Chân trần trên than đỏ và bài học lập trình lại tư duy mà Guy Spier có được nhờ Tony Robbins
“Quá trình gỡ rối và tái lập trình bản thân là cần thiết với những người cảm thấy mắc kẹt và khao khát tìm cách tiến lên phía trước…Khởi điểm của trí tuệ chính là khi ta đổ bớt ly nước đã đầy của mình để sẵn sàng rót thêm những điều học được từ mọi người – Guy Spier.
(*) Bài viết được trích từ sách “Lột Xác Để Trở Thành Nhà Đầu Tư Giá Trị“ – Guy Spier. (Đặt sách tại đây)
Sau khi rời D.H.Blair – một ngân hàng đầu tư đầy tai tiếng của J. Morton Davis mà tôi cố chấp ở lại làm việc, tôi trải qua giai đoạn khó khăn kiếm việc nhất trong đời… Nhưng chẳng bao lâu sau, tôi tìm được cách để gỡ rối, và lập trình lại bản thân. Nói ngắn gọn, điều tôi thực sự cần là tái giáo dục bản thân. Và, không kém phần quan trọng, là tôi phải tự lật ngược những gì đã được người khác giáo dục.
Quá trình này khởi đầu một cách khó ngờ nhất, khi tôi biết đến chuyên gia phát triển bản thân (self-help) Tony Robbins. Tên ông được nêu trong một cuộc nói chuyện giữa tôi với một cặp vợ chồng Thụy Sĩ cực kỳ thông minh. Tôi tự hào bản thân là một người có suy nghĩ nghiêm túc nắm chắc kiến thức hai ngành kinh tế và tài chính. Lòng tự tôn học thuật của tôi dễ dàng bác bỏ những người như Robbins. Với tất cả những gì đã được học, làm sao tôi có thể học được gì đáng giá từ một tay người Mỹ lỗ mãng này chứ?
Bằng cách nào đó, tôi đã đến trung tâm hội nghị ở ngoại ô San Francisco cùng 2 người bạn Châu Âu của mình để nghe những bài thuyết giảng, truyền cảm hứng của Tony Robbins.
Ấn tượng đầu tiên của tôi về Robbins là một anh chàng bụi bặm, đúng chất California. Ông ấy cao gần 2,1 mét và năng lượng tỏa ra từ ông có tính lây lan rất mạnh. Nhiều người trong khán phòng liên tục nhảy bật tại chỗ, gào lên những câu như: “Yes! Yes! Yes! Tôi là động lực của cái tốt!” Và: “Tiến lên! Tiến lên! Tiến lên!”
Cảnh tượng này gióng lên một hồi chuông cảnh báo trong đầu tôi. Phải chăng Robbins chỉ là một diễn viên tồi, huênh hoang và rầu rĩ trong giờ diễn của y trên sân khấu? (Tác giả sử dụng đoạn trích của Shakespeare trong tác phẩm Macbeth: “Life’s but a walking shadow, a poor player That struts and frets his hour upon the stage” – Chú thích của người dịch). Phải chăng ông chỉ là một kẻ ngốc kể lại câu chuyện đời mình, đầy âm thanh và cuồng nộ, nhưng hoàn toàn rỗng tuếch? Tôi đứng ở phía sau, hờ hững tham gia. Nhưng nhiều giờ trôi qua, tôi nhận thấy tôi đã mở cửa lòng và chấp nhận khả năng rằng ông ta có gì đó để dạy cho tôi.
Robbins giành được lòng tin của tôi một phần do ông hoàn toàn cởi mở về động lực của ông. Có một lúc, ông bảo với chúng tôi, “Nhìn này, tôi cũng là một người Mỹ như các bạn vậy. Động lực của tôi là vui vẻ và thành công, và sống cuộc đời tốt đẹp hết mức có thể. Và cũng như hầu hết các bạn, tôi cũng muốn kiếm tiền và trở nên giàu có. Giàu hơn tôi của ngày hôm nay. Một phần tiền không nhỏ tôi kiếm được là từ những buổi seminar như thế này. Nhưng, ước muốn giúp đỡ người khác của tôi cũng ngang bằng với ước muốn kiếm tiền của tôi, thậm chí có phần hơn. Và tôi biết mình có thể dạy các bạn những điều sẽ giúp ích cho bạn, và điều đó đáng giá hơn nhiều so với chi phí các bạn tham gia buổi seminar này”.
Đó là một ví dụ tuyệt vời của sức mạnh của sự chân thật – của việc nói thực lòng. Lời bộc bạch cõi lòng của ông đã thuyết phục được tôi tin ông cho đến khi chứng minh được là ông sai. Nên tôi đã ở lại.
Nói một cách nào đó, các hồ nghi ban đầu của tôi là đúng. Các buổi seminar của Robbins đích thực là một hình thức tẩy não. Hét lớn một điều đủ lâu thực sự có thể đóng đinh điều đó vào tâm trí, và bất kỳ ý tưởng nào cũng có thể được cài vào đầu bằng cách lặp đi lặp lại thật nhiều. Điều này là một vũ khí nguy hiểm, có thể bị lợi dụng bởi những người theo chủ nghĩa tôn giáo thuần thành và chính trị cực đoan. Nhưng trong trường hợp này, vũ khí này được dùng để làm việc tốt, nó được cấu trúc để giúp chúng tôi sống một cuộc đời tốt hơn, thành công hơn. Tôi hoàn toàn chấp nhận được tẩy não.
Ý thức của chúng ta thay đổi thực tại của ta, và tôi bắt đầu thấy rằng những tuyên bố tích cực Robbins yêu cầu chúng tôi lặp đi lặp lại đã là một công cụ mạnh mẽ giúp tái cấu trúc ý thức của tôi. Từ ấy, tôi thường nhận thấy chúng ta phải tưởng tượng ra tương lai trước khi nó thực sự đến.
Vào đêm đầu tiên của seminar, sức mạnh của ý thức con người được minh họa một cách không thể nào quên. Robbins đẩy chúng tôi vào trạng thái vui sướng cực độ pha lẫn quyết tâm tột cùng. Trong trạng thái này, chúng tôi bước ra thảm cỏ bên ngoài trung tâm hội nghị, cởi bỏ giày và vớ, và đi trên những thỏi than đỏ hồng. Tôi không biết diễn giải một cách khoa học như thế nào, nhưng chân chúng tôi hoàn toàn không bị bỏng. Nhưng đối với nhiều người trong chúng tôi, đây là một trải nghiệm mang tính giác ngộ. Tôi có thể nhìn thấy sự đổi khác trong mắt họ sau trải nghiệm ấy, cứ như thể một ngọn lửa mới, một đam mê mới đã được khơi nên trong họ – và trong tôi.
Nói thật thì nghe hơi sướt mướt, bước qua con đường trải than dài 6 mét này tạo nên một hình ảnh ẩn dụ trong tôi rằng tôi có thể phá bỏ các giới hạn của bản thân và xây nên một thực tại tốt hơn. Điều này là một bài học tự thân cảm nghiệm khiến tôi hiểu câu nói của Robbins, “Cuộc đời có thể thay đổi chỉ trong một chớp mắt”. Một mục tiêu dường như bất khả thi trong một thời khắc có thể trở nên hoàn toàn khả thi trong thời khắc tiếp theo khi và chỉ khi bạn sẵn lòng thân, trí, và hồn để đạt được.
Các giáo sư Oxford với bộ óc kinh nghiệm – những người đã dày công rèn luyện tôi theo đường lối suy nghĩ logic – ắt hẳn sẽ vừa hứng thú, vừa đắn đo về ảnh hưởng của vị diễn giả truyền động lực này lên tôi. Nhưng thông điệp của ông chính xác là điều tôi cần nghe vào thời điểm khi những tri thức chính thống đã đưa tôi đến ngõ cụt của sự nghiệp.
Ví dụ, Robbins đã ghim sâu vào tâm tưởng tôi ý tưởng rằng, nếu bạn muốn đến một nơi nào đó bất kể, và bạn bị mắc kẹt, “Hãy cứ hành động! Bất kể là hành động nào, hãy cứ làm!” Điều này có thể là điều hiển nhiên với nhiều người. Khốn thật, điều này là hiển nhiên với tôi. Nhưng tôi thiên về phân tích quá nhiều; nghĩa là với tôi, cặm cụi tra cứu trong thư viện thì dễ hơn bắt tay vào hành động. Robbins thuyết phục được tôi rằng tôi phải phá vỡ lối mòn suy nghĩ tiêu cực, đập tan nỗi sợ hãi của bản thân, và tiến lên phía trước.
Được khai mở nhờ Robbins, tôi bắt đầu ngấu nghiến đọc sách của những chuyên gia self-help khác. Trước khi tham gia seminar của ông, tôi ắt hẳn sẽ bĩu môi khinh thường quyển sách có tựa How to Win Friends and Influence People (Đắc nhân tâm). Nhưng Warren Buffett rất tán thưởng tác giả, Dale Carnegie, vì những điều tác giả viết đã giúp ông rất nhiều. Sự thực, Buffett nói rằng tấm bằng duy nhất mà ông trưng bày trong văn phòng là tấm bằng xác nhận ông đã “Hoàn thành khóa học Dale Carnegie về Giao tiếp hiệu quả, Huấn luyện kỹ năng lãnh đạo, và Nghệ thuật đắc nhân tâm”. Tôi ắt hẳn cũng sẽ khinh quyển sách Think and Grow Rich (13 nguyên tắc nghĩ giàu, làm giàu) của Napeleon Hill, cho dù quyển sách rất được Prem Watsa yêu thích. (Prem Watsa là Chủ tịch Hội đồng quản trị và là CEO của Fairfax Financial Holdings, một người cực kỳ thành công và được ví như “Warren Buffett của Canada – Chú thích của người dịch).
Rồi bỗng đâu, những quyển sách ấy trở thành cẩm nang hướng dẫn cuộc đời tôi. Tôi không đọc để tỏ vẻ thông thái trong các buổi tiệc tối; tôi như một anh thợ mỏ chăm chỉ khai thác mỏ tri thức bên trong những quyển sách này để thu lấy những ý tưởng hữu dụng đem áp dụng vào cuộc sống của tôi. Những quyển sách ấy tạo nền tảng cho tôi bước những bước đầu trên con đường học tập trở thành nhà đầu tư giá trị và doanh nhân, khơi mở cho tôi một lối suy nghĩ thực tiễn hơn về bản chất con người và nguyên lý vận hành của thế giới.
Ví dụ, Carnegie giải thích cách tốt nhất để thuyết phục người khác làm điều gì là khiến họ xem việc ấy là điều tự bản thân họ thích làm. Tương tự, ông nói về sức mạnh của việc gọi tên người bạn đang đối thoại, và tầm quan trọng của việc thể hiện sự hứng thú thực lòng với người ấy. Những định hướng đơn giản ấy giúp tôi chuyển đổi cách tương tác với mọi người. Trước đây, tôi thường tập trung biểu lộ trí tuệ để cho mọi người thấy sự thông thái của tôi hay để thu hút những người có tư duy duy lý. Tôi đã quá hợm hĩnh với tài trí của bản thân.
Tôi bắt đầu dùng các bài học tiếp thu được từ dòng sách self-help một cách có ý thức, tìm cách tẩy não bản thân để cài vào đó những thói quen mới của người thành công. Tôi thậm chí còn thay đổi cả cách tự thoại và cách đối thoại. Thay vì nói, “Tôi bệnh”, tôi sẽ nói, “Tôi mong đợi cảm thấy khỏe mạnh”. Nói ra thì thật nhàm chán, có thái độ tích cực là tối quan trọng vì tâm trí ta có cách hướng về điều ta đang tập trung. Trường học các cấp và trường đại học đã quá tận tụy phát triển trí tuệ đến nỗi ta dễ dàng bỏ qua những chiến lược đơn giản vốn có khả năng tạo nên một cuộc sống hạnh phúc và có năng suất hơn.
Giờ nhìn lại, tôi nhận thấy đây là một chiến lược khôn ngoan của cuộc đời: mỗi khi tôi có cơ hội làm điều gì đó không có kết quả chắc chắn nhưng có tiềm năng mang lại giá trị lớn, tôi sẽ cố gắng để làm. Kết quả có thể khi này khi khác, nhưng đôi lúc, những gì bạn thu được là rất lớn. Và tôi càng thường xuyên thu nhặt những lần trúng vé số nhỏ này, tôi càng có nhiều cơ hội trúng giải jackpot!
Đọc thêm tại Chương 3: Chân trần trên than đỏ – Sách “Lột Xác Để Trở Thành Nhà Đầu Tư Giá Trị“
Có thể bạn quan tâm: Lột Xác Để Trở Thành Nhà Đầu Tư Giá Trị – Guy Spier (Hành trình từ một tay “mafia” cò mồi phố Wall trở thành NĐT giá trị chân chính)