Dầu mỏ đã kiểm soát thế giới như thế nào? (Phần 2)
Trong phần 1, chúng ta đã thấy được tầm quan trọng của dầu mỏ đã giúp các nước Ả Rập tại Trung Đông nâng cao vị thế trên trường quốc tế như thế nào và sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào nguồn cung dầu mỏ có thể khiến nước này dễ bị ảnh hưởng tới các sự kiện tại Trung Đông ra sao.
Phần 2: KHI CÁN CÂN XOAY CHUYỂN
Những năm đầu thế kỷ XXI, giá dầu một lần nữa tăng phi mã do nhu cầu năng lượng tăng cao trên toàn cầu, đặc biệt là tại Trung Quốc khi nền kinh tế của quốc gia tỷ dân trỗi dậy vô cùng mạnh mẽ. Trong hoàn cảnh đó, một thế lực “cũ” là Nga, với trữ lượng dầu mỏ đứng thứ 8 trên thế giới, đã không bỏ qua cơ hội, vượt Saudi Arabia trở thành nước có sản lượng khai thác dầu lớn nhất thế giới, khoảng 13% tổng sản lượng toàn cầu. Nguồn tiền dồi dào từ dầu mỏ giúp Nga trở lại mạnh mẽ sau giai đoạn trì trệ hậu Xô Viết và dần dần khôi phục vị thế siêu cường trên thế giới.
Sự trở lại của Nga, sự vươn lên của Trung Quốc, và một sự phụ thuộc không hề dễ chịu vào dầu mỏ OPEC, bắt đầu xuất hiện nhiều hơn những nỗi e ngại về sự suy giảm quyền lực Mỹ trên bình diện quốc tế. Hoa Kỳ, vốn không bao giờ thiếu những nhà tư bản nhanh nhạy và những công nghệ hiện đại nhất, không thể ngồi yên đứng nhìn vị thế của mình bị lung lay.
Đó cũng là lúc dầu đá phiến (oil shale) hay dầu khí phi truyền thống (unconventional oil) vươn lên thách thức dầu khí truyền thống (conventional oil).
Dầu đá phiến và công nghệ khai thác mới
Dầu mỏ được hình thành từ xác của các sinh vật bị chôn vùi trộn lẫn với trầm tích và các vật chất khác tạo nên các lớp bùn lắng hữu cơ, qua hàng triệu năm các lớp bùn lắng hữu cơ này ngày càng bị đè nén dưới các lớp trầm tích, tạo nên môi trường áp suất lớn và nhiệt độ cao làm phân giải các lớp bùn và hữu cơ, tạo nên dầu và khí. Nếu trong lòng đất xuất hiện những khu vực rỗng có áp suất thấp, dầu và khí sẽ dồn về đó và tạo nên các “túi” dầu thô và khí đốt khổng lồ (các túi này được gọi là các vỉa dầu), được khai thác bằng công nghệ truyền thống. Tuy nhiên, nếu không tìm được những túi áp suất thấp để dồn về thì dầu và khí sẽ len lỏi và tích tụ xen kẽ trong các lớp đá phiến, gọi là dầu đá phiến. Dầu đá phiến được phát hiện cùng thời điểm với dầu mỏ truyền thống, nhưng do tính chất phân tán và ở sâu hơn dưới lòng đất so với các túi dầu truyền thống nên việc khai thác dầu đá phiến tỏ ra không hiệu quả với trình độ khoa học công nghệ trong thế kỷ XX.
Tính từ cuộc can thiệp vào Iraq năm 2003, giá dầu bắt đầu một giai đoạn tăng giá liên tục và gây áp lực không nhỏ lên Mỹ. Trong bối cảnh đó, hai công nghệ khoan “cũ” mà “mới” đã giúp Hoa Kỳ giải bài toán phụ thuộc, đó là công nghệ nứt vỡ – hay nứt vỉa – thủy lực (hydraulic fracturing) và khoan cắt ngang tầng (horizontal drilling). Cũ vì chúng đã được sử dụng từ thế kỷ XX, nhưng chỉ khi ứng dụng vào khai thác dầu đá phiến mới thực sự tạo nên một cuộc cách mạng. Việc khai thác dầu đá phiến trở nên hiệu quả hơn, chi phí đầu tư ban đầu thấp hơn nhiều (vài triệu USD cho giếng dầu đá phiến) và có thể đem lại lợi nhuận ngay-lập-tức khi so sánh với khai thác dầu truyền thống cần hàng trăm triệu USD với thời gian khai thác trên 20 năm. Không khó hiểu khi hàng loạt các doanh nghiệp tư nhân nhảy vào cuộc chơi khai thác dầu, Hoa Kỳ “bỗng dưng” nhận được chiếc chìa khóa mở cánh cửa dẫn tới những mỏ dầu đá phiến với trữ lượng khổng lồ tại North Dakota hay Texas.
Tính từ cột mốc 2008, năm mà giá dầu tụt từ mức kỷ lục 150 USD/thùng xuống 30 USD/thùng, Mỹ đã cung cấp thêm cho thị trường 4 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, một con số đáng chú ý khi đặt cạnh tổng sản lượng 75 triệu thùng dầu mỗi ngày trên toàn cầu. Ấn tượng hơn, từ chỗ phụ thuộc phần lớn vào dầu mỏ nhập khẩu, Mỹ trở thành nước khai thác dầu và khí tự nhiên số một thế giới, với tổng sản lượng xăng dầu và khí đốt vượt Nga năm 2012 và vượt Saudi Arabia năm 2013. Tính tới nay, Hoa Kỳ đã là nước đứng đầu về sản lượng xăng dầu và khí tự nhiên trong 5 năm liên tục.
Dầu mỏ và sự khôi phục vị thế siêu cường của nước Nga
Cuối năm 1991, Liên bang Xô viết sụp đổ, nước Nga kế thừa các di sản của Liên Xô. Boris Yeltsin trở thành tổng thống đầu tiên của nước Nga hiện đại, và là chứng nhân lịch sử cho sự tuột dốc thảm hại của thời kỳ hậu Xô viết: GDP sụt giảm theo từng năm và tới năm 1998 Nga thậm chí rơi vào tình trạng vỡ nợ, vị thế nước Nga suy sụp thê thảm trên trường quốc tế. Yeltsin từ chức trong ngày cuối cùng của thiên niên kỷ thứ 2, thủ tướng Putin trở thành Tổng thống. Yeltsin nổi tiếng với tư tưởng thân phương Tây, còn Putin thì ngược lại. Một năm sau ngày nhậm chức, Putin thay đổi Quốc ca Nga dưới thời Yeltsin, sử dụng lại nền nhạc của Quốc ca Liên Xô, thể hiện rõ tham vọng khôi phục vị thế siêu cường thế giới.
8 năm đầu cầm quyền của Putin chứng kiến GDP nước Nga tăng 6 lần. Sự tăng trưởng “thần kỳ” này gắn liền với sự gia tăng phi mã của giá dầu đầu thế kỷ XXI. Dầu mỏ và khí đốt chiếm hơn 60% giá trị hàng xuất khẩu và đóng góp gần 40% vào GDP Nga. Dầu mỏ còn giúp Nga áp đặt ảnh hưởng chính trị lên châu Âu khi cung cấp tới 50% nhu cầu năng lượng cho lục địa già, thông qua hệ thống đường ống dẫn dầu dày đặc. Tại những nước Đông và Trung Âu, nguồn cung dầu khí đến từ Nga thậm chí là gần 100%. Theo ước tính, nếu Nga ngừng cung cấp khí đốt, nhiều nước châu Âu, như Italia, Đức, sẽ chỉ tự chủ về năng lượng được khoảng hơn 2 tuần trước khi rơi vào tình trạng khẩn cấp.
Nước Nga dưới thời Putin đã không ít lần sử dụng ưu thế độc quyền về năng lượng này để đưa ra những thông điệp đầy sức nặng trên bàn cờ chính trị, ví dụ như những cuộc can thiệp và sát nhập như tại Georgia 2008 hay Crimea 2014 mà chỉ nhận những phản ứng tương đối dè dặt từ châu Âu.
Những đường ống dẫn dầu và sự cứng rắn của Putin đã giúp Nga khôi phục vị thế và làm bàn đạp lan tỏa tầm ảnh hưởng địa chính trị, giữ vững vị trí thường trực với quyền phủ quyết trong Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, tăng cường ảnh hưởng văn hóa thể thao khi đăng cai Thế vận hội mùa đông Sochi 2014 và World Cup 2018. Siêu cường mà Putin đã và đang xây dựng cho nước Nga, chính xác là một siêu cường dựa trên năng lượng.
Đường lối chính trị “ống dẫn dầu” của Nga không phải là không có điểm yếu. Những đường ống dẫn dầu yêu cầu chi phí lắp đặt và bảo dưỡng, bảo trì cao, với thời gian đảm bảo lợi nhuận trên 20 năm, hơn nữa còn tiềm ẩn nguy cơ trở thành mục tiêu khủng bố khi chạy qua những khu vực bất ổn về chính trị xã hội. Bên cạnh đó, công nghệ hóa lỏng khí đốt (Liquefied natural gas – LNG) giúp vận chuyển khí đốt an toàn bằng đường bộ và đường biển mà không còn phụ thuộc vào đường ống dẫn khí cũng đang để ngỏ những cơ hội trong tương lai cho các nhà cung cấp khí hóa lỏng, từ Hoa Kỳ và các nước như Brazil, Mexico…
Mâu thuẫn trong nội bộ OPEC
Từ chỗ đỉnh điểm năm giữ 60% sản lượng khai thác dầu thô thế giới, tới năm 2014 OPEC đã mất 1/3 thị trường và chỉ còn nằm trong tay 40% thị phần. Vị thế suy giảm, trong nội bộ các nước cũng nảy sinh mâu thuẫn. Trong cuộc họp tại Vienna tháng 11/2014, thời điểm mà giá dầu giảm sâu từ mức trên 100 USD hồi đầu năm xuống còn dưới 50 USD/thùng, một vài nước như Venezuela hay Iran muốn cắt giảm sản lượng để đẩy giá dầu lên lại. Trong khi Saudi Arabia muốn duy trì sản lượng do lo ngại tình trạng cắt giảm sản lượng nhưng không ngăn được đà giảm của giá dầu như những năm 1980. Bên cạnh đó, Saudi Arabia hi vọng giá dầu giảm trong một thời gian nhất định sẽ gây sức ép lên các công ty khai thác tư nhân ở Mỹ phải cắt giảm sản lượng, qua đó đẩy giá dầu tăng trở lại mà không cần cắt giảm sản lượng của OPEC.
Mâu thuẫn quan điểm giữa 2 nước xuất khẩu đứng đầu OPEC là Saudi Arabia và Iran thực ra đã âm ỉ từ trước đó do mối thâm thù lịch sử giữa những người Hồi giáo Shia (hay Shiite) và Sunni. Mọi chuyện bắt đầu vào năm 632 sau khi người sáng lập ra Hồi giáo là nhà tiên tri Muhammad qua đời mà không chỉ định người kế vị. Cuộc tranh chấp quyền thừa kế chia cộng đồng Hồi giáo thành hai phe: những người Sunni ủng hộ Abu Bakr, phụ tá và là cha vợ của nhà tiên trị; còn những người Shia ủng hộ người anh họ đồng thời là con rể nhà tiên tri là Muhammad Ali. Cả Abu Bakr, Muhammad Ali và con trai Ali sau này đều bị ám sát chỉ sau vài tháng trở thành lãnh tụ. Hai giáo phái bắt đầu chia rẽ sâu sắc, người Sunni luôn cáo buộc người Shia tôn thờ dị giáo do quan điểm tin vào các thủ lĩnh của họ là hiện thân của Đấng tối cao, còn người Shia thì tố cáo sự giáo điều cứng nhắc của dòng Sunni đã hình thành nên các giáo phái cực đoan và khủng bố.
Những người Sunni chiếm đa số trong cộng đồng Hồi giáo (80%) và cũng chiếm đa số tại Trung Đông, trong đó Saudi Arabia được xem như “lãnh đạo” của cộng đồng này. Trong khi đó, sau cuộc Cách mạng Hồi giáo tại Iran 1979, những người Shia lên nắm quyền tại đây và luôn cố gắng mở rộng ảnh hưởng của mình tại Trung Đông. Mâu thuẫn giữa hai quốc gia có tiềm lực kinh tế, quân sự và ảnh hưởng chính trị mạnh nhất khu vực vốn đã âm ỉnay lại càng thêm gay gắt do những bất đồng kể trên trong việc điều chỉnh sản lượng khai thác dầu. Thời gian gần đây, căng thẳng giữa Saudi Arabia và Iran thậm chí còn để ngỏ khả năng cho một cuộc chiến tranh giữa hai nước mà theo đó có thể khiến giá dầu cán mốc 200 USD/thùng.
Viễn cảnh đó không thể làm vui long những người Trung Quốc, khi 3/4 lượng dầu tiêu thụ của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này tới từ OPEC. Chưa thể biết trước Trung Quốc sẽ hành động như thế nào để ngăn chặn mọi nguy cơ chiến tranh tại Trung Đông, nhưng không loại trừ khả năng cho một sự hiện diện về quân sự tại khu vực vốn vẫn luôn là điểm nóng của thế giới trong vài thập kỷ gần đây.
Nhưng những sự hiện diện nếu có vẫn sẽ chỉ biến Trung Quốc thành kẻ tới sau, Saudi Arabia từ lâu đã là đồng minh số một của Hoa Kỳ, còn Iran luôn nhận được sự ủng hộ của Nga. Cũng không phải ngẫu nhiên mà cuộc chiến chống IS tại Syria lại thu hút nhiều sự chú ý từ các cường quốc tới vậy. Syria không có nhiều dầu, nhưng nằm ở khu vực nhạy cảm số một thế giới, nơi bất kỳ một sự bất ổn nào về chính trị xã hội cũng có khả năng gây ảnh hưởng to lớn tới an ninh năng lượng quốc tế.
Câu chuyện Venezuela
Dầu mỏ đã mang lại sự thịnh vượng và tầm ảnh hưởng cho các nước có trữ lượng dồi dào như Trung Đông, Nga, Hoa Kỳ… nhưng nó không phải là tấm lệnh bài đảm bảo cho sự thành công. Đất nước có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, Venezuela, có 95% doanh thu xuất khẩu tới từ dầu mỏ.
Đồng bolivar của Venezuela mất giá 98% sau 1 năm, các giao dịch bằng nội tệ giờ đây phải nhờ tới… cân.
Giá dầu tăng cao trong những năm đầu thế kỷ XXI đã che mờ mắt những nhà quản lý đất nước về một nền kinh tế chỉ biết trông chờ duy nhất vào dầu mỏ. Và khi giá dầu lao dốc, kinh tế Venezuela nhanh chóng sụp đổ. Lạm phát phi mã hàng chục nghìn %, tiền mặt trở thành vô nghĩa, hàng hóa cạn kiệt, khung cảnh tại Venezuela chỉ còn lại một đống hoang tàn.
Với Nigeria, nước có trữ lượng dầu mỏ thứ 10 thế giới, lại là một câu chuyện khác. Trong thời kỳ tăng trưởng thần tốc của giá dầu thập niên 70, Nigeria đã vay những khoản tiền khổng lồ để xây dựng cơ sở hạ tầng khai thác dầu.
Nhưng sang thập niên 1980, giá dầu xuống thấp kỷ lục, Nigeria vật lộn trong nợ nần và các khoản trả lãi. Hiện nay Nigeria đã thu xếp được một phần các khoản nợ, nhưng nền kinh tế vẫn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu mỏ và vô cùng nhạy cảm với những biến động của thị trường.
Kết
Không quá khi nói rằng các nguồn năng lượng đã làm xoay chuyển bánh xe lịch sử hiện đại. Và sau hơn 1 thế kỷ, tới nay dầu mỏ và khí đốt vẫn đang năm giữ ngôi vua của các nguồn năng lượng. Trong chiến tranh, dầu đã trao vương miện chiến thắng cho người kiểm soát được mình, tạo nên những hiệp định và những đồng minh quân sự hoàn toàn dựa trên lợi ích dầu mỏ, đồng thời xác định tiềm năng và phần nào đó quyết định sự tăng trưởng kinh tế của các quốc gia. Có lẽ xuyên suốt lịch sử nhân loại cho tới nay, chưa có yếu tố vật chất nào có thể gây ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều sự kiện quốc tế đến như vậy, và có lẽ trong tương lai, không mặt hàng nào khác có thể thay thế được sự ảnh hưởng đó.
Lịch sử luôn để lại những bài học kinh nghiệm, sau hơn một thế kỷ dầu mỏ, chân lý đã được tạo nên “ai kiểm soát năng lượng, người đó sẽ kiểm soát cả thế giới”!
Xem thêm Phần 1: Sự trỗi dậy của vàng đen
Nguồn: WikiWi/ Spiderum
Có thể bạn quan tâm: Tủ sách Đầu tư Happy.Live