5 bài học thông tuệ từ cánh tay phải của Warren Buffett
Không giống như Warren Buffett, người đã mua cổ phiếu đầu tiên của mình ở tuổi mười một và chưa bao giờ thay đổi chuyên môn của mình kể từ đó, Charlie Munger từng theo đuổi toán học, khí tượng học, phục vụ Quân đội Hoa Kỳ trong Thế chiến thứ hai, và làm việc trong lĩnh vực luật bất động sản.
Với sự thông tuệ trên nhiều lĩnh vực khác nhau, Munger đã tạo ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của Buffett, cả trong đầu tư và nhiều khía cạnh khác. Sau đây là 5 bài học thông tuệ từ ông.
1. Đọc, đọc và đọc
Mark Twain đã từng nói: “Người không đọc những cuốn sách quý cũng chẳng có lợi thế gì hơn người không thể đọc chúng.” Munger cũng đồng quan điểm với đại văn hào, khi cho rằng:
“Trong cả cuộc đời, tôi chưa từng gặp người khôn ngoan nào (trong nhiều lĩnh vực khác nhau), mà không dành nhiều thời gian để đọc. Bạn sẽ ngạc nhiên về số lượng sách Warren đã đọc và cả tôi nữa. Con cháu hay chọc và ví tôi như một cuốn sách với đôi chân thò ra.”
-Charlie Munger, Niên giám Charlie nghèo khó (Poor Charlie’s Almanack)
Đối với những người có tham vọng (lành mạng) đồng thời để lại tác động tích cực đến người khác, việc đọc là điều bắt buộc. Hầu hết các nhà lãnh đạo là những độc giả có kỷ luật.
Chúng ta nên rút ra bài học từ những cuốn sách để có thể cải thiện quyết định của mình với tư cách là nhà lãnh đạo hiệu quả và thực tế. Không phải tất cả các nhà lãnh đạo vĩ đại đều say mê đọc, nhưng trở thành độc giả tuyệt vời có thể làm nên nhà lãnh đạo tuyệt vời.
2. Xây dựng “chế độ ăn đa dạng” cho sách
Đọc sách cũng giống như ăn uống. Thay vì chỉ ăn thịt, có thể sẽ tốt cho sức khỏe hơn khi chế độ ăn gồm đa dạng các loại rau, trái cây và thỉnh thoảng có thể là một số món ăn đem lại niềm hứng khởi nhưng không được thân thiện với cơ thể lắm. Tác giả Jason Zweig từng viết về chế độ ăn đa dạng của Munger đối với sách thế này:
Trong nghiên cứu của mình, các cuốn sách về Shakespeare, Twain, tiểu sử, lịch sử, các tuyển tập hài hước, truyện ngắn và thơ ở khắp mọi nơi. Munger nói rằng ông đọc cho đến khi chìm vào giấc ngủ, đôi khi đến 3 giờ sáng (bình thường, ông quay trở lại công việc lúc 8 giờ sáng).
Munger đọc rất nhiều chủ đề: lịch sử, khoa học xã hội, kinh doanh và văn học, nó không chỉ phản ánh trí tò mò to lớn của ông, mà đó còn là minh triết cơ bản (Elementary Worldly Wisdom). Một ý niệm cơ bản trong sự minh triết của ông là có nhiều mô hình (mental models):
Chà, nguyên tắc đầu tiên là bạn phải có nhiều mô hình vì nếu bạn chỉ có một hoặc hai mô hình như bạn đang sử dụng, bản chất tâm lý con người sẽ khiến bạn bóp méo thực tại để ăn khớp với mô hình bạn có, hoặc ít nhất bạn nghĩ nó chính là như vậy.
Và các mô hình phải đến từ nhiều chuyên ngành khác nhau vì tất cả sự khôn ngoan của thế giới không thể chứa đựng trong chỉ một lĩnh vực học thuật nhỏ nhoi.
-Charlie Munger, Bài học về minh triết cơ bản (A Lesson on Elementary Worldly Wisdom)
3. Học cách phá bỏ những ý tưởng yêu thích nhất của bạn
Ý tưởng của Munger về khả năng phá bỏ hợp lý các ý tưởng ấp ủ có lẽ phù hợp nhất với các doanh nhân tham vọng:
“Một phần lý do khiến tôi thành công hơn một chút so với hầu hết mọi người là tôi giỏi phá bỏ những ý tưởng yêu thích nhất của mình. Tôi sớm biết rằng đó là một sở trường hữu ích và tôi đã mài giũa nó suốt những năm qua, vì vậy tôi hài lòng khi có thể phá bỏ một ý tưởng mà tôi đã nghiên cứu cật lực suốt thời gian dài. Trong khi hầu hết mọi người thì không.” – Munger
4. Học hỏi từ sai lầm của người khác
Học hỏi từ sai lầm của bản thân là điều nên làm, nhưng tốt hơn là học hỏi sai lầm từ người khác.
“Cả Warren và tôi đều cảm thấy trách nhiệm của chúng tôi là phải duy lý nhất có thể. Rất nhiều người thông minh lại có xu hướng đưa ra những quyết định hoàn toàn ngu ngốc. Cả hai chúng tôi có xu hướng thu thập sự ngớ ngẩn của thế giới thành bản checklist. Và chúng tôi cố gắng để tránh mọi thứ nằm trong checklist đó.” – Munger
Thông thường, chúng ta bị ám ảnh bởi những câu chuyện thành công bởi vì ta cảm thấy tốt hơn khi nghe một câu chuyện hay hơn là chuyện buồn. Thành công cổ vũ chúng ta và đem lại hy vọng, trong khi thất bại bào mòn động lực của chúng ta và cảnh báo chúng ta về khả năng thất bại của mình. Nhưng có hai lợi thế khi học hỏi từ sai lầm và thất bại của người khác:
- Mọi người thu tiền của bạn nếu bạn muốn học hỏi từ câu chuyện hoặc công thức thành công của họ, nhưng bài học từ thất bại và sai lầm thường miễn phí.
- Thành công thường hiếm và dễ thiên lệch (biased), nhưng thất bại thì đầy rẫy và thường có tính phổ quát.
Do đó, chúng ta nên nhìn lại lịch sử để nghiên cứu những thất bại một cách nhiệt tình. Nó chứa kho báu có thể giúp chúng ta tránh được những thất bại đắt giá và đau đớn với chi phí thấp.
5. Đừng trôi dạt đến cuộc sống khốn khổ sau thất bại vì nhụt chí
Mặc dù là tỷ phú và phó chủ tịch của một trong những tập đoàn thành công nhất lịch sử, Munger là một con người rất đỗi bình thường. Đời tư của ông rải đầy chông gai và bi kịch. Chẳng hạn, ở tuổi 29, Munger đã ly dị người vợ sau 8 năm chung sống và mất tất cả mọi thứ vào tay vợ, kể cả ngôi nhà.
Không dừng lại ở cuộc ly hôn, nỗi đau của ông càng thêm chồng chất khi mất đi người con trai. Như tác giả Alice Schroeder đã viết trong cuốn Hòn tuyết lăn:
Teddy [tên con trai của Munger] thường xuyên ra vào bệnh viện. Charlie đến thăm, ôm con trong tay, rồi lang thang trên đường phố Pasadena, khóc thương con mình. Gần như ông không đủ sức vượt qua cuộc hôn nhân đổ vỡ cộng với người con trai bị bệnh nan y. Nỗi cô đơn khi là người bố đơn thân vào những năm 1950 cũng khiến ông đau khổ. Anh cảm thấy thất bại khi không có một gia đình trọn vẹn và muốn sống quanh con cháu.
Khi mọi thứ trở nên tồi tệ, Munger đặt ra những mục tiêu mới thay vì để bản thân mình chìm trong tiêu cực. Điều đó có thể bị coi là thực dụng, hoặc thậm chí nhẫn tâm, nhưng với Munger, ông khuyên rằng, “Khi đối mặt với một số bi kịch không thể chấp nhận được, bạn đừng bao giờ để bi kịch đó tăng lên thành hai hoặc ba bi kịch khác vì nhụt chí.”
Mắt trái của Munger cũng bị mù sau một cuộc phẫu thuật. Bất chấp mọi khó khăn, Munger 95 tuổi vẫn mẫn tiệp và mến yêu cuộc sống.
Nguồn: Nahuakang, Happy Live dịch
Có thể bạn quan tâm: Bộ sách Đầu tư giá trị từ A đến Z