4 loại cảm xúc nguy hiểm nhất khi đầu tư chứng khoán
Trong khi có rất nhiều quyển sách hoặc các bài chia sẻ về phương pháp giao dịch thì có rất ít các bài viết nói về tâm lý của nhà đầu tư khi giao dịch chứng khoán. Điều này có thể là do phần lớn các nhà đầu tư áp dụng phương pháp phân tích cơ bản hoặc phân tích kỹ thuật vào việc mua bán, dẫn đến có xu hướng dùng các công thức và mô hình toán học nhiều hơn nên xem nhẹ yếu tố tâm lý trong đầu tư. Tuy nhiên trên thực tế, yếu tố tâm lý tác động rất lớn đến kết quả đầu tư của bạn, vì thế nếu bạn muốn thành công trên thị trường chứng khoán xin đừng bỏ qua những bài học về yếu tố này.
Trong bài viết này, tôi sẽ giúp các bạn nhận ra các yếu tố tâm lý cơ bản của nhà đầu tư và cách tránh những cạm bẫy tâm lý cơ bản nhất, để bạn có thể cải thiện khả năng đầu tư của chính mình một cách hiệu quả nhất.
Nhiều người có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường thường đưa ra lời khuyên dành cho các nhà đầu tư mới là nên giao dịch chứng khoán ảo để rút kinh nghiệm. Điều này sẽ giúp bạn học được cách mua bán, những mô hình kỹ thuật và các điểm nóng nhưng nó lại không thể giúp bạn có được những bài học về tâm lý đầu tư – điểm tác động lớn nhất đến kết quả đầu tư thực tế của bạn – vì khi bạn đầu tư vào thị trường ảo, đó không phải là tiền của bạn nên những yếu tố tâm lý vẫn chưa thể tác động đến bạn.
Là một nhà đầu tư cá nhân thì bạn đang ở trong một cuộc chiến – cuộc chiến giữa bạn với chính tâm lý của bạn – bạn phải suy nghĩ tách biệt khỏi số đông và những yếu tố tâm lý cơ bản nhất của chính mình.
Bốn cảm xúc nguy hiểm nhất khi đầu tư chứng khoán: Tham lam, sợ hãi, hy vọng và hối tiếc. Những trạng thái này sẽ ảnh hưởng tới quyết định của nhà đầu tư ở bất kỳ thị trường nào, nhất là thị trường chứng khoán – nơi được tạo nên từ những con người cá nhân có xu hướng hành động theo đám đông. Vì vậy, nếu nhà đầu tư nhận thức được điều này và có sự hiểu biết sâu sắc về bốn trạng thái tâm lý trên thì sẽ nhận diện được điểm yếu của cá nhân mình và khắc phục. Sau đây chúng ta cùng xem xét sự ảnh hưởng của từng yếu tố tâm lý riêng biệt.
Tham lam
Tham lam được định nghĩa là sự ham muốn có nhiều tiền và sự giàu có.
Trong thuật ngữ giao dịch, tham lam được hiểu là sự ham muốn giao dịch để có được mức lợi nhuận tối ưu trong một khoảng thời gian ngắn. Do vậy, khi bị lòng tham lấn áp, tất cả những điều mà nhà đầu tư thường hướng tới sẽ là kiếm được bao nhiêu tiền và họ sẽ có thể kiếm được thêm bao nhiêu tiền nữa bằng việc tiếp tục đầu tư. Đây là một lối suy nghĩ sai lầm. Lợi nhuận thực tế sẽ chưa có được nếu bạn vẫn còn đang đầu tư. Vì thế, cho đến thời điểm này, cái mà những nhà đầu tư đang nhìn thấy chỉ có thể gọi là lợi nhuận tiềm năng (lợi nhuận trên giấy tờ). Cuối cùng, có thể kết luận rằng sự tham lam thường bỏ quên các dấu hiệu của rủi ro.
Sợ hãi
Sợ hãi được định nghĩa là một cảm xúc đau buồn được gây ra bởi cảm giác nguy hiểm sắp xảy đến, mặt khác đó là kết quả của phản ứng sinh tồn. Điều này đúng với bất kỳ mối đe doạ nào – dù là có thật hoặc chỉ đang tưởng tượng.
Sợ hãi là cảm xúc mà nhà đầu tư sẽ phải nếm trải nhiều nhất và ảnh hưởng nhất trong bốn trạng thái tâm lý cơ bản. Khi nhà đầu tư trở nên sợ hãi, họ sẽ bán cổ phiếu với bất cứ giá nào. Sợ hãi dẫn đến hoảng sợ, hoảng loạn và tình huống xấu nhất là đưa ra những quyết định sai lệch. Nhà đầu tư có thể nhảy ra khỏi tòa nhà khi thị trường sợ hãi nhưng không ai có thể nhảy ra khỏi toà nhà khi thị trường tham lam. Chỉ số DowJones đã mất 24 năm (1983 -2007) để tăng từ 1.000 điểm lên 14.200 điểm nhưng chỉ trong vòng 2 năm (2007-2009) đã để mất đi phân nửa số điểm đấy. Đây là một ví dụ ấn tượng về sức ảnh hưởng của sự sợ hãi.
Sợ hãi sẽ là cảm xúc tốt nếu nó giúp bạn thoát khỏi những giao dịch xấu. Ngược lại, đó sẽ là xấu nếu bạn ứng phó không hợp lý trong các trường hợp nhất định, ví dụ như bạn bị thua lỗ lần đầu thì lần giao dịch sau vẫn sẽ duy trì sự sợ hãi đó. Điều này rất có hại cho chính nhà đầu tư, vì vậy việc hiểu biết sự sợ hãi là một trong những vấn đề mà nhà đầu tư cần nắm vững nhất để cải thiện khả năng giao dịch của chính mình.
Hy vọng
Hy vọng là cảm giác hy vọng và mong muốn một điều gì đó xảy ra trong tương lai.
Hy vọng có thể được xem là cảm xúc nguy hiểm nhất trong bốn cảm xúc nguy hiểm khi đầu tư chứng khoán. Cảm xúc hy vọng làm cho nhà đầu tư tiếp tục thua lỗ thay vì cắt lỗ. Tham lam và hy vọng sẽ ngăn cản nhà đầu tư chốt lời đúng thời điểm. Khi một cổ phiếu tăng giá, nhà đầu tư hy vọng nó tiếp tục tăng để có thể bù lỗ những kết quả giao dịch trong quá khứ. Kiểu nguy hiểm nhất là khi cổ phiếu mất giá các nhà đầu tư tiếp tục hy vọng nó nó sẽ tăng giá trở lại, nhưng thị trường chứng khoán cơ bản không phải là một tổ chức từ thiện. Hãy yên tâm, khi cảm xúc của bạn nằm ở ngưỡng hy vọng, thị trường chứng khoán sẽ cho bạn một bài học thích đáng.
Hối tiếc
Hối tiếc chính là cảm giác buồn bã, hối hận sau khi một sự việc gì đó xảy ra, đặc biệt khi nó liên quan đến một sự mất mát hoặc một cơ hội bị bỏ qua.
Những tác động tiêu cực của cảm xúc này là hiển nhiên, vì một nhà đầu tư sẽ cảm thấy hối tiếc khi đầu tư thua lỗ hoặc họ vừa bỏ qua một cơ hội tốt. Nhưng việc quan trọng của một nhà đầu tư không phải là tập trung vào những gì đã mất hay những cơ hội đã bỏ lỡ, mà quan trọng là bạn đã rút ra được kinh nghiệm gì từ những sai lầm này và tiếp tục tiến lên phía trước.
Làm thế nào để cải thiện cảm xúc đầu tư
Là con người, bốn cảm xúc trên xảy ra khi bạn đầu tư thị trường chứng khoán là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, nhận thức được bốn cảm xúc trên là rất quan trọng để giúp bạn có thể loại bỏ cảm xúc ra khỏi quyết định đầu tư của mình. Khi bạn làm được điều này bạn sẽ thấy kết quả đầu tư của chính bạn được cải thiện đáng kể
Nguồn: chungkhoanaz
Có thể bạn quan tâm: Ngày đòi nợ (Payback Time) – Phil Town
(đầu tư theo phong cách Warren Buffett, Charlie Munger)