fbpx

Chris Davis – Nhà quản lý quỹ đại tài với triết lý không bao giờ ngừng học hỏi

Trong quyển The little book of common sense investing của ngài Jack Bogle – sáng lập quỹ index Vanguard nổi tiếng, ông đã tận danh thống kê rằng trong 35 năm kể từ 1970-2005, chỉ có đúng 3/355 quỹ vượt được chỉ số S&P, trong đó có quỹ Davis New York Venture – đủ để xếp Chris Davis vào bậc xuất chúng trên thị trường chứng khoán.

Như vậy, làm cách nào quỹ Davis New York Venture Fund có thể đánh bại thị trường trong 35 năm liên tục?

NĐT đại tài Chris Davis
NĐT đại tài Chris Davis

I. Kỷ luật thép từ văn hóa gia đình

Một điểm khá thú vị chúng tôi nhận thấy ở các nhà đầu tư đại tài, chẳng hạn như ngài Buffett, Ken Fisher hay thậm chí là Chris Davis: Đó chính là “văn hóa đầu tư” mà họ được thừa hưởng từ ông nội ông.

Shelby Cullom Davis
Từ số vốn 100,000 USD, sau 40 năm, Shelby Cullom Davis đã biến nó thành 800 triệu USD vào những năm đầu thập niên 1990.

Ông nội của Chris Davis, Shelby Cullom Davis, vốn xuất thân là một Phó Giám đốc công ty bảo hiểm bang New York. Năm 1947, nhờ vốn vay, Shelby Davis đã lập ra quỹ đầu tư của riêng mình, tập trung vào các lĩnh vực hiển nhiên mà ông có kinh nghiệm nhiều nhất như bảo hiểm, ngân hàng và các định chế tài chính. Lúc bấy giờ, chỉ số Dow Jones giảm thê thảm về mức 180 điểm và Phố Wall hoàn toàn làm lơ với cổ phiếu tài chính. Khoản đầu tư của ông nội Shelby Davis vào các công ty này không có gì có thể chê trách được: Từ số vốn 100,000 USD, sau 40 năm, ông đã biến nó thành 800 triệu USD vào những năm đầu thập niên 1990.

Christopher C. Davis sinh thành năm 1965 tại New York với niềm đam mê chẳng mấy liên quan đến tài chính: Làm mục sư nhà thờ (!) Song, kể từ khi cha mình tặng cổ phiếu, đặt những tạp chí đầu tư lớn và đưa ông Chris lên các sàn giao dịch, con đường đam mê đầu tư và giúp đỡ người khác bằng cách quản lý vốn bắt đầu mở ra cho ông.

Nhiều người sẽ nghĩ rằng Chris Davis từng học những tấm bằng thạc sĩ MBA hay tài chính hào nhoáng (!) Nhưng ông lại khởi đầu với tấm bằng cử nhân kế toán tại trường College of Insurance đồng thời thực tập phần tích cổ phiếu tài chính tại một quỹ nhỏ tên Tanaka Capital Management. Điều này bởi vì gia đình ông tin rằng việc các trường đại học dạy cùng “lối suy nghĩ” sẽ hủy hoại tư duy đầu tư đúng đắn. Thay vào đó, học về hệ thống kế toán sẽ hỗ trợ được nhiều hơn khi Davis phân tích các công ty.

Trong khoảng thời gian đó, ngày Chris Davis đi làm, tối ông đi học thêm kế toán. Cả ngày nghỉ cuối tuần, Chris Davis còn phải viết thêm ấn phẩm đầu tư (investment newsletter) cho quỹ đầu tư của ông nội ông. Sau nhiều tháng viết lách và gửi phong thư đến các khách hàng, Chris Davis mới nhận ra rằng nhiều khách hàng đã dọn đi nơi khác, một số thậm chí đã qua đời. Chris Davis hỏi ông nội của mình rằng tại sao phải cực khổ vậy trong khi công ty chẳng nhận được đồng phí tư vấn nào – ngài Shelby trả lời rằng: “Chúng ta làm vậy là vì bản thân chúng ta – để giữ thứ kỷ luật thép.” Và kể từ câu trả lời đó, chàng trai trẻ Chris Davis vẫn tiếp tục viết ấn phẩm đầu tư cho đến hàng chục năm sau, và luôn cẩn thận trong các khuyến nghị đầu tư và phân tích của mình hệt như đó là một sản phẩm vậy.

II. “Cổ phiếu tăng trưởng giấu mặt”

Ngạc nhiên thay, “sự may mắn đến với những người chăm chỉ”. Khi viết ấn phẩm đầu tư, Chris Davis đã tích lũy được những triết lý đúc kết từ hàng chục năm kinh nghiệm của gia đình.

Chris Davis bồi hồi kể lại, “Ông nội tôi rất thích tìm kiếm thứ cổ phiếu mà ông gọi là Cổ phiếu tăng trưởng giấu mặt (growth stock in disguise)”. Đó là thứ cổ phiếu mà dòng lợi nhuận ròng tăng trưởng với tốc độ cao hơn nhiều kỳ vọng của Phố Wall, hoặc các cổ phiếu tăng trưởng bền vững nhưng lại được bán với giá cả rẻ như các món hời.

“Từ sự ưa thích này, ông nội tôi còn nhấn mạnh định nghĩa về ‘Lợi nhuận đôi đường nhà Davis’ (Davis Double Play)”, Chris Davis bổ sung vào, “khi bạn tìm được một cổ phiếu tăng trưởng giấu mặt, bạn sẽ đạt được lợi nhuận phi thường từ: (1) việc P/E của cổ phiếu mở rộng nhờ giới đầu tư nhận định lại về tiềm năng tăng trưởng và đẩy giá lên, đồng thời từ (2) việc thành tố lợi nhuận – earnings – của cổ phiếu tăng đều đặn lũy kế mỗi năm. Mục tiêu của ông ấy luôn là tìm lấy những cổ phiếu sẽ đạt được tiềm năng lợi nhuận đôi đường này”.

Tư duy này hoàn toàn logic. Bởi vì nếu bạn nhầm ở việc đánh giá sai mức P/E hợp lý, thì việc bạn đúng ở sự tăng trưởng đều đặn của lợi nhuận cũng có thể cho bạn mức sinh lời thỏa đáng. Tuy nhiên, ông nội Shelby của Chris Davis luôn luôn đề phòng các trường hợp gọi là “Cú thua lỗ lớn” (Big Loss). Việc trả giá 30x P/E cho một doanh nghiệp tăng trưởng 30% đối với ông sẽ dễ lâm vào tình trạng “Big Loss”, ngược lại với Double Play – tức là vừa giảm P/E, vừa giảm tốc độ tăng trưởng earnings. Điều này được ông giải thích vì tốc độ tăng trưởng kép 30% CAGR là một mức cao bất thường và khó bền vững. “Nếu bạn đặt cho mình kỷ luật về mức giá bao nhiêu bạn phải trả cho một cổ phiếu, thì một mức tăng trưởng không mấy ấn tượng cũng có thể tạo nên một mức tăng giá cổ phiếu ấn tượng.” ­– Chris nhấn mạnh.

Vào năm 1991, khi Chris tròn 26 tuổi, ông tự lập ra quỹ Davis Financial Fund để thử nghiệm những triết lý đầu tư của mình. Gia đình ông luôn thể hiện sự ưa thích cho các cổ phiếu tài chính. Đó là bởi vì những công ty dịch vụ tài chính hầu như không có giới hạn tăng trưởng (no limit on growth). Một công ty ô tô, hay phân bón, chỉ có thể bán được sản lượng hàng hóa nhất định với nguồn lực họ có. Song mô hình kinh doanh của một công ty tài chính, chẳng hạn như bảo hiểm, đầu tư, ngân hàng thì không hề có giới hạn về quy mô.

Khi tròn 26 tuổi, Chris David tự lập ra quỹ Davis Financial Fund
Khi tròn 26 tuổi, Chris David tự lập ra quỹ Davis Financial Fund

Nhìn lại, Chris nói những công ty tăng trưởng tốt nhất kể từ thập niên 1980 là những tập đoàn tài chính như Berkshire Hathaway, JP. Morgan hay Fannie Mae. Hơn nữa, trong những bài phỏng vấn gần đây với Wealthtrack, ông Chris đã dần chuyển hướng sang công ty nền tảng công nghệ như Google, Amazon – nơi mà giới hạn tăng trưởng cũng gần như không có.

III. Sự kết hợp giữa “giá trị” & “tăng trưởng”

Với tư duy đó, Chris Davis nói rằng ông là sự kết hợp của cả hai thứ gọi là đầu tư giá trị và “đầu tư tăng trưởng”.

"đầu tư giá trị” và “đầu tư tăng trưởng”
“đầu tư giá trị” và “đầu tư tăng trưởng”

Trong khi những người tự cho mình là “đầu tư giá trị” lại quá chú trọng vào giá rẻ và lợi nhuận hiện tại của doanh nghiệp, họ lại bỏ qua các yếu tố tương lai như triển vọng kinh doanh, suất sinh lời và các giá trị vô hình như lợi thế cạnh tranh, ban quản trị. Điều này dẫn đến tiềm năng tăng giá cổ phiếu của họ khá hữu hạn.

Ngược lại, những kẻ ưa thích “đầu tư tăng trưởng” – lại quá chú trọng vào dự phóng tương lai, mà không nghĩ rằng liệu mức tăng trưởng cao đó có bền vững. Chris Davis nói rằng ông hoàn toàn sẵn sàng trả 40 lần P/E cho một công ty tăng trưởng 30% CAGR trong vòng 15 năm liên tiếp. Song nếu nó chỉ tăng như vậy trong 5 năm, thì rõ ràng khoản đầu tư đó khá tệ hại.

Do đó, bàn về cách phân tích cổ phiếu, Chris Davis đề cập đến thần tượng của mình: NĐT Charlie Munger – Phó Chủ tịch tập đoàn Berkshire Hathaway với bốn câu hỏi (four questions) mà ông luôn đặt ra trước mọi cơ hội đầu tư:

Charlie Munger
Charlie Munger

(1) Bản chất ngành nghề, lĩnh vực, mô hình kinh doanh đó tôi có hiểu hay không, và nó có phải là thứ tôi muốn sở hữu?

(2) Suất sinh lời của doanh nghiệp đó có cao hay không? Và điều gì giúp cho suất sinh lời này không bị giảm trong tương lai? Nói cách khác, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp là gì?

(3) Ban quản trị là ai? Liệu tôi có thể tin số liệu của họ hay không? Liệu họ có quyết tâm cải thiện lợi thế cạnh tranh?

(4) Câu hỏi cuối cùng và quan trọng nhất: Mức giá phải trả là bao nhiêu? Hãy nhớ rằng, việc trả giá quá cao cho một doanh nghiệp tốt có thể khiến một khoản đầu tư trở nên tệ hại.

Khi lựa chọn cổ phiếu, Chris Davis vừa nhìn đến bức tranh toàn cảnh lớn về dân số/hành vi tiêu dùng, vừa nhìn đến từng trường hợp cụ thể – đặc biệt là các công ty vừa bị giảm giá mạnh. Tuy nhiên, ông chỉ tìm kiếm và lựa chọn các công ty có quy mô lớn, sở hữu chất lượng cao về thương hiệu, quản trị.

IV. Triển lãm các thương vụ thành công/thất bại

Đã hơn ba thập niên đi vượt thị trường kể từ năm 1994 – thời điểm chính thức được trao quyền quản lý quỹ Davis New York Venture và quỹ Selected American Shares của gia đình, song Chris Davis chưa bao giờ tự cho mình là “bậc thánh nhân” và ông luôn không ngừng học hỏi.

Nhiều lần ngài Buffett và ngài Munger đã nhắc đến Chris Davis cùng với văn phòng của ông. Văn phòng của Chris Davis vô cùng đặc biệt bởi vì người ta vừa bước vào đã thấy một triển lãm những cổ phiếu thành công/thất bại nhất (hall of fame/shame) trong lịch sử của quỹ được in ra, đóng khung rồi treo lên một cách sang trọng (!) Đây là thứ mà bất cứ nhà đầu tư cá nhân nào cũng nên nghiệm lại và học hỏi.

Danh tiếng của ông đi liền với khá nhiều thương vụ với lợi suất hàng chục nghìn % (vài chục lần so với vốn gốc) – chẳng hạn như cổ phiếu Berkshire Hathaway vào những năm 1990s, cổ phiếu Amazon sau bong bóng dotcom, cổ phiếu Google và AIG sau đợt khủng hoảng 2008 – thứ mà người thầy của ông, ngài Buffett vẫn còn loay hoay cố gắng mở rộng vòng hiểu biết của mình. Mặc cho như vậy, Chris Davis vẫn thường xuyên khiêm nhường, và luôn nói về những thương vụ thất bại nhất của ông.

“Lucent Techonologies”, ông nói, “là một trong những khoản đầu tư tệ hại nhất của chúng tôi. Lẽ ra chúng tôi phải thấy các dấu hiệu rõ ràng về gian lận, về báo cáo tài chính, nhưng chúng tôi đã để sự cảm tính về một công ty đáng ngưỡng mộ nhất của Hoa Kỳ làm lu mờ đi lý trí của một nhà đầu tư.”

Dù Chris Davis thường xuyên nắm giữ cổ phiếu ít nhất 5 năm trung bình, ông sẽ bán chúng nếu như một trong ba trường hợp sau xảy ra: Một, yếu tố cơ bản của doanh nghiệp đi xuống và khó có thể được cải thiện; hai, mất niềm tin vào ban lãnh đạo công ty; ba, giá cổ phiếu tăng quá mức gọi là hợp lý, khi mà P/E vượt cả tốc độ tăng trưởng mà ông cảm thấy thoải mái.

Có lẽ điều khiến quỹ của Davis khá đặc biệt chính là việc ông luôn quan tâm đến lợi ích của nhà đầu tư. Gia đình Davis bỏ hẳn 2 tỷ USD tài sản riêng vào trong 40 tỷ USD để quản lý cùng với tài sản của các khách hàng. ”Chúng tôi muốn xây dựng nên một di sản mà chúng tôi có thể tự hào về nó”, ông Chris kết luận.

V. Tại sao gia đình Davis là một tấm gương đáng học hỏi

Không hề là câu chuyện ngắn cho cuộc đời và bí quyết đầu tư của nhà quản lý quỹ xuất chúng xứ Hoa Kỳ. Có lẽ nhiều quý đọc giả tự hỏi tại sao chúng tôi lại ưa thích ông này đến thế?

Trước hết, chúng tôi cảm thấy có nhiều điểm chung trong tư duy từ người này. Hơn nữa, thứ hai, lịch sử sinh lợi của quỹ đầu tư gia đình Davis là một trong những lịch sử xuất chúng nhất thế giới. Thứ ba, chúng tôi nhận thấy chiến lược kết hợp giữa giá trị và tăng trưởng (value+growth) vô cùng hợp lý và có tiềm năng mang lại lợi nhuận lớn nhất. Cuối cùng, phương pháp đầu tư này dựa trên nền tảng đơn giản, và hoàn toàn có thể áp dụng tại thị trường mới nổi như Việt Nam.

Lời cuối, nhiều giáo sư như Burton G. Malkiel và thậm chí chính Jack Bogle đã nhận định rằng phương pháp và kết quả đầu tư của quỹ gia đình Davis là “may mắn” và không bền vững trong 35 năm tới. Song, chúng tôi tin rằng nếu một nhà đầu tư cá nhân chúng ta có thể học được phần nào của Chris Davis, liên tục tiết kiệm và đầu tư mang lại lợi nhuận thỏa đáng xuyên suốt trong 10-20 năm thôi, nhiều khả năng chúng ta đã đủ tự do tài chính và đạt được mục tiêu của mình.

Nguồn: Trích dẫn, dịch và tóm tắt từ tác phẩm “The Winner’s Circle”, 2005 của R.J Shook và các buổi phỏng vấn Chris Davis tại Wealthtrack.com/ Golden Newsletter Vietnam

Có thể bạn quan tâm: Nghệ thuật đầu tư Dhandho
(Phương pháp đầu tư rủi ro thấp, lợi nhuận cao
)

ĐỌC THỬ 
ĐẶT NGAY

 

 

Các viết cùng chủ đề