Học cách ăn nói để “vạn người thương, triệu người mến”
Trong cuộc sống lẫn công việc, người khéo ăn nói luôn dễ dàng chiếm được thiện cảm từ người khác. Sự duyên dáng trong giao tiếp là bệ phóng hoàn hảo để mở rộng các mối quan hệ và thăng tiến trong sự nghiệp. Vì lẽ đó, khả năng giao tiếp được liệt kê vào vị trí đầu tiên những kỹ năng cần phải có. Nếu bạn đủ năng lực nhưng vẫn lận đận vì không giỏi ăn nói, tuyệt đối đừng bỏ qua mẹo học cách ăn nói sau đây nhé!
1. Vì sao nên học cách ăn nói?
Chúng ta luôn muốn được mọi người xung quanh yêu mến và tin tưởng giao việc. Nhưng để chiếm được thiện cảm của người khác luôn không dễ dàng. Nhất là trong môi trường công sở, đây là nơi tập hợp nhiều người với cá tính khác nhau như một xã hội thu nhỏ.
Ở môi trường bên ngoài, chúng ta có thể tránh tiếp xúc với người không cùng tính cách. Nhưng ở nơi làm việc, dù muốn hay không việc trao đổi vẫn luôn xảy ra. Bên cạnh đó, môi trường công sở luôn đề cao tinh thần làm việc tập thể. Vì thế, trau dồi kỹ năng ăn nói để kéo thiện cảm về phía mình là vô cùng cần thiết.
Nếu bạn có khả năng giao tiếp lôi cuốn sẽ thu hút sự chú ý của người khác. Trong các cuộc đàm phán, người khéo ăn nói sẽ dễ dàng dẫn dắt đối tác đi đến mục đích chung. Thế nên, không quá khi nói người giao tiếp khéo sẽ dễ dàng gặt hái được thành công.
Ở vị trí nhân viên, giao tiếp tốt giúp bạn dễ lấy lòng đồng nghiệp và chiếm thiện cảm từ sếp. Đứng ở vị trí lãnh đạo, kỹ năng giao tiếp là một công cụ trợ giúp truyền cảm hứng và liên kết nhân viên lại với nhau. Bởi thế, kỹ năng này như một yếu tố thiết yếu trong cuộc sống.
2. Học cách ăn nói để “vạn người thương, triệu người mến”
2.1 Khen ngợi chân thành
Chúng ta luôn thích thú trước lời khen ngợi của người khác. Khi nhận được lời tán dương, chúng ta cảm nhận được giá trị của bản thân và cởi mở hơn với đối phương. Vận dụng điều đó, bạn đừng ngần ngại trao cho người đối diện lời khen ngợi.
Tuy nhiên, lời khen không nên đi xa với thực tế. Bởi không ai ngốc đến nỗi không nhận ra sự giả dối trong chính lời nói của bạn. Lời khen giả dối đó không khéo gây phản tác dụng.
Ngoài ra, bạn đừng dùng lời khen sáo rỗng, hãy tập trung chi tiết nổi bật để khen họ. Ví dụ: Hôm nay bạn mặc đầm xinh quá. Kiểu tóc này rất hợp với bạn. Lưu ý, lời khen càng cụ thể đối phương sẽ càng thích và dễ dàng trao thiện cảm cho bạn.
2.2 Sử dụng tốt ngôn ngữ cơ thể
Bên cạnh lời nói, giao tiếp phi ngôn ngữ là hình thức dùng cơ thể, cử chỉ để biểu đạt cảm xúc. Loại hình giao tiếp này giúp cuộc trò chuyện trở nên sinh động và giàu sắc thái biểu cảm hơn. Một trong những cử chỉ được dùng nhiều nhất trong học cách ăn nói chính là nụ cười.
Bởi con người thường có xu hướng lặp lại trong vô thức hành động của đối phương. Khi bắt đầu cuộc trò chuyện, nụ cười chính là câu chào mở đầu giúp cuộc giao tiếp trở nên cởi mở hơn. Ngoài ra, những cái bắt tay thân thiện hoặc cái chạm nhẹ vào khuỷu tay sẽ giúp đối phương cảm thấy gần gũi hơn.
Tùy vào từng trường hợp khác nhau, chúng ta nên tận dụng giao tiếp ngôn ngữ cơ thể phù hợp với hoàn cảnh. Đây là một mẹo nhỏ giúp cuộc giao tiếp trở nên ấn tượng và tạo thiện cảm hơn với người khác.
2.3 Nghiêm túc lắng nghe ý kiến của người khác
Chúng ta luôn có nhu cầu được tôn trọng và lắng nghe. Trong cuộc giao tiếp, đôi khi im lặng với thái độ lắng nghe chân thành sẽ khiến người nói biết ơn bạn. Vì lắng nghe chính là nhường “sân” cho người khác được lên tiếng, chứng tỏ bạn tôn trọng ý kiến của họ. Hơn thế nữa, cuộc giao tiếp thành công phải có sự tương tác từ hai chiều. Thái độ nghiêm túc lắng nghe thể hiện thiện chí trong cuộc trao đổi.
Nhiều người lầm tưởng lấn át người khác khi giao tiếp để thể hiện bản lĩnh của mình. Nhưng sự thật thường không phải vậy, người đối diện có thể im lặng nhưng không “tâm phục” ý kiến của bạn. Từ đó, mọi người xa lánh và không muốn trò chuyện cùng chúng ta.
2.4 Không bàn việc khi đang nghỉ ngơi
Sau những giờ làm căng thẳng, ai cũng muốn có khoảng thời gian cho riêng mình. Đây là khoảng thời gian để mọi người xả stress, nạp lại năng lượng sau ngày dài mệt mỏi. Vì thế, đừng kéo công việc vào lúc đang nghỉ ngơi. Bởi không phải ai cũng sẵn sàng trao đổi công việc sau giờ làm cùng bạn. Đừng vì deadline của bản thân làm ảnh hưởng đến người khác.
Nếu không muốn nằm trong danh sách đen của đồng nghiệp, chúng ta cần phải biết sắp xếp công việc một cách khoa học để không ảnh hưởng đến họ. Hơn thế nữa, bạn cũng cần thời gian để thư giãn cho chính mình. Hãy tập thói quen làm việc có kế hoạch, để bản thân được nghỉ ngơi sau một ngày bận rộn nhé.
2.5 Tạo bầu không khí vui vẻ, thoải mái
Tạo bầu không khí vui vẻ, thoải mái khi nói chuyện sẽ giúp các bạn gần gũi với nhau hơn. Bởi nếu trò chuyện trong bầu không khí căng thẳng, mọi người sẽ cảm thấy căng thẳng và tẻ nhạt. Vì thế, bạn có thể linh hoạt thay đổi chủ đề khác nhau để cuộc trò chuyện trở nên sôi nổi và thân mật hơn.
2.6 Học cách lắng nghe
Học cách lắng nghe là học cách ăn nói khôn ngoan và tinh tế. Một cuộc trò chuyện sẽ liên quan đến diễn giả và khán giả. Khi bạn lắng nghe, đồng cảm và chia sẻ đúng lúc sẽ khiến đối phương cảm thấy được tôn trọng, họ sẽ tin tưởng và gần gũi với bạn hơn.
2.7 Học cách đặt câu hỏi
Trong giao tiếp, đặt câu hỏi là cách thể hiện sự quan tâm và thích thú của bạn đến vấn đề đang thảo luận. Khi đặt câu hỏi cũng giúp bạn chủ động hơn trong các cuộc trò chuyện. Tuy nhiên, bạn cần đặt câu hỏi phù hợp với tình huống giao tiếp, đặt câu hỏi đúng người với thái độ chân thành và tích cực. Bạn nên đặt câu hỏi liên quan đến công việc, tránh những câu hỏi liên quan đến đời sống riêng tư của người khác. Bên cạnh đó, bạn cũng nên quan sát đối phương để xem có nên đặt câu hỏi vào lúc này hay không. Đưa thông điệp bạn muốn truyền tải đến đúng người đúng thời điểm sẽ tạo ấn tượng trong mắt mọi người.
2.8 Hãy im lặng và mỉm cười khi không biết nói gì
Không phải câu hỏi nào bạn cũng đáp được, không phải cuộc trò chuyện nào bạn cũng có thể tiếp tục dẫn dắt. Vì thế, khi không biết đáp lại thế nào, hãy im lặng và mỉm cười, đừng đưa ra những câu trả lời không đúng hoặc không chắc chắn. Điều này sẽ giúp bạn kiểm soát được hành vi của bản thân và không bị đánh mất sự đồng cảm của đối phương. Trong một số trường hợp, hành động này còn khiến bạn trở nên bí ẩn và thu hút hơn.
2.9 Hài hước đúng lúc đúng chỗ
Những người có khiếu hài hước, thân thiện thường được mọi người xung quanh dành nhiều sự thiện cảm và yêu mến. Hài hước không phải là khả năng bẩm sinh, bạn có thể rèn luyện và học cách ăn nói hằng ngày. Tuy nhiên, ranh giới giữa hài hước và vô duyên là rất mong manh. Vì thế, bạn cần biết hài hước có chừng mực, tinh tế, phù hợp với hoàn cảnh để không khiến đối phương cảm thấy khó chịu.
2.10 Hạn chế phàn nàn mệt mỏi của bản thân
Bạn nên hạn chế than phiền về những mệt mỏi hay khó khăn của bản thân để tránh gây ra sự khó chịu cho người nghe. Bạn chỉ nên tâm sự ở một mức độ nhất định và đơn giản. Ngày nay, kỹ năng sử dụng ngôn ngữ như một “loại năng lực” không thể thiếu khi làm việc. Nhất là trên con đường thăng tiến, khả năng giao tiếp như một chất dẫn đưa bạn đến thành công. Nhìn vào thực tế, nói chuyện giỏi cũng là một khía cạnh khác của tài năng. Vì thế, bạn cần phải thường xuyên học cách ăn nói để nâng cao sức hút khi giao tiếp nhé.
Mai Anh (nguồn: VietnamWorks)