Lời khuyên đầu tư độc đáo từ 3 tỷ phú huyền thoại
Lời khuyên thông thường bạn nhận được là hãy cố gắng khắc phục điểm yếu của mình. Thế nhưng, 3 tỷ phú huyền thoại của nhân loại sẽ cho bạn những lời khuyên đầu tư vào những điều rất khác.
Khi học chơi một nhạc cụ, một môn thể thao hay thậm chí là cả chuyện học tập, chúng ta thường nhận được lời khuyên tập trung khắc phục nhược điểm của bản thân. Tuy nhiên, lời khuyên “vàng ngọc” này lại chẳng phù hợp chút nào với Mark Zuckerberg, Elon Musk và Warren Buffett. Những vị tỷ phú đô la này có nhược điểm không? Tất nhiên là có rồi, họ vốn là những con người bình thường. Tuy nhiên, việc tập trung phát huy thế mạnh đã giúp họ khỏa lấp hết tất thảy khiếm khuyết trong kinh doanh.
Dưới đây là 3 bài học lớn về phát huy thế mạnh trong kinh doanh đến từ ông chủ Facebook, đại gia xe điện Tesla và nhà đầu tư huyền thoại xứ Omaha.
1. Elon Musk – Nghiên cứu và Phát triển
Phương án khai thác thế mạnh tại Tesla là một ví dụ điển hình cho việc doanh nghiệp vẫn có thể vững bước tiến về phía trước dù chỉ tập trung duy nhất vào một khía cạnh của kinh doanh. Không xoay bên hữu cũng chẳng xoay bên tả, Elon Musk chỉ tập trung giải quyết vấn đề bức thiết mà thị trường đang đặt ra thông qua việc tạo dựng các sản phẩm ngày một hoàn thiện.
Thế mạnh của Tesla được Elon Musk phát huy một cách triệt để. Một phép thử nhỏ có thể cho ta thấy ngay điều này. Lần cuối cùng bạn thấy quảng cáo từ các hãng xe như Ford, Toyota hay Volkswagen là khi nào? Có thể chỉ trong vài tiếng trước. Vậy thì, lần cuối bạn bắt gặp quảng cáo cho Tesla là khi nào? Quả thật, với nhiều người, họ thậm chí chưa một lần trông thấy quảng cáo từ hãng xe này. Ấy vậy mà bằng cách nào đó, Tesla vẫn “hữu xạ tự nhiên hương”.
Đó là bởi hãng xe này luôn xuất hiện dày đặc trên các bản tin, vì sản phẩm của nó đã và đang từng bước thay đổi cả một nền công nghiệp. Sự vắng bóng trên mặt trận marketing và quảng cáo hoàn toàn nằm trong ý đồ của Elon Musk.
Elon Musk cho biết: “Ở Tesla, chúng tôi không bao giờ chi bất cứ khoản nào cho quảng cáo mà dành hết tất thảy cho nghiên cứu và phát triển (R&D), thiết kế, kỹ thuật cũng như sản xuất nhằm chế tạo cho bằng được mẫu xe hơi tốt nhất. Khi chi ngân sách, Tesla luôn đặt câu hỏi rằng liệu khoản tiền này có khiến sản phẩm tốt hơn không? Nếu không, chúng tôi dừng ngay lập tức”.
Bài học: Bất kể thế mạnh của bạn là gì: sản xuất, marketing v.v…, hãy khiến doanh nghiệp trở nên nổi trội bằng cách triệt để phát huy nó. Khi phân bổ nguồn lực, mà cụ thể là tài lực, hãy dành phần lớn cho thế mạnh của mình.
Lưu ý: Để đạt thành công như Tesla, sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp bạn phải thực sự xuất sắc. Dù bạn có là “phù thủy marketing” đi chăng nữa nhưng nếu sản phẩm kém thì rốt cuộc cũng xôi hỏng bỏng không.
2. Mark Zuckerberg – Lượng người truy cập
Với Mark Zuckerberg, mục tiêu duy nhất là thu hút càng nhiều lượt truy cập càng tốt, đặc biệt trong thời kỳ đầu của Facebook. Thuở mới ra mắt, Facebook bị “lép vế” trước với hai đối thủ nặng ký là MySpace và Friendster. Nhưng rồi, hai trang web này lại sa đà vào các yếu tố khác và chưa thực sự phá vỡ được bức tường vô hình ngăn cách người dùng mạng xã hội. Mark Zuckerberg, trái với đối thủ của mình, hiểu rõ được khía cạnh “xã hội” mà đứa con của mình cần phải có.
“Xã hội” là kết nối và kết nối đồng nghĩa với nhiều người dùng hơn. Càng nhiều người ưa chuộng sản phẩm thì mức lan tỏa của nó càng cao. Dĩ nhiên, đi kèm với tầm ảnh hưởng lớn chính là “quảng cáo truyền miệng” (word-of-mouth advertising) mà cuối cùng sẽ kết thúc với việc thu hút thêm nhiều người sử dụng. Với CEO của Facebook, lượng người truy cập là tất cả! Thế nên, mọi khía cạnh của mạng xã hội này đều được xây dựng dựa trên tiêu chí tìm và thu hút thêm truy cập mới.
Noah Kagan, nhân viên Facebook, nhớ lại lời của Zuckerberg: “Tôi sẽ không ưng bất kỳ ý tưởng nào trừ phi nó giúp Facebook tăng lượng người dùng”.
Bài học: Bất kể kinh doanh mặt hàng gì, càng nhiều người dùng sản phẩm của bạn càng tốt. Sự ưa chuộng có thể đến từ quảng cáo, nắm bắt thị trường hay thiết kế v.v… Nhưng, một khi đã nắm bắt được số lượng lớn người dùng trong tay, chính quảng cáo truyền miệng sẽ “tiếp quản” và tự kéo doanh nghiệp đi lên.
Lưu ý: Sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn phải được ưa chuộng bởi một lượng lớn khách hàng. Thế nên, cách phát huy thế mạnh như Facebook phù hợp với những doanh nghiệp có nền tảng dựa trên mạng xã hội. Nếu đang trong thị trường ngách, sản phẩm của bạn sẽ chỉ thu hút một số ít người dùng mà thôi.
3. Warren Buffett – Kiên trì và nhẫn nại
Đôi khi, thế mạnh có thể đơn giản chỉ là sự kiên trì và nhẫn nại, đơn cử như Warren Buffett. Nhiều người đã khuyên ông đầu tư vào công nghệ nhưng hết thảy đều nhận sự khước từ bởi vị tỷ phú này có chiến lược của riêng mình.
Dưới đây là chiến lược đầu tư tối giản từ CEO của Berkshire Hathaway.
● Doanh nghiệp trưởng thành, bền vững và tồn tại trong lĩnh vực luôn có lượng người tiêu dùng ổn định.
● Doanh nghiệp, theo ước tính, có thể trụ được 50 năm.
● Chỉ tập trung vào một số lượng cổ phiếu nhất định, bất kể bao nhiêu công ty bạn có trong danh mục đầu tư. (Khoảng hai phần ba số cổ phiếu của Buffett chỉ thuộc một vài doanh nghiệp mà thôi).
Theo chiến lược khắt khe trên, cổ phiếu từ những doanh nghiệp chuyên về công nghệ thường không phải thứ mà Buffett nhắm đến. Những công ty công nghệ phải trải qua thời gian dài mới trưởng thành cũng như có thể trở thành thương hiệu có chỗ đứng trong 50 năm. Dù chịu áp lực từ nhiều phía, Buffett vẫn kiên trì và nhẫn nại chờ đợi cho đến khi những công ty như Apple thuyết phục được mình rồi mới đầu tư.
Lưu ý: Nếu bạn không dám liều lĩnh với những công ty công nghệ, có thể, bạn sẽ mất cơ hội lớn với những “Facebook” hay “Apple” tiếp theo. Cuộc đua đường dài với kiên trì và nhẫn nại là yếu tố chìa khóa cho Warren Buffett nhưng chưa chắc lúc nào nó cũng hoạt động 100%. Nếu thâm tâm mách bảo, hãy cân nhắc kỹ lưỡng và mạnh dạn đầu tư.
Nhờ tập trung phát huy thế mạnh của mình, ba ông lớn kể trên đã dựng xây được cả một đế chế thành công. Nếu khiếm khuyết đang gây nguy hại cho doanh nghiệp bạn, hãy khắc phục nó.
Nhưng, khi phân bổ nguồn lực, hãy luôn tập trung vào phát huy thế mạnh. Khắc phục điểm yếu sẽ chỉ biến bạn thành công ty bình thường, chẳng có gì nổi trội. Chính thế mạnh mới thực sự làm nên khác biệt.
Nguồn: doanhnhansaigon.vn