Bài học đầu tư từ “bố già” số một giới đầu tư Châu Á
Nếu Warren Buffett là màu trắng và George Soros là màu đen thì Lee Shau Kee sẽ là màu xám. Bức tranh về con người ông là những mảng sáng tối đan xen nhau nhưng luôn khiến cho mọi người phải thán phục không thôi.
Lee Shau Kee là một nhân vật bí ẩn và gây tranh cãi. Người thì nói rằng ông là thiên thần với những khoản đóng góp từ thiện khổng lồ; người thì chửi bới ông là một trong những ông chủ độc quyền, là con bạch tuộc của nền kinh tế Hong Kong. Tuy nhiên, ông không cần người ta khen ngợi mình mà chỉ cần kiếm tiền thôi.
Nếu chúng ta nhìn bề ngoài thì ông có vẻ giống với các “trùm cuối” trong những phim xã hội đen Hong Kong hơn là nhà đầu tư tài chính. Lee Shau Kee cảm thấy thoải mái khi người ta nể sợ ông thay vì yêu mến ông.
Thành công phi thường với khởi đầu khiêm tốn
Ông sinh ngày 29/1/1928 tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) trong một gia đình nghèo. Đến năm 1950, ông đặt chân đến Hong Kong và trong túi chỉ có khoảng 120 USD để lập nghiệp. Ông phải đi phụ việc cho một cửa hàng thu đổi ngoại tệ trong nhiều năm để học hỏi kinh nghiệm làm ăn. Năm 1958, ông tham gia vào lĩnh vực bất động sản cùng với Kwok Tak-seng, Fung King-hey và thành lập công ty Eternal Enterprise Company.
Đến năm 1963, Lee Shau Kee ra riêng và thành lập một công ty bất động sản mới có tên Sun Hung Kai. Dưới sự lãnh đạo của ông, công ty ngày càng ăn nên làm ra. Vào năm 1972, ông Lee quyết định không chỉ kinh doanh mua đi bán lại đơn thuần và chuyển hướng vào các dự án xây dựng lớn.
Năm 1973, ông thành lập tập đoàn Henderson Land Development cùng với các thành viên trong gia đình. Kể từ đó đến nay, tập đoàn này đã có nhiều bước tiến lớn trong lĩnh vực bất động sản.
Không dừng lại ở đó, ông còn tiếp tục cho thành lập công ty đầu tư Henderson Investment, công ty khí đốt The Hong Kong and China Gas Company Limited (Towngas) và chuỗi khách sạn sang trọng Miramar Hotel.
Sự thành công của ông được đánh giá là hết sức phi thường và có thể sánh ngang với Li Ka Shing, Wang Jianlin, Jack Ma… Thậm chí, trên phương diện đầu tư tài chính ông còn xuất sắc hơn cả những tỷ phú kia.
Những nguyên tắc đầu tư thú vị
Lee Shau Kee cho rằng cần phải đầu tư dài hạn. Nhiều dự án đầu tư phải cần nhiều thời gian mới có thể mang lại lợi nhuận lớn nhất. Do vậy, nhà đầu tư không nên nóng vội trong kinh doanh cũng như đầu tư tài chính.
Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các nhà đầu tư thành công đều nắm giữ cổ phiếu rất lâu. Dĩ nhiên, một số trường hợp lướt sóng suốt ngày và ăn chơi trác táng kiểu như “Sói già phố Wall” Jordan Belfort vẫn có tồn tại nhưng đa số không giữ được sự thành công đó được lâu và dễ đi vào kết thúc không có hậu.
Những huyền thoại được ngưỡng mộ ở Mỹ như Warren Buffett, Irving Kahn… hay ở châu Á như Lee Shau Kee, Li Ka Shing… đều có tiếng là sống đơn giản và kiên nhẫn trong công việc.
Việc kiểm soát cảm xúc là hết sức quan trọng. Đây là quy tắc rất quan trọng luôn được Lee Shau Kee nhấn mạnh. Điều này có nghĩa là một nhà đầu tư phải luôn giữ được bình tĩnh trong mọi tình huống.
Ông cho rằng rất nhiều nhà đầu tư đã quá lo lắng trước những biến động ngắn hạn của các cổ phiếu của họ. Việc giá lên xuống trong ngắn hạn như thế nào thì ngay cả các chuyên gia giỏi nhất cũng không thể đoán trước được.
Kết hôn cũng là một dạng đầu tư. Quan điểm về sự thành công với nam và nữ của Lee Shau Kee có sự khác biệt đáng kể. Đây là một trong những quan điểm gây tranh cãi của ông. Với nam giới thì sự thành công là tìm được công việc mà mình đam mê và kiếm được những khoản thu nhập cao.
Với phụ nữ thì việc tìm được một người đàn ông như ở trên chính là thành công. Nói cách khác, trong cái nhìn của Lee Shau Kee, kết hôn đối với phụ nữ chính là một vụ đầu tư. Nếu như không thể trở thành chủ tịch tập đoàn thì việc phấn đấu thành phu nhân của chủ tịch tập đoàn cũng không phải là ý tưởng tồi!
Triết lý cái ô độc đáo. Đây chính là thứ khiến cho ông trở nên khác biệt với những huyền thoại đầu tư khác như Warren Buffett, George Soros… Tuy nhiên, tên triết lý là “cái ô”, “chỗ dựa” hay nền tảng… cũng là giới đầu tư tự gọi ngầm với nhau chứ cũng không phải tên chính thức. Lee Shau Kee không phải là nhà tư tưởng hay nhà kinh tế và chưa bao giờ có ý định trở thành người như vậy. Ông luôn tâm niệm rằng việc thuyết phục đám đông để truyền bá kiến thức và trở nên nổi tiếng là việc của các chuyên gia, lặng lẽ kiếm tiền mới là việc của những đại gia.
Lee Shau Kee cho rằng một cá nhân hay doanh nghiệp khi làm ăn đều phải có quan hệ và chỗ dựa. Bản thân ông trong suốt quá trình kinh doanh của mình cũng đều giữ sự liên hệ mật thiết với chính quyền. Điều này cũng dễ hiểu khi mà các lĩnh vực ông kinh doanh đều khá phức tạp và nhạy cảm như bất động sản, tiện ích công cộng… Ông áp dụng tất cả những thứ này vào đầu tư.
Trong một nền kinh tế mà doanh nghiệp nhà nước được xác định là đóng vai trò chủ đạo thì chúng sẽ nhận được các nguồn lực hỗ trợ mạnh mẽ như đất đai, nguyên vật liệu sản xuất, chính sách ưu đãi… từ chính quyền.
Điều này dẫn đến hệ quả là các doanh nghiệp này sẽ khó chết trong những thời kỳ khó khăn và dễ bứt phá hơn trong những giai đoạn bùng nổ của nền kinh tế. Khi có mưa bão thì “cái ô” to lớn và vững chắc sẽ che chở cho các doanh nghiệp này để chúng có thể tồn tại và phát triển. Điều này đem lại sự an toàn cũng như khả năng sinh lời cho các khoản đầu tư của Lee Shau Kee.
Chính vì suy nghĩ này nên Lee Shau Kee thường tập trung đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước đang trong tiến trình cổ phần hóa của Trung Quốc. Dĩ nhiên, các đối tượng này phải nằm trong những ngành đang tăng trưởng mạnh, lợi nhuận tốt và công bố thông tin minh bạch cho nhà đầu tư. Các phi vụ thành công điển hình của ông là PetroChina, China Shenhua…
Các quan điểm của Lee Shau Kee gây ra khá nhiều tranh cãi nhưng người ta không thể phủ nhận rằng ông đã vô cùng thành công ở châu Á nhờ phương pháp của mình.
Nguồn: Fili
Có thể bạn quan tâm