Bài học đầu tư nào được rút ra sau 30 năm giao dịch?
Nhà phân tích kỹ thuật, Lee Bohl, chia sẻ về những bài học đầu tư trên thị trường chứng khoán mà ông rút ra từ 30 năm giao dịch trên thị trường, hãng tin CNBC cho hay.
Trong tất cả các công việc mà ông đã từng trải qua trong suốt 22 năm làm việc tại Charles Schwab, thì ông lại thích vai trò hiện tại nhất, một nhà đầu tư phân tích kỹ thuật. Hiện ông là người tổ chức hội thảo phân tích thị trường hàng tuần, vốn được thực hiện qua website, có tên gọi là Charting the Markets. Trong mỗi phiên giao dịch, ông lại chia sẻ quan điểm kỹ thuật về diễn biến của thị trường trong thời gian gần đó khi các đồng nghiệp bắt đầu chạy theo và hỏi ông một vài điều. Giờ đây, ông muốn chia sẻ lại những bài học đầu tư mà ông rút ra được từ 30 năm kinh nghiệm giao dịch của mình.
Là một nhà đầu tư cũng như một chuyên viên giao dịch, kinh nghiệm và quá trình rèn luyện trong quá khứ có thể ảnh hưởng đến cách thức tiếp cận thị trường tài chính của mỗi người. Về phía ông Lee, những kinh nghiệm có thể giúp ích rất nhiều trong hoạt động giao dịch nhưng hãy cẩn thận, những kinh nghiệm này cũng có thể ngăn cản con đường tiến tới thành công của bạn.
Ông được đào tạo để trở thành một nhà hóa sinh và ông cũng làm nghiên cứu trong nhiều năm liền tại trung tâm y tế đại học. Lần đầu tiên tiếp cận với hoạt động giao dịch, ông cảm thấy rằng việc này cũng không đến nỗi khó. Sau cùng, ông còn được đào tạo như một nhà nghiên cứu khoa học và cũng tự cho mình là một người khá thông thạo về phân tích dữ liệu để đưa ra các dự báo hợp lý. Không lâu sau đó, Lee Bohl thấy rằng giao dịch không hề dễ chút nào cả. Sau đây là 4 bài học ông đã rút ra từ 30 năm kinh nghiệm giao dịch của mình.
Thị trường bao gồm cả con người chứ không chỉ là dữ liệu
Vốn là một người nghiên cứu khoa học, ông đã quen với việc dựa vào các quy luật tự nhiên, sinh học và vật lý để đưa ra các dự báo. Chẳng bao lâu sau, ông dần hiểu ra thị trường tài chính không phải lúc nào cũng đưa ra quyết định dựa trên lý trí.
Các thị trường tài chính bao gồm cả con người, vốn dựa trên cảm xúc như sợ hãi, tham lam và hy vọng để đưa ra quyết định tài chính, đôi khi cũng dẫn tới các quyết định sai lầm. Trên thực tế, lĩnh vực tài chính hành vi đã xuất hiện nhằm để giải thích tại sao mọi người đôi khi không hành động theo lợi ích tốt nhất của họ khi ra quyết định đầu tư.
Đối với ông Lee, bài học được rút ra ở đây là chúng ta phải học cách theo dõi giá và cả khối lượng giao dịch chứ không chỉ là dựa vào bảng cân đối kế toán của công ty để quản trị rủi ro của bản thân. Nhìn vào biểu đồ cũng là điều vô cùng cần thiết.
Muốn thành công trong hoạt động giao dịch cần phải chăm chỉ làm việc và luyện tập
Những người thành công thường cảm thấy mình có thể giỏi ở bất kỳ lĩnh vực nào ngay lập tức. Ông Lee đã mất nhiều năm học tập với chuyên môn là nhà hóa sinh. Vậy ông có nghĩ ông có thể thành thạo hoạt động giao dịch chỉ trong vòng vài tuần? Nhiều người sẽ có nguy cơ đánh mất khoản tiền tiết kiệm trong nhiều năm nếu chỉ đọc một vài cuốn sách hoặc đi tới một hội thảo.
Cho rằng bạn đã để dành 100,000 USD để giao dịch và muốn phân bổ đều số tiền này vào 5 cổ phiếu khác nhau. Có thể bạn không cần phải bắt đầu ngay bằng việc đặt liền 20,000 USD vào mỗi cổ phiếu cho đến khi nào bạn có nhiều kinh nghiệm. Thậm chí, bạn còn có thể xem xét bắt đầu giao dịch “ảo”. Nhiều công ty môi giới và các sàn giao dịch thường đưa ra các tài khoản giao dịch ảo, theo đó các bạn có thể thử các chiến lược của mình bằng cách dùng tiền ảo và từ đó bạn sẽ biết được mức độ thành công của mỗi chiến lược. Mặc dù hoạt động giao dịch ảo có thể khá hữu ích, nhưng vẫn không thể nào thay thế hoàn toàn các kinh nghiệm giao dịch khi bạn thực sự sử dụng tiền thật để giao dịch và đây là lúc cảm xúc bắt đầu tác động.
Hãy loại bỏ cái tôi của mình
Những người thành công nhất trên thế giới đều giữ vững các quan điểm dựa trên kinh nghiệm và quá trình rèn luyện của bản thân. Bên cạnh đó, họ cũng muốn chứng tỏ quan điểm của mình là đúng. Những thái độ này đôi khi sẽ dẫn đến các hành vi bất lợi.
Một ví dụ phổ biến là khi các chuyên viên giao dịch cứ khăng khăng giữ mãi các cổ phiếu bị lỗ thay vì chốt lỗ nhanh chóng và thừa nhận rằng mình đã đưa ra quyết định sai lầm. Hoặc bán cổ phiếu quá sớm chỉ vì một chút lợi nhuận, sau tất cả, điều này chỉ để chứng tỏ là họ đúng. Giải pháp ở đây là phải có kế hoạch “thoát hiểm” cùng với một mức “thoát hiểm” cụ thể đối với cả hai trường hợp tăng và giảm trước khi tham gia vào một giao dịch nào đó.
Điều chỉnh hành vi cũng như cách thức suy nghĩ của bản thân
Bước đột phá lớn nhất trong những năm tháng giao dịch của ông Lee diễn ra khi ông vượt qua sự do dự để mua lại một cổ phiếu. Về mặt tâm lý, rất khó để mua một cổ phiếu có mức giá cao hơn sau khi bạn đã bán nó nhưng đây lại là sự khác biệt giữa những chuyên viên giao dịch giỏi nhất và phần còn lại.
Hoạt động giao dịch cổ phiếu có thể là một kinh nghiệm về cả phương diện tài chính lẫn trí tuệ. Các cạm bẫy cũng như các yếu tố thành công trong hoạt động giao dịch cũng giống như các lĩnh vực khác trong đời sống. Nếu bạn biết được quy luật này, luyện tập chăm chỉ và kiểm soát cái “tôi” của mình, bạn sẽ gia tăng khả năng thành công trong cuộc sống.
Nguồn: vietstock
Có thể bạn quan tâm: Tủ sách Đầu tư Happy.Live