Mặt khác, theo số liệu thống kê qua báo cáo tài chính quý I/2020 của các CTCK, dư nợ cho vay margin ước đạt khoảng 47.500 tỷ đồng, giảm 13,6% so với cuối năm 2019.
Tỷ lệ cho vay margin của các CTCK trên vốn chủ sở hữu hiện khoảng 63%, thấp hơn đáng kể so với tỷ lệ tối đa theo quy định là 200%. Những con số thực tế này cho thấy, dư địa nguồn vốn cho vay margin của cả ngân hàng và các CTCK đang còn rất nhiều.
Ngoài các quy định về tỷ lệ dư nợ, còn có các quy định ràng buộc về tổng mức cho vay giao dịch ký quỹ của một CTCK đối với một khách hàng không vượt quá 3% vốn chủ sở hữu, đồng thời tổng số chứng khoán cho vay giao dịch ký quỹ không được vượt quá 5% tổng số chứng khoán niêm yết của một tổ chức niêm yết.
Do đó, nếu áp dụng cơ chế tín dụng mới mà không kèm các sửa đổi khác thì cũng chưa thật sự kích thích được dòng tiền dịch chuyển sang kênh chứng khoán.
Cơ quan quản lý nên nới lỏng quy định cho vay margin đối với từng mã cổ phiếu, trong đó ưu tiên tỷ lệ cho những cổ phiếu có chất lượng và giảm tỷ lệ đối với những cổ phiếu kém chất lượng.
Qua đó, hạn chế rủi ro dòng tiền sẽ chạy vào các cổ phiếu có dấu hiệu bị làm giá hoặc thanh khoản thiếu tính tự nhiên. Hiện nay, có khá nhiều doanh nghiệp có tên tuổi và chất lượng tài sản tốt đang giao dịch trên Upcom
Bởi vậy, cơ quan quản lý cần khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp này chuyển sang niêm yết tại HOSE hoặc HNX nhằm tạo thêm nguồn cung chứng khoán chất lượng, thu hút sự quan tâm của dòng vốn margin một cách an toàn và hiệu quả.
Việc nới tín dụng mà không đi kèm với các giải pháp cụ thể tháo gỡ ràng buộc bên trong sẽ không có nhiều tác động trên thực tế, nhưng có thể tác động tâm lý tích cực đối với nhà đầu tư toàn thị trường.
Nguồn: Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc khối phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT