8 năm làm việc thân cận cùng Bill Gates, sếp cũ Microsoft “học mót” được 3 bài học quý hơn vàng
Ông Chris Williams dành 8 năm làm việc cùng Bill Gates tại Microsoft để học được 3 bí quyết làm việc hiệu suất. Dù bạn không “thân cận” với Bill Gates, nhưng có thể tiếp thu được thông qua cuốn sách Xoay chuyển con tàu của David Marquet. Hãy cùng Happy Live tìm hiểu thông qua bài viết sau đây.
Ông Chris Williams là cựu Phó Giám đốc Nhân sự tại Microsoft. Ông là người làm việc rất thân thiết với tỷ phú Bill Gates. Ngay từ lần gặp đầu tiên, ông Williams đã nhận ra rằng bản thân có thể học hỏi được rất nhiều từ nhà đồng sáng lập Microsoft.
Câu chuyện trong phòng họp nhỏ của Microsoft vào mùa hè năm 1992 là điều mà Williams không bao giờ quên. Từ đó cho đến khi làm Phó Giám đốc Nhân sự, ông Williams đã rút ra được 3 bài học quý giá từ Bill Gates.
Ông Chris Williams
1. Không ngừng đặt câu hỏi và tìm câu trả lời gốc rễ vấn đề
Cuộc gặp đầu tiên giữa Williams và Bill Gates diễn ra vài ngày sau khi công ty Fox Software, nơi Williams đang làm việc, đến trụ sở Microsoft ở Redmond. Microsoft đã trả hơn 170 triệu USD cho sản phẩm của công ty và rõ ràng là ông muốn biết về thứ ông đã mua.
Sản phẩm của Fox Software là hệ quản trị cơ sở dữ liệu FoxPro. Nó nhanh hơn rất nhiều so với Cirrus của Microsoft. Vì thế Bill Gates muốn tìm hiểu nguyên do. Ông tập trung vào Eric Christensen, người chịu trách nhiệm phát triển chính. Ông liên tục đưa ra những câu hỏi đi sâu vào chi tiết của sản phẩm. Cuộc họp kết thúc nhanh như lúc bắt đầu. Bill Gates gật đầu mỉm cười, vì ông hài lòng khi nhận được giá trị xứng đáng với số tiền bỏ ra.
Nhiều năm trôi qua, Bill Gates không ngừng lặp đi lặp lại việc này. Ông không ngừng tò mò và khao khát được hiểu biết mọi thứ, đặc biệt là khi đi chi tiết vào vấn đề.
2. “Đánh hơi” những lời dối trá
Một phần của việc Bill Gates luôn xoáy vào những câu hỏi chi tiết không chỉ đơn thuần để kiểm tra tiến độ công việc. Hành động đó còn để xác định những người nói dối, những người sẽ dựng chuyện khi cùng đường.
Dường như tỷ phú Bill Gates đã sớm nhận ra được có hai kiểu phản ứng trước một vấn đề khó. Có những người mạnh mẽ thừa nhận “tôi không biết” và có những người bắt đầu bịa chuyện, đoán bừa câu trả lời.
Khả năng phát hiện được những lời dối trá của tỷ phú Bill Gates nhạy bén dần theo tuổi tác. Sau này, nhân viên sẽ biết mình gặp rắc rối chỉ từ nét mặt của ông. Ông Williams nói rằng thật khó để làm việc với Bill Gates gần chục năm trời mà không học được điều đó.
3. Sắp xếp và tổng hợp vấn đề
Tuy nhiên, ông Williams cho rằng kỹ năng tốt nhất của tỷ phú Bill Gates là khả năng nhìn ra vấn đề then chốt từ mớ hỗn độn. Đối mặt với một tập hợp các sự kiện và ý kiến phức tạp, vị tỷ phú sẽ xác định được đâu là điều cốt lõi.
Rất nhiều lần ông Williams được chứng kiến khả năng tổng hợp và đúc rút vấn đề của Bill Gates. Thông thường, các đội triển khai dự án sẽ gặp Bill Gates ít nhất hai lần, một lần khởi động dự án và một lần xác nhận lại để phê duyệt.
Các dự án lớn hoặc quan trọng thường sẽ có thêm 2-3 cuộc họp. Và mỗi lần như vậy, Bill Gates lại vận dụng khả năng tổng hợp của ông. Ông sẽ lắng nghe tất cả các ý kiến và tìm ra được điểm quan trọng nhất.
Williams cho biết rằng không phải mọi người đồng tình vì ông ấy là tỷ phú Bill Gates, mà gần như lần nào ông cũng đúng. Ông có được khả năng này một phần là vì ông ngồi ở vị trí lãnh đạo của tổ chức lớn. Nhưng phần nhiều là từ kỹ năng nhìn từ chi tiết đến tổng quát vấn đề để tìm ra đâu là điều quan trọng.
Ông Williams thừa nhận rằng bản thân chưa bao giờ thực hiện được điều này. Mặc dù có những ồn ào xung quanh đời tư của Bill Gates, nhưng không thể phủ nhận rằng Bill Gates là người xuất chúng và Williams cảm thấy may mắn vì có cơ hội làm việc cùng ông.
——
Kết luận
Ba bài học mà Williams rút ra được tưởng chừng đơn giản nhưng có lẽ trong quá trình làm việc chúng ta đã vô tình lãng quên.
Gần đây tôi có đọc một cuốn sách có tên Xoay chuyển con tàu, tác giả cuốn sách là cựu thuyền trưởng hải quân Hoa Kỳ. Bạn có thể thấy “làm gì có điểm tương đồng” giữa một môi trường làm việc công nghệ tối tân như của Bill Gates và môi trường hải quân như của David. Nhưng tôi đã thật sự bất ngờ về những bài học mà David Marquet chỉ ra trong cuốn sách.
Chúng ta, những người đang lao động tri thức (công việc chế độ xanh) hay lao động tay chân (công việc chế độ đỏ) đều có những tiềm năng trở thành những nhân viên xuất sắc trong tổ chức chỉ với việc thay đổi thái độ và tư duy làm việc.
Nếu lời khuyên của Williams là khuyến khích nhân viên đặt câu hỏi và tìm câu trả lời, thì David đề cập đến việc doanh nghiệp nên tạo một môi trường mở, văn hóa cởi mở để nhân viên cảm thấy an toàn khi chia sẻ quan điểm, suy nghĩ của mình.
Nếu Williams khuyên chúng ta nên “đánh hơi” những lời dối trá nơi công sở, thì David hướng đến một môi trường có sự minh bạch, mọi người cùng chung lý tưởng, cùng mục tiêu hoàn thành công việc.
Happy Live Team Tổng hợp