fbpx

Từ giữa bầy lang sói đến Warren Buffett: Tìm kiếm các NĐT giá trị lỗi lạc quanh tôi – Guy Spier (Phần 3)

Lúc ấy, tôi cũng bắt đầu nhận ra có một cộng đồng nhỏ gồm các nhà đầu tư giá trị, những người làm việc với cùng suy nghĩ và sự chính trực theo gương Buffett. Họ đối lập với những người tôi đã gặp ở D. H. Blair: họ tránh những thông tin hành lang, những lời đồn thổi, thay vào đó, họ tập trung phục vụ lợi ích lâu dài của các cổ đông. Tôi cảm nhận một khát khao bỏng cháy muốn được trở thành một phần thế giới của họ

Từ giữa bầy lang sói đến Warren Buffett: Tôi đã nhúng chàm ở phố Wall – Guy Spier (Phần 1)

Từ giữa bầy lang sói đến Warren Buffett: Thời khắc biết đến đầu tư giá trị – Guy Spier (Phần 2)

Guy Spier là một nhà quản lý quỹ phòng hộ nổi danh, một môn đệ hăng hái của Warren Buffett. Hiện ông đang điều hành quỹ Aquamarine Fund với kỷ lục về lợi nhuận đánh bại thị trường không thể nào ấn tượng hơn 463% từ khi thành lập vào năm 1997. Guy xuất thân từ đại học Oxford, và là bạn học với nguyên Thủ tướng Anh David Cameron. Ông tiếp tục theo học MBA tại trường Harvard, sau đó bắt đầu làm việc với tư cách nhân viên ngân hàng đầu tư tại phố Wall. Từ một tay mafia cò mồi phố Wall cao ngạo, lươn lẹo, ích kỷ ông đã có quá trình lột xác để biến đổi thành một NĐT giá trị chân chính, thành công và hạnh phúc. Ông chia sẻ lại câu chuyện về hành trình đầu tư của mình trong cuốn sách Lột xác để trở thành nhà đầu tư giá trị.

NĐT Guy Spier
NĐT Guy Spier

Vào khoảng thời gian tôi đang học hỏi những ý tưởng này, tôi cũng bắt đầu bước khỏi vết xe đổ của mình. Tôi gia nhập Hội phân tích Chứng khoán New York và bắt đầu tham gia các buổi họp nhóm vào giờ trưa của họ ở tòa nhà World Trade Center. Tôi cũng mua phần mềm từ Hiệp hội Nhà đầu tư Cá nhân Hoa Kỳ để tìm kiếm các cổ phiếu thỏa yêu cầu của Ben Graham. Tôi chọn các cổ phiếu, đưa chúng vào một trang tính Excel để tạo nên một danh mục đầu tư, rồi tôi tự cập nhật giá cổ phiếu mỗi tuần. Tôi thấy rất hứng thú khi thấy nhiều công ty trong danh mục của tôi tăng trưởng tốt hơn cả thị trường chung.

Tôi cũng dành ra một khoản tiền gọi là đầu tư để đăng ký Value Line (valueline.com) và nghiên cứu những số mới ra. Trong quá trình tra cứu, tôi chú ý một công ty tên Burlington Coat Factory, nó có vẻ rẻ và lịch sử tài chính dài hạn tạo ấn tượng tốt với tôi. Đó là cổ phiếu đầu tiên mà tôi mua. Quan niệm của Graham rằng cổ phiếu không phải là một tờ giấy lộn mà là một phần của doanh nghiệp thật sự đánh động tôi. Nên tôi ghé thăm cửa hàng của công ty ở New York và Omaha với một niềm vui thú pha lẫn hưng phấn, cảm giác như một cổ đông thực thụ của một công ty đang hoạt động. Vào thời điểm ấy, tôi hầu như chẳng biết gì, nhưng tôi giữ cổ phiếu này vài năm và kiếm được một khoản lời nho nhỏ.

Lúc ấy, tôi cũng bắt đầu nhận ra có một cộng đồng nhỏ gồm các nhà đầu tư giá trị, những người làm việc với cùng suy nghĩ và sự chính trực theo gương Buffett. Họ đối lập với những người tôi đã gặp ở D. H. Blair: họ tránh những thông tin hành lang, những lời đồn thổi, thay vào đó, họ tập trung phục vụ lợi ích lâu dài của các cổ đông. Tôi cảm nhận một khát khao bỏng cháy muốn được trở thành một phần thế giới của họ. Một công ty cụ thể nảy lên trong tâm trí tôi như một pháo đài sừng sững của loại hình đầu tư này là Tweedy, Browne, được thành lập từ năm 1920.

Tôi ao ước được làm việc tại một môi trường như thế. Nên tôi mua một ít cổ phần của hai quỹ tương hỗ do công ty điều hành, và xin được tham quan văn phòng công ty ở Manhattan. Tôi đã hy vọng họ sẽ thuê tôi vào làm, nhưng họ lại không có nhu cầu tuyển thêm chuyên gia phân tích – ít nhất là một người như tôi. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy hồ hởi khi rảo bước ở một chốn thiêng liêng như thế. Tôi biết rằng Walter Schloss, một người bạn cũ của Buffett đã làm việc tại một trong những văn phòng nơi đây nhiều chục năm về trước và đã kiếm được lợi nhuận khổng lồ.

Thêm một lần nữa, tôi bị từ chối. Nhưng họ đã tử tế tặng tôi một bản luận văn kinh điển của Buffett “Những nhà đầu tư siêu đẳng theo trường phái Graham và Doddsville”. Tôi mang về đọc và khám phá lịch sử đầu tư đáng nể của một công ty đầu tư giá trị hàng đầu khác, Ruane Cunniff, công ty này điều hành quỹ Sequoia. Đây là một trong số hai công ty hiếm hoi mà Warren khuyến nghị khách hàng của ông nên mua sau khi ông đóng của công ty hợp danh đầu tư của mình (Warren Buffett Partnerships) vào năm 1969 và hoàn trả tiền cho các cổ đông. Từ khi được thành lập năm 1970, quỹ Sequoia đã tăng trưởng 38,819% so với 8,916% của chỉ số S&P 500.

Hy vọng tìm được việc làm nơi đây, tôi viết một lá thư cho Ruane Cunniff và được Carley Cunniff, giám đốc, đồng thời là con của một trong những nhà sáng lập công ty, mời đến văn phòng của họ. Tôi rất ngưỡng mộ bà. Bà lớn lên trong thế giới nơi Graham, Buffett, và phương pháp đầu tư thông minh đã trở thành chủ đề quen thuộc nơi bàn ăn gia đình, và bà đã trở thành một nhà phân tích kiệt xuất.

Carley Cunniff
Carley Cunniff

Carley đã qua đời năm 2005. Bà là một người phụ nữ rộng lượng và tử tế. Mặc dù rõ là tôi không có cơ hội làm việc ở đó và tôi cũng không giúp gì được cho bà, bà dắt tôi đi một vòng và giới thiệu tôi với các đồng nghiệp của bà. Qua hành động ấy, bà dành cho tôi một sự quan tâm chân thành, và tôi vô cùng cảm kích. Bà đã dạy cho tôi một bài học cuộc sống rất đáng giá: thật quan trọng để bày tỏ lòng tốt và giúp đỡ người khác ở giai đoạn đầu sự nghiệp, mặc dù khi ấy họ chưa làm được gì cho xứng đáng. Bà nhìn nhận tôi như một con người trọn vẹn, cho tôi quyền suy đoán vô tội, và làm những gì trong khả năng của bà để giúp một nhà đầu tư giá trị đồng môn.

Một cách để nằm trong quỹ đạo của công ty là mua cổ phần từ quỹ Sequoia. Điều này cho phép tôi tham dự cuộc họp thường niên vào mùa xuân tại New York Athletic Club. Nhưng quỹ này đã đóng, không tiếp nhận nhà đầu tư mới nhiều năm rồi. Thế là tôi tìm và thấy có người trên eBay sẵn sàng bán cho tôi một cổ phần với giá 500 đô la, mặc dù giá danh nghĩa khi ấy chỉ có 128 đô la. Tôi thêm cổ phần này vào danh mục, và tôi dự định sẽ giữ cho đến hết đời chứ không bán ra.

Với tôi, mục đích của việc này không phải là kiếm tiền, mặc dù tôi đoán Sequoia vẫn tiếp tục đạt kết quả vượt trội thị trường. Đây thật sự là câu hỏi về chọn lựa những người trong đời làm hình tượng (dẫu là tiệm cận chứ không hoàn toàn trọn vẹn) cho những giá trị mà bạn ngưỡng mộ. Chúng ta sẽ bàn đến trong các chương sau, tạo ra môi trường hay mạng lưới xã hội phù hợp có thể giúp nghiêng nhẹ bàn cờ cuộc đời theo hướng giúp bạn dễ đạt được thành công hơn. Lợi thế thường được tạo nên bởi những bước đi vô cùng nhỏ nhưng liên tục, cho nên bước vào thế giới của một công ty như Ruane Cunniff là thật sự tạo nên sự khác biệt.

Rất nhiều người tham dự cuộc họp thường niên cũng đồng thời là cổ đông của Berkshire Hathaway, và đôi lúc cũng có cả những quản lý của Berkshire tham gia. Vì thế mà tôi gặp được Lou Simpson, người Buffett đích thân tuyển lựa để gửi gắm trách nhiệm đầu tư tiền của GEICO (GEICO là công ty bảo hiểm ô tô của Mỹ, lớn thứ hai tại Hoa Kỳ, sau State Farm. Năm 1996, GEICO trở thành công ty con của Berkshire Hathaway – Chú thích của người dịch) vào cổ phiếu và là người mà ông dành tặng danh hiệu “người giỏi nhất tôi từng biết.”

Lou Simpson
Từ năm 1980 đến 1995, trong khi lợi nhuận kép của chỉ số S&P 500 đạt mức cao là 15,7% thì thành tích của Simpson tại GEICO còn đáng ngưỡng mộ hơn với mức lợi nhuận 22,8%.

Một cột mốc khác trên con đường tái giáo dục của tôi liên quan đến nghiên cứu chiến lược đầu tư của Buffett ở một mức độ cao hơn. Không có cách nào tốt hơn cách đọc báo cáo thường niên của Hathaway. Trước thời đại Internet phát triển, để có được những báo cáo này, bạn phải gọi điện thoại cho công ty và đọc cho họ địa chỉ. Vài hôm sau, tôi nhận được bản báo cáo đầu tiên của Berkshire, địa chỉ trên bì thư vẫn còn được viết tay. Với tôi, đây là cả một sự khai sáng.

Tại D. H. Blair, tôi đã đánh giá rất nhiều kế hoạch kinh doanh với những biểu đồ tăng trưởng khủng và những dự đoán tương lai rải đầy hoa hồng. Báo cáo của Berkshire có hình thức rất giản đơn, với phần điểm nhấn là một lá thư được viết rất thật tình, không dặm phấn thoa son, dễ đọc dễ hiểu của Buffett. Báo cáo cũng chứa các bảng trình bày tăng trưởng hàng năm giá trị sổ sách (book value) của công ty. Hoàn toàn là thông tin thuần túy, không cố lừa người xem bằng thống kê hay che đậy sự thật bằng những hình ảnh đẹp in trên giấy bóng.

Báo cáo thường niên Berkshire Hathaway
Báo cáo thường niên Berkshire Hathaway

Tôi chưa từng xem một báo cáo thế này trước kia. Nó được thiết kế để thu hút các cổ đông, những người thực sự đọc báo cáo vì những lý do đúng đắn. Tôi từng cho rằng giới kinh doanh là nơi kẻ la to hơn là người được chú ý nhiều hơn. Nhưng Buffett lại hướng đến những người không bị ấn tượng bởi những thanh âm ồn ào.

Khi tôi đọc đi đọc lại một loạt các báo cáo thường niên cũ của Berkshire, tôi dần dần bắt đầu suy nghĩ như Warren Buffett. Tôi biết điều này nghe hơi dị, nhưng tôi cảm giác như ông đang mỉm cười với tôi khi tôi hành xử như cách ông hành xử; và tôi cảm giác như ông ngoảnh mặt đi khi tôi đi chệch hướng. Đây không phải là tôn thờ thần tượng, đây là lựa chọn người thầy đã khám phá ra chân lý mà tôi còn cần phải học hỏi.

Nguồn: sách Lột xác để trở thành nhà đầu tư giá trị

Có thể bạn quan tâm:

Lột xác để trở thành nhà đầu tư giá trị – Guy Spier

Hành trình lột xác từ tay “mafia” cò mồi phố Wall

trở thành nhà đầu tư giá trị chân chính

Lột Xác Để Trở Thành Nhà Đầu Tư Giá Trị

ĐỌC THỬ

ĐẶT MUA

Các viết cùng chủ đề