Ứng dụng Bollinger Bands vào giao dịch trong ngày : Lựa chọn biểu đồ phù hợp
Bollinger Bands được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng những nhà giao dịch ưa thích giao dịch trong ngày. Chúng được sử dụng cho mọi thứ và theo nhiều cách khác nhau.
Các chỉ báo xu hướng và động lượng là những chỉ báo thường xuyên được sử dụng kèm với các dải. Các chỉ báo khối lượng sẽ hiếm được sử dụng kết hợp với các Bollinger Bands hơn, tuy nhiên đây là một sự kết hợp khá thú vị.
Điều quan trọng nhất của việc giao dịch theo ngày đó là lựa chọn biểu đồ phù hợp.
Tick chart (biểu đồ dạng đánh dấu) cung cấp chính xác nhất số lần thay đổi giá của thị trường, điều vô cùng cần thiết đối với việc giao dịch trong ngày. Đây là lý do mà hầu hết các nhà giao dịch sẽ muốn sử dụng Tick chart để giao dịch trong ngắn hạn. Tick chart sẽ vẽ những cây nến chỉ khi số lượng giao dịch đạt đủ mức thiết lập, điều này dẫn đến việc trong giai đoạn cổ phiếu được giao dịch sôi động sẽ có nhiều nến hơn xuất hiện, và những lúc thị trường ảm đạm ít giao dịch sẽ có ít nến xuất hiện hơn. Mặc dù việc vẽ biểu đồ dạng này có thể khiến biểu đồ hiển thị quá nhiều thông tin đối với những cổ phiếu sôi động. Việc thay đổi cách hình thành nến cũng dẫn đến việc tăng tính liên tục của biểu đồ so với cách thức thông thường. Việc quan sát trong khung thời gian một hoặc hai ngày thường vẫn ổn, nhưng với những cổ phiếu quá sôi động, bạn có thể thấy mật độ nến sẽ rất dày đặc. Đối với những trường hợp như vậy, bạn có thể cân nhắc việc chỉ quan sát một khoảng thời gian ngắn hơn để dễ dàng đọc thông tin, có thể là nửa ngày.
Bạn cần tìm ra khung giờ giao dịch sôi động nhất của cổ phiếu bạn đang phân tích (kinh nghiệm giao dịch sẽ cho bạn biết). Sau đó thiết lập khung thời gian ấy làm phiên giao dịch chính của bạn. Khung thời gian này có thể thay đổi nếu xuất hiện những sự thay đổi bất thường như một phiên giao dịch bùng nổ, hoặc tương tự. Nhưng khi giao dịch trong khoảng thời gian sôi động nhất, bạn sẽ loại bỏ được những khung thời gian ít có giao dịch, tạo điều kiện cho việc phân tích liên tục từ phiên này sang phiên khác. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn muốn có cái nhìn toàn diện về chỉ báo.
Khi nói đến phân tích biểu đồ, có hai loại thường sử dụng là biểu đồ thanh và biểu đồ nến.
Đối với việc giao dịch trong ngắn hạn, bạn sẽ cần thiết lập khoảng thời gian sao cho ngắn nhất nhưng vẫn đủ để có thể hình thành nên các thanh hoặc nến – nếu bạn chỉnh khung thời gian quá ngắn thì biểu đồ sẽ chỉ hiển thị ở dạng những thanh ngang hoặc bước nhảy giá, sẽ rất khó khăn cho việc quan sát (Hình 22.1).
Hãy kéo dài khung thời gian từ từ cho đến khi các thanh hoặc nến được hình thành đầy đủ (hình 22.2).
Khi bạn đã biết khoảng thời gian nào là ngắn nhất để hình thành các thanh hoặc nến, bạn có thể chọn hiển thị biểu đồ cùng lúc ở những khung thời gian dài hơn để có cả góc nhìn chi tiết và góc nhìn rộng hơn, phục vụ cho các định hướng dài trong ngày.
Nếu bạn đã tìm thấy khung thời gian phù hợp để có thể hình thành các thanh hoặc nến, bạn sẽ có lợi thế hơn nhiều trong việc quan sát diễn biến của cổ phiếu. Để phân chia một ngày hợp lý, hãy bắt đầu bằng khung giờ – hãy coi nửa giờ đầu tiên là một giờ đầy đủ. Điều đó hiển thị một ngày sẽ có bảy giờ (Đối với thị trường Việt Nam, 9h – 9h30 được coi là một giờ, 9h30 – 11h30 là hai giờ, 13h – 15h là hai giờ, vậy một ngày giao dịch tại thị trường Việt Nam được coi là năm giờ giao dịch – Chú thích của người dịch). Bạn cũng có thể cân nhắc tính cả phiên giao dịch trước giờ mở cửa là một giờ và phiên giao dịch sau giờ đóng cửa là một giờ khác. Với phương pháp đó, mỗi ngày sẽ có chín giờ. Hoặc bạn có thể thử cách chia một thanh tương ứng với nửa giờ, với cách chia này sẽ có 15 thanh mỗi ngày.
Việc chia khoảng thời gian như thế nào là vô cùng quan trọng, vì nếu bạn chia không hợp lý hoặc không hiểu được ý nghĩa của từng thanh nến đang tương ứng với những phiên giao dịch nào, thì thông tin có thể sẽ bị mất hoặc bị diễn giải sai lệch. Tất nhiên, bạn luôn cần đảm bảo biểu đồ được điều chỉnh sao cho phù hợp với phong cách của bạn, vẫn đảm bảo hiển thị đầy đủ thực tế thị trường và phù hợp với các công cụ giao dịch của bạn.
Happy Live Team
Nguồn: Trích lược sách Bollinger on Bollinger Bands
THÂU TÓM ĐIỂM VÀO LỆNH TỐI ƯU – TỪ CHỈ BÁO BOLLINGER BANDS