VinaCapital: Cảnh báo duy nhất cho kinh tế Việt Nam là tăng trưởng của Mỹ đang chậm lại
VinaCapital nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 từ 6,5% lên 7,5%, đồng thời đề cập đến rủi ro duy nhất với triển vọng khả quan năm nay của Việt Nam
Trong báo cáo mới nhất, VinaCapital bày tỏ sự lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay.
“GDP của Việt Nam đã tăng mạnh trong quý II và chúng tôi kỳ vọng sẽ còn tăng vọt trong quý III nhờ vào sự tiếp tục gia tăng của tiêu dùng trong nước.
Một số nhà đầu tư lo ngại rằng nền kinh tế toàn cầu chậm lại và đặc biệt là ở nền kinh tế Mỹ sẽ kéo giảm tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam, nhưng dự báo tăng trưởng GDP 7,5% của chúng tôi đã giả định tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc lớn trong năm nay”, ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital cho biết.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,7% trong quý II so với cùng kỳ năm trước. Đây là tốc độ tăng trưởng hàng quý nhanh nhất trong hơn một thập kỷ nhờ tiêu dùng nội địa gia tăng mạnh mẽ.
Ngoài ra, tăng trưởng GDP trong quý III có khả năng vượt 10% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong quý III năm 2021 dẫn tới mức GDP thấp khi so sánh với hoạt động của quý III năm nay.
Về rủi ro tăng trưởng, ông Michael Kokalari cho rằng cảnh báo duy nhất cho triển vọng rất khả quan của kinh tế Việt Nam là tăng trưởng kinh tế Mỹ đang chậm lại.
Sự suy thoái của nền kinh tế Mỹ đang đè nặng lên nhu cầu đối với các sản phẩm “sản xuất tại Việt Nam” như ti vi, đồ nội thất và điện thoại thông minh, như có thể thấy trong cuộc khảo sát tâm lý người tiêu dùng mới nhất của Đại học Michigan.
Ngoài ra, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ đã chậm lại khoảng 50% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2021, xuống còn khoảng 23% so với cùng kì trong 6 tháng đầu năm 2022.
“Chúng tôi dự báo tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ giảm xuống khoảng 10% vào cuối năm do nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng chậm lại”, Kinh tế trưởng VinaCapital cho hay.
Số liệu cho thấy tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất đã có dấu hiệu giảm tốc từ mức tăng trưởng 11,6% trong 6 tháng đầu năm 2021, xuống mức tăng trưởng 9,7% trong nửa đầu năm 2022 do nhu cầu “Hàng sản xuất tại Việt Nam” bắt đầu giảm sút (ví dụ, sản xuất ti vi giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái).
Đại diện VinaCapital cũng đề cập đến tăng trưởng GDP của Việt Nam đã tăng từ 5,6% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2021, lên 6,4% trong 6 tháng đầu năm 2022 mặc dù thặng dư ngân sách của Chính phủ tăng hơn gấp đôi từ 2,2% GDP trong nửa đầu năm 2021, lên mức ước tính 5% GDP trong nửa đầu năm 2022.
Đây là một yếu tố làm chậm mức độ tăng trưởng nền kinh tế nhưng đã được bù đắp lại sự gia tăng của doanh thu bán lẻ thực (doanh số bán lẻ được điều chỉnh sau lạm phát) từ mức tăng trưởng 1,9% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2021 lên mức tăng trưởng 7,9% trong 6 tháng đầu năm 2022.
Mỹ ghi nhận mức tăng trưởng âm 1,5% trong quý I vừa qua. Gần đây, nhiều tổ chức đưa ra dự báo khả năng nền kinh tế lớn nhất thế giới này rơi vào suy thoái.
Nomura dự báo một cuộc suy thoái nông nhưng kéo dài trong 5 quý sẽ bắt đầu từ quý cuối cùng của năm 2022. Chỉ vài tháng trước đó, khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái là 0%.
“Nước Mỹ sẽ rơi vào suy thoái, tăng trưởng GDP hàng quý (so với quý trước) sẽ bắt đầu đi xuống từ quý IV năm nay. Đây sẽ là một cuộc suy thoái nông nhưng kéo dài tương đối. Chúng tôi tin kinh tế sẽ sa sút trong 5 quý liên tiếp”, ông Subbaraman, kinh tế trưởng của Nomura nhận định.
Tương tự, theo dự báo mới nhất của Bloomberg Economics, khả năng Mỹ rơi vào suy thoái trong vòng 12 tới là 38%. Tâm lý của người tiêu dùng Mỹ đã rơi xuống mức thấp kỷ lục, trong khi lạm phát và lãi suất tăng mạnh.
“Khả năng xảy ra một cuộc suy thoái đã tăng lên. Suy thoái có thể xảy ra vào ngay đầu năm sau”, bà Anna Wong – nhà kinh tế trưởng tại Bloomberg Economics – nhận định trong một báo cáo gần đây.
Nguồn: vietnambiz
Có thể bạn quan tâm
Bộ sách Phân tích kỹ thuật toàn diện kiếm tiền trên mọi thị trường