fbpx

Cuộc chiến tranh Nga-Ukraine và “bóng ma” lạm phát đình trệ

Nền kinh tế toàn thế giới đã và đang điêu đứng sau hai năm đại dịch COVID-19, chưa kịp thảnh thơi để lấy lại sức phục hồi thì đã phải đối mặt với một thách thức nghiêm trọng mới, trong một chừng mực nào đó có thể tác động đến kinh tế toàn cầu, đó là cuộc chiến tranh Nga-Ukraine vừa chính thức nổ ra vào ngày 24/02/2022.

Ngoài những nỗi lo phân hóa mang tính cách địa chính trị, cuộc chiến tranh này đã làm gia tăng mạnh mẽ nỗi lo đã âm ỉ kéo dài hai năm nay, với những tác động của dịch COVID-19, đó là nỗi lo lạm phát đình trệ, cuộc giao duyên không mong muốn giữa những nền kinh tế đang trì trệ và mức độ, tiềm năng lạm phát tăng cao.

Chưa kể Nga và Ukraine, thì những nền kinh tế hàng đầu trên thế giới, cho dù chưa trực tiếp công khai tham gia vào bất kỳ bên nào của cuộc chiến, như Mỹ, các quốc gia nòng cốt của EU, Anh, Nhật Bản… chắc chắn sẽ phải chịu những áp lực lạm phát trong trước mắt: Giá nhiên liệu gia tăng chóng mặt, giá vận chuyển và chi phí logistic cũng gia tăng, sự thiếu hụt trong cung hàng hóa lương thực…

Nếu như việc cộng đồng tài chính quốc tế ngăn cấm Nga tham gia hệ thống thanh toán SWIFT toàn cầu đã gây cho quốc gia này những thảm họa tài chính trước mắt, thì một viễn cảnh khác liên quan đến lạm phát cũng cần được phân tích thấu đáo hơn. Lấy trường hợp của Mỹ, các quốc gia trước đây mua hàng của Nga sẽ giảm cầu về đồng USD khiến đồng USD có thể mất giá và từ đó, làm cho giá cả hàng nhập khẩu vào Mỹ trở nên đắt hơn.

Chiến tranh gây ra lạm phát. Lạm phát luôn gắn liền với các cuộc chiến tranh

Kinh nghiệm lịch sử cũng cho thấy, các quốc gia trực tiếp hay gián tiếp liên quan đến chiến tranh vẫn thường áp dụng các chính sách nới lỏng tiền tệ, chẳng hạn thông qua việc phát hành trái phiếu kho bạc. Ở đây, nan đề giữa tăng trưởng kinh tế và kiềm tỏa lạm phát xuất hiện xung quanh việc lựa chọn nên duy trì mức lãi suất thấp hay cao của các ngân hàng trung ương. Cũng lấy trường hợp nước Mỹ, trong bối cảnh tỷ lệ Nợ/GDP đã đạt mức rất cao 133.60% hồi năm ngoái, việc gia tăng lãi suất đồng USD trong bối cảnh hiện nay rõ ràng là một nan đề điển hình: Kích thích tăng trưởng kinh tế hay kềm tỏa lạm phát? Gia tăng hay tiết giảm nghĩa vụ nợ Chính phủ? Tăng hay giảm việc mua vào trái phiếu trong bối cảnh thường phải nới lỏng tiền tệ? Khả năng Fed gia tăng lãi suất 25 điểm cơ bản vào cuối thàng 03/2022 và có thể có thêm 4 đợt tăng 25 điểm cơ bản mỗi đợt trong cả năm 2022 sẽ là một chỉ dấu thận trọng nào đó của Fed trong nỗ lực kiểm soát lạm phát.

Những lý do phân tích trên, đã ủng hộ những người lo lắng các hậu quả của cuộc chiến Nga-Ukraine sẽ làm trầm trọng hơn viễn cảnh lạm phát đình trệ của từng quốc gia, hay ngay cả trên bình diện quốc tế. Như Mark Zandi, kinh tế gia trưởng của Moody’s Analytics dự báo: “Rủi ro đình trệ vào cuối năm nay và sang năm sẽ ở mức cao không hề dễ chịu”.

Thế nhưng, vẫn có các ý kiến khác, dù không bác bỏ khả năng lạm phát, nhưng lại cho rằng các tác động tổng hợp đó thể gây ra một cơn sốc nào đó, nhưng khá nhẹ nhàng, bởi lẽ chúng chưa đủ mạnh để dẫn tới việc đình trệ kinh tế. Dường như đây là ý kiến phổ biến của các nhà phân tích Wall Street. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng vị thế kinh tế của hai quốc gia tham chiến là chưa đáng kể so với nền kinh tế toàn cầu. Còn chủ quan hơn, đó là các ý kiến cho rằng kinh tế toàn cầu đang “có niềm tin” và trên đà bật dậy phục hồi từ sau những đình trệ do đại dịch COVID-19.

Nguồn: PGS. Trương Quang Thông (Trường Kinh doanh – Đại học UEH) – FILI

Có thể bạn quan tâm: Tủ sách Đầu tư Happy.Live

tủ sách đầu tư

ĐỌC THỬ

Các viết cùng chủ đề