Warren Buffett: Nếu Isaac Newton không cháy túi vì chứng khoán, có lẽ ông đã phát minh ra định luật thứ 4
Warren Buffett cho rằng nếu nhà bác học Isaac Newton “sống sót” trên thị trường chứng khoán lâu thêm chút nữa, rất có thể ông đã cho ra định luật thứ 4 về chuyển động. Nhưng định luật này không thuần túy nói về vật lý.
Warren Buffett: Nếu Isaac Newton không cháy túi vì chứng khoán
Thiên tài vật lý cũng thua trên thị trường chứng khoán
Trong bức thư gửi cổ đông của Tập đoàn Berkshire Hathaway năm 1988, tỷ phú Warren Buffett đã gọi Isaac Newton là thiên tài vì phát minh ra ba định luật nổi tiếng về chuyển động, đặt nền móng cho lĩnh vực cơ học cổ điển.
Những ai đã học phổ thông chắc vẫn còn nhớ. Định luật 1 là: Một vật không chịu tác dụng của lực nào hoặc chịu tác dụng của các lực cân bằng thì nó sẽ tiếp tục đứng yên hoặc chuyển động thẳng đều. Định luật 2 được tóm tắt bằng công thức F = m.a nổi tiếng. Và Định luật 3 là lực và phản lực có cùng độ lớn nhưng ngược chiều.
Tuy nhiên, “tài năng thiên phú của Ngài Isaac lại không được thể hiện trong lĩnh vực đầu tư”, Warren Buffett nói và dẫn chứng việc Isaac Newton mất cả đống tiền trong vụ bong bóng cổ phiếu công ty South Sea năm 1720.
Chính nhà vật lý học lỗi lạc này cũng phải thừa nhận: “Tôi có thể tính toán được chuyển động của các vì sao nhưng không thể tưởng tượng nổi mức độ điên rồ của con người”.
Theo Warren Buffett, nếu Newton không bị cháy túi vì bong bóng chứng khoán, rất có thể ông đã có thể tiếp tục đầu tư và phát minh ra Định luật về chuyển động thứ 4: “Đối với các nhà đầu tư nói chung, chuyển động danh mục càng nhiều thì lợi nhuận thu về càng thấp”.
Ý Warren Buffett muốn nói đến ở đây là việc liên tục mua bán chứng khoán, xáo trộn danh mục đầu tư sẽ làm tiêu tốn tiền phí giao dịch và ăn mòn lợi nhuận.
Thị trường chứng khoán là sân chơi có tổng âm
Trong vòng 100 năm từ 31/12/1899 đến 31/12/1999, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng từ 66 điểm lên 11.497 điểm. Theo Buffett, sở dĩ thị trường chứng khoán đạt được mức tăng này là nhờ một lý do rất đơn giản: Trong một thế kỷ, giới doanh nghiệp Mỹ hoạt động cực kỳ tốt và các nhà đầu tư cũng được hưởng lợi theo.
Sau năm 1999, các doanh nghiệp Mỹ vẫn tiếp tục kinh doanh phát đạt nhưng các cổ đông và nhà đầu tư lại tự cắt xén mất một phần lớn lợi nhuận của chính mình.
Lợi nhuận tối đa mà các chủ sở hữu nói chung có thể được hưởng chính là những gì mà các doanh nghiệp kiếm được.
Đúng là thông qua mua bán cổ phiếu một cách khôn ngoan hoặc may mắn, nhà đầu tư A có thể kiếm được phần lợi nhuận lớn hơn trong khi nhà đầu tư B lại thu về ít hơn. Và khi thị trường chứng khoán đi lên, tất cả nhà đầu tư đều giàu lên.
Nhưng để một nhà đầu tư có thể thoát hàng thì phải có một người khác xuống tiền để mua vào. Nếu một người bán cao thì phải có một người khác mua cao. Đối với tập hợp nhà đầu tư nói chung, thị trường chứng khoán không có phép thuật nào cả, không có tiền từ trên trời rơi xuống, tất cả của cải trên thị trường chứng khoán chỉ là những của cải mà các doanh nghiệp tạo ra.
Trong thực tế, tổng lãi lỗ của tất cả nhà đầu tư sẽ ít hơn so với tổng lợi nhuận của doanh nghiệp vì các loại chi phí giao dịch, giống như một phần năng lượng bị mất đi vì ma sát trong vật lý.
Tiến sĩ Alexander Elder cũng có cùng quan điểm và gọi thị trường chứng khoán là một “sân chơi có tổng âm” (minus-sum game).
Nhiều nhà đầu tư thường gọi thị trường chứng khoán là sân chơi có tổng bằng 0 (zero sum game) là chưa chính xác. Trong một trò chơi có tổng bằng 0, số lãi của người thắng đúng bằng số lỗ của người thua. Trong đầu tư, số lãi của người thắng ít hơn số lỗ của người thua vì cả hai bên đều phải trả phí khi giao dịch.
“Chỉ trên trung bình thôi là không đủ. Một người giao dịch phải thực sự nổi trội thì mới có thể chiến thắng trong một trò chơi có tổng âm” vì còn phải mất phí mỗi lần mua bán, Alexander Elder kết luận.
“Hãy tìm nơi có phí hợp lý nhất. Đừng ngại mặc cả phí giao dịch. Rất nhiều môi giới kêu ca vì không tìm được khách hàng, nhưng chẳng mấy khách hàng phàn nàn vì không có môi giới. Việc tính phí giao dịch thấp cũng mang lại lợi ích tốt nhất cho môi giới vì khách hàng sẽ tồn tại trên thị trường lâu hơn. Hãy thiết kế một hệ thống giao dịch ít mua bán”, Tiến sĩ Elder khuyên nhà đầu tư.
Warren Buffett kể chuyện “Người Giúp Việc”
Warren Buffett cho rằng nhà đầu tư những năm gần đây mất nhiều chi phí trung gian hơn nhiều so với trong quá khứ. Ông lấy một ví dụ minh họa như sau:
Giả sử tất cả doanh nghiệp Mỹ đều do một gia tộc sở hữu, đại diện cho tất cả nhà đầu tư (NĐT) trên thị trường chứng khoán. Sau khi trả thuế và cổ tức, gia tộc này trở nên giàu có hơn qua từng thế hệ nhờ lợi nhuận mà doanh nghiệp tạo ra. Vào năm 1988 khi ông viết bức thư gửi cổ đông, số lợi nhuận này là 700 tỷ USD mỗi năm.
Gia tộc nhà đầu tư tiêu xài một ít tiền lời nhưng đa phần còn lại được tái đầu tư để sinh lãi kép. Mọi người đều giàu lên với tốc độ ngang nhau và tất cả sống hòa thuận.
Lúc này bỗng nhiên có một số “Người Giúp Việc” lẻo mép tới và thuyết phục các thành viên trong gia tộc NĐT hãy mua cổ phiếu này và bán đi doanh nghiệp khác. Những Người Giúp Việc này sẵn sàng đứng ra làm trung gian giao dịch và thu một khoản phí.
Gia tộc NĐT vẫn sở hữu tất cả doanh nghiệp trong nền kinh tế nhưng cụ thể ai nắm giữ cái gì thì đã thay đổi. Kết quả là tổng lợi nhuận hàng năm mà gia tộc NĐT thu được suy giảm, bằng lợi nhuận của các doanh nghiệp trừ đi phí giao dịch trả cho những Người Giúp Việc.
Giao dịch càng nhiều, phí phải trả cho người trung gian càng tăng lên và lợi nhuận của NĐT càng nhỏ đi.
Sau một thời gian, các NĐT nhận ra rằng việc mua đi bán lại vòng quanh không có tác dụng đáng kể, và thế là một nhóm “Siêu Giúp Việc” lại xuất hiện để mời chào NĐT “đưa tiền cho những tay chuyên nghiệp quản lý”.
Các Siêu Giúp Việc này tiếp tục sử dụng các Người Giúp Việc thông thường trước đây để thực hiện giao dịch, thu tiền hoa hồng. Chi phí với NĐT ngày càng tăng.
Kết quả không như kỳ vọng, NĐT lại thuê thêm một nhóm Siêu Giúp Việc khác trong vai trò nhà hoạch định tài chính, các định chế tư vấn chuyên nghiệp, và đặc biệt là các quỹ đầu cơ, quỹ quản lý vốn tư nhân với tiền phí cao cắt cổ.
Khi đầu tư có lãi, các nhà quản lý quỹ sẽ ăn chia một phần lợi nhuận. Khi tài khoản lỗ, NĐT sẽ phải chịu toàn bộ thiệt hại và vẫn phải trả phí.
Warren Buffett cho rằng chi phí cho các bên trung gian trên thị trường chứng khoán, giống như ma sát làm tiêu hao năng lượng, có thể chiếm tới 20% lợi nhuận của tất cả doanh nghiệp Mỹ.
Nói cách khác, gánh nặng trả các loại phí trên thị trường có thể khiến NĐT chỉ nhận được khoảng 80% lợi nhuận so với khi chỉ ngồi im và không nghe lời quân sư của ai cả.
Với các nhà đầu tư nghiệp dư với vốn ít, Warren Buffett khuyên nên để tiền vào các quỹ chỉ số, đầu tư theo phong cách thụ động với mức phí cực rẻ.
Nguồn: Vietnambiz
Có thể bạn quan tâm: Payback Time – Ngày đòi nợ
(đầu tư theo phong cách Warren Buffett, Charlie Munger)