Người giàu đã dùng chiếc lược đầu tư nào trong khủng hoảng để “phất lên” như thế nào?
Chiến lược đầu tư tốt nhất tôi rất ngược ngạo và thật điên rồ, đến nỗi những người sử dụng nó cũng khó lòng giải thích cho xuôi tai người khác. tôi biết nghe rất lạ đời, Chiến lược này không khó thực hiện, không khó tí nào cả, nhưng vô cùng khó giải thích. Nhiều người sẽ thốt lên “không thể làm được”. Nhưng những nhà đầu tư thông minh đã sử dụng nó suốt, và thật sự, nó thật sự rất hiệu quả. Với họ đầu tư là việc “tôi có thể làm bất cứ điều gì tôi muốn trong quãng đời còn lại của mình”. Chiến lược đầu tư này hiệu quả đến nỗi nó đã trở thành bí mật đầu tư thành công của những nhà đầu tư tài ba và giàu có nhất trên thế giới. Tôi hoàn toàn nghiêm túc khi nói như thế!
Tôi biết nói thế giống như đang tự thổi phồng mọi việc, nhưng thành thật mà nói, chiến lược đầu tư đó quá hiệu quả để không thể không ca ngợi. Đó là nền tảng của những người giàu nhất thế giới, bao gồm kha khá những người có tên trong danh sách tỉ phú giàu nhất thế giới của tạp chí Forbes danh tiếng. Chiến thuật này được áp dụng bởi những người chẳng hạn như Carlos Slim Helu, người đứng ở vị trí số ba trong danh sách những người giàu nhất thế giới của Forbes.
Danh sách các tỉ phú vận dụng chiến lược đầu tư “bất bại” này để trở nên siêu giàu có nếu kể hết thì còn rất dài, nhưng quả là thiếu sót nếu không đề cập đến người giàu thứ nhì thế giới, Warren Buffett nhà đầu tư tài ba nhất thế giới, đã và đang sử dụng chiến lược đầu tư này xây đắp nên khối tài sản trù phú của mình đồng thời gia cố thêm quyền sở hữu và tận dụng tối đa quyền lực của “lãi kép” trong các công ty như American Express, Washington Post, GEICO, và Coca-Cola.
Chiến lược này cũng là nền tảng của hàng ngàn triệu phú đô la, trong đó có tôi. Thú thật, tất cả những tỉ phú tôi vừa nêu trên đây đều phải đồng ý rằng, chiến lược đầu tư này dễ áp dụng hơn khi bạn là một nhà đầu tư nhỏ. Trở thành nhà đầu tư lớn sẽ đánh mất lợi thế trong việc sử dụng chiến lược này. Nhà đầu tư huyền thoại Buffett đã từng nói, “Bất cứ ai nói rằng quy mô (size) của khoản đầu tư không ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư nghĩa là họ đang ủ mưu nhằm bán cổ phiếu của chính họ. Tỷ suất lợi nhuận cao nhất mà tôi đạt được là vào những năm 1950. Khi ấy tôi đã giết chết chỉ số Dow. Những con số (lịch sử lợi tức của Buffett) không biết nói dối. Thời điểm ấy tôi đang đầu tư vào những cổ phiếu rất nhỏ. Không có nhiều tiền lại là một lợi thế về mặt cấu trúc khi quản lý tài sản” (Nghĩa là bạn có thể vào ra một cách linh hoạt mà không phải lo sợ bị các nhà tạo lập cổ phiếu để ý và cũng không tạo ra các hệ lụy về giá khi bán
Tôi đã sử dụng chiến lược này để gầy dựng tài sản của mình bằng cách mua cổ phiếu của các công ty công nghệ sinh học, các công ty phần mềm, và các công ty tư nhân khác. Và sớm thôi, nếu bạn chú ý và sẵn lòng thực hiện công việc thú vị này, bạn sẽ khám phá rằng chiến lược đầu tư kỳ diệu này cũng có thể là nền tảng cho sự may mắn của chính bạn.
Mua tích trữ cổ phiếu
Tôi gọi chiến lược diệu kỳ này là “mua tích trữ” ý nghĩa là thu gom, tích cóp, giữ gìn. Chính xác là bạn sẽ kiếm cổ phiếu để mua tích trữ, lẽ dĩ nhiên là không phải giá nào bạn cũng mua. Cốt lõi của mua tích trữ là mua cổ phiếu của một doanh nghiệp mà bạn rất có hứng thú và mong ước được sở hữu toàn bộ công ty này, và sau đó mong đợi giá cổ phiếu xuống thật thấp để có thể thỏa sức mua vào miễn là bạn còn tiền và giá còn thấp. Nghe rất lạ phải không? Tôi biết. Nhưng xin nhắc lại lần nữa, toàn bộ những vị tỉ phú tôi nêu trên và còn nhiều người nữa trong danh sách tỉ phú thế giới của tạp chí Forbes đều là các tay mua tích trữ các doanh nghiệp (Lưu ý: danh sách có thể thay đổi vào lúc bạn đọc quyển sách này nhưng câu chuyện thành công của họ vẫn như vậy).
Mua công ty, đừng mua cổ phiếu
“Mua công ty, đừng mua cổ phiếu” là tựa một chương trong quyển sách đầu tiên của tôi. Đó là tư tưởng chủ đạo mà tôi cảm thấy nhắc lại bao nhiêu lần cũng không đủ: bạn phải ngừng lối tư duy rằng mua cổ phiếu khác với mua một doanh nghiệp. Khi bạn mua một doanh nghiệp tức là bạn đang mua cổ phần của doanh nghiệp đó. Nếu chỉ mua vài phần trăm trong tổng số cổ phiếu, bạn trở thành cổ đông, còn khi mua toàn bộ cổ phần, bạn trở thành chủ sở hữu toàn bộ doanh nghiệp. Không có sự khác biệt giữa tiến trình vừa nêu với việc mua những cổ phiếu phổ thông của một doanh nghiệp. Nếu cố chấp xem việc mua cổ phiếu khác với sở hữu một phần doanh nghiệp, bạn sẽ không thể hiểu và thực thi được chiến lược đầu tư mua tích trữ. Một nhà đầu tư chứng khoán điển hình không vui khi cổ phiếu của anh ta rớt giá, bởi vì anh ta không hiểu giá trị thật sự của doanh nghiệp mà cổ phiếu đó đại diện. Nhưng đó là vì những nhà đầu tư điển hình không phải là những nhà đầu tư thực thụ.
Họ không hiểu gì về cơ chế mua tích trữ nên vô hình trung trở thành những nhà đầu cơ và chẳng khác con bạc là mấy. Không may thay, ngành đầu tư tài chính đã lôi kéo hàng triệu người vào cuộc chơi đầu cơ cổ phiếu thông qua các quỹ tương hỗ. Tôi sẽ đề cập thêm về điều này trong chương tiếp theo. Còn bây giờ hãy ghi nhớ một điều từ cuốn sách này trong suốt sự nghiệp đầu tư của bạn, bạn phải nghĩ rằng cổ phiếu là một phần của doanh nghiệp và bạn là chủ sở hữu doanh nghiệp đó. Thế nên nếu bạn mua 10 cổ phiếu của Coca–Cola bạn đã trở thành người đồng sở hữu của Coke chứ không đơn thuần chỉ là nhà đầu tư cổ phiếu vào Coke. Bạn hiểu ý tôi chứ? Khi bạn bắt đầu lĩnh hội tư duy ấy, bạn đã gia nhập vào hàng ngũ những nhà đầu tư vĩ đại như Warren Buffett, và bạn đã đặt bước chân đầu tiên trên con đường trở thành nhà đầu tư tích trữ cổ phiếu và doanh nghiệp cứng cựa trên thị trường.
Warren Buffett cho rằng, “Ý tưởng cơ bản của đầu tư là xem cổ phiếu như một doanh nghiệp, tận dụng cơn dao động của thị trường và tìm kiếm một biên độ an toàn. Đó là những gì Ben Graham đã dạy chúng ta. Dù có trải qua thêm hàng trăm năm nữa, những điều ấy vẫn là nền tảng của đầu tư giá trị.”
Trích sách: Ngày Đòi Nợ
Có thể bạn quan tâm: Ngày đòi nợ (Payback Time) – Phil Town
(đầu tư theo phong cách Warren Buffett, Charlie Munger)