fbpx

Chuyện đầu tư vào Wells Fargo thu về gấp 5 lần tài khoản

Đây là một chuyện cực kì thú vị về hai nhà đầu tư tỷ đô Bruce Berkowitz và Joel Greenblatt. Hai người này rất nổi tiếng trong giới đầu tư và đều có thiên hướng đầu tư giá trị.

Wells Fargo

Điều đặc biệt của câu chuyện này là hai nhà đầu tư đều mua một cổ phiếu ở gần như cùng một thời điểm, chốt lời cũng gần như cùng thời điểm. Tuy nhiên người trước chỉ kiếm lời ở mức nhân 2 lần số tiền đầu tư (200%) còn người sau dù “sao chép” ý tưởng đầu tư từ người trước và mua cổ phiếu ở giá đắt hơn nhưng lại nhân số tiền đầu tư của mình tới 5 lần.

Câu chuyện về Bruce Berkowitz đầu tư vào cổ phiếu Wells Fargo

Bruce Berkowitz

Người Việt mình chắc ít biết Bruce Berkowitz, ông là một người Do Thái. Sinh ra và lớn lên ở Anh, qua Mỹ năm 1989. Quỹ đầu tư mà hiện nay ông quản lý có tên là Fairholme.

Vào năm 1989 – 1990, bong bóng BDS ở California sụp đổ, các cổ phiếu ngành ngân hàng nói chung sụt giảm mạnh. Cứ mỗi tháng qua đi, các khoản nợ xấu liên tiếp hiện ra mặc dù trước đó lãnh đạo các ngân hàng đều khẳng định mọi việc đều ổn. Các nhà đầu tư nhanh chóng đi đến kết luận rằng không thể tin vào các con số mà các ngân hàng báo cáo và họ bán tháo cổ phiếu. Trong năm 1990, cổ phiếu ngân hàng Wells Fargo giảm tới 50% trong vòng vài tháng.

Wells Fargo là một ngân hàng lớn thứ 3 ở Mỹ. Và thời điểm này một nhà đầu tư cực kì nổi tiếng Warren Buffett đã nhân cơ hội thị trường sụp đổ mà mua vào cổ phiếu Wells Fargo (WFC) – cho tới giờ ông cũng chưa bán số cổ phiếu này, thậm chí còn mua thêm trong đợt khủng hoảng 2008.

Quay trở lại với Bruce Berkowitz. Tháng 11 năm 1992, ông trả lời phỏng vấn tạp chí Outstanding Investor Digest và giải thích lý do vì sao ông mua cổ phiếu Wells Fargo, lúc đó đang có giá khoảng 65$/cp. (Giá trung bình của Warren Buffett mua năm 1990 là khoảng 58$/cp).

Bruce Berkowitz cho rằng khi đó đó Wells Fargo có lợi nhuận trước thuế và trước trích lập dự phòng là 36$/cp. Nếu thị trường bất động trở về trạng thái bình thường, tỷ lệ trích lập dự phòng hàng năm thông thường là 6$/cp, thì lợi nhuận trước thuế của Wells Fargo sẽ là 30$/cp và lợi nhuận sau thuế là 18$/cp(thuế suất 40%). Giả định PE hợp lý là 9-10 lần thì giá cổ phiếu Wells rơi vào khoảng 160$ -180$, gấp gần 3 lần so với giá hiện tại 65$.

Lúc này Wells Fargo đã đạt mức độ lợi nhuân 18$/cp. Vấn đề cần xem xét là việc trích lập dự phòng và thực trạng các khoản cho vay của ngân hàng này.

Bruce Berkowitz nhận định rằng tình hình tài chính lúc đó của Wells Fargo rất tốt. các khoản nợ xấu của Wells Fargo không quá tệ và ngân hàng có thể thu lại một phần đáng kể tiền gốc. Theo Berkowitz, thực ra do rất thận trọng nên 50% các khoản nợ mà ngân hàng này xếp vào loại nợ xấu thực tế vẫn trả đúng hạn lãi suất và vốn gốc.
Mặt khác tổng trích lập dự phòng của Wells Fargo chiếm khoảng 5% tổng nợ vay mà tổng số nợ xấu là 6% tổng nợ vay. Như vậy, để dùng hết các khoản trích lập này thì hoặc 6% nợ xấu hiện tại phải mất gần hết giá trị hoặc phải xuất hiện các khoản nợ xấu mới. Với sự thận trọng như đã nêu của WFC, Berkowitz cho rằng cả hai kịch bản này đều có xác suất xảy ra rất thấp.

Xét về mặt lịch sử thì trong suốt 140 năm hoạt động, Wells Fargo chưa từng thua lỗ năm nào và khi đó ngân hàng này đang phát triển thêm dịch vụ quản lý tài sản hứa hẹn nhiều tiềm năng.

Với tất cả những phân tích nêu trên, Bruce Berkowitz đã mua vào WFC và Mọi việc diễn ra đúng như dự doán của ông khi lợi nhuận của Wells Fargo nhanh chóng trở lại bình thường. Vào năm 1994, giá cổ phiếu Wells đã tăng lên tới $160.

Kết quả: Bruce Berkowitz nhân hơn gấp đôi số tiền của mình trong hơn 1 năm. Đây trở thành thương vụ ghi dấu ấn tên tuổi ông trong giới đầu tư.

Từ đây ta cũng thấy tầm nhìn dài hạn của Warren Buffett. Ông mua cổ phiếu Wells Fargo năm 1990 và đúng như ông dự đoán Wells gần như không có lợi nhuận trong một vài năm sau đó, cổ phiếu không có nhiều biến chuyển. Tuy nhiên Wells Fargo nhanh chóng có lợi nhuận trở lại và tiếp tục tăng trưởng mạnh giúp cho khoản đầu tư của Warren Buffett rất thành công.

Câu chuyện đầu tư vào Wells Fargo của Joel Greenblatt

Joel Greenblatt

Joel Greenblatt là sáng lập viên và thành viên Ban Giám đốc của Công ty tài chính Gotham, một công ty đầu tư tài chính có mức lãi suất hàng năm đạt 40% mỗi năm kể từ khi thành lập năm 1985. Ông đồng thời cũng là tác giả của cuốn sách bestselling “Trở thành thiên tài chơi chứng khoán” (You can be a stock market genius)

Nếu ai đã xem bộ phim đạt giải Oscar  – The Big Short và ấn tượng với nhân vật Dr. Michael Burry thì Joel chính là người đầu tiên đầu tư vào quỹ của Bác sĩ Burry và sau đó kiếm lời hàng tỷ đô.

Joel được biết đến như một huyền thoại đầu tư ở phố Wall. Ông có thành tích 11 năm liên tục có tỉ suất lợi nhuận trung bình 50%/ năm. Một con số đáng kinh ngạc.

Tháng 12 năm 1992, khoảng 1 tháng sau khi Berkowitz trả lời phỏng vấn, Joel Greenblatt đọc tạp chí Outstanding Investor Digest và đọc được ý tưởng đầu tư cổ phiếu Wells Fargo của Bruce Berkowitz. Joel thấy ý tưởng đầu tư này thực sự rất thuyết phục nên quyết định sử dụng một loại đòn bẩy đặc biệt để gia tăng lợi nhuận. Nếu bạn nào từng đọc về Joel Greenblatt, quản lý quỹ Gotham Capital, thì sẽ biết rằng bác này có track record rất tuyệt vời, tỷ suất lợi nhuận trong giai đoạn 1985-1994 là 50%/năm. Một trong những siêu bí kíp võ công của Joel nằm ở từ LEAPS và đây chính là công cụ để Joel Greenblatt nhân 5x tài khoản từ ý tưởng đầu tư vào Wells Fargo.

LEAPS là gì?

LEAPS – viết tắt của LONG-TERM EQUITY ANTICIPATION SECURITIES – thực ra không phải là gì ghê gớm. Nó đơn giản là một hợp đồng quyền chọn (quyền mua/bán) có thời hạn dài hơn 1 năm. LEAPS thường được niêm yết công khai trên các sàn giao dịch và thường có thời hạn tối đa là 2 năm.

Khi Joel đọc được ý tường đầu tư vào Wells Fargo, giá cổ phiếu Wells lúc đó là khoảng $77. Vào tháng 12 năm 1992, Joel có thể mua quyền mua cổ phiếu Wells Fargo tại giá $80, hết hạn tháng 1 năm 1995 tại giá $14. Nếu cổ phiếu Wells tăng giá lên $160, quyền mua trên sẽ ngay lập tức tăng giá lên $80 vì ta có thể mua cổ phiếu tại giá $80 và bán được giá $160. Mức lợi nhuận thu được khi đó là $66 trên vốn $14, xấp xỉ gần 5 lần.

Rủi ro trong vụ này là nếu đến hết thời hạn quyền mua (tháng 1 năm 1995) mà cổ phiếu Wells Fargo vẫn <= $80 thì quyền mua này mất hết giá trị. Do vậy có thể nói đây là thương vụ thua mất 1, thắng ăn 5, một tỷ lệ khá hấp dẫn. Tất nhiên, sở hữu LEAPS còn có lợi thế nữa so với các cổ phiếu thông thường là nó hạn chế thua lỗ. Giả sử khủng hoảng bất động sản kéo dài, cổ phiếu Wells Fargo giảm về $40, người sở hữu LEAPS chỉ mất $14 nhưng người giữ cổ phiếu thông thường mất tới $40.

Kết quả: Như đã nói trong bài trước, mọi việc diễn ra đúng như đự doán của Bruce Berkowitz. Wells Fargo đạt lợi nhuận $15/cp năm 1994 và $20/cp năm 1995. Năm 1994, giá cổ phiếu Wells đã tăng lên tới $160. LEAPS mà Joel Greenblatt mua tại giá $14 đã tăng lên $80, tương ứng mức lợi nhuận khoảng 5 lần sau gần 2 năm.

Nguồn: vfpress

Có thể bạn quan tâm

Bộ sách Kiếm tiền bền vững từ thị trường chứng khoán

Bộ sách Kiếm tiền bền vững từ thị trường chứng khoán

ĐẶT SÁCH NGAY

Các viết cùng chủ đề