fbpx

Bài học sau dịch bệnh: “Không phải công việc cần tôi, mà là tôi cần công việc”

Rất nhiều người nói, thứ sâu sắc nhất mà bản thân lĩnh ngộ được sau bệnh dịch lần này đó là: không phải công việc cần tôi, mà là tôi cần công việc.

Đau đầu nhất là những người vừa nghỉ việc hoặc bị cho nghỉ việc trước Tết, cứ nghĩ rằng sang năm sẽ thuận lợi tìm kiếm được cho mình một công việc mới, kết quả giờ lại thành không biết đi đâu về đâu. Dù không có dịch bệnh, mỗi người chúng ta ở nơi làm việc đều cũng sẽ gặp phải nguy cơ dù lớn dù nhỏ. Nhưng chỉ có số ít mọi người có thể biến nguy thành cơ. Giống như Sarah Robb O’Hagan, cô đã từng là tổng giám đốc của Nike, chủ tịch toàn cầu của Gatorade và được Forbes vinh danh là “Một trong những người phụ nữ có ảnh hưởng nhất trong giới thể thao”. Trước đó cô đã từng bị công ty của mình sa thải hai lần khi còn trẻ và gần như bị trục xuất (cô ấy là người New Zealand và làm việc tại Hoa Kỳ). Cô ấy đã làm gì để biến mình từ một người bị sa thải hai lần trở thành giám đốc điều hành cấp cao của Nike và Gatorade?

Bài học sau dịch bệnh Không phải công việc cần tôi, mà là tôi cần công việc

Từ kinh nghiệm của cô ấy, có lẽ bạn cũng có thể tìm thấy một số nguồn cảm hứng biến sự nghiệp của mình thay đổi từ sự trì trệ sang bước ngoặt.

1. Không phải công việc cần tôi, mà là tôi cần công việc.

Sarah lần đầu bị sa thải ở tuổi 27 khi cô là giám đốc tiếp thị của Virgin Hypermarket, cô rất tài năng và là một ngôi sao sáng giá của công ty. Cô đã phát triển một kế hoạch chiến lược mà Virgin chưa từng có trước đây, đồng thời thiết lập một khung cơ bản cho chương trình khách hàng thân thiết vượt xa các đối thủ khác của Virgin. Theo lời của Sarah thì là: “Tôi khi đó là một ‘ngôi sao nhạc rock’ áp đảo và đang trỗi dậy.” Sarah, sau đó bị sa thải.

Không truy cứu nguyên do, Sarah sau đó ngay lập tức đã tìm được một công việc mới. Cô gia nhập một công ty trò chơi điện tử với tư cách là phó chủ tịch tiếp thị. Nhưng, sau chưa đầy một năm, cô lại bị sa thải. Sarah phát hiện ra mình đang rơi vào trong “khoảnh khắc đen tối nhất” của cuộc đời. Trước đó, cô là niềm tự hào của gia đình, là ngôi sao của Virgin, và người sáng lập Virgin, Branson, thậm chí còn đích thân chúc mừng sinh nhật cô. Nhưng còn lúc này, cô lại chỉ là một kẻ thất bại không công việc, không thu nhập. 

Cô hết lần này tới lần khác tự hỏi mình: “Tôi còn có thể bắt đầu lại không? Có phải tôi xác định là sẽ không thể lập thêm được thành tích nào nữa? Có phải nên tìm một công việc bình thường là được rồi?”

Phải mất rất lâu trước khi cô ấy thoát khỏi cái bóng của sự thất bại, gia nhập Nike, và sau đó trở thành tổng giám đốc của Nike và chủ tịch toàn cầu của Gatorade.

Cô ấy rốt cuộc đã làm gì mới có thể bước qua hai bóng râm của cuộc đời để một lần nữa lại bước lên đỉnh cao?

2. Đáng sợ hơn cả thất bại là bạn không biết vì sao mình thất bại

Sau lần thứ hai bị sa thải, Sarah từng có một chuỗi những ngày đen tối, cô buồn bã và cảm thấy tủi hổ, cô không thể chấp nhận sự thật rằng mình đã bị sa thải. Sốc, xấu hổ, buồn bã và thậm chí rất tức giận, cô dự định sẽ kiện công ty để đòi lại “công lý” cho chính mình. Để khiến bản thân cảm thấy tốt hơn, cô bắt đầu cố gắng ngồi xuống và viết ra tất cả những gì mình trải qua: cách cô gia nhập công ty, những gì cô đã làm trong công ty và cách cô bị sa thải… Viết ra càng nhiều, Sarah dần bắt đầu hiểu lý do thực sự khiến mình bị sa thải. Công ty Virgin Hypermarket trước đây của Sarah là một nhà bán lẻ, nó cần các kỹ năng bán lẻ mang tính chi tiết và chiến thuật nhiều hơn.

Chẳng hạn: Làm thế nào để khiến người tiêu dùng chi thêm 5 đô la khi thanh toán? Làm thế nào để tăng doanh số 5% bằng cách điều chỉnh vị trí hàng hóa? Nhưng sau khi Sarah trở thành giám đốc tiếp thị của công ty, cô đã dành nhiều thời gian tập trung vào mài giũa chiến lược thương hiệu của công ty. Điều này xảy ra là bởi Sarah trước đó từng chịu trách nhiệm về tiếp thị trong nhiều năm, những điều cô quen thuộc nhất là hoạch định chiến lược và xây dựng thương hiệu. Không phải là Virgin không cần xây dựng thương hiệu, hay Sarah không làm tốt công việc, mà những gì cô ấy làm không phải là những gì ông chủ muốn cô ấy làm. Bản thân Sarah cũng thừa nhận: “Thực ra trong lòng tôi cũng biết, tôi không dành đủ thời gian vào nơi mà ông chủ muốn tôi đầu tư vào, tôi có lẽ chỉ dành cho nó 20%”.

Chỉ làm việc bạn giỏi mà không phải việc mà công ty cần, bị sa thải cũng là điều dễ hiểu.

Sau đó, Sarah làm việc cho một công ty trò chơi điện tử, nhưng cô không có hứng thú với trò chơi điện tử, cô không bao giờ chơi điện tử, vào công ty chỉ là lựa chọn nhất thời. Vì không hiểu trò chơi điện tử nên có làm ra sao, Sarah cũng không thể tỏa sáng, và theo một lẽ dĩ nhiên, cô đã bị sa thải. Trước đó, Sarah luôn cảm thấy rằng mình là nạn nhân, rằng công ty không có lý do gì để sa thải mình, rằng cô phải vật lộn trong đau đớn và thậm chí nghĩ cách để kiện lại công ty. Nhưng sau khi viết tất cả mọi thứ ra, cuối cùng cô ấy có thể có một cái nhìn tích cực hơn về mọi thứ mà mình đã trải qua, đồng thời phát hiện ra rằng bản thân cô ấy cũng có những thiếu sót.

Vì vậy, Sarah muốn nói với những người đang phải đối mặt với thất bại rằng:

“Thất bại, không cần hoang mang, điều cần thiết là bạn đối mặt với thất bại đó như nào.

Nếu bạn từng trải qua một thất bại lớn, bạn có thể chuyển trách nhiệm sang người khác, nói rằng đó là lỗi của họ và bạn không làm gì sai cả.

Nhưng cuộc đời là của bạn, suy cho cùng cũng là do bạn lựa chọn, bất luận thành công hay thất bại, bạn đều phải là người đầu tiên chịu trách nhiệm, không trách người khác, cũng đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh.

Nếu bạn muốn biến thất bại thành động lực, bạn phải đối mặt với mọi thứ bạn đã trải qua, và tốt nhất là viết mọi thứ ra để tự xem xét lại trách nhiệm của chính mình.”

Bài học sau dịch bệnh Không phải công việc cần tôi, mà là tôi cần công việc

Thế giới của người trưởng thành không phải là “Tôi hài lòng, đó mới là chính nghĩa”, chúng ta sẽ luôn gặp phải những thất bại khác nhau, những người chín chắn luôn tìm nguyên nhân từ chính mình trước tiên, suy nghĩ xem vấn đề nằm ở đâu.

3. Điều tồi tệ nhất không phải sự thất bại, mà là sự sợ hãi

Sarah bị sa thải lần thứ hai tại một công ty trò chơi điện tử. Thực tế, trước khi gia nhập công ty, cô đã biết mình không phù hợp, bởi lẽ cô không bao giờ chơi game và không hứng thú với game. Nhưng một nỗi sợ hãi mãnh liệt đã thúc đẩy cô ấy chọn công ty này: Sau khi thất nghiệp, thật khó để có một công việc mới. Nếu tôi không làm việc đó và không thể tìm được việc làm trong tương lai thì sao? 

Tuy nhiên, không phù hợp là không phù hợp. Cuối cùng, Sarah vẫn phải rời công ty, không chỉ lãng phí một sự nghiệp đáng giá, mà sự tự tin của cô cũng bị tổn hại rất nhiều. Khi ngẫm nghĩ về trải nghiệm của mình, Sarah kết luận rằng điều tồi tệ nhất không phải là thất bại, mà là sự sợ hãi. Nhiều người trở nên vô cùng rụt rè sau khi trải qua thất bại. Để tránh thất bại, họ sẽ không còn can đảm để chấp nhận rủi ro, ngay cả khi những rủi ro này có thể đưa họ đến thành công.

Chẳng hạn, Sarah đã từng nghĩ rằng: Hãy cho tôi một công việc, chỉ cần là một công việc là được! 

Nỗi sợ hãi ăn gặm nhấm mất sự tự tin của bạn, khiến bạn trở nên quá bảo thủ và ngần ngại phá vỡ thói quen. Nhiều người thậm chí sẽ rơi vào một vòng lặp bất tận: sợ hãi – chọn một con đường bảo thủ – thất bại – sợ hãi hơn – bảo thủ hơn… Thật khó để “lật lại” cuộc đời.

Vì vậy, Sarah sau đó đã nghĩ ra cách đối phó với nỗi sợ hãi – bằng cách nói chuyện với chính mình và cho phép thất bại xuất hiện một lần trong tâm trí. Có một lần thuyết giảng, Sarah đã mường tượng tất cả các tình huống xấu nhất trước khi bắt đầu:

Phải làm gì nếu máy tính không hiển thị PPT?

Không sao, tôi còn có phương án B, nói mà không cần PPT.

Tôi nên làm gì nếu bị mất hành lý, không có đồng phục để mặc?

Vậy thì mặc một bộ quần áo thể thao, rồi mở đầu một cách thú vị bằng câu chuyện mất hành lý.

Nếu lưng váy không may bị rách thì sao?

Đừng quay mông vào khán giả là được.

Nhiều người không muốn thảo luận về những điều khủng khiếp đó, nghĩ rằng chúng sẽ không xảy ra nếu ta không nghĩ đến.

Vấn đề là, những gì phải xảy ra sẽ luôn xảy ra. Bạn có nghĩ tới chúng hay không thì chúng cũng sẽ không thay đổi xác suất xuất hiện trong tương lai, nhưng bạn có chuẩn bị hay không, nó lại đủ để ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại của bạn.

Như Sarah đã nói:

Ôm những nỗi sợ hãi đó và làm quen với chúng. Một khi bạn có giải pháp tốt nhất cho những nỗi sợ hãi trong đầu, bạn sẽ cảm thấy thoải mái ngay cả với những điều tồi tệ nhất.

4. Không có mục tiêu mới, đồng nghĩa với việc không có động lực để xuất phát lại

Nhiều người choáng váng khi gặp thất bại. Ngoài sự thất vọng do thất bại mang lại, điều quan trọng là mục tiêu của họ đã biến mất và họ không biết nên đi theo hướng nào. 

Ví dụ, Sarah, mục tiêu ban đầu của cô là tạo dựng sự nghiệp ở Virgin, nhưng Virgin đã sa thải cô, và cô đã mất mục tiêu cuộc đời mình.

Khi đang đắm chìm trong buồn bã mỗi ngày, cô đột nhiên nhớ đến một câu mà tôi thường nghe khi còn nhỏ:

“Bạn có 24 giờ để đắm mình vào nỗi buồn, và sau đó là thời gian để tiếp tục tiến về phía trước.” 

Câu hỏi là, nếu muốn tiếp tục tiến về phía trước, bạn muốn đi theo hướng nào? 

Sarah sau đó phát hiện ra rằng sau khi bị sa thải, cô hoàn toàn không có mục tiêu mới và tự nhiên không có động lực để tiếp tục. Vì vậy, cô đặt ra một mục tiêu mới, đó là bước ra khỏi cái bóng của hai lần sa thải và một lần nữa chứng minh bản thân. Cô phấn chấn lại tinh thần, tìm kiếm cơ hội việc làm tiếp theo, cuối cùng gia nhập Nike và đạt được một số thành tựu tại đây.

Sarah nói rằng: “Có lẽ bạn vừa bỏ lỡ mất một cơ hội thăng tiến lớn, vậy thì hãy đặt tầm nhìn của mình sang một ngọn núi khác mà mình có thể leo được.”

Bài học sau dịch bệnh Không phải công việc cần tôi, mà là tôi cần công việc

Không có mục tiêu rõ ràng, có nghĩa là không có đích đến cho điểm khởi đầu, con người tự nhiên sẽ không có động lực để chạy và bạn chỉ có thể ở lại nơi bạn đang ở.

Hơn nữa, một mục tiêu mới có thể giúp kéo bạn ra khỏi sự thất vọng, chuyển sự chú ý của bạn từ những thất bại trong quá khứ sang hy vọng mới, đồng thời cho bạn sự can đảm để quay trở lại đường đua.

Như nhà văn Spencer Johnson từng nói:

“Khi bạn tập trung vào những đỉnh núi xa xôi, thung lũng sẽ trở thành một hành trình tràn đầy hy vọng.”

Bằng cách này, Sarah thành công bước ra khỏi cái bóng bị sa thải hai lần, gia nhập Nike và mở ra một trang mới trong cuộc đời mình. Theo Sarah, hai lần sa thải này là một kinh nghiệm hiếm có và quý giá trong cuộc đời cô, bởi chính hai lần đuổi việc này đã cho phép cô học cách tự suy ngẫm và đối mặt với những thiếu sót của mình. Nếu sự nghiệp của bạn đang bị đe dọa vì dịch bệnh, thứ bạn phải làm không phải là phàn nàn một cách mù quáng, mà là chấp nhận nó, như Sarah, và sau đó tìm cách khám phá những điểm có giá trị trong cuộc sống của bạn. Thời kỳ khủng hoảng thường tiềm tàng những cơ hội. Bạn có thể xem xét lại khả năng, kinh nghiệm và sự phát triển trong tương lai, đồng thời lên kế hoạch tiếp theo cho sự nghiệp của mình.

Không ai có thể tình cờ thành công, mỗi một lần “chuyển mình” có lẽ không đảm bảo rằng bạn sẽ thành công, nhưng ít nhất, nó sẽ giúp bạn tiến gần hơn đến mục tiêu của mình.

Theo Trí thức trẻ

Có thể bạn quan tâm: TỦ SÁCH KHỞI SỰ – KHỞI NGHIỆP – LÀM GIÀU

Bộ sách Khởi sự - Khởi nghiệp - Làm giàu

ĐẶT SÁCH

Các viết cùng chủ đề