Điều quan trọng nhất là: Giá trị
Điều quan trọng nhất – Để đầu tư thành công, ước tính chính xác giá trị nội tại là điểm khởi đầu quan trọng. Nếu không có nó, bất kỳ hy vọng nào cho việc đầu tư thành công chỉ là hy vọng.
Mua thấp bán cao
Quy tắc lâu đời nhất trong đầu tư cũng là điều đơn giản nhất: ”Mua thấp, bán cao”. Rõ ràng ai mà muốn làm khác đi chứ? Nhưng quy tắc đó thật sự có ý nghĩa gì? Rõ ràng là khi nhìn vào bề ngoài thì nó nghĩa là bạn nên mua một thứ gì đó với giá thấp và bán đi với giá cao. Nhưng nghĩa là sao? Giá nào là cao và giá nào là thấp?
Ở mức độ cơ bản, bạn có thể hiểu là mục tiêu là mua thứ gì đó với giá thấp hơn khi bạn bán nó. Nhưng vì việc bán ra còn chưa biết sẽ xảy ra khi nào, nó không giúp ích cho việc tìm ra mức giá phù hợp để mua trong hôm nay. Phải có tiêu chuẩn nào đó cho việc “giá cao” và “giá thấp”, và tiêu chuẩn hữu dụng nhất chính là giá trị nội tại của tài sản. Bây giờ thì ý nghĩa của câu nói đã trở nên rõ ràng hơn: mua với giá thấp hơn giá trị nội tại, và bán với giá cao hơn.
Tất nhiên là để làm được điều này, bạn phải hiểu rõ giá trị nội tại là gì. Đối với tôi, một ước tính chính xác về giá trị nội tại là một khởi đầu vô cùng quan trọng.
Để đơn giản hóa (hoặc đơn giản hết mức), tất cả các cách tiếp cận đầu tư vào chứng khoán công ty có thể chia làm hai loại: phân tích dựa trên các yếu tố cơ bản của công ty, được biết đến là “phân tích cơ bản”, và nghiên cứu về hành vi giá của chính những cổ phiếu đó. Nói cách khác, nhà đầu tư có hai lựa chọn: xác định giá trị nội tại của cổ phiếu và mua bán khi giá cả thị trường chênh lệch với giá trị đó, hoặc quyết định hoàn toàn dựa trên kỳ vọng về biến động của giá trong tương lai.
Tôi sẽ nói về lựa chọn thứ hai trước, vì tôi không tin tưởng vào việc nghiên biến động giá cả và có thể loại bỏ nó ngay lập tức. Phân tích kỹ thuật, hay nghiên cứu hành vi giá trong quá khứ, đã được vận dụng từ khi tôi tham gia vào ngành công nghiệp này (và trước đó nữa), nhưng nó đang suy giảm dần. Những quan sát hiện nay về mô hình giá trong lịch sử có thể sử dụng để bổ sung cho phân tích cơ bản, nhưng chúng tôi nhận thấy càng lúc càng ít người ra quyết định mà chỉ hoàn toàn dựa trên biến động giá.
Một phần suy yếu của phân tích kỹ thuật có thể là do giả thuyết bước đi ngẫu nhiên (random walk hypothesis), đây là một phần của lý thuyết Chicago được phát triển vào đầu những năm 1960 chủ yếu bởi giáo sư Eugene Fama. Giả thuyết bước đi ngẫu nhiên cho rằng biến động giá cổ phiếu trong quá khứ hoàn toàn không giúp ích gì trong việc dự đoán biến động giá trong tương lai. Nói cách khác, đó là quá trình ngẫu nhiên, giống như việc tung đồng xu vậy.
Chúng ta đều biết nếu tung đồng xu mà mặt ngửa đã xuất hiện liên tiếp 10 lần, xác suất xuất hiện mặt ngửa trong lần tung tiếp theo vẫn là 50:50. Tương tự, giả thuyết cho rằng việc giá cổ phiếu tăng trong suốt mười ngày qua không dự báo bất cứ điều gì về giá trong ngày mai cả.
Một cách thức khác của việc dựa vào biến động giá cổ phiếu trong quá khứ để dự đoán một điều gì đó được gọi là đầu tư theo đà. Nó cũng tồn tại trong trường hợp trái ngược với giả thuyết bước đi ngẫu nhiên. Tôi không thể đưa ra giải thích thích đáng cho nó được. Nhưng theo những gì tôi thấy, những nhà đầu tư áp dụng phương pháp này với giả định rằng họ có thể xác định được thứ gì đó đang tăng giá và sẽ tiếp tục tăng.
Đầu tư theo đà có thể cho phép bạn tham gia vào một thị trường tăng giá khi nó đang có xu hướng tiếp tục tăng, nhưng tôi nhận thấy rất nhiều nhược điểm. Một là dựa trên quan sát của nhà kinh tế học Herb Stein rằng “nếu một thứ nào đó không thể tiếp tục mãi mãi, nó sẽ dừng lại”. Điều gì sẽ xảy ra với những nhà đầu tư theo đà? Cách tiếp cận này có thể giúp họ kịp thời bán đi để thoát được cú sập của thị trường hay không? Và họ sẽ làm gì trong một thị trường giảm giá?
Rõ ràng là đầu tư theo đà không phải là phương pháp lý tưởng để vận dụng trong đầu tư. Ví dụ điển hình nhất là vào năm 1998-1999, với sự gia tăng của những người giao dịch trong ngày. Phần đông là những nhà đầu tư nghiệp dư từ mọi tầng lớp trong xã hội bị thu hút với hy vọng kiếm kiếm tiền dễ dàng từ sự bùng nổ của cổ phiếu công nghệ, thuyền thông và viễn thông. Họ hiếm khi giữ vị thế qua đêm, vì nếu làm như vậy họ phải trả phí. Nhiều lần trong một ngày, họ cố gắng đoán xem liệu giá cổ phiếu mà họ theo dõi sẽ tăng hay giảm trong vài giờ tới.
Tôi không bao giờ hiểu được làm sao mọi người lại có thể đưa ra kết luận như vậy. Tôi ví nó giống như cố gắng đoán xem người đến tiếp theo sẽ là nam hay nữ. Theo cách nhìn nhận của tôi, những người giao dịch trong ngày tự coi là mình thành công nếu mua cổ phiếu với giá $10 và bán với giá $11, mua lại cổ phiếu đó vào tuần sau với giá $24 và bán đi với giá $25, và lại mua vào tuần tới với giá $39 và bán đi với giá $40. Nếu bạn không thấy được lỗ hổng ở đây – đó là người giao dịch chỉ kiếm được $3 với một một cổ phiếu đã tăng giá tới $30 – thì có lẽ bạn không cần phải đọc tiếp cuốn sách này nữa.
Khi bỏ qua những nhà giao dịch theo đà và công cụ ma thuật của họ, cùng với các hình thức đầu tư mà không đụng đến phân tích có trí tuệ, chúng ta chỉ còn lại hai phương pháp cùng nền tảng: đầu tư giá trị và đầu tư tăng trưởng. Nói ngắn gọn, các nhà đầu tư giá trị nhắm đến giá trị nội tại của công ty và mua khi giá cổ phiếu thấp hơn giá trị đó, còn các nhà đầu tư tăng trưởng lại cố tìm ra cổ phiếu của những công ty mà giá trị có khả năng phát triển nhanh chóng trong tương lai.
Đối với nhà đầu tư giá trị, một tài sản không phải là khái niệm phù du mà bạn đầu tư chỉ vì bạn nghĩ nó hấp dẫn (hoặc cho rằng người khác sẽ thấy sự hấp dẫn của tài sản đó). Nó là một tài sản hữu hình mà giá trị nội tại có thể xác minh được, và nếu có thể bạn nên cân nhắc mua nó với giá thấp hơn giá trị nội tại của nó. Vì thế, đầu tư thông minh phải được xây dựng trên những ước tính về giá trị nội tại. Những ước tính đó phải bắt nguồn từ những tính toán chặt chẽ dựa trên những thông tin sẵn có.
“The most Important thing” – 01/07/2003
Điều gì khiến cho một cổ phiếu – hoặc một công ty – có giá trị? Có rất nhiều yếu tố như nguồn lực tài chính, quản lý, nhà máy, cửa hàng bán lẻ, bằng sáng chế, nhân sự, thương hiệu, tiềm năng tăng trưởng, và trên hết là khả năng tạo ra lợi nhuận và dòng tiền. Thực tế, hầu hết những phương pháp phân tích đều cho thấy tất cả những yếu tố trên – tài chính, quản lý, nhà máy, cửa hàng bán lẻ, bằng sáng chế, nhân sự, thương hiệu, tiềm năng tăng trưởng – là rất giá trị vì chúng có thể chuyển thành lợi nhuận và dòng tiền.
Điều cần nhấn mạnh trong đầu tư giá trị là nhân tố hữu hình như tài sản cố định và dòng tiền. Những nhân tố vô hình như là tài năng, thời thượng và tiềm năng tăng trưởng chiếm tỷ trọng ít hơn. Một số phân nhánh của đầu tư giá trị chỉ tập trung vào tài sản cố định. Thậm chí còn có phương pháp được gọi là “đầu tư net-net”, trong đó mọi người sẽ mua khi tổng giá trị thị trường của cổ phiếu công ty thấp hơn tổng giá trị tài sản ngắn hạn – như tiền, các khoản phải thu và hàng tồn kho – sau khi trừ đi các khoản phải trả. Trong trường hợp này, về lý thuyết thì bạn có thể mua toàn bộ cổ phiếu của công ty đó, thanh lý tài sản ngắn hạn, trả hết nợ, và cuối cùng còn lại là công ty và một ít tiền mặt. Số tiền bạn phải thanh toán là rất nhỏ so với những gì ban nhận được, và xem như bạn không mất một đồng nào cho thương vụ này cả.
Nhiệm vụ trong đầu tư giá trị là tìm kiếm giá rẻ. Các nhà đầu tư giá trị thường xem xét các số liệu tài chính như thu nhập, dòng tiền, cổ tức, tài sản cố định, giá trị doanh nghiệp và tập trung việc mua giá rẻ trên cơ sở này. Mục tiêu hàng đầu của các nhà đầu tư giá trị là định lượng giá trị hiện tại của công ty và mua cổ phiếu của công ty đó rẻ nhất có thể.
Đầu tư tăng trưởng nằm đâu đó giữa sự nhàm chán chậm chạp của đầu tư giá trị và sự sôi sục adrenaline của đầu tư theo đà. Mục tiêu của đầu tư tăng trưởng là xác định được những công ty với tương lai tươi sáng. Nghĩa là chú trọng vào tiềm năng hơn là các yếu tố hiện tại của công ty.
Sự khác biệt của hai trường trái đầu tư có thể tóm lại như sau:
– Các nhà đầu tư giá trị mua cổ phiếu (ngay cả khi giá trị nội tại cho thấy khả năng tăng trưởng chậm trong tương lai) vì tin rằng giá trị hiện tại cao hơn so với giá cả thị trường.
– Các nhà đầu tư tăng trưởng mua cổ phiếu (ngay cả khi giá trị hiện tại thấp hơn so với giá thị trường) bởi vì họ tin rằng giá trị sẽ tăng trưởng đủ nhanh trong tương lai để tạo ra sự tăng giá đáng kể.
Do đó, đối với tôi, lựa chọn thật sự không phải là giữa giá trị và tăng trưởng, mà là giữa giá trị hôm nay và giá trị tương lai. Đầu tư tăng trưởng đại diện cho sự đặt cược vào hiệu suất của công ty mà có thể hoặc không thể thành hiện thực trong tương lai, trong khi đầu tư giá trị chủ yếu dựa trên phân tích giá trị hiện tại của công ty đó.
“The Happy Medium,” 21/07/2004
Cũng cần phải nói rằng việc tuân thủ theo đầu tư giá trị cho phép các nhà đầu tư tránh được những phỏng đoán về tương lai, trong khi đầu tư tăng trưởng lại chỉ tồn tại ước đoán về tương lai, nhưng đó sẽ là một cách nói phóng đại quá mức. Suy cho cùng, để thiết lập giá trị hiện tại của một doanh nghiệp đòi hỏi phải có quan điểm về tương lai, mà điều đó lại cần phải tính đến môi trường kinh tế vĩ mô, phát triển cạnh tranh và tiến bộ công nghệ. Ngay cả một thương vụ đầu tư net-net đầy hứa hẹn cũng có thể thất bại nếu tài sản của công ty bị lãng phí vào những hoạt động kinh doanh thua lỗ hay những thương vụ mua bán không khôn ngoan.
Không có một sự phân biệt rõ ràng giữa giá trị và tăng trưởng, cả hai đều cần chúng ta phải đặt kỳ vọng vào tương lai. Các nhà đầu tư giá trị suy tính về tiềm năng tăng trưởng của công ty, và trường phái “tăng trưởng ở một mức giá hợp lý” tập trung một cách rõ ràng vào giá trị. Vấn đề là ở mức độ nào thôi. Tuy nhiên, công bằng mà nói thì tôi cho rằng đầu tư tăng trưởng chú trọng vào tương lai, trong khi đầu tư giá trị nhấn mạnh vào hiện tại nhưng cũng không bỏ qua kỳ vọng trong tương lai.
Để lấy một ví dụ cực đoan về đầu tư tăng trưởng, tôi xin được đưa bạn về những ngày của Nifty Fifty, một kiểu đầu tư điển hình cho sự tương phản với đầu tư giá trị và cho bạn thấy cơn “sốt” của đầu tư tăng trưởng có thể dẫn đến kết quả như thế nào. Năm 1968, tôi có được công việc đầu tiên trong ngành quản lý đầu tư, là một nhân viên thời vụ hè tại bộ phân nghiên cứu đầu tư của First National City Bank (hiện nay là ngân hàng Citibank). Ngân hàng này theo đuổi phương pháp đầu tư được biết đến là “Đầu tư Nifty Fifty”.
Mục tiêu của họ là xác định những công ty với triển vọng tăng trưởng doanh thu sáng sủa nhất trong dài hạn. Bên cạnh tỷ lệ tăng trưởng, các nhà quản lý đầu tư của ngân hàng cũng nhấn mạnh về “chất lượng”, nghĩa là họ phải đảm bảo xác xuất cao là kỳ vọng tăng trưởng có thể trở thành hiện thực. Điều này được coi là châm ngôn chính thức là nếu một doanh nghiệp tăng trưởng đủ nhanh và đủ chất lượng, giá của cổ phiếu là không quan trọng. Nếu giá cổ phiếu là quá đắt dựa trên các chỉ số hiện tại, hãy cho nó một vài năm rồi giá trị cũng tăng lên đúng với giá của nó.
Ngày đó, cũng như hiện tại, danh mục đầu tư cổ phiếu tập trung chủ yếu vào ngành dược phẩm, công nghệ và tiêu dùng. Danh mục của ngân hàng bao gồm những tên tuổi như IBM, Xerox, Kodak, Polaroid, Merck, Eli Lilly, Avon, Coca- Cola, Philip Morris, Hewlett- Packard, Motorola,Texas Instruments và Perkin- Elmer – những công ty vĩ đại của Hoa Kỳ với triển vọng tươi sáng. Vì không có gì có thể ảnh hưởng tới những công ty này, không có gì ngần ngại khi bỏ tiền để mua cổ phiếu của chúng.
Lướt nhanh qua một vài thập kỷ sau đó, bạn thấy được gì từ danh sách các công ty trên? Một số công ty như Kodak và Polaroid chứng kiến hoạt động kinh doanh sống còn của họ bị tàn phá bởi những thay đổi công nghệ không lường trước được. Số khác như IBM và Xerox trở thành những con mồi chậm chạp trước những đối thủ cạnh tranh mới. Tất cả những công ty trong danh sách những doanh nghiệp tốt nhất của Hoa Kỳ của First National City Bank đã bị suy thoái và phá sản trong vòng 42 năm từ khi tôi bắt đầu làm việc. Đó thật sự là một thất bại cho cái gọi là tăng trưởng lâu dài và khả năng dự đoán chính xác tương lai.
So với đầu tư giá trị, đầu tư tăng trưởng xoay quanh tìm kiếm một chiến thắng lớn. Nếu việc thắng lớn không xảy ra thì cố gắng dự đoán tương lai vốn không chắc chắn để làm gì? Rõ ràng việc nhìn thấy tương lai khó hơn hiện tại rất nhiều. Vì vậy, khả năng thành công của đầu tư tăng trưởng có thể thấp hơn, nhưng kết quả có thể cao hơn nhiều nếu làm tốt. Lợi nhuận đến từ việc dự đoán chính xác công ty nào sẽ tìm ra loại thuốc mới tốt nhất, dòng máy tính mạnh nhất hay bộ phim nào có doanh thu cao nhất là rất đáng kể. Nhìn chung, tiềm năng của việc dự đoán chính xác trong tăng trưởng là kịch tính hơn, còn tiềm năng cho việc tính toán đúng giá trị thì ổn định hơn. Đối với tôi, ổn định luôn thắng kịch tính.
Nếu đầu tư giá trị có tiềm năng tạo ra kết quả tích cực một cách đều đặn, liệu phương pháp này có dễ dàng không? Không hề! Trước tiên là nó phụ thuộc vào một ước tính chính xác của giá trị. Nếu không, mọi hy vọng liên tục đạt được thành công của nhà đầu tư chỉ là hy vọng mà thôi. Nếu không có ước tính chính xác, khả năng bạn phải trả giá quá cao hơn là tìm được món hời. Và nếu bạn trả giá quá cao, sẽ cần có một biến chuyển bất ngờ, một thị trường mạnh mẽ hoặc một người mua không quan tâm đến giá (kiểu người mà chúng tôi thường gọi là “kẻ đại ngốc”) mới cứu được bạn.
Còn nữa. Nếu bạn đã quyết định theo phương pháp đầu tư giá trị và tìm ra giá trị nội tại cho một cổ phiếu hay tài sản, điều quan trọng tiếp theo là phải giữ vững quan điểm đó. Bởi vì trong giới đầu tư, đúng về một điều gì đó không phải lúc nào cũng có nghĩa là phải chứng minh rằng mình đúng ngay lập tức.
Liên tiếp đưa ra quyết định đúng đối với nhà đầu tư là rất khó khăn. Nhưng liên tiếp đưa ra quyết định đúng vào đúng thời điểm là gần như không thể. Điều tốt nhất mà những nhà đầu tư giá trị như chúng ta có thể hy vọng là đưa ra nhận định đúng về giá trị của tài sản và mua nó được với giá rẻ hơn. Tuy nhiên làm được điều đó trong hôm nay không có nghĩa là bạn sẽ kiếm được tiền ngay ngày mai. Sự kiên định trong quan điểm về giá trị có thể giúp bạn ứng phó với sự rời rạc này.
Giả sử bạn tính ra được một thứ gì đó đáng giá $80 và có cơ hội mua nó chỉ với $60. Cơ hội mua được giá tốt như vậy không xuất hiện nhiều và bạn nên tận dụng nó. Warren Buffett mô tả cơ hội như vậy là “mua 1 đô la với giá 50 xu”. Vậy nên bạn nên mua nó và cảm thấy rằng bạn đã làm một việc tốt.
Nhưng đừng mong thành công tức thì. Thực tế bạn sẽ thường thấy là thứ bạn mua sẽ tiếp tục giảm giá. Bạn sẽ sớm nhận ra mình đang thua lỗ. Một trong những câu châm ngôn vĩ đại về đầu tư nhắc nhở chúng ta rằng “Việc đi trước thời đại rất khó phân biệt được với sai lầm”.
Bây giờ cổ phiếu trị giá $80 đang có giá $50 thay vì $60. Bạn sẽ làm gì? Chúng ta học được trong bài học đầu tiên của Kinh Tế Học Vi Mô rằng đường cầu dốc xuống về phía bên phải, khi giá tăng, nhu cầu sẽ giảm xuống. Nói cách khác, mọi người sẽ giảm đi mong muốn vào một thứ gì đó khi giá của nó tăng lên và ngược lại. Hợp lý. Đó là lý do tại sao các cửa hàng bán được nhiều hàng hơn khi giảm giá.
Đây là cách vận hành hầu hết mọi nơi, nhưng trong thế giới đầu tư thì không phải lúc nào cũng đúng. Nhiều người có xu hướng yêu thích nhiều hơn những thứ họ mua khi giá càng lúc càng tăng vì họ cảm thấy được củng cố niềm tin, nhưng lại không thích khi giá giảm và họ bắt đầu nghi ngờ về quyết định mua của mình.
Điều này khiến cho việc nắm giữ là cực kỳ khó, và việc mua thêm khi giá xuống thấp (nhà đầu tư gọi là “trung bình giá xuống”) càng khó khăn, đặc biệt là khi sự suy giảm là rất lớn. Nếu bạn thích thứ gì đó ở giá $60, bạn nên thích nó hơn khi giá chỉ $50, và nhiều hơn nữa khi giả chỉ $40 hay $30. Nhưng điều đó là không dễ dàng. Không ai thấy thoải mái khi bị thua lỗ cả, và từ từ thì ai cũng sẽ tự hỏi “Có lẽ tôi đã sai. Có lẽ thị trường mới đúng”. Đáng sợ nhất là khi họ bắt đầu nghĩ rằng “Giá đã giảm quá nhiều rồi, tốt hơn hết là thoát ra trước khi không còn gì cả”. Đó là cách suy nghĩ khiến thị trường tạo đáy…và khiến cho mọi người bán ra tại đây.
Những nhà đầu tư không biết gì (hoặc không quan tâm) về lợi nhuận, cổ tức, định giá hay cách vận hành doanh nghiệp đơn giản là không thể đưa ra quyết định cần thiết vào đúng thời điểm. Khi mọi người xung quanh mua và kiếm được tiền, họ không thể biết khi nào cổ phiếu quá đắt và vì thế không thể tham gia vào thị trường. Và với một thị trường đang rơi tự do, do không thể có sự tự tin cần thiết để giữ hay mua thêm khi giá giảm sâu.
“Irrational Exuberance,” 01/05/2000
Một định giá chính xác nhưng không kiên định sẽ không có lợi ích gì nhiều. Một định giá sai nhưng lại ngoan cố thì còn tệ hơn nhiều. Đây là một lời tuyên bố cho thấy đầu tư khó đến mức nào.
Hãy tiêm cho hầu hết các nhà đầu tư, và chắc chắn là hầu hết các nhà đầu tư nghiệp dư, một liều huyết thanh sự thật và hỏi họ “Phương pháp đầu tư của bạn là gì?”. Câu trả lời chắc chắn sẽ là: “Tôi tìm kiếm những thứ sẽ tăng giá”. Nhưng công cuộc theo đuổi lợi nhuận một cách đúng đắn phải dựa trên những thứ hữu hình. Theo quan điểm của tôi, ứng cử viên tốt nhất chính là giá trị nội tại. Một ước tính chính xác về giá trị nội tại là nền tảng quan trọng nhất cho đầu tư với sự ổn định, không ảnh hưởng bởi cảm xúc và tiềm năng đạt được lợi nhuận.
Nhà đầu tư giá trị đạt được những thương vụ để đời khi họ mua tài sản với giá thấp, trung bình giá xuống không ngừng và chứng minh được phân tích của họ. Do đó, có hai yếu tố cực kỳ quan trọng để kiếm được lợi nhuận trong thị trường suy giảm: bạn phải có một quan điểm về giá trị nội tại, và bạn phải hết sức kiên định với quan điểm đó để có thể giữ vị thế và mua thêm mặc cho giá giảm và ám chỉ rằng bạn đã sai. Vâng, còn có điều thứ ba nữa: Bạn phải đúng.
Happy Live team biên soạn/Điều quan trọng nhất