fbpx

Không nên “neo” VND vào USD khi Việt Nam là quốc gia xuất khẩu?

Việt Nam đã bán ra 15 tỷ USD để cân bằng cung cầu thị trường ngoại tệ trước những động thái tăng lãi suất của FED và các ngân hàng trung ương trên thế giới. Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường Tài chính, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh nói với phóng viên VnEconomy rằng: không nên “neo” VND vào USD vì không được lợi gì khi Việt Nam là nước xuất khẩu…

khong-nen-neo-vnd-vao-usd-khi-viet-nam-la-quoc-gia-xuat-khau-happy-live-1
Ảnh minh họa.

Sau 3 phiên giảm nhẹ liên tiếp, sáng 27/7 (theo giờ Việt Nam), chỉ số USD-Index trên thị trường thế giới tăng trở lại lên 107,06 điểm, không quá xa so với mức cao nhất 20 năm qua là 109,290 điểm ghi nhận hồi giữa tháng 7/2022 khi đồng tiền này lấy lại lực đẩy từ những đồn đoán về các đợt nâng lãi suất của FED đối với đồng bạc xanh, vốn được xem là kênh trú ẩn an toàn trong thời kỳ bất ổn kinh tế.

Giới đầu tư trên thế giới dự đoán FED sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản khi kết thúc cuộc họp chính sách vào ngày 27/7.

Ngân hàng trung ương Anh cũng được dự đoán sẽ nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào tuần tới. Các ngân hàng trung ương trên thế giới đều hành động tương tự để hạn chế tác động từ chính sách tiền tệ của Mỹ. 

Hệ thống tài chính của Việt Nam sẽ bị tác động như thế nào khi các ngân hàng trung ương trên thế giới điều chỉnh tăng lãi suất thưa ông?

Ở Việt Nam, thời gian vừa qua Ngân hàng Nhà nước (SBV) đã có những động thái nhằm hút tiền về, dẫn đến lãi suất liên ngân hàng gia tăng. Về lâu dài, lãi suất của hệ thống ngân hàng thương mại sẽ tăng theo do bị ảnh hưởng bởi thanh khoản.

Việc lãi suất đồng USD tăng sẽ gây áp lực tăng giá đồng USD. Thực tế, trong thời gian vừa qua, tỷ giá USD/VND đã tăng khá mạnh trên thị trường chợ đen cho thấy áp lực khá lớn đối với tỷ giá trong thời điểm hiện tại. Và SBV cũng đã phải bán hơn 15 tỷ USD dự trữ ngoại hối để bình ổn tỷ giá trong ngân hàng.

Tuy nhiên, áp lực mất giá mạnh đồng VND là rất khó, vì hiện tại chúng ta có lượng dự trữ ngoại hối mạnh hơn 100 tỷ USD. Đồng thời, Việt Nam vẫn là quốc gia xuất siêu trong 6 tháng đầu năm nên SBV có nhiều dư địa để bình ổn tỷ giá.

Việc VND mất giá nhẹ so với USD như vừa qua là một động thái chủ động của chúng ta để tránh VND tăng giá quá mạnh so với các đồng tiền khác (vốn đã mất giá khá mạnh so với USD) nhằm đảm bảo ưu thế giá rẻ khi xuất khẩu hàng hóa.

Thị trường chứng khoán cũng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực vì dòng vốn sẽ chảy sang hệ thống ngân hàng thương mại khi lãi suất tăng lên.

Sẽ có một lượng lớn vốn bị rút khỏi các thị trường mới nổi để đổ về các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu nhằm hưởng lợi về lãi suất gia tăng và đồng USD mạnh lên. Và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, hiện tại trên thị trường chứng khoán Việt Nam lại chứng kiến một dòng vốn mới bổ sung từ các thị trường lân cận khác, tranh thủ giá cổ phiếu tại Thị trường Việt Nam đang thấp tương đối so với khu vực. Ví dụ như Thái Lan.

Các doanh nghiệp đã và đang có kế hoạch huy động vốn từ thị trường quốc tế sẽ chịu 2 rủi ro chính. Thứ nhất  là phải tăng lãi suất để cạnh tranh với lãi suất ở các quốc gia khác khi lãi suất toàn thế giới đang tăng cao, làm tăng chi phí vay nợ của doanh nghiệp. Thứ hai là rủi ro về tỷ giá trong tương lai khi đồng USD tăng giá so với VND, nên doanh nghiệp sẽ phải trả nợ nhiều hơn. Hai rủi ro này là tác động kép khi đồng USD tăng giá so với VND và gây rủi ro với các doanh nghiệp huy động vốn quốc tế.

Thưa ông, tại sao nhiều quốc gia nâng lãi suất nhưng Việt Nam chưa có động thái tương tự?

Điều này còn tùy thuộc vào việc SBV sẽ ưu tiên sử dụng công cụ nào để điều tiết vĩ mô. Hiện tại, SBV vẫn đang tập trung vào thị trường mở vì nó có tác động ngay lập tức, còn công cụ lãi suất điều hành hay tỷ lệ dự trữ bắt buộc thì có tính lâu dài hơn một chút.

Ngoài ra, cũng phải xem là chúng ta chỉ muốn thắt chặt lãi suất ngắn hạn hay là duy trì dài hạn để đưa ra công cụ điều tiết phù hợp. Theo tôi hiện tại, chúng ta vẫn nên quan sát thêm các tín hiệu từ thị trường.

Áp lực về lạm phát sẽ trong 6 tháng cuối năm dần hạ nhiệt do kỳ vọng giá dầu, nguyên nhân chính của lạm phát sẽ không quá căng thẳng từ giờ đến cuối năm. Chính sách tài khóa bắt đầu phát huy tác dụng khi giá xăng dầu trong nước đã giảm mạnh nhờ giảm thuế phí. Tuy nhiên, vẫn không loại trừ cú sốc giá dầu nếu như căng thẳng giữa Nga và phương tây lại một lần nữa leo thang. 

Cái đáng lo hơn chính là tăng trưởng. Thời gian vừa qua, đã thực hiện khá nhiều biện pháp nhằm kiểm soát lạm phát như room tín dụng, hút ròng từ OMO hay hạn chế dòng vốn vào bất động sản, điều này đã gián tiếp ảnh hưởng đến việc phục hồi sản xuất sau đại dịch. Điều này có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng từ giờ đến cuối năm vì nó sẽ có độ trễ nhất định. Do đó, tôi lo ngại về tăng trưởng hơn là kiểm soát lạm phát ở những tháng cuối năm.

Làm thế nào để đạt được mục tiêu kép, vừa duy trì tăng trưởng vừa kiêm soát tốt lạm phát?

Giải pháp tốt nhất là phối hợp đồng bộ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá. Bơm hút tiền một cách linh hoạt dựa trên tín hiệu thị trường cũng như chủ động thực thi chính sách tài khoá kịp thời và quyết liệt.

Theo tôi, với đặc điểm của kinh tế Việt Nam thì theo bộ ba bất khả thi và các lý thuyết kinh tế, chính sách tài khóa sẽ mang lại hiệu quả hơn chính sách tiền tệ.

Trong bối cảnh hiện tại, không thể thực thi chính sách tài khoá mở rộng mà phải linh hoạt để tránh đổ thêm dầu vào lò lửa lạm phát đang cháy. Cụ thể là tập trung bình ổn giá xăng dầu, bên cạnh đó triển khai từng bước các gói hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ người dân hậu đại dịch. Đưa tiền đến đúng đối tượng cần trong nền kinh tế, thay vì dùng các chính sách phủ rộng như giảm thuế VAT…

Việc đồng USD tăng giá và một loạt ngân hàng trung ương trên thế giới hành động tương tự để bảo vệ đồng tiền bản địa, ông nói gì về tác động của thực tế này đến tỷ giá VND/USD, thưa ông?

Các đồng tiền trên thế giới đều mất giá mạnh so với USD, đặc biệt là đồng Euro khi lần đầu tiên trong lịch sử đồng tiền này ngang giá với USD. Vì vậy, không có lý do gì chúng ta cứ neo chặt đồng VND với USD để VND lại tăng giá so với các đồng tiền khác.

Điều này sẽ không có lợi gì cho kinh tế Việt Nam, đặc biệt là xuất khẩu, trong khi chúng ta lại là quốc gia xuất khẩu. Do đó, Việt Nam cũng có thể chủ động giảm giá nhẹ VND để đảm bảo lợi thế xuất khẩu nhưng không để mất giá quá mạnh vì sẽ gây ra áp lực lên việc trả nợ và ổn định kinh tế vĩ mô như nhập khẩu lạm phát.

Khi VND bị mất giá nhiều thì hàng hoá nhập khẩu sẽ đắt lên tương đối với người dân trong nước. Ví dụ nhập 1 sản phẩm giá 100 USD lúc trước cần bỏ ra 2,3 triệu đồng thì khi VND mất giá có thể mất đến 2,5 triệu đồng. Điều này khiến lạm phát trong nước cũng tăng.

Theo tôi, VND có thể giảm khoảng 5% trong năm nay là hợp lý.

Tiến Phát

vneconomy

Có thể bạn quan tâm

Bộ sách Phân tích kỹ thuật toàn diện kiếm tiền trên mọi thị trường

Bộ sách Phân tích kỹ thuật toàn diện kiếm tiền trên mọi thị trường

ĐẶT SÁCH

Các viết cùng chủ đề