Wells Fargo: Bài học từ vụ bê bối ngân hàng lớn nhất nước Mỹ
Từ vụ SVB đã tạo nên một cơn bão về lòng tin giữa khách hàng và các ngân hàng, hãy cũng Happy Live nhìn lại một trong những vụ bê bối về ngân hàng chấn động lịch sử nước Mỹ. Có thể nói, dù là nơi cho bạn cảm giác an toàn như ngân hàng vẫn có thể xuất hiện những bê bối tài chính khiến nhiều người điêu đứng. Nên nhớ, tìm cách tối ưu hóa nguồn tiền của bạn, không chỉ phụ thuộc vào một phía, vì khi có rắc rối xảy ra, không ai có thể chịu trách nhiệm cho tiền của bạn, tốt bằng bạn!
Vụ bê bối hơn 3,5 triệu tài khoản ngân hàng giả mạo hồi năm 2018 đã khiến Wells Fargo, một trong những ngân hàng lâu đời nhất nước Mỹ, phải chới với trong thời gian dài. Đồng thời, đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho toàn ngành ngân hàng Mỹ.
Khởi nghiệp từ công ty vận tải
Wells Fargo & Company là công ty tài chính ngân hàng và dịch vụ tài chính quốc tế nằm trong nhóm “Big Four Banks” lớn nhất Hoa Kỳ, có trụ sở tại San Francisco, California. Với giá trị vốn hóa thị trường trên 274 tỷ USD, Wells Fargo hiện đang là ngân hàng lớn thứ tư trên thế giới và thứ hai tại Mỹ, chỉ đứng sau ngân hàng JPMorgan Chase.
Được thành lập từ năm 1852 bởi Henry Wells và William Fargo, Wells Fargo & Company ban đầu hoạt động như một công ty vận chuyển nhanh nhằm phục vụ cho sự gia tăng số lượng mỏ vàng ở California.
Công ty này chuyên vận chuyển hàng hóa từ bờ biển phía Đông đến các trại khai thác mỏ vàng nằm rải rác khắp miền Bắc California bằng xe ngựa. Wells Fargo cũng hoạt động như một ngân hàng – mua lại vàng, bán các giá tờ có giá như hối phiếu và hỗ trợ cho vay nhằm phát triển nền kinh tế California.
Đến năm 1905, chi nhánh ngân hàng của Wells Fargo được tách ra khỏi hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa, đồng thời sáp nhập với ngân hàng quốc gia Nevada và thành lập trụ sở chính mới tại San Franciso. Trong Thế chiến I, chính phủ Hoa Kỳ đã quốc hữu hóa các tuyến vận tải của công ty này và kết hợp chúng vào hệ thống đường sắt chung, chính thức chấm dứt hoạt động kinh doanh vận tải của Wells Fargo & Company.
Sau hai lần sáp nhập với Công ty Norwest Corporation có trụ sở tại Minneapolis vào năm 1998 và ngân hàng Wachovia vào năm 2008, Wells Fargo chính thức trở thành một trong những tổ chức ngân hàng lớn nhất Hoa Kỳ.
Hiện tại, chi nhánh hoạt động chính của công ty là ngân hàng quốc gia Wells Fargo Bank, N.A, được đặt tại Sioux Falls, South Dakota. Tính đến năm 2015, Wells Fargo đã có hơn 8.700 chi nhánh bán lẻ và 13.000 máy rút tiền tự động. Ngân hàng này hoạt động trên 35 quốc gia và có hơn 70 triệu khách hàng trên toàn cầu.
Chấn động bê bối ngân hàng lớn nhất lịch sử
Sau gần hai thế kỷ hoạt động tích cực cũng như nhận được nhiều tin tưởng từ khách hàng trên khắp thế giới, năm 2016, Wells Fargo lại vướng phải một bê bối tài khoản lớn nhất trong lịch sử ngân hàng Hoa Kỳ. Lời thú tội của ngân hàng ngày vào hồi tháng 9/2016 khiến cả thế giới chấn động. Hàng triệu người dân Mỹ đã bị nhân viên ở đây lợi dụng thông tin cá nhân để lập ra các tài khoản ma nhằm mục tiêu về doanh thu và lĩnh thưởng.
Sự việc bắt đầu từ năm 2011, nhân viên của ngân hàng Wells Fargo đã tự tạo hơn 1,5 triệu tài khoản ngân hàng giả mạo và gần 600.000 tài khoản thẻ tín dụng khống mà khách hàng không hề hay biết. Ngân hàng này đã thu lợi thông qua việc thu phí khách hàng với chính những tài khoản giả mạo này. Hơn 5 năm qua, các nạn nhân đã phải trả phí cho những tài khoản ngân hàng mà mình không hề đăng ký.
Nguyên nhân được giải thích do áp lực chỉ tiêu và doanh số mà các nhân viên ở Wells Fargo phải chịu mỗi tháng, cộng với mức lương thưởng hấp dẫn dành cho những ai đạt được số lượng mở thẻ nhiều nhất trong một tháng hoặc một quý. Do đó, không khó hiểu vì sao nhân viên của ngân hàng này lại có hành động như vậy.
Wells Fargo đã phải chịu mức phạt kỷ lục lên tới 185 triệu USD và bồi thường 5 triệu USD cho khách hàng do Cục bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng Mỹ (CFPB) đưa ra. Mặc dù đây là hình phạt lớn nhất kể từ khi CFPB thành lập, nhưng con số này chỉ là “tiền lẻ” đối với Wells Fargo bởi đây là ngân hàng có giá trị thị trường lớn nhất tại Mỹ (năm 2016), theo ông David Vladeck, cựu Giám đốc Cục bảo vệ Người tiêu dùng của Ủy ban Thương mại Liên bang.
Tuy nhiên, tiền phải không phải quan trọng nhất, niềm tin mà khách hàng dành cho Wells Fargo này đã hoàn toàn sụp đổ. Rất nhiều người đã ngay lập tức dừng mọi giao dịch với Wells Fargo kể từ khi biết tin. Theo khảo sát, cứ 7 khách hàng của Wells Fargo thì có 1 người đã quyết định chuyển sang các ngân hàng khác. Wells Fargo ước tính có thể mất tới 99 tỷ đồng USD trong 1,5 – 2 năm tới.
Đứng trước mức độ nghiêm trọng của sự việc, ngân hàng Wells Fargo đã có nhiều động thái quyết liệt nhằm cứu vãn lại tình hình cùng danh dự.
Trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến 2016, Wells Fargo đã sa thải ít nhất 5.300 nhân viên do bán hàng gian lận và chấm dứt hạn ngạch bán hàng tại các chi nhánh riêng lẻ. Ông John Shrewberry, Giám đốc Tài chính, cho biết ngân hàng này đã đầu tư 50 triệu USD để tăng cường việc giám sát hoạt động tại các chi nhánh riêng lẻ. Ông John Stumpf, Tổng Giám đốc điều hành của Wells Fargo, cũng tự nguyện từ chức sau sau bê bối 3,5 triệu tài khoản giả mạo (tính đến tháng 5/2017).
Trước đó, Wells Fargo đã tuyên bố sa thải 4 nhân viên cấp cao liên quan tới vụ bê bối lớn nhất ngành ngân hàng Mỹ. Những nhân viên này đều là giám đốc chi nhánh ở bang Arizona, California và những nhân dự cấp cao trong lĩnh vực đánh giá rủi ro.
Wells Fargo cũng phải đối mặt với lợi nhuận bị sụt giảm trầm trọng ngay trong quý đầu tiên năm 2017. Các khoản thanh toán khổng lồ cho luật sư và các công ty bên ngoài cũng ảnh hưởng đáng kể tới kết quả kinh doanh của ngân hàng này.Đầu tháng 1/2017, Wells Fargo cũng tuyên bố sẽ đóng cửa hơn 400 trong tổng số 6.000 chi nhánh ngân hàng của mình đến năm 2018. Vào tháng 5/2017, ngân hàng này cho biết sẽ tiếp tục cắt giảm chi phí đầu tư vào công nghệ, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào các “tổ chức bán hàng”.
Những hậu quả mà Wells Fargo phải đối mặt đến thời điểm này vẫn chưa kết thúc, ngân hàng này sẽ còn phải khắc phục nhiều vấn đề hơn nữa trong tương lai, đặc biệt là việc lấy lại được lòng tin của khách hàng.
Vụ bê bối kể trên của Wells Fargo là bài học không của riêng ngân hàng nào, nó như một hồi chuông cảnh báo cho các ngân hàng trên toàn cầu về minh bạch trong kinh doanh cũng như khuyến cáo khách hàng cần hết sức thận trọng trong việc trao gửi niềm tin của mình ở các ngân hàng.
Nguồn: vietnamfinance