Làm thế nào để sinh tồn và trở nên thịnh vượng trong khủng hoảng kinh tế – TS Harry Dent?
Giảm phát nguy hiểm hơn lạm phát vì có rất ít nơi để bạn trú ẩn trong giai đoạn đầu của sự đổ vỡ. “Bán sớm” là nguyên tắc sống còn khi bong bóng đổ vỡ. Tránh xa các trái phiếu rác hoặc các trái phiếu có lợi suất cao vì đây là nhóm đầu tiên bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng.
Bất động sản, trái phiếu chính phủ, vàng, cổ phiếu của các công ty tiện ích không có tính chu kỳ hoặc cổ tức cao đều không phải là nơi trú ẩn an toàn. Thay vào đó, nắm giữ nhiều tiền mặt nhất có thể. Các doanh nghiệp nên tiến hành điều chỉnh hoạt động kinh doanh theo hướng phòng thủ: cắt giảm các mảng kinh doanh không hiệu quả, giảm thiểu định phí, và chỉ giữ lại các bất động sản có tính chiến lược để duy trì hoạt động kinh doanh cốt lõi. Cố gắng tạo ra nhiều dòng tiền càng tốt. Quan trọng là không được phép để cho định phí vượt ngoài tầm kiểm soát vì nó là yếu tố giúp bạn sinh tồn trong khủng hoảng. Trì hoãn các hoạt động chi tiêu vốn lớn và tập trung vào khoản đầu tư ngắn hạn để sớm tạo ra dòng tiền. Dòng tiền cực kỳ quan trọng trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Vàng và ngoại hối
Đồng USD được Harry Dent xem là nơi ẩn an toàn nhất và cơ hội đầu tư lớn trong cuộc khủng hoảng sắp tới. Vì Hoa kỳ không phải là trung tâm của cuộc sụp đổ, đồng USD có thể vẫn được giới đầu tư chọn làm nơi trú ẩn cuối cùng khi tất cả các kênh đầu tư khác sụp đổ. Sự tăng giá của đồng USD trong các thời kỳ giảm phát trước đây như cuộc khủng hoảng Đông Á 1997 – 2001 và cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn 2008 là ví dụ minh họa.
Tuy nhiên, sự chuẩn bị của bạn không phải là kế hoạch cho “ngày tận thế”. Mùa đông rồi sẽ qua đi và giai đoạn tăng trưởng mùa xuân sẽ nối tiếp theo sau. Vì thế, bạn cần nhìn nhận cuộc khủng hoảng sắp tới dưới con mắt “cơ hội tạo dựng sự giàu có”. Trong khi điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh thận trọng hơn để đối phó với cuộc khủng hoảng sắp tới, hãy lập sẵn kế hoạch đầu tư và thâu tóm để hành động một cách nhanh chóng và quyết đoán.
Hãy lên danh sách các tài sản kinh doanh quý giá của đối thủ cạnh tranh: khách hàng, nhân sự giỏi, tài sản kinh doanh, thị phần và phân khúc kinh doanh bạn sẽ chiếm lĩnh để đánh bại hoàn toàn đối thủ. Tất cả sẽ giúp doanh nghiệp của bạn trở thành kẻ thống trị trong nhiều thập niên tới chứ không phải trong vài năm. Đây là cách mà hàng loạt tập đoàn lớn như Ford, Wal-mart… trở thành kẻ thống trị sau Đại Khủng Hoảng 1929-1933.
Trái phiếu chính phủ dài hạn và trái phiếu doanh nghiệp chất lượng AAA là nơi bạn có thể tìm kiếm các thương vụ lớn trong thập niên tới sau khi cuộc sụp đổ bắt đầu qua đi. Lịch sử Đại Khủng Hoảng cho thấy tỷ suất sinh lợi của trái phiếu chính phủ dài hạn và trái phiếu doanh nghiệp chất lượng AAA là nhóm tài sản sớm tạo đáy và đi lên nhờ các chính sách hỗ trợ của chính phủ. Đối với trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ, đó có thể là nơi trú ẩn mà các nhà đầu tư trên toàn cầu lựa chọn ở cuối giai đoạn khủng hoảng như từng diễn ra vào năm 2008.
Khi tất cả mọi người đều tỏ ra sợ hãi vì đã bán tháo cổ phiếu, bất động sản, các doanh nghiệp rơi vào khó khăn hoặc phá sản, đó là thời điểm bạn có thể vung tiền mua sắm. Hãy nhớ rằng, bạn nhất định phải bảo toàn tài sản trước khi nghĩ đến chuyện chớp lấy các thương vụ để đời. Một lần nữa, hãy thuộc nằm lòng câu của doanh nhân Benjamin Franklin: “cơ hội kinh doanh giống như một nhà thổ lớn“, trước hết bạn phải có tiền và sau đó là dũng khí để thực hiện các thương vụ để đời.
Theo đánh giá của tiến sỹ Harry Dent, Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á với thứ tự lần lượt là Việt Nam, Campuchia, Myanmar à Indonesia… được xem là động lực tăng trưởng trong thời kỳ hậu khủng hoảng nhờ vào cơ cấu dân số vàng, tỷ lệ đô thị hóa nhanh hơn, năng suất lao động cao hơn cùng với đạo đức nghề nghiệp tốt hơn so với các quốc gia mới nổi khác. Hãy chuẩn bị hướng dòng vốn đầu tư của bạn vào các thị trường mới nổi này để chớp lấy các thương vụ để đời tại đây.
Khả năng bật dậy sớm của Ấn Độ, Việt Nam và nhiều quốc gia khác ở Đông Nam Á thời kỳ hậu khủng hoảng được đánh giá là nhờ ít phụ thuộc vào giá hàng hóa thế giới. Trong chỉ số MSCI Vietnam index, chủ yếu là hàng tiêu dùng thiết kế (55%), bất động sản (19%) và tài chính (9%). Đây là điểm hấp dẫn của Việt Nam so với các thị trường cận biên khác, vốn dễ tổn thương bởi chu kỳ hàng hóa.
Nguồn: Sách Thương Vụ Để Đời
Có thể bạn quan tâm
Tủ sách tinh hoa chứng khoán – Đầu tư hiệu quả trong mọi thị trường