fbpx

Từ giữa bầy lang sói đến Warren Buffett: Thời khắc biết đến đầu tư giá trị – Guy Spier (Phần 2)

Tôi hoàn toàn không biết làm sao để áp dụng những bài học của cuộc đời Warren Buffett vào trong cuộc sống của chính tôi. Nhưng tôi cảm nhận được một khát khao sâu thẳm và cháy bỏng được ra khỏi môi trường độc hại này, để tiến gần về lãnh địa của ông hơn. Cứ như thể ông đang chìa tay ra, mời gọi tôi nắm lấy và tự kéo mình ra khỏi vũng lầy phi đạo đức mà tôi đang làm việc. Tôi nắm chặt tay ông để tìm kiếm một cuộc đời mới chân chính hơn.

Từ giữa bầy lang sói đến Warren Buffett: Tôi đã nhúng chàm ở phố Wall – Guy Spier (Phần 1)

Guy Spier là một nhà quản lý quỹ phòng hộ nổi danh, một môn đệ hăng hái của Warren Buffett. Hiện ông đang điều hành quỹ Aquamarine Fund với kỷ lục về lợi nhuận đánh bại thị trường không thể nào ấn tượng hơn 463% từ khi thành lập vào năm 1997. Guy xuất thân từ đại học Oxford, và là bạn học với nguyên Thủ tướng Anh David Cameron. Ông tiếp tục theo học MBA tại trường Harvard, sau đó bắt đầu làm việc với tư cách nhân viên ngân hàng đầu tư tại phố Wall. Từ một tay mafia cò mồi phố Wall cao ngạo, lươn lẹo, ích kỷ ông đã có quá trình lột xác để biến đổi thành một NĐT giá trị chân chính, thành công và hạnh phúc. Ông chia sẻ lại câu chuyện về hành trình đầu tư của mình trong cuốn sách Lột xác để trở thành nhà đầu tư giá trị.

Lột Xác Để Trở Thành Nhà Đầu Tư Giá Trị

Khi nhìn lại cuộc họp với công ty tổng hợp hạt nhân lạnh, tôi có thể nhận ra mình đã ngây thơ, ngờ nghệch thế nào. Thực sự, mọi người mong đợi tôi diễn tròn vai của mình. Một dụng ý mà ai trong phòng cũng ngầm hiểu là một đoạn đối thoại kiểu như thế này:

BAN QUẢN TRỊ CÔNG TY TỔNG HỢP HẠT NHÂN LẠNH: Các vị lãnh đạo D. H. Blair phải không, vâng, chúng tôi đang xỏ mũi các vị đấy ạ. Cái của nợ này rõ là chẳng đi đến đâu cả, nhưng chúng tôi đã vất vả với nó nhiều năm rồi và cũng đã đầu tư không ít tiền bạc của bản thân vào rồi. Nói gì thì nói, không ai có thể chứng minh 100% là món này sẽ không hoạt động. Hơn nữa, hãy thử nghĩ đến sự phấn khích mà món này sẽ mang đến cho các nhà đầu tư và báo đài mà xem. Đây sẽ là công ty năng lượng hạt nhân đầu tiên trên thế giới được niêm yết!

CÁC NHÂN VIÊN NGÂN HÀNG ĐẦU TƯ KHÁC CỦA D. H. BLAIR: Vâng, vụ này cực kỳ không có khả năng thành công, nhưng chúng tôi cần phải lấp đầy danh mục thương vụ của chúng tôi nên các ông – ban quản trị công ty, có thể trở nên giàu có nhờ vào cổ phiếu của cổ đông sáng lập và chúng tôi – ngân hàng đầu tư, có thể kiếm nhiều tiền nhờ các khoản phí và mua bán cổ phiếu. Và ai biết được, biết đâu nó lại thành công thì sao, trong trường hợp đó thì các khách hàng của chúng ta cũng được chia phần giàu có.

Giữa nghi thức đáng hoài nghi này, tôi đủ xao nhãng để đề cập rằng xét về mặt vật lý, thứ này rõ là trò bịp, “Có quá nhiều người tuyên bố rằng họ đã thực hiện được phản ứng tổng hợp hạt nhân lạnh, và chẳng có gì gọi là mới mẻ ở đây cả”. Tôi quá thiếu tế nhị đến nỗi đã cười rất to.

Sói già phố Wall
Chỉ khi nhìn lại tôi mới nhận ra khi ấy tôi lập tức trở thành gã bị ghét nhất trong phòng.

Chỉ khi nhìn lại tôi mới nhận ra khi ấy tôi lập tức trở thành gã bị ghét nhất trong phòng. Vụ này sao mà kiếm bộn tiền được khi mấy thằng ngu như tôi không chịu ngậm miệng lại? Không có cửa để tôi thành công trong môi trường này với sự trung thực quá mức của mình.Nhưng tôi không muốn thừa nhận thất bại. Nên tôi nỗ lực gấp đôi, ép bản thân phải gồng hơn nữa, cố gắng hơn nữa. Tôi lại buộc bản thân phải gắng cười, rồi lại tiếp tục gọi thêm nhiều cuộc điện thoại. Và tôi càng đi nhiều hơn, cố kiếm cho được một khách hàng.

Cuối cùng, sự cố gắng của tôi cũng được đền đáp, tôi tìm được một công ty có tiềm năng thành công hơn hẳn. Lần này, tôi có thể đặt tay lên ngực và nói rằng bất chấp rủi ro, công ty này xứng đáng được nhận đầu tư. Công ty này tên là Telechips, vào năm 1994 nó đã có một thiết bị giao tiếp với cả máy tính và điện thoại. Người đứng đầu ban điều hành là C. A. Burns, trước đây làm ở Bell Labs, và Randy Pinato, là cựu nhân viên bán hàng cho một trong số các công ty con của AT&T. Ý tưởng này đáng tin, vững chắc, mặc dù có đi trước thời đại. Thời điểm này Internet còn chưa được thương mại hóa, và điện thoại di động chỉ mới vừa ra mắt công chúng.

Tôi cũng tìm được một nhân viên ngân hàng đầu tư đầy kinh nghiệm, Howard Phillips, người sẵn lòng cùng tôi sắp xếp thông tin công ty này và gọi vốn. Phillips có nền tảng vững chắc tại Oppenheimer và đã về làm bán thời gian cho D. H. Blair lúc tuổi đã xế chiều. Mỗi tuần ông có mặt tại văn phòng hai đến ba ngày, và ông khá là thích tôi.

Nhưng khi đã tìm được một ban điều hành có trình độ và thuyết phục được họ rằng Phillips và tôi là con đường để họ gọi vốn, tôi khám phá ra một vùng đất mới đầy đau thương và bất hạnh. Mặc dù tôi nghĩ rằng Phillips và tôi bình đẳng, tôi sớm nhận ra rằng phí thu được từ vụ này không phải chia 50-50, như tôi những tưởng. Phillips ngoạm miếng to. Điều này khiến lòng tự trọng của tôi bị tổn thương. Tuy nhiên, nếu muốn thương vụ này thành công, tôi không còn cách nào khác ngoài việc chấp nhận cách chia chác này.

Bước tiếp theo là trình lên để được phê duyệt. Dựa trên cơ sở những thứ rác rưởi tôi chứng kiến được phê duyệt trong thời gian ngắn làm việc ở đây, tôi tưởng rằng thương vụ béo bở này có thể sẽ dễ dàng chấp nhận. Phillips và tôi đi qua hội đồng đầu tư và nhận được một thư giới thiệu nói rõ định giá công ty và số tiền chúng tôi có thể kêu gọi cho Telechips, và giới thiệu chúng tôi đi tiếp đến vòng thẩm định chi tiết (due dilligence). Tôi rất phấn khích.

Al và Randy cũng thế, và chúng tôi ăn mừng chiến thắng. Họ thở phào nhẹ nhõm vì có thể ngưng tìm kiếm đầu tư và tập trung chuyên môn. Randy bảo tôi rằng họ cũng đang làm việc với một nguồn kêu gọi đầu tư khác đáng tin cậy hơn, nhưng họ vui vì có thể cùng làm với tôi do họ rất có cảm tình với tôi.

Về phần mình, tôi đã xài trước một phần tiền thưởng và tơ tưởng đến việc báo tin này cho Class Notes, tờ nội san dành cho các cựu sinh viên Harvard. Howard Phillips, với kinh nghiệm dày dạn, đã không xài một tí nào phần chia tiền thưởng dự kiến. Hẳn là ông ta hiểu rằng vòng thẩm định chi tiết chẳng đi đến đâu cả. Chủ tịch công ty, Morty Davis, đã giao vụ này cho một nhân viên ngân hàng trẻ tuổi khác, họ bới lông tìm vết để dìm chết thương vụ này. Tôi không thể nào tin nổi. Ông ta hoàn toàn vui vẻ ăn mừng rất nhiều các thương vụ khác tệ hơn vụ này rất nhiều.

Cuối cùng, tôi và ban điều hành Telechips cũng được mời đến một cuộc họp khác, trong khi họ thắc mắc vì sao bị trì hoãn quá lâu thì tôi đầy những câu hỏi không được trả lời. Cho đến thời điểm ấy, nhóm sáng lập Telechips đang rất đói vốn vì công ty đang vận hành bằng tiền của cổ đông. Tôi biết được điều đó nhờ công cuộc bới lông tìm vết, thương vụ này vẫn được thông qua, nhưng ở định giá thấp hơn rất nhiều so với con số ban đầu trong đơn đề nghị – và với phần phí phải trả cho ngân hàng đầu tư rất nặng.

Tôi nhận được cuộc gọi từ Randy, ông đã rất sốc trước hành vi của ngân hàng và thất vọng vì đã đồng hành cùng tôi. Những gì tôi có thể làm là xin lỗi và thú thực rằng tôi không hề biết mọi chuyện sẽ diễn ra như thế. Một, hai hôm sau, Telechips đồng ý với điều khoản – như dự tính của mọi người. Họ đã bị ủy ban đầu tư dắt mũi, cho đến khi biết họ không còn sự lựa chọn nào khác. Tôi rất giận và ghê tởm – đặc biệt là với chính bản thân mình.

Khi nhìn lại, đến bây giờ tôi mới nhận ra khi ấy mình đang chênh vênh trên mép bờ vực đạo đức. Nếu còn bị kéo thêm một chút nào nữa vào trong văn hóa của công ty này, dù muốn dù không, tôi có thể đã ra khỏi mép vực và rơi vào vùng tối tăm mất rồi.

Phố Wall tiền không bao giờ ngủ
Khi nhìn lại, đến bây giờ tôi mới nhận ra khi ấy mình đang chênh vênh trên mép bờ vực đạo đức.

Vài năm sau khi tôi rời công ty, D. H. Blair gặp rắc rối với các nhà quản lý thị trường chứng khoán nên đã chìm dần vào bóng tối của ánh hào quang năm xưa. Công ty lo phần nghiệp vụ môi giới bán lẻ, D. H. Blair & Co., đóng cửa hoàn toàn vào năm 1998. Vào năm 2000, tờ Wall Street Journal đăng tin bộ phận môi giới bán lẻ và 15 nhân viên bộ phận này đã bị kết án 173 lần gian lận cổ phiếu.

Tuy nhiên, từ những gì tôi nhìn thấy ở văn hóa D. H. Blair, rắc rối mà công ty gặp phải với các nhà quản lý thị trường không có gì là bất ngờ. Hồi tưởng lại, tôi thấy mình mù quáng đến nguy hiểm trước động cơ và tính phi đạo đức của các đồng nghiệp. Đây là bằng chứng vững chắc cho thấy những người dù giỏi giang, học hành đến nơi đến chốn cũng có thể trở nên mụ mị đến thế nào.

Rõ là tôi đã mất khá nhiều thời gian để hiểu được rằng công ty này đã được xây dựng theo cách, nếu tôi muốn chiến thắng tôi phải đánh mất cái gọi là lương tâm. Trong nhiều tháng, tôi đã tập trung vào một câu hỏi sai, tự hỏi rằng vì sao việc tìm kiếm khách hàng lại quá khó khăn với tôi và ắt hẳn tôi phải có vấn đề gì đó. Tôi đã không đủ kinh nghiệm hoặc sự từng trải để hiểu rằng vấn đề chính là tôi đã chọn sai môi trường.

Một phần vấn đề là cạnh tranh quá gay gắt. Điều này dẫn đến niềm tin rằng, nếu tôi không sẵn sàng làm điều gì đó, một ai khác sẽ thay tôi để làm việc đó. Loại môi trường làm việc này được thiết kế hoàn hảo để thúc đẩy người sống trong môi trường ấy phải phá bỏ các giới hạn của bản thân để giành chiến thắng. Đây là một lối mòn được lặp đi lặp lại ở Wall Street. Chính tham vọng, lòng tham, sự tự mãn, hay ngây thơ khiến cho nhiều người khôn ngoan, cần mẫn đã phải nhúng chàm.

Nhưng, còn một điều quan trọng cần phải nói rõ. Không một thành viên nào trong ban điều hành của D. H. Blair từng trực tiếp yêu cầu tôi phải nói dối hay trình bày sai sự thật bất cứ điều gì – mặc dù tôi tin rằng một đặc tính lớn của nơi này là giới thiệu sai lệch về các cơ hội cho một thị trường hãy còn thiếu kiến thức. Luật của trò chơi là phải ngầm hiểu.

Kinh nghiệm tại D. H. Blair đã giúp tôi nhìn rõ tần suất tái hiện của những chuyện như thế tại các môi trường khác tại Wall Street. Trong bong bóng công nghệ hồi cuối những năm 1990, những công ty tồi tệ đã được tán dương và bán ra cho công chúng vốn rất nhẹ dạ cả tin. Ví dụ, các nhà phân tích như Henry Blodget của Merrill Lynch cực kỳ lạc quan về khả năng lên giá của các cổ phiếu Internet, nhưng có nói gì thì mèo vẫn hoàn mèo. Nhiều năm sau, cảnh cũ lại được lặp lại với các tổ chức đánh giá tín dụng, các nhà phân tích của các công ty này mù quáng đánh giá tích cực đối với CMO (Collateralised Mortgage Obligation: trái phiếu có danh mục cho vay thế chấp nhà ở làm tài sản đảm bảo – Chú thích của người dịch) và CDO (Collateralised Debt Obligation: trái phiếu có khoản nợ làm đảm bảo – Chú thích của người dịch) để rồi kết cục là dẫn đến cuộc khủng hoảng nhà đất.

Với riêng tôi, 18 tháng vất vả ròng rã tại D. H. Blair đã làm vấy bẩn hồ sơ vốn trắng tinh tươm của tôi và đẩy sự nghiệp của tôi xuống bờ vực thẳm. Những học vị và danh tiếng tôi khổ công lấy được từ Oxford và Harvard đã trở thành mây khói. Và trong kinh doanh, đặc biệt là giới đầu tư, danh tiếng là tất cả. Nhiều năm sau khi rời D. H. Blair, tôi cảm thấy nhơ bẩn với 18 tháng ấy đến nỗi tưởng chừng như không thể nào gột sạch vết nhơ đó đi được.

Chúng ta thích nghĩ rằng mình sẽ thay đổi môi trường, nhưng sự thực môi trường sẽ thay đổi chúng ta. Nên chúng ta phải cẩn trọng tối đa để chọn đúng môi trường, để làm việc, và chọn đúng người để kết giao. Lý tưởng nhất là chúng ta nên gắn bó với người giỏi hơn mình để trở nên giống họ.

Warren Buffett đã phạm một sai lầm lớn, vào những năm 30 tuổi, ông đầu tư vào một công ty sản xuất vải đang lỗ có tên Berkshire Hathaway. Sai lầm có thể đã đánh gục được ông, nhưng sau đó ông biến nó thành một tượng đài sừng sững của cuộc đời ông. Ông làm được như thế phần nào nhờ học được cách đầu tư vào những công ty tốt hơn thay vì đặt cược vào một cổ phiếu dạng “điếu xì gà hút dở – cigar butt” (như Berkshire Hathaway) mà Ben Graham đã dạy ông mua. Có thể, D. H. Blair là một động thái trỗi dậy từ đống cigar-butt của riêng tôi: một cú sốc tàn tệ để lại cho tôi kinh nghiệm để trưởng thành.

Đó không chỉ là một ý tưởng tự phát triển bản thân (self-help) được truyền lại từ bao đời nay, rằng những người thành công là những người đứng dậy dù bị cuộc đời vùi dập. Một phần thiết yếu trong con đường học tập của chúng ta là học từ những sai lầm – và nếu không phạm sai lầm, đôi khi ta có thể chẳng học được gì. Rõ ràng, thảm kịch D. H. Blair là một phần thiết yếu trên con đường học tập trở thành một nhà đầu tư giá trị của tôi.

Một trong những bài học lớn nhất mà tôi sẽ không bao giờ cho phép tái diễn là làm hoen ố danh tiếng của tôi. Như Buffett đã từng cảnh cáo, “Phải cần tới 20 năm để xây dựng danh tiếng nhưng chỉ mất 5 phút để phá hủy nó. Nếu nghĩ về điều này, bạn sẽ làm mọi thứ khác đi”. Một bài học khác đó là tôi phải làm mọi thứ có thể để thay đổi môi trường làm việc và môi trường trí tuệ của bản thân.

Warren Buffett

Khi tôi khám phá ra thế giới của Warren Buffett, tôi như vớ được chiếc phao cứu sinh. Sự giác ngộ này xảy đến với tôi vào một ngày mùa hè, khoảng tầm thời gian Telechips tình cờ đến với tôi. Khi ấy, tôi đã mất niềm tin trầm trọng vào cuộc đời rồi. Tôi nhận ra mình đã không còn ăn sandwich trên bàn làm việc ở tầng hai D. H. Blair nữa. Tôi đã không còn tí hứng thú nào với con đường sự nghiệp trước mắt, nhưng không biết phải làm gì khác và sợ phải bỏ cuộc do lo ngại cảm giác của một một người giương cờ trắng đầu hàng hay một kẻ đào ngũ.

Để khuây khỏa, tôi âm thầm ra ngoài kiếm đồ ăn trưa và mua một phần falafel hay shawarma gì đó từ một quầy hàng rong. Rồi tôi rảo bước vào công viên Zuccotti nằm trong bóng tòa nhà WTC và chơi vài ván cờ vua.

Trên đường về, tôi hay ghé qua một cửa hàng sách kinh doanh trên Broadway ngay bên cạnh Wall Street và lia mắt qua các kệ sách. Quyển sách đầu tiên tôi mua ở cửa hiệu này là quyển Bond Market, Analysis and Strategies (tạm dịch: Thị trường Trái phiếu, Phân tích và Chiến lược) của Frand Fabozzi. Tôi chìm vào các cuộc thảo luận kỹ thuật của tác giả về mối tương hợp tài sản/nợ và tính toán thời hạn trái phiếu. Đã có một thời gian, tôi thậm chí mơ tưởng bản thân là một tay buôn bán trái phiếu nữa.

Một lần khác tôi ghé hiệu sách này, tôi cầm lên quyển sách kinh điển của Benjamin Graham Nhà đầu tư thông minh – với phần đề tựa của Warren Buffett. Tôi mê mẩn đến không thể buông quyển sách xuống. Graham nói một cách hùng hồn rằng sở hữu cổ phiếu không đơn thuần là cầm trong tay một mảnh giấy, mà là một phần thật sự của một công ty. Ông cũng đề cập đến việc đối xử với “Ngài thị trường như một người trầm cảm điên cuồng và tận dụng những khi ông ta thay đổi trạng thái tâm lý. Khi thị trường dao động giữa sợ hãi và tham lam, nhà đầu tư có thể làm giàu nhanh bằng cách tập trung đầu óc tỉnh táo vào giá trị nội tại của một công ty và tận dụng sự khác biệt giữa giá và giá trị. Đôi khi ruột gan bạn biết rõ điều gì đó là thực. Đối với tôi, triết lý đầu tư giá trị này thật quá hợp lý đến nỗi bản thân nó đã là bằng chứng cho chính nó rồi.

Trước đó khá lâu, tôi cũng đọc quyển Buffett: The Making of an American Capitalist (Tạm dịch: Buffett: Con đường thành công của một nhà tư bản Mỹ), một quyển hồi ký tuyệt vời của tác giả Roger Lowenstein. Tôi bị thu hút bởi từng chi tiết nhỏ trong cuộc sống của ông. Cuộc đời của tôi và ông khác nhau như hai thái cực. Và những trải nghiệm thực tiễn của tôi tại D. H. Blair lại càng khác xa triết lý và đạo đức kinh doanh của chính ông và các doanh nghiệp do ông nắm giữ. Buffett không làm việc trong một môi trường đặc nghẹt những toan tính xấu xa. Ông không tìm kiếm những lời ngon tiếng ngọt để bán những món hàng tệ hại cho quần chúng nhằm thu về những đồng tiền mồ hôi nước mắt của họ hay chèn ép các công ty để thu phí môi giới cao ngất ngưỡng hay chực chờ cơ hội chơi xấu sau lưng đồng nghiệp.

Tôi hoàn toàn không biết làm sao để áp dụng những bài học của cuộc đời ông vào trong cuộc sống của chính tôi. Nhưng tôi cảm nhận được một khát khao sâu thẳm và cháy bỏng được ra khỏi môi trường độc hại này, để tiến gần về lãnh địa của ông hơn. Cứ như thể ông đang chìa tay ra, mời gọi tôi nắm lấy và tự kéo mình ra khỏi vũng lầy phi đạo đức mà tôi đang làm việc. Tôi nắm chặt tay ông để tìm kiếm một cuộc đời mới chân chính hơn.

Từ giữa bầy lang sói đến Warren Buffett: Tìm kiếm các NĐT giá trị lỗi lạc quanh tôi – Guy Spier (Phần 3)

Nguồn: Sách Lột xác để trở thành nhà đầu tư giá trị

Có thể bạn quan tâm:

Lột xác để trở thành nhà đầu tư giá trị – Guy Spier

Hành trình lột xác từ tay “mafia” cò mồi phố Wall

trở thành nhà đầu tư giá trị chân chính

Lột Xác Để Trở Thành Nhà Đầu Tư Giá Trị

ĐỌC THỬ

ĐẶT MUA

Các viết cùng chủ đề