Lãnh đạo Tổng cục Thống kê: Lạm phát sẽ gia tăng, mục tiêu 4% là rất khó
Bão giá hàng hoá thế giới tăng cao trong khi Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, do đó, việc giữ mục tiêu lạm phát 4% trong năm 2022 được Phó tổng cục trưởng tổng cục thống kê đánh giá là rất khó.
Phát biểu tại đối thoại chuyên đề “Vòng xoáy lạm phát: Kiểm soát chi phí đẩy” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức ngày 4/4, ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, ngày 29 vừa qua, Tổng cục Thống kê công bố chỉ số vĩ mô, CPI quý 1/2022 tăng 1,92% so với năm ngoái.
Tuy CPI quý 1/2022 cao hơn mức tăng 0,29% của cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn thấp hơn mức tăng của các năm trong giai đoạn 2017-2020.
Con số này cũng cho thấy, CPI quý 1/2022 của Việt Nam được kiểm soát tốt trong bối cảnh nhiều quốc gia chịu bão giá do xăng dầu. Một số đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ tháng 2 vừa qua chỉ số giá tăng 7,9%, Anh 6,22%, Đức 5,1%, Ý 5,7%. Châu Á thì ít ảnh hưởng hơn.
Trung Quốc đối tác lớn nhất chỉ số giá chỉ tăng 0,9%, Nhật Bản cũng tăng 0,9% trong khi đó các nước ASEAN như Việt Nam tương đồng với một số nước như Malaysia, Indonesia tăng đâu đó khoảng 2%, Thái Lan cao hơn ở mức 5,3%.
Dự báo về chỉ số CPI trong thời gian tới, theo ông Tiến, cần phải xem xét đến từng nhóm trong rổ tính chỉ số CPI.
Nhóm thứ nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống. Việt Nam đang trở lại trạng thái bình thường mới, học sinh quay lại học tập, sản xuất kinh doanh mở lại sẽ tăng mức tiêu thụ lương thực thực phẩm, nhóm này do đó sẽ tác động lên chỉ số giá tiêu dùng nhiều vì nhóm hàng ăn chiếm tỷ trọng đến 33,36% trong rổ tính CPI.
“Tôi đánh giá đây là nguy cơ tác động đến tăng giá tiêu dùng lớn nhất trong thời gian tới”, lãnh đạo Tổng cục Thống kê lưu ý.
Nhóm thứ hai, giá sản xuất hàng hoá chịu áp lực tăng do giá nguyên vật liệu thế giới tăng. Mặc dù giá hàng hoá thế giới từ quý 2-3 năm ngoái nhưng giá sản xuất hàng hoá chúng ta chưa tăng do cầu yếu. Đây cũng là áp lực tăng giá trong những tháng tiếp khi đặc thù Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, gia công vẫn chiếm tỷ trọng lớn mà nguồn cung thế giới đứt gãy nên giá nguyên vật liệu tăng cao.
Ví dụ, quý 1 các mặt hàng điện tử điện thoại linh kiện chúng ta xuất khẩu trên 29 tỷ đô nhưng nhập khẩu 26-27 tỷ đô, nhập nguyên liệu mặt hàng này lớn, đây là nguyên nhân chính tác động tăng CPI những tháng tiếp theo.
Ngành dệt may cũng đang đứt gãy chuỗi cung ứng từ Trung Quốc do chiến lược Zero covid, doanh nghiệp may mặc thiếu nguyên vật liệu trầm trọng, điều hành lạm phát tháng tới phải thận trọng.
Nhóm thứ ba, giá xăng dầu, phụ thuộc hoàn toàn vào cuộc chiến Nga- Ukraine, đây là cuộc chiến không thể chấm dứt ngày một ngày hai. Dù chấm dứt thì giá xăng dầu bình quân năm 2022 vẫn cao hơn 2021. Giá xăng dầu tác động lên tất cả các chi phí đầu vào của nền kinh tế.
Từ những nguyên nhân này, chỉ số giá CPI 2022 sẽ có xu hướng tăng trong những tháng tiếp theo mức độ tăng phụ thuộc vào giá thế giới cũng như điều hành của Chính phủ.
“Chúng ta thấy kinh tế thế giới đang phục hồi, nhu cầu nguyên vật liệu tăng cao, nguồn cung hiện tại lại đang đứt gãy khiến giá hàng hoá quốc tế những tháng tới đây tăng mạnh gây áp lực lạm phát cao ở nhiều nước cả kể nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Nhật, châu Âu. Đây đều là những đối tác lớn của Việt Nam.
Do đó, mục tiêu lạm phát 4% có thể đạt được nhưng đây là công việc rất khó. Mong rằng Chính phủ cũng như đơn vị chức năng, Ngân hàng nhà nước có chính sách điều hành linh hoạt với kinh nghiệm từ những năm trước. Cần có quyết tâm lớn thì mới đạt được mục tiêu. Nhưng tôi vẫn khẳng định mục tiêu lạm phát 4% là rất khó”, ông Tiến nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, theo Nguyễn Đức Trung, Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng rất khó để giữ mục tiêu lạm phát 4%. Do đó, có thể xem xét điều chỉnh mục tiêu, tránh gây áp lực của nhà quản lý, kỳ vọng của người dân và linh hoạt trong điều hành.
Nguồn: vneconomy
Có thể bạn quan tâm
Bộ sách
Trí tuệ tỷ đô của các bậc thầy đầu tư
Suy nghĩ vượt lên trên đám đông để trở thành
kẻ chiến thắng trong đầu tư