Loạt chính sách hỗ trợ bất động sản và NHNN giảm lãi suất điều hành tác động thế nào đến ngành thép?
Nghị quyết số 33 và Nghị định 08 của Chính phủ sẽ khơi thông vướng mắc của thị trường bất động từ đó dần ổn định và phục hồi trở lại. Điều này trực tiếp tác động tích cực đến hoạt động tiêu thụ thép thời gian tới. Tuy nhiên, việc NHNN hạ lãi suất điều hành sẽ cần thời gian để “ngấm” chính sách.
Nghị quyết số 33 và Nghị định 08 sẽ tác động trực tiếp đến tiêu thụ thép
Trong hai tháng đầu năm, ngành thép vẫn tiếp tục khó khăn khi sản xuất và bán hàng giảm sút so với cùng kỳ năm ngoái do thị trường bất động sản trầm lắng.
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) sản lượng thép thành phẩm trong 2 tháng đầu năm 2023 đạt 4,3 triệu tấn, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Bán hàng thép thành phẩm đạt 3,8 triệu tấn, giảm 23%, trong đó xuất khẩu giảm 10,4% xuống 1 triệu tấn.
Tuy nhiên, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33 Nghị định 08 tháo gỡ khó khăn của thị trường bất động sản kèm theo quyết định hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước được thị trường kỳ vọng nhu cầu thép ở lĩnh vực xây dựng sẽ phục hồi.
Trao đổi với người viết, Đoàn Danh Tuấn – Phó chủ tịch VSA kiêm Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH TM Thép Toàn Thắng nhận định Nghị quyết số 33 và Nghị định 08 của Chính phủ sẽ khơi thông vướng mắc của thị trường bất động từ đó dần ổn định và phục hồi trở lại. Điều này trực tiếp tác động tích cực đến hoạt động tiêu thụ thép thời gian tới.
Theo đánh giá của CTCP Chứng khoán VNDirect, Nghị quyết số 33 cùng với Nghị định 08 cho phép chủ đầu tư gia hạn nghĩa vụ trả nợ, sẽ làm giảm áp lực thanh khoản lên các chủ đầu tư trong ngắn hạn đáng kể và cho phép họ có thêm thời gian để xử lý các khoản nợ của mình.
Ngoài ra, Nghị quyết 33 cùng với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng sẽ thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, tái cân bằng cung cầu. Đây là một trong hai động lực chính được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tiêu thụ thép trong năm 2023, bên cạnh việc giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được triển khai mạnh mẽ.
Ông Thắng cho rằng trong kịch bản tốt việc triển khai các dự án đầu tư công và nhà ở xã hội năm nay sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ giúp ngành thép cải thiện hơn vào nửa cuối năm nay.
“Những yếu tố này dẫn tới tiêu thụ thép trong quý III và quý IV năm nay có thể tăng trưởng mạnh”, ông Tuấn nhận định.
VNDirect kỳ vọng sẽ có thêm chính sách hỗ trợ, khơi thông dòng vốn cho thị trường BĐS trong 3-6 tháng tới, đặc biệt đảm bảo ưu tiên những dự án đang xây dựng dở dang để có thể bàn giao kịp thời đến khách hàng
Giảm lãi suất tác động thế nào?
Còn với động thái giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, ông Thắng cho rằng cần thời gian để “ngấm” chính sách.
“Tôi cho rằng động thái NHNN giảm lãi suất linh hoạt thích hợp với điều kiện thị trường để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước tiếp cận vốn tín dụng. Tuy nhiên, do tác động của chính sách luôn có độ trễ, cần có 1 – 2 tháng mới có tác động thực sự về hoạt động sản xuất và tiêu thụ thép”, ông Thắng nói.
Theo ông Thắng việc NHNN giảm lãi suất chỉ là biện pháp tạm thời, mang tính trước mắt bởi ngân hàng trung ương các nước vẫn đang tăng lãi suất, điển hình như mới đây, Fed tăng lãi suất 25 điểm cơ bản. Một số ngân hàng trên thế giới cũng đứng trước nguy cơ phá sản.
“Nền kinh tế là chuỗi hoạt động liên quan đến sản xuất, xuất nhập khẩu và Việt Nam phụ thuộc vào nền kinh tế thế giới. Do đó, tôi cho rằng động thái giảm lãi suất của ngân NHNN chỉ là giải pháp tạm thời và cần có 1 – 2 tháng mới có tác động thực sự với ngành thép”, ông Thắng nhận định.
Trong năm 2022, trước những biến động mạnh về lãi suất, nhiều doanh nghiệp thép đã chủ động giảm nợ vay. Tính đến ngày 31/12/2022, tổng nợ phải trả của Hoà Phát 74.222 tỷ đồng, giảm 30% so với thời điểm cuối tháng 6/2022.
Tập đoàn cho biết quý II năm ngoái cũng là thời điểm dư nợ ở mức cao nhất. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ ở Việt Nam được thực hiện với độ trễ khá dài khi duy trì lãi suất VND ở mức dễ chịu trong 6 tháng đầu năm 2022 và chỉ bắt vào đà tăng mạnh trong 6 tháng còn lại. Do đó, Hoà Phát đã giảm nợ vay để bớt áp lực về chi phí tài chính.
Tính đến quý IV năm ngoái, tỷ lệ nợ vay/tổng tài sản là 43,6%, giảm 3 điểm phần trăm so với quý II. Mặc dù vậy, chi phí lãi vay trong quý IV tăng 30% so với quý II.
Còn với Hoa Sen, nợ phải trả tính đến cuối năm ngoái là 5.793 tỷ đồng, giảm một nửa so với thời điểm 30/6/2022, chủ yếu là các khoản vay ngắn hạn (5.777 tỷ đồng).
Chi phí lãi vay trong quý I niên độ 2022 – 2023 (từ 1/10/2022 – 1/12/2022) là 48 tỷ đồng, giảm so với con số 59 tỷ đồng trong giai đoạn 1/4/2022 – 30/6/2022 và giảm khoảng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại đại hội đồng cổ đông diễn ra hôm 10/3, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Hoa Sen Group nhận định tình hình sức khoẻ tài chính của công ty hiện vẫn tương đối ổn định với nợ dài hạn ở mức thấp.
“Lãi ngân hàng 6,5% Hoa Sen sẽ không vay, xuống 6,2% mới vay”, ông Vũ khẳng định.
Nhìn chung tỷ lệ nợ/tổng tài sản của các công ty đang ở mức lý tưởng, quanh mốc 50%. Riêng với Pomina, tỷ lệ này lên tơi 77%, trong khi Hoa Sen là hơn 36%.
Giữa tháng 3, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33 Nghị định 08 nhằm tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản, giảm áp lực thanh khoản lên các chủ đầu tư trong ngắn hạn đáng kể và cho phép họ có thêm thời gian để xử lý các khoản nợ của mình.
Ngoài ra, ngày 14/3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có thông báo về việc điều chỉnh giảm lãi suất điều hành từ 0,5% – 1%.
Cụ thể, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm. Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng (TCTD) giảm từ 7%/năm xuống 6%/năm.
Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,5%/năm xuống 6%/năm.
Tiến Phát