fbpx

Bộ Tài chính: Sẽ thu tiền từ lưu thông về để ngăn đà lạm phát

Thu tiền từ lưu thông là một trong những giải pháp quan trọng mà Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng nhằm ngăn đà lạm phát.

Lạm phát đang là vấn đề hóc búa đối với kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam. Trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 15 sáng 7/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh: “Đây là vấn đề nóng, cần thiết phải tập trung để chống lạm phát nếu không thì không đảm bảo an sinh xã hội, không phát triển và gây khó cho người dân”.

Thế giới như Mỹ hiện nay đang lạm phát 8,3%, Singapore 5,4%, Thái Lan ngay bên cạnh cũng đã 4,6%, riêng Việt Nam vẫn giữ ở mức 2,25%, mức thấp hơn mục tiêu 4% mà Quốc hội giao Chính phủ đầu năm. 

Nền kinh tế nước ta hội nhập sâu rộng, song nguyên vật liệu trong nước chưa sản xuất được nhiều, chủ yếu nhập khẩu nước ngoài. Giá nguyên vật liệu tăng kéo theo giá cả hàng hóa trong nước tăng làm tăng lạm phát, chẳng hạn như xăng dầu, thép, phân bón…

Nhưng chúng ta cũng có thế mạnh, là tự chủ lương thực thực phẩm – vốn chiếm 40% trong rổ hàng hóa, nên vấn đề lạm phát tác động đến Việt Nam ít hơn, do đó, đây là thời điểm vàng để đất nước bứt phá. “Nếu tận dụng được cơ hội này để kiến tạo thì đây là thời điểm vàng để Việt Nam bật lên vì các nước bây giờ áp lực lạm phát cao, còn chúng ta thường có độ trễ và tự chủ được về tiêu dùng trong nước”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 15 sáng 7/6. 

Tư lệnh ngành tài chính đã đưa ra hàng loạt giải pháp để ngăn đà lạm phát.

Thứ nhất, về chính sách tiền tệ sẽ thu tiền từ trong lưu thông về. Vấn đề này Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng sẽ giải thích sâu hơn như dùng biện pháp nào, tăng lãi suất…

Thứ hai, về chính sách tài khóa, chúng ta đã và đang thực hiện theo Nghị quyết 43 vừa giảm thuế đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, vừa tiết kiệm chi đầu tư thường xuyên, các khoản khác.

Thứ ba, vấn đề quan trọng là quản lý chặt giá cả, thực hiện đúng Luật giá niêm yết công khai, quản lý giá…

Thứ tư, thúc đẩy cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh phát triển đảm bảo an sinh xã hội, tái cơ cấu nền kinh tế, đột phá cơ sở hạ tầng và chuyển đổi số. Cốt lõi của nền kinh tế không hẳn chỉ có chính sách tài khóa, tiền tệ mà chính sách phải hướng đến doanh nghiệp và người dân, người dân doanh nghiệp làm ăn hiệu quả có thu nhập GDP tăng, nộp ngân sách tăng giải quyết việc làm có cuộc sống tốt sẽ giữ vững chính sách tiền tệ và tài khoá cả chính sách về chứng khoán.

“Nên mọi thủ tục hành chính, chuyển đổi số, tiến bộ khoa học kỹ thuật đều phải dồn cho vai trò doanh nghiệp người dân để sản xuất sản xuất kinh tế hiệu quả đồng thời là căn cơ chống lạm phát tốt nhất”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói. 

Nguồn: Vneconomy

Có thể bạn quan tâm: Tủ sách Đầu tư Happy.Live

tủ sách đầu tư

ĐỌC THỬ

Các viết cùng chủ đề