fbpx

Giá gạo có thể tiếp tục tăng

Sau lệnh cấm xuất khẩu gạo từ Ấn Độ, UAE, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã lên vùng giá cao nhất 12 năm qua. Giá lúa cũng tăng hàng chục USD mỗi ngày.

7 tháng đầu năm, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản thu về hơn 29 tỷ USD, so với cùng kỳ năm ngoái vẫn giảm khoảng 9%, nhưng tháng 7 lại là tháng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng dương trở lại. Đây là tín hiệu tích cực để ngành nông nghiệp kỳ vọng vào những tháng tiếp theo. Trong đó xuất khẩu gạo và rau quả là 2 mặt hàng hứa hẹn tiếp tục duy trì được đà tăng ấn tượng.

Việc Nga chính thức rút khỏi Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Biển Đen, Ấn Độ – quốc gia chiếm thị phần khoảng 40% thị trường xuất khẩu gạo, cấm xuất khẩu mặt hàng này, các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng tạm dừng xuất khẩu gạo… đã khiến giá gạo trên thị trường thế giới tăng mạnh, do nguồn cung bị thu hẹp đáng kể.

Ngay lập tức, thị trường lúa gạo Việt Nam cũng biến động theo, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lên vùng giá cao nhất 12 năm qua. Những ngày gần đây, giá lúa tăng hàng chục USD mỗi ngày.

Giá gạo xuất khẩu tăng cao kéo theo giá lúa trong nước cũng neo ở mức cao. Tính riêng ngày 2/8 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giá lúa và giá gạo đều có sự điều chỉnh. Theo đó, giá lúa OM 5451 tăng 200 đồng/kg lên mức 6.800 – 7.000 đồng/kg, lúa IR 504 ở mức 6.600 – 6.800 đồng/kg.

gia-gao-co-the-tiep-tuc-tang-happy-live-1
Trong thời gian tới, giá gạo có thể vẫn tiếp tục tăng và neo ở vùng giá cao. (Ảnh minh họa – Ảnh: Báo Đầu tư)

Trên thị trường xuất khẩu gạo, giá gạo xuất khẩu của Việt tiếp tục tăng mạnh 20 USD/tấn so với ngày 1/8. Cụ thể, gạo 5% tấm giao dịch ở mức 588 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 568 USD/tấn.

Mặc dù giá tăng cao, nhưng theo nhiều thương nhân xuất khẩu gạo, hiện đang rất khó thu mua lúa, vì hầu hết lúa đã được thương lái cọc mua từ đầu vụ. Trong khi doanh nghiệp phải gom hàng để trả đơn đã ký với giá thấp trước đó. Một số doanh nghiệp khác không có đơn, nhưng hiện họ cũng không muốn bán ra do mỗi ngày giá lên 2 – 3 đợt. Điều này khiến giá lúa, gạo liên tục được đẩy lên cao.

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo chủ động đơn hàng xuất khẩu

Giá lúa tăng cao, nhưng theo nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, họ cho rằng đây là cơ hội để người trồng lúa gia tăng thu nhập, còn doanh nghiệp xuất khẩu muốn tận dụng cơ hội này cần có liên kết bền vững với người trồng lúa.

Theo doanh nghiệp giá lúa hiện 7.000 đồng/kg, giá gạo xuất khẩu phải tương ứng 640 USD/tấn mới tương xứng, doanh nghiệp mới có lãi và thúc đẩy được đơn hàng từ nay đến cuối năm.

“Chúng ta phải cẩn trọng giữa sản xuất và tiêu dùng gắn kết với nhau, không để giá lúa lên cao quá sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo của doanh nghiệp”, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc, Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, cho biết.

Khi có mối liên kết chặt chẽ với người nông dân, doanh nghiệp sẽ luôn duy trì được tồn kho, giá ổn định, đảm bảo giao hàng đúng thời hạn cho khách hàng.

“Lượng tồn kho của chúng tôi là 22.000 tấn gạo và chúng tôi có hợp đồng để sẵn sàng xuất khẩu từ nay đến hết tháng 11”, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc, Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, cho hay.

Cũng theo các doanh nghiệp, hiện nay nhiều thương nhân tìm đến thị trường Việt Nam để tìm kiếm nguồn cung cho dịp lễ hội cuối năm. Do vậy trong thời gian tới, giá gạo có thể vẫn tiếp tục tăng và neo ở vùng giá cao.

Tăng diện tích trồng lúa vụ Thu Đông

Đồng bằng sông Cửu Long là nơi tập trung tới 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, tương đương trên 6 triệu tấn gạo xuất khẩu mỗi năm. Trước nhu cầu gạo tăng cao của thị trường thế giới, nhiều người đang tự hỏi, liệu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chủ trương tăng diện tích lúa, tận dụng chớp cơ hội xuất khẩu lúa dịp cuối năm?

Tại vụ Thu Đông năm nay ở Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trương tăng 50.000 ha diện tích trồng lúa, đưa tổng diện tích từ 650.000 lên 700.000 ha. Theo tính toán của chuyên gia, với năng suất lúa hiện có khoảng 5,7 tấn/ha, sau 3 tháng tới khi vào mùa thu hoạch, Việt Nam sẽ thu hàng nghìn tỷ đồng từ xuất khẩu gạo.

gia-gao-co-the-tiep-tuc-tang-happy-live-2
Đồng bằng sông Cửu Long là nơi tập trung tới 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, tương đương trên 6 triệu tấn gạo xuất khẩu mỗi năm. (Ảnh: NLĐ

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã tham mưu cho Chính phủ để ra chỉ thị tăng cường xuất khẩu gạo trong tình hình mới. Theo đó, các bộ, ngành và địa phương liên quan cùng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tận dụng tốt cơ hội này của ngành lúa gạo.

Tăng cường kiểm soát chất lượng trái cây xuất khẩu

Trong buổi họp báo gần đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng xuất khẩu gạo 5 tháng cuối năm sẽ càng sôi động. Nhu cầu nhập khẩu tại thị trường như Philippines, Trung Quốc và Malaysia đều tăng mạnh.

Ngoài mặt hàng gạo, nhóm sản phẩm rau quả đã đạt tốc độ tăng trưởng tới 68%, kim ngạch xuất khẩu cũng đạt 3,2 tỷ USD trong 7 tháng qua. Trong những tháng tới, để đảm bảo mục tiêu xuất khẩu 5 tỷ USD của ngành hàng rau quả đòi hỏi phải ứng phó kịp thời với những cảnh báo về việc vi phạm các quy định nhập khẩu thị trường quốc tế.

Thanh long từng là mặt hàng 10 năm liền đứng đầu trong danh sách xuất khẩu trái cây và được mệnh danh là loại trái cây tỷ đô, nhưng hiện danh hiệu vua trái cây đã thuộc về sầu riêng khi mặt hàng này đã vượt thanh long và có thể xuất khẩu mang về kim ngạch 1,2 tỷ USD trong năm nay, dự kiến kim ngạch có thể mang về 2 tỷ USD vào năm sau.

Việc sầu riêng vươn lên thành loại trái cây xuất khẩu lớn nhất Việt Nam cũng được các doanh nghiệp trong ngành nhận định là một “kỳ tích”. Bởi năm 2022, quả này chỉ mang về 420 triệu USD xuất khẩu. Kết quả xuất khẩu ấn tượng với mức tăng hơn 68% có sự đóng góp lớn từ thị trường Trung Quốc.

“Những tháng tới, vùng sầu riêng ở Tây Nguyên sẽ được đưa vào xuất khẩu, cộng thêm những mặt hàng và những thị trường mới khác nữa, dự đoán năm 2023 có thể đạt hoặc vượt 5 tỷ USD, sớm hơn kế hoạch 2 năm”, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết.

Tuy nhiên trước việc Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo các vi phạm về kiểm dịch thực vật của nhiều lô hàng trái cây từ Việt Nam, sắp tới cơ quan quản lý của Việt Nam sẽ kiểm soát kỹ hơn nữa các mã số vùng trồng, đóng gói.

“Các mã hiện nay không chỉ có Trung Quốc, mà các cơ quan kiểm dịch thực vật của Việt Nam phát hiện nhiều lần trước khi xuất khẩu yêu cầu phải quay về thì chúng tôi sẽ xem xét báo cáo bộ để yêu cầu tạm dừng những mã này, kể cả cơ sở đóng gói”, ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định.

“Bảo đảm thương hiệu, bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật của Trung Quốc, chúng tôi sẽ tiếp tục cấp thêm những mã số vùng trồng và nhà máy đóng gói để sản lượng của chúng ta vẫn đảm bảo vào thị trường Trung Quốc, bởi nhu cầu từ thị trường Trung Quốc rất là cao”, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T, thông tin.

Hiện Việt Nam có khoảng 6.500 vùng trồng và 1.600 cơ sở đóng gói tại 33 địa phương được cấp mã xuất khẩu. Có được “visa” vào nhiều thị trường lớn và quan trọng, ngành rau quả đang dần phải hoàn thiện việc quản lý chất lượng để giữ đà tăng trưởng.

Đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định chỉ tiêu xuất khẩu 54 – 55 tỷ USD có thể hoàn thành nếu 2 ngành chủ lực là lâm nghiệp và thủy sản lấy lại được đà tăng trưởng trong nửa cuối năm 2023.

Tiến Phát

vtv

“Cuốn sách giúp thay đổi rất nhiều luận điểm còn đang mơ hồ và những lầm tưởng khi nghĩ về kinh tế học”.

Basic Economics

ĐẶT SÁCH NGAY

Các viết cùng chủ đề