Chân dung Paul Volcker – người ghìm cương lạm phát, cha đẻ của “vòng kim cô” siết chặt các ngân hàng đầu tư
Trong sự nghiệp trải dài hơn nửa thế kỷ của mình, Paul Volcker được coi là người dọn dẹp những cú đổ vỡ gây nên sự hỗn loạn trong nền kinh tế Mỹ.
Cựu Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Paul Volcker, người đã có công giúp nước Mỹ dập tắt lạm phát trong những năm 1980 và 3 thập kỷ sau lại trở thành người giúp cựu Tổng thống Barack Obama thực thi nỗ lực lập lại kỷ cương cho hệ thống ngân hàng.
Trong sự nghiệp trải dài hơn nửa thế kỷ của mình, Volcker được coi là người dọn dẹp những cú đổ vỡ gây nên sự hỗn loạn trong nền kinh tế Mỹ, từ “ghìm cương” làn sóng lạm phát đến dọn sạch những tàn dư mà cú sụp đổ của thị trường bất động sản gây ra năm 2008, khi mà sự thật trần trụi hiện ra là người Mỹ đi vay nợ quá nhiều và mô hình kinh doanh của các ngân hàng thì quá liều lĩnh. Cuối cùng tên tuổi của ông gắn liền với quy tắc Volcker – những quy tắc phòng chống rủi ro mà hầu hết các ngân hàng đều không ưa và đã trở thành trọng tâm cải cách của chính quyền Tổng thống Trump.
“Paul là người cứng đầu, và mặc dù một số chính sách của ông trên cương vị Chủ tịch Fed gây ra tổn thất về mặt chính trị, chúng là những chính sách đúng đắn mà chúng ta cần thực thi”, cựu Tổng thống Jimmy Carter – người đã bổ nhiệm Volcker làm Chủ tịch Fed năm 1979 – nhận xét. “Chúng ta biết ơn vì những đóng góp của ông cho đất nước”.
Là hậu duệ của những người nhập cư từ Đức, Volcker có niềm tin mãnh liệt về những mối nguy từ lạm phát và ông có lối sống rất căn cơ tiết kiệm. Ông thường chọn vé máy bay giá rẻ, phàn nàn về giá cả khi đi ăn hàng và tận hưởng kỳ nghỉ trăng mật trong 1 con tàu đánh cá ở Maine. Ông coi thường các phát minh mới của ngành tài chính như hợp đồng hoán đổi tín dụng và cho rằng sản phẩm tài chính tuyệt vời nhất chính là chiếc máy ATM.
Volcker đã phục vụ 6 đời Tổng thống với các vị trí trong Bộ Tài chính, Fed hay là cố vấn kinh tế. Ở tuổi 81, 2 thập kỷ sau khi rời khỏi Fed, ông lại được Obama gọi về làm người đứng đầu Ủy ban cố vấn phục hồi kinh tế vào tháng 11/2008, khi kinh tế Mỹ sa lầy trong suy thoái và chật vật hồi sinh từ cuộc khủng hoảng tài chính tệ nhất kể từ Đại khủng hoảng.
Chỉ trong vài tháng, người đàn ông cao gần 2m đã trở thành một trong những nhân vật thúc đẩy cải cách mạnh mẽ nhất. Ông muốn cấm các ngân hàng thực hiện những khoản đầu tư mang tính đầu cơ đầy rủi ro, tách bạch rõ ràng mảng ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư. Obama chính thức đề xuất ý kiến này vào tháng 1/2010, gọi đây là “một cuộc cải cách đơn giản và cần thiết”. Quy tắc Volcker được tích hợp vào đạo luật Dodd-Frank 2010 – điều khiến Volcker nghi ngờ về quyết tâm tuân thủ các quy tắc này.
Khi Volcker rời Nhà Trắng tháng 2/2011, các nhà quản lý nhận được hàng tá các bình luận về việc triển khai đạo luật Dodd-Frank. Tất nhiên các ngân hàng phản đối quy tắc Volcker vì theo đó thì hoạt động kinh doanh của họ bị thu hẹp lại rất nhiều.
Đến tháng 7/2015 quy tắc Volcker mới chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên khi nhậm chức năm 2017, ông Trump đã ra lệnh cho các nhà quản lý viết lại quy tắc này và làm giảm đáng kể quyền lực của nó. Trong 1 lá thứ gửi Chủ tịch Fed Jerome Powell ngày 20/8/2019, Volcker phàn nàn rằng quy tắc mang tên ông đang bị suy yếu và rủi ro đối với hệ thống tài chính đang tăng lên nhanh chóng.
Nhân vật gây nhiều tranh cãi
Paul Adolph Volcker Jr. Sinh ngày 5/9/1927 tại Cape May, New Jersey. Ông nhận bằng cử nhân năm 1949, tốt nghiệp ĐH Princeton và lấy bằng thạc sĩ ngành kinh tế chính trị từ ĐH Harvard năm 1951. Từ năm 1951 đến 1952, ông theo học tại trường Kinh doanh London và đi vòng quanh châu Âu bằng số tiền dự định sẽ sử dụng để làm nghiên cứu sinh tiến sĩ. Cuối cùng ông đã không có được tấm bằng tiến sĩ.
Sự nghiệp là nhà kinh tế học của Volcker bắt đầu từ năm 1952, khi ông có được 1 công việc tại Fed New York. 5 năm sau, ông chuyển sang làm việc tại Chase Manhattan Bank, nơi ông gắn bó với David Rockefeller. Năm 1962, ông có công việc đầu tiên tại Washington, là trưởng phòng Phân tích tài chính của Bộ Tài chính Mỹ dưới thời John F. Kennedy. Đến năm 1965 ông quay trở lại Chase để rồi lại ra đi vào năm 1969.
Lần này ông là thứ trưởng phụ trách vấn đề tiền tệ tại Bộ Tài chính Mỹ dưới thời Nixon. Trong vai trò này, ông giúp soạn thảo khung pháp lý mới để thay thế cho hệ thống tỷ giá cố định và tiêu chuẩn bản vị vàng của hệ thống Bretton Woods. Năm 1971 Nixon chính thức đặt dấu chấm hết cho hệ thống Bretton Woods.
Là Chủ tịch Fed New York từ năm 1975 đến 1979, Volcker trở thành người có tiếng nói mạnh mẽ nhất trong Ủy ban thị trường mở liên bang ủng hộ thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng lãi suất. Năm 1979, ông được bổ nhiệm làm Chủ tịch Fed.
Trong nhiệm kỳ kéo dài 17 tháng của ông, lạm phát tăng từ 6,6% lên 11,8%. Ngày 6/10/1979, ông công bố một loạt biện pháp để kiềm chế lạm phát, ban đầu là tăng lãi suất mà Fed áp đặt lên các định chế tài chính thêm 1%, lên 12%. Nhưng động thái gây chấn động nhiều nhất là Fed chuyển sang tập trung vào giới hạn tăng trưởng cung tiền, cho dù điều đó đồng nghĩa lãi suất sẽ tăng chóng mặt. Cuối cùng lãi suất đã chạm mốc 20%.
Những chính sách của ông đã khiến nước Mỹ phải trả giá đắt và đó là một phần nguyên nhân giúp Ronald Reagan có được chiến thắng vang dội trước Carter trong cuộc bầu cử năm 1980. Trong nhiệm kỳ của ông, kinh tế Mỹ đã 2 lần rơi vào suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 10,8% trong tháng 11/1982 và tỷ lệ nợ xấu cũng như phá sản tăng vọt. Người nông dân và công nhân thi nhau biểu tình.
Mặc dù những chính sách của ông gây ra nhiều tranh cãi, sự quyết đoán của Volcker và sự thật là ông đã tiêu diệt được lạm phát giúp ông có được nhiều người hâm mộ trong cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa cũng như trong nhiều thế hệ Chủ tịch Fed.
Năm 1987, ông từ chức Chủ tịch Fed. Sự ra đi của ông và việc Alan Greenspan được bổ nhiệm làm Chủ tịch Fed khiến cổ phiếu, trái phiếu và đồng USD lao dốc. Ở thời điểm đó, lãi suất cơ bản của Mỹ là 6,75%, lạm phát khoảng 4% và nền kinh tế đã tăng trưởng 5 năm liên tiếp.
Hoai An Le
Nguồn: CafeF