Những bài học quý giá của CEO Suhail Doshi khởi sự ở tuổi 20
Suhail Doshi là nhà sáng lập đồng thời là cựu Giám đốc điều hành (CEO) Mixpanel – một công ty phân tích dữ liệu đã huy động được 77 triệu USD trong 10 năm qua. Suhail, bắt đầu làm CEO ở tuổi 20, chia sẻ những bài học quý giá mà anh học được từ việc vận hành công ty của bản thân.
Ở tuổi 20, tôi trở thành một CEO. Tôi đã từ bỏ trường đại học, và trước đó, tôi chỉ đi thực tập ở một công ty mà thôi. Tôi không thể nào hình dung được hành trình khởi đầu bằng việc viết code cả ngày cho đến khi xây dựng được một công ty với quy mô 300 người như hôm nay. Tôi thực sự rất may mắn – bởi vì tôi đã mắc rất nhiều sai lầm, nhưng cũng nhận được nhiều sự giúp đỡ.
Đây là những gì tôi học được thông qua hành trình của mình:
Rất khó để từ bỏ quyền kiểm soát
Lúc đầu, tôi cảm giác mọi thứ đều quan trọng hết. Nhưng bạn không thể giỏi tất cả mọi thứ được. Qua thời gian, tôi học được tầm quan trọng của việc từ bỏ một cách có chủ ý và liên tục. Nếu như không học được điều này, bạn sẽ không tiến bộ được và điều đó sẽ gây ảnh hưởng đến công ty.
Những người phụ bạn điều hành công ty sẽ không muốn tổn thương bạn bằng việc gợi ý cho bạn tìm một chuyên gia huấn luyện CEO. Do vậy, tôi sẽ tự tìm một chuyên gia huấn luyện CEO và vài năm lại đánh giá toàn diện bản thân một lần.
Đây là một sự thay đổi quan trọng trong cuộc đời tôi – tôi học được rằng chúng ta không thể khắc phục mọi thứ nơi bản thân mình. Khi tôi cố gắng để cải thiện nhiều thứ cùng một lúc, thì việc đó trở nên quá tải. Thay vào đó, hãy tập trung từ 2 đến 3 thứ mỗi năm. Hầu hết những CEO mới sẽ phải làm việc vất vả hơn để làm việc ăn ý với đội ngũ của họ khi công ty phát triển. Hãy nói với công ty những gì bạn đang thực hiện, và điều đó sẽ giúp xây dựng nhiều lòng tin hơn.
Qua thời gian, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy tất cả những gì bạn đang làm là dành thời gian chỉ để họp hành và thực tế không hoàn thành được việc gì cả. Mặc dù bạn sẽ cảm thấy như thế thật, nhưng hãy nhớ rằng công việc của bạn bây giờ chính là giúp đỡ người khác thông qua các cuộc họp. Đừng chối bỏ – hãy tiếp nhận nó. Bây giờ, đã đến lúc để thiết kế những buổi họp sao cho vui vẻ và có năng suất hơn.
Hãy sống với phương châm: “Bạn nên xây dựng một đội nhóm có thể hoàn thành sứ mệnh mà không cần đến bạn”. Trao quyền cho những người khác trong đội nhóm sẽ giúp bạn bớt căng thẳng hơn về lâu dài. Khi bạn lãng quên, hãy hỏi bản thân tại sao ngay từ đầu bạn lại bắt đầu làm việc này. Nó thực sự là vì tiền, quyền lực, hay bản ngã?
Đừng né tránh việc đương đầu với những quyết định khó khăn, quan trọng – hãy cứ tiến hành giải quyết nó. Né tránh việc đương đầu sẽ dẫn tới sự oán hận, thậm chí sẽ làm những mối quan hệ trở nên tồi tệ đến mức không thể cứu vãn, và làm công ty chậm phát triển – rồi dẫn tới sự không ổn định. Tuy vậy, khi bạn giải quyết những mâu thuẫn, chỉ đề cập đến những vấn đề – không đề cập đến con người.
Bạn có thể sẽ có lúc cư xử như một “ông hoàng” và phá hỏng mối quan hệ với mọi người trong công ty. Đôi khi bạn sẽ không công bằng, hay bạn sẽ nói điều gì đó sai lầm. Thậm chí, những người bị ảnh hưởng sẽ chán ghét bạn trong một thời gian dài. Những từ “Tôi xin lỗi, tôi đã làm hỏng bét rồi” là những từ đáng giá nhất mà bạn có thể nói với ai đó. Nhưng hãy ghi nhớ, những từ đó không phải lúc nào cũng sẽ giải quyết được vấn đề đâu.
Công việc mà bạn nên làm là lắng nghe 90%, nói 10%. Tôi có thói quen xấu là hay ngắt lời người khác và phải nỗ lực gấp đôi để cải thiện nó. Sau 9 năm rưỡi làm CEO, giải pháp tốt nhất tôi tìm ra chính là hãy viết mọi thứ ra trong cuộc họp. Nó giúp tôi tập trung vào những gì người khác đang nói, và thể hiện tôi đang lắng nghe.
Kiểm soát cảm xúc của bạn thông qua mỗi cuộc họp. Đôi khi bạn sẽ có một cuộc họp tồi tệ hay không mang lại kết quả gì cả, nhưng hãy cố nhớ rằng những người tiếp theo bạn gặp là những người hoàn toàn khác và có thể họ đang phấn khích hay căng thẳng và đang cần gặp được bạn.
Trực giác của bạn về khách hàng và thị trường sẽ trở nên tệ hơn khi công ty ngày càng phát triển và bạn ngày càng trở nên xa cách với người tiêu dùng. Hãy tiếp tục trao quyền cho đội nhóm để họ đưa ra quyết định – nhưng hãy buộc họ có trách nhiệm. Và đừng quên dành thời gian để học hỏi từ họ.
Tiếp cận với sự thật cũng trở nên khó khăn hơn khi bạn tiến lên những vị trí cao hơn. Nó cũng trở thành việc quan trọng nhất bạn có thể làm khi bạn lãnh đạo công ty. Hãy biến việc tìm ra sự thật và dùng nó để đưa ra quyết định trở thành một phần văn hóa của công ty. Tôi đã làm được điều này bằng cách liên tục hỏi mọi người rốt cuộc thực tế là như thế nào.
Quyền lực = Trách nhiệm
Giữ vị trí CEO có thể vô cùng cô đơn – bạn không thể tỏ ra dễ tổn thương và thật thà như bạn muốn. Để giúp bạn vượt qua điều này, hãy tìm những người sáng lập khác, những người có thể chân thành với bạn. Hãy ăn tối với họ và chia sẻ những vấn đề một cách cởi mở. Tôi đã nhận được những cái ôm trong những giai đoạn khó khăn, và điều đó đã tạo nên sự khác biệt.
Bạn cũng nên tìm một người cố vấn tuyệt vời. Hãy tìm ai đó mà bạn muốn gây ấn tượng; ai đó có thể nâng bạn dậy khi bạn đang nản chí và có thể kéo bạn xuống khi bạn đang quá tự tin. Lý tưởng nhất, người này nên là một CEO/nhà sáng lập trước đó, nhờ đó họ có thể đồng cảm với bạn. Tuy vậy, hãy nhớ: Một người cố vấn sẽ cho bạn lời khuyên, chứ không phải một kịch bản.
Tất cả chúng ta đều là con người và có những sự bất an riêng, do vậy, bạn có thể xem xét tới việc nhờ một chuyên gia trị liệu để giúp bạn giải tỏa những tâm lý cá nhân. Nếu bạn cảm thấy việc nhờ đến chuyên gia tâm lý là một điều xấu hổ, hãy biết rằng trước đây tôi cũng từng có suy nghĩ như thế, nhưng tôi đã sai lầm. Tôi ước gì tôi có thể làm điều đó sớm hơn trong đời. Nó thật là vô giá.
Cuối cùng, hãy tiếp tục làm việc chăm chỉ để cải thiện bản thân. Bạn không thể sửa chữa những sai lầm của quá khứ nhưng trong tương lai, bạn có thể trở nên tốt hơn. Khi bạn đưa ra những quyết định khó khăn, bạn phải biết bạn đang đại diện cho những giá trị và những nguyên tắc nào.
Chỉ riêng điều này thôi cũng đủ làm cho cuộc hành trình của bạn trở nên có giá trị.
Nguồn: Tuệ Nhiên (Theo Business Insider)
FILI