảo:
1. Ngày Đòi Nợ – Phil Town
2. Bộ Làm giàu từ chứng khoán – William O’Neil
3. Tuyệt kỹ giao dịch bằng đồ thị Nến Nhật – Steve Nison
4. Basic Economics – Thomas Sowell
Hy vọng qua bài viết này, các nhà đầu tư mới tham gia thị trường sẽ có thêm góc nhìn và chuẩn bị tài chính để kiếm bộn tiền từ chứng khoán trong năm 2024.
Happy Live Team
Nguồn: cafebiz, team sưu tầm và bổ sung
Có thể bạn quan tâm
Bộ Sách Tuyệt Đỉnh Kungfu Chứng Khoán 2023
Trọn bộ 26 ấn phẩm giúp bạn có thể Rèn tuyệt kỹ – Luyện nội công chinh phục thị trường chứng khoán