Bởi thời gian gần đây, một lực lượng đông đảo các nhân viên môi giới được triển khai rầm rộ, gọi điện, nhắn tin, tiếp cận các cá nhân mời mua trái phiếu DN phát hành riêng lẻ, với lãi suất cao. Họ sẵn sàng lách luật hợp pháp hóa giúp họ trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp, để “bán giấy thu tiền”.
Đề cập đến rủi ro của những trái phiếu DN phát hành có tài sản đảm bảo bằng bất động sản, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, trong trường hợp DN phát hành gặp vấn đề, không có khả năng thanh toán, phải phát mãi, xử lý các tài sản cầm cố, cũng sẽ mất một thời gian dài, thậm chí phải giảm giá bán sâu, so với giá trị ban đầu. Không phải cứ có tài sản đảm bảo là có thể yên tâm.
Trước tình trạng trái phiếu DN phát hành “vàng thau” lẫn lộn, các cá nhân muốn đầu tư: Không nên chỉ quan tâm tới lãi suất, thấy lãi suất cao là đầu tư. Lãi suất càng cao rủi ro càng lớn. Bên cạnh đó, cần nắm rõ thông tin về đơn vị phát hành trái phiếu; Đây là đơn vị nào, thành lập lâu chưa, lịch sử kinh doanh như thế nào và hoạt động kinh doanh ra sao; Phát hành trái phiếu để làm gì, tái cấu trúc lại nguồn vốn, đầu tư dự án, hay tăng quy mô vốn hoạt động; Phương án phát hành, phương án trả nợ như thế nào, nếu thiếu nguồn thì bù đắp ra sao.
Liên quan đến tài sản bảo đảm, cần phải nắm và hiểu rõ những hình thức bảo đảm. Cuối cùng, liên quan đến bảo lãnh thanh toán và các cam kết mua lại nếu có của đơn vị phân phối cũng như các điều kiện, điều khoản khác trên hợp đồng.
Nhiều nhà đầu tư cá nhân thời gian qua đã khốn khổ bởi mua trái phiếu DN, đến khi cần không thể bán được, DN phát hành không mua lại, phải tìm kiếm nguồn tài chính thay thế và chờ tới hạn để tất toán.
Nguồn: 24hmoney