fbpx

Bước vào Ấn Độ: Trung tâm của nạn đói

“Hãy lắng nghe cuộc sống. Hãy tìm kiếm bí ẩn lớn lao ẩn chứa trong nó. Bên cạnh những nhàm chán và đau thương, cuộc sống còn rất nhiều niềm vui và hứng khởi: hãy chạm, nếm, ngửi con đường dẫn đến trái tim bí ẩn đầy thiêng liêng của cuộc sống, bởi vì cuối cùng thì tất cả những khoảnh khắc trong đời ta đều là những khoảnh khắc quan trọng, và bản thân cuộc sống đã là một ân huệ lớn lao rồi” – Frederick Buechner.

Trong chuyến đi đầu tiên của tôi đến Ấn Độ, khi đứng trên bờ sông Hằng ở Varanasi một tối nọ, tôi đã bị thu hút trước cảnh tượng những chiếc bè nhỏ được trang trí bằng hoa và đuốc nhẹ nhàng trôi theo dòng nước đen thẫm mượt mà. Chúng bập bềnh, lấp lánh như thể những chiếc xe diễu hành rực rỡ trong lễ hội đang thả trôi trên sông. Tôi hoàn toàn mê mẩn với vẻ đẹp ấy và tự hỏi không biết mọi người đang chúc mừng lễ hội gì – tôi muốn tham gia cùng họ. hế là tôi hỏi một người bạn, và nhận được câu trả lời rằng những chiếc bè hoa đáng yêu đó chính là giàn thiêu xác trong lễ tang, chúng đưa hài cốt đang cháy của con người xuôi theo dòng nước, cho đến khi hài cốt chỉ còn là tro bụi an nghỉ bên bờ sông. Việc đó khiến tôi khá sốc, nhưng đó là một sự giới thiệu phù hợp đưa tôi đến với vùng đất và văn hóa của Ấn Độ.

Ấn Độ là một vùng đất ngập tràn bất ngờ, một đất nước vừa có vẻ đẹp phi thường vừa mang những nỗi đau ngoài sức tưởng tượng. Nếu thế giới có một thủ đô của nạn đói, thủ đô đó hẳn là Ấn Độ. Nơi này có nhiều người thiếu ăn trường kỳ, chết khát và chết đói hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Ở khắp mọi nơi, khoảng 300 triệu người Ấn đang phải vật lộn để tồn tại, từ các hè phố, hệ thống cống của Calcutta, đến sa mạc cằn cỗi của Rajasthan – nơi hầu như không một sinh vật sống nào tồn tại được. Tôi đã đến thăm Ấn Độ lần đầu vào năm 1983, khi tôi đã trở thành nhà hoạt động và nhà gây quỹ toàn cầu cho sứ mệnh chấm dứt nạn đói trên thế giới được khoảng năm năm. Trước đó, công việc này đã đưa tôi đến Mỹ, Canada và châu Âu, nhưng đó là lần đầu tiên tôi tới Ấn Độ. Tôi đến đó với mong muốn tìm hiểu về thực trạng đói nghèo ở những khía cạnh gai góc khốc liệt nhất. Nhưng hóa ra, cũng chính tại Ấn Độ, tôi còn phát hiện ra sự thật giật mình về tiền bạc và sự giàu có, về bản chất và tiềm năng của con người.

Chuyến đi dạo cùng Ramakrishna Bajaj

Dù được gọi là “người con trai thứ năm của Gandhi,” nhưng Ramakrishna Bajaj không hề có quan hệ máu mủ với Mahatma Gandhi vĩ đại – người lãnh đạo phong trào đấu tranh phi bạo lực giúp Ấn Độ giành lại độc lập từ Anh vào cuối những năm 1930. Thực ra danh xưng này thể hiện sự trân trọng và biết ơn trong truyền thống Ấn Độ đối với Ramakrishna Bajaj. Ramakrishna là con trai út của Jamlalal Bajaj, nhà tư bản công nghiệp vĩ đại của Ấn Độ và người hậu thuẫn tài chính thầm lặng cho phong trào độc lập của đất nước này.

Sự thật rằng một phong trào giành độc lập do Gandhi lãnh đạo cũng cần đến nhà tài trợ. Có thể hơi lạ lẫm đối với đa số chúng ta, nhưng sự thật là phải có người chi trả cho tất cả mọi thứ: việc đi lại, phí sinh hoạt cùng những chi phí khác giúp cho Gandhi và đồng sự đến được nơi họ cần đến, có được thứ họ cần có để giành lại độc lập tổ quốc. Jamlalal Bajaj chính là nhà tài trợ đó, ông là nguồn tài chính đứng đằng sau Gandhi và phong trào độc lập. Ông là một nhà đầu tư rất lớn và cực kỳ quan trọng trong công cuộc giải phóng Ấn Độ, và để thể hiện lòng biết ơn đối với sự hào phóng này, Gandhi đã yêu cầu nhận nuôi đứa con út của Jamlalal như con mình theo truyền thống Ấn Độ. Bản thân Gandhi có bốn người con ruột, vì vậy khi ông nhận nuôi Ramakrishna, người Ấn Độ gọi cậu bé bằng cái tên “Đứa con trai thứ năm của Gandhi”.

Sau này, hành động biểu thị lòng biết ơn đó đã tiếp tục mang phước lành đến cho đất nước Ấn Độ. Bản thân Ramakrishna trở thành một người đàn ông tuyệt vời và tốt bụng. Khi 13 tuổi, cậu bé trở thành người lãnh đạo của phong trào thanh niên phi bạo động của Gandhi – một phong trào với sự tham gia của hàng ngàn người trẻ. Sau nhiều năm sát cánh bên Gandhi, đôi khi còn bị bỏ tù nhiều tháng vì kêu gọi đấu tranh thụ động và khuyến khích dân chúng bất hợp tác, Ramakrishna đã trở thành một nhà lãnh đạo đáng tôn trọng, và cuối cùng trở thành người thống trị đế chế công nghiệp và tài chính mà cha ruột mình đã xây dựng nên. Tập đoàn Bajaj, hoặc Gia tộc Bajaj – như người Ấn Độ hay gọi là một trong những công ty lớn nhất của quốc gia này. Với tư cách là người lãnh đạo mới, Ramakrishna đã chứng minh được khả năng làm việc vô cùng hiệu quả và sự hào phóng phi thường khi lập ra quỹ hỗ trợ cho hàng ngàn dự án vì lợi ích cộng đồng.

Tôi cảm thấy vô cùng vinh dự khi Ramakrishna Bajaj trở thành người hướng dẫn và cố vấn cho tôi trong suốt những chuyến đi đầu tiên đến Ấn Độ. Như một người cha lớn, ông đã dạy tôi về những khía cạnh phức tạp và đối ngược của đất nước này; về những vẻ đẹp tuyệt vời và tinh thần sâu sắc, về sự nghèo đói và đàn áp khủng khiếp mà Ấn Độ phải chịu.

Tôi vẫn nhớ khoảnh khắc bước ra khỏi chiếc máy bay ở Bombay, ngay lập tức cảm nhận được hơi nóng và sự ẩm ướt đập vào mặt. Mùi của hàng ngàn con người chen chúc với nhau trong cái nóng đó khiến tôi choáng váng, và hầu hết những người phương Tây lần đầu đến Ấn Độ đều có chung cảm giác như thế. Vào thời điểm đó, hàng ngàn người – người ăn xin và những đối tượng khác – đang sống ở sân bay và bên lề những con đường dẫn đến sân bay, cũng như trên các con đường ở Bombay, trên vỉa hè, ở lối ra vào và gầm cầu thang. Hầu như nơi nào cũng có người ở. Họ sử dụng bất cứ không gian nào, ở bất kỳ nơi nào để đặt những chiếc nồi nhỏ làm món chapati, hay ngồi xổm quanh những vỏ lon kim loại để nấu nướng. Một số người thì ngủ mà không có gì che chắn xung quanh. Những người khác thì dựng tạm chỗ trú chân bằng giấy, hộp, thùng rác và dây nhợ trên đường phố. Nhiều khi một gia đình sáu người hoặc đông hơn đều chen chúc bên trong một trong những túp lều tạm bợ kiểu như vậy.

Chúng tôi đi bộ qua sân bay, và ngay khi vừa ra khỏi khu vực nhận hành lý, chúng tôi đã bị những người ăn xin bao vây. Họ chèo kéo chúng tôi, cố gắng đẩy nhau lại gần chúng tôi hòng mong chúng tôi phản ứng lại. Chuyện đó khiến tôi vô cùng sửng sốt. Đến ngày thứ ba ở Ấn Độ, tôi gần như đã bị sốc. Lớn tiếng nói về việc chấm dứt nạn đói trên thế giới là một chuyện, nhưng tự mình đối mặt với sự đói khát ở Ấn Độ lại là một chuyện khác. Tôi đã không lường trước tầm quan trọng của công việc này. Và giờ đây tôi đang phải đối mặt với nó.

Vào ngày thứ ba đó, tôi đã đi bộ dọc theo các con đường của thành phố Bombay với Ramakrishna, người đàn ông được tôn sùng là hiện thân của Gandhi, người nổi tiếng là một nhà tư bản công nghiệp lớn, một mạnh thường quân, một nhà lãnh đạo tinh thần vĩ đại, một người cha lớn, một tâm hồn lớn, và khi chúng tôi đi bộ qua các con đường của Bombay, tôi đã chứng kiến những người biết ông là ai đến quỳ xuống và hôn chân ông. Cùng lúc đó, tôi cũng chứng kiến ông lờ những người ăn xin đi; như thể ông không hề nhìn thấy họ, như thể họ không ở đó chắn đường ông vậy. Ông bước qua họ, dường như không chút để tâm đến hoàn cảnh thảm thương của họ.

Khi bạn đi bộ ở thành phố Bombay, đặc biệt là khi đến những khu nhất định như nơi chúng tôi đang đi, bạn phải bước qua những người đang sống trên đường phố, theo đúng nghĩa đen. Những người này tiếp cận bạn, chìa đôi bàn tay biến dạng của họ để khất thực, hoặc giơ đứa con mù lòa bé nhỏ của họ đến trước mặt bạn, hoặc kéo quần áo của bạn, hoặc rên rỉ ngay bên tai bạn. Đối với một người phương Tây như tôi, chứng kiến những điều đó thật choáng váng và khổ sở, nên sự chú ý của tôi dồn hết vào những người này. Tôi không thể chú ý hoặc nghĩ về bất cứ điều gì khác. Nhưng Ramakrishna lại không hề phản ứng gì với họ.

Điều kỳ lạ là, những người ăn xin trên đường không hề níu kéo ông như cách họ làm với tôi, như thể giữa ông với họ có một thỏa thuận ngầm nào đó, hoặc như thể ông có mang một lá chắn vô hình quanh mình vậy. Ông đi xuyên qua họ mà không tiếp xúc hay nhận xét gì, và tôi đã ngạc nhiên khi thấy một người đàn ông tuyệt vời, một người đàn ông có tấm lòng cao cả như vậy lại có thể bỏ qua sự tồn tại của những người khốn khổ này. Đó là lần đầu tiên tôi nhận ra mặt sáng và khoảng tối của đất nước Ấn Độ, cũng như ánh sáng và bóng tối nằm ngay trong một con người vĩ đại: để thực hiện trách nhiệm của bản thân, ông cần bỏ qua, không liên quan, và thậm chí là không thừa nhận sự tồn tại của những người này.

Cái nghèo và sự đói khổ cùng cực còn phơi bày nhiều sự thật khác nữa – những sự thật khiến tôi phải nhìn hành vi của Ramakrishna với những người ăn xin ở một góc độ khác. Một thực tế đáng buồn là ăn xin đang trở thành một ngành công nghiệp ở Ấn Độ – các nước khác cũng có, nhưng ở Ấn Độ đặc biệt nghiêm trọng. Chúng tôi, những người đến từ những nước phát triển, khó mà chấp nhận chuyện đó, nhưng ở Ấn Độ, đó là một ngành công nghiệp có tổ chức và thậm chí nhiều nơi còn có cả những ông trùm khuyến khích người ta làm con cái trở nên tàn tật để ăn xin hiệu quả hơn. Cách này không chỉ đảm bảo rằng ăn xin sẽ trở thành công việc suốt đời của đứa trẻ, mà còn đảm bảo rằng công việc đó có thể truyền từ đời này sang đời khác.

Ngày nay, hệ thống giai cấp trong xã hội Ấn Độ đã bớt khắc nghiệt đến một mức độ nhất định, nhưng vào năm 1983, hệ thống đó vẫn còn rất mạnh mẽ. Nó coi cuộc sống là một hệ thống khép kín, trong đó một khi bạn từng làm nghề ăn xin, bạn sẽ không bao giờ thoát ra khỏi cuộc sống đó. Trong một hệ thống như vậy, điều duy nhất bạn có thể làm là cầu nguyện kiếp sau được sinh ra trong địa vị của một người được trọng vọng, hoặc bất kỳ ai khác có thân thế tốt đẹp, nhưng trong kiếp này, bạn và con mình, cháu mình sẽ luôn luôn trở thành những người ăn xin. Và khi chấp nhận sự thật đó rồi, bạn sẽ muốn trở thành người ăn xin hiệu quả nhất.

hành công của một người ăn xin phụ thuộc vào việc khiến người khác cảm thấy bị sốc, hoặc thương tiếc, hoặc cảm thấy tội lỗi. Như vậy thì họ mới cho tiền. hế nên các tập đoàn ăn xin và những ông trùm sẽ dạy người ăn xin trên đường phố cách để khiến con cái họ trông đáng thương hơn. Dưới sức ép như vậy, nên đôi khi cha mẹ sẽ cào rách mặt con mình cho có sẹo, hoặc họ sẽ cắt đứt tay hoặc chân đứa bé để trở thành người què cụt. Nghĩa là, các gia đình ăn xin đã khiến con mình trở thành người tàn tật để gây sốc và tăng khả năng kiếm tiền khi hành nghề.

Ở nước mình, tôi từng chứng kiến mọi người làm tổn thương nhau bằng rất nhiều cách: các trận chiến ly hôn hoặc kiện cáo, bóc lột lẫn nhau hoặc bóc lột môi trường. Việc phê phán những sai lầm do tiền bạc gây ra ấy chẳng khó khăn gì. Nhưng giờ đây, tôi nhận ra bấy lâu nay tôi luôn cho rằng người nghèo – những người không có tiền để tranh giành – mặc nhiên nằm ngoài vòng xoáy đó. Tuy nhiên, ở Ấn Độ, tôi lại được chứng kiến những lựa chọn độc ác và tự hủy hoại mà người nghèo đưa ra vì tiền.

Trong ngành kinh doanh ăn xin có tính tổ chức cực kỳ cao này, những người dàn xếp nên sự dối trá và những người trực tiếp tham gia, duy trì bằng cách che giấu trò bất lương ấy là đồng lõa. Những người bị sốc, hoặc vì cảm giác tội lỗi mà cho tiền để xoa dịu cảm giác tội lỗi đó cũng đang vô tình trở thành kẻ tiếp tay, ủng hộ cho ngành công nghiệp tàn bạo này phát triển. Những nạn nhân bi thảm và đáng thương nhất ở đây chính là trẻ em. Sự khổ sở của người ăn xin là nhức nhối và có thật, nhưng số tiền họ thu được không hề được dùng để phá vỡ chu kỳ đói nghèo của họ. Trên thực tế, số tiền này chỉ góp phần củng cố ngành kinh doanh quái ác này và khiến số lượng trẻ em hy sinh gia tăng mà thôi.

Những ngày ở Ấn Độ đó mang đến cho tôi hết bài học này đến bài học khác, hết sự ngạc nhiên này đến sự ngạc nhiên khác, và khiến rất nhiều quan điểm cố hữu về tiền bạc của tôi – những điều đã in hằn trong đầu tôi, những điều tôi “tưởng” mình đã biết rõ, bị đảo lộn hoàn toàn. Tôi bắt đầu phát hiện ra một sự tương phản hoàn toàn mới giữa những người giàu và người nghèo. Tôi nhận ra rằng những quan điểm, niềm tin chúng tôi về người giàu và người nghèo, về sự nghèo đói và giàu có, phần lớn đều bị che khuất, chứ không hề minh bạch sáng tỏ như tôi vẫn tưởng.

Tại đây, trên đường phố, bộ phim truyền hình và sân khấu của những người ăn xin đang diễn ra. Trong sân khấu đó, họ đóng vai gây sốc, xấu hổ và đáng thương. Và tôi đã bị cuốn vào đó. Việc họ cần tiền để nuôi sống bản thân hoặc để điều trị vết thương là thật, nhưng đồng thời, khía cạnh tối tăm và giả dối trong việc ăn xin và cho tiền cũng là thật.

Cũng tại đây, trên những con phố đầy rẫy người ăn xin này, một con người vĩ đại, Ramakrishna – người đã làm việc hết mình và sử dụng của cải để phá vỡ sự kìm kẹp của nghèo đói ở đất nước mình – lại bước đi thẳng mà không nói lời nào về những con người đang nằm rạp trên mặt đất trước mặt ông. Công ty của Ramakrishna đã tuyển dụng hàng chục ngàn người. Ông là người thuộc tầng lớp cao nhất trong nấc thang giai cấp của xã hội Ấn Độ, là người nắm giữ vai trò lớn trong giới kinh doanh và trong xã hội với trách nhiệm và lòng bác ái phi thường; trên thực tế, ông còn là một mạnh thường quân vĩ đại với những sự trợ giúp hào phóng đi vào huyền thoại. Tôi cũng thấy rằng, để duy trì tầm nhìn, mục đích và vị trí của mình trong xã hội đó, ông phải trở nên thờ ơ khi chứng kiến sự nghèo đói tràn ngập trên đường phố mỗi ngày. Và ông đã làm vậy.

Và tất cả chúng ta cũng đang làm điều tương tự. Tất cả chúng ta đều thờ ơ trong một số khía cạnh nhất định liên quan đến tiền bạc, và chúng ta cứ liên tục tự che đi đôi mắt của mình. Có lẽ nguyên nhân là do nỗi sợ hãi và lo lắng, rằng nếu chúng ta chứng kiến quá nhiều hậu quả mà việc kiếm tiền, những lựa chọn chi tiêu của mình mang lại, chúng ta sẽ phải thiết lập lại toàn bộ cuộc sống của mình. Chẳng hạn, nếu chúng ta chứng kiến sự tàn bạo của nạn sử dụng lao động trẻ em – thứ thường mang đến cho chúng ta các sản phẩm giá rẻ từ nước ngoài mà ta sử dụng hàng ngày – chúng ta sẽ bị sốc và không thể tiếp tục sử dụng các sản phẩm đó được nữa. Nếu thừa nhận cái giá thực tế mà nhân loại phải trả về môi trường khi sử dụng nguồn năng lượng thiên nhiên – thứ rất cần thiết để duy trì cuộc sống thoải mái của chúng ta – thì chúng ta sẽ phải thay đổi thế nào? Nếu chúng ta thực sự suy xét đến hậu quả và tác động lâu dài của hầu hết các ngành công nghiệp ta đang làm việc, và các ngành công nghiệp đang phục vụ nhu cầu và mong muốn của chúng ta, thì rất có thể chúng ta sẽ buộc phải ngừng cuộc sống hàng ngày của mình lại. Và nếu chúng ta thực sự đánh giá lại niềm tin và giả định của mình về người khác trong bối cảnh tiền bạc, có thể chúng ta sẽ cần phải mở lòng, mở trái tim và tâm trí để đón nhận những người mà chúng ta trước đó luôn tránh xa.

Nguồn: Trích sách Linh hồn của tiền

Có thể bạn quan tâm:
Linh hồn của tiền

Đánh thức “sự giàu có” từ nội lực của chúng ta

Linh hồn của tiền

ĐỌC THỬ

ĐẶT SÁCH

Các viết cùng chủ đề