fbpx

Chuyên gia dự báo cung tiền tăng 10% trong năm 2023

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết huy động vốn và tốc độ cung tiền năm nay cũng dự báo khả quan hơn năm trước, tăng trưởng khoảng 10%. Thị trường chứng khoán năm nay cũng dự báo phục hồi trở lại, tăng khoảng 15%.

ts-can-van-luc-thi-truong-chung-khoan-nam-nay-se-phuc-hoi-tro-lai-tang-khoang-15

DỰ BÁO CUNG TIỀN M2 TĂNG 10%, DỰ TRỮ NGOẠI HỐI 105 TỶ USD TRONG NĂM 2023

Tại diễn đàn, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV đã đưa ra một số dự báo về động thái của các ngân hàng trung ương trong thời gian tới. 

Ông Lực cho rằng từ giờ đến cuối năm FED sẽ không tăng lãi suất nữa. Ngân hàng Trung ương châu Âu cùng lắm chỉ có 1 lần tăng lãi suất. Như vậy, lãi suất sẽ đi ngang đến cuối năm 2023. Trong trường hợp tình hình kinh tế của Mỹ và thế giới xấu thêm thì khả năng các ngân hàng trung ương châu Âu bắt đầu đảo chiều lãi suất vào đầu năm tới. Đó là tín hiệu tích cực đối với kinh tế Việt Nam.

Tại châu Á, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV dự báo các ngân hàng trung ương có thể tăng lãi suất 1 lần nữa rồi cũng sẽ đi ngang trong năm 2023. 

Về tỷ giá, TS Cấn Văn Lực cho rằng, biến động của tỉ giá USD/VND ở mức trên 3% là chấp nhận được. Dự báo trong năm 2023, khi Mỹ ngừng tăng lãi suất, USD mất giá, các đồng tiền khác sẽ tăng giá trở lại, trong đó có VND. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam ước đạt 105 tỷ USD trong năm 2023.

TS Cấn Văn Lực dự báo tín dụng tăng khoảng 13-14% trong năm nay. Nợ xấu đã và đang tăng lên, nợ xấu nội bảng dự báo tăng khoảng 2,5%, tuy nhiên, hoàn toàn trong tầm kiểm soát vì năng lực tài chính của các ngân hàng tại Việt Nam đã vững chãi hơn rất nhiều so với trước đây. 

Huy động vốn dự báo tăng khoảng 10% để đảm bảo thanh khoản, cao hơn so với con số năm ngoái là 8%.

Bên cạnh đó, cung tiền năm nay rất quan trọng. Năm ngoái cung tiền tăng khá thấp, năm nay dự báo cung tiền được đẩy lên khoảng 10%, điều này rất tích cực cho nền kinh tế và doanh nghiệp, ông Lực nhấn mạnh.

Chuyên gia dự báo cung tiền tăng 10% trong năm 2023 - Ảnh 1

Đồng quan điểm với TS Cấn Văn Lực về việc áp lực tỷ giá đã giảm đáng kể, song bà Hà Thị Kim Nga, cán bộ kinh tế cao cấp văn phòng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam lại cho rằng vẫn cần rất thận trọng. 

Bà Nga đánh giá kỳ vọng FED ngừng tăng lãi suất chưa chắc chắn. Những tác động từ chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ dự báo sẽ còn tác động lớn hơn và âm ỉ tới khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam.

Theo bà Nga, lạm phát chung đã ổn định trở lại tại các nước trong khu vực nhờ giảm giá hàng hóa sơ chế và chi phí vận chuyển; tuy nhiên, lạm phát cơ bản vẫn còn cao và đang trở thành nguyên nhân chính gây lạm phát. Đối với Việt Nam, bà Hà Thị Kim Nga cảnh báo lạm phát cơ bản có thể còn dai dẳng trước khi giảm dần xuống dưới 4%.

Bà Nga khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước nên dựa vào lãi suất chính sách để kiềm chế lạm phát và tránh các áp lực lên tỷ giá; đồng thời, đảm bảo sự ổn định khu vực tài chính khi xử lý các nút thắt của thị trường trái phiếu và bất động sản.

ĐÁP ỨNG NHU CẦU TÍN DỤNG GẮN VỚI AN TOÀN HỆ THỐNG NGÂN HÀNG

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà nhấn mạnh: Bối cảnh vĩ mô năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 biến động nhanh và mạnh nhất trong nhiều thập kỷ, vượt khỏi mọi dự đoán trước đó.

Từ suy thoái sâu trong đại dịch COVID-19, kinh tế toàn cầu nhanh chóng chuyển trạng thái thành lạm phát cao kỷ lục, lên mức trên 8% tại Mỹ và trên 10% tại châu Âu, hơn 80 quốc gia lạm phát từ 2 con số trở lên trong năm 2022.

Lạm phát tăng cao nên xu hướng thắt chặt tiền tệ là không tránh khỏi. FED tăng lãi suất với tần suất và mức độ nhanh nhất trong lịch sử, tăng 5% chỉ trong 14 tháng. Thị trường quốc tế biến động mạnh, từ tiền tệ với đồng USD có thời điểm tăng giá lên mức kỷ lục trong 20 năm, đến cổ phiếu, trái phiếu, và lưu chuyển dòng vốn toàn cầu.

Xu hướng tăng lãi suất, bán can thiệp ngoại tệ diễn ra tại nhiều nền kinh tế mới nổi và đang phát triển nhằm bảo vệ đồng nội tệ trước áp lực mất giá quá mạnh, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Những tháng đầu năm 2023, nhiều quốc gia đối mặt với rủi ro suy thoái kinh tế kèm lạm phát cao, thương mại toàn cầu giảm, khủng hoảng tại một số ngân hàng ở Mỹ, châu Âu tiếp tục đặt ra thách thức cho điều hành chính sách tiền tệ trên toàn thế giới.

Theo Phó thống đốc Phạm Thanh Hà, công tác điều hành chính sách tiền tệ, nhất là điều hành lãi suất, tỷ giá, tín dụng gặp rất nhiều khó khăn để xử lý hài hòa nhiều mục tiêu mâu thuẫn nhau như: (i) làm sao để vừa hỗ trợ kinh tế phục hồi sau đại dịch mà vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát trong bối cảnh giá cả, lạm phát toàn cầu tăng cao; (ii) vừa giảm áp lực mất giá mạnh của đồng Việt Nam mà vẫn phải giữ ổn định mặt bằng lãi suất; (iii) vừa đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng trong khi vẫn phải đảm bảo nhu cầu tín dụng cho nền kinh tế; đồng thời, triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn. 

Theo các chuyên gia tham dự diễn đàn, giải pháp quan trọng nhất hiện nay để giữ nhịp tăng trưởng cho nền kinh tế là phải quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính (dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung) theo Chỉ thị 280 ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Chính sách tiền tệ cũng cần đa mục tiêu hơn, ngoài những mục tiêu thông thường cần thêm trọng tâm ổn định tiền tệ – tài chính trong bối cảnh thị trường bất ổn. Theo các chuyên gia, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển trạng thái điều hành chính sách tiền tệ từ chặt chẽ, thận trọng sang nới lỏng thận trọng, hỗ trợ tăng trưởng.

Ngoài ra, ngành ngân hàng phải giải bài toán giảm lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn, chính sách cơ cấu lại nợ, hỗ trợ thanh khoản, đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (Đề án 689/QĐ-TTg ngày 8/6/2023)…sao cho hiệu quả, an toàn.

Bên cạnh chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa tiếp tục là chủ lực, nới lỏng, có trọng tâm, trọng điểm trong năm 2033 . Tiếp tục chính sách giãn hoãn, giảm thuế, phí (Nghị định 12/NĐ-CP ngày 14/4/2023, giảm 2% thuế VAT); đẩy nhanh hoàn thuế VAT. Ngân sách Nhà nước  sẽ giảm khoảng 61.000 tỷ đồng, trong đó có cả phần giảm VAT 2%.

Đồng thời cần phối hợp đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, chương trình phục hồi 2022–2023. Phối hợp chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa (trong cung tiền kiểm soát lạm phát, giảm lãi suất, ổn định tiền tệ – tải chính, phát triển thị trường chứng khoán, tăng năng lực tài chính cho các tổ chức tín dụng, hoàn thiện thể chế…).

Cuối cùng, trong bối cảnh bất ổn, Việt Nam cần sớm có khung xử lý khủng hoảng nếu xảy ra sự cố.

 

Nguồn: vneconomy

“Cuốn sách giúp thay đổi rất nhiều luận điểm còn đang mơ hồ và những lầm tưởng khi nghĩ về kinh tế học”.

Basic Economics

ĐẶT SÁCH NGAY

Các viết cùng chủ đề