fbpx

“Business Adventures” – Quyển sách kinh doanh kinh điển Warren Buffett và Bill Gates khuyên đọc

Đằng sau mỗi doanh nhân thành đạt là một loạt những tựa sách đã giúp họ chiến thắng những rắc rối trong quá trình điều hành doanh nghiệp để sống đời rực rỡ.

Trong khi những cuốn sách mới ra mắt gần đây như “Shoe Dog” của Phil Knight, “Principles” của Ray Dalio và “Start with Why” của Simon Sinek đều nổi lên và trở thành những tựa sách yêu thích của nhiều CEO hàng đầu, cả Warren Buffett và Bill Gates đều đồng ý rằng cuốn sách kinh doanh hay nhất mọi thời đại là cuốn được viết cách đây 50 năm.

Khi hai vị tỷ phú này gặp lại lần đầu vào năm 1991, Gates hỏi Buffett về một quyển sách hay nên đọc. Không chút do dự, CEO Berkshire Hathaway nói ra cái tên “Business Adventures” – một quyển sách của John Brooks – và hứa gửi cuốn sách đó của mình cho Gates.

Bill Gates
“Business Adventures” – Quyển sách kinh doanh kinh điển Warren Buffett và Bill Gates khuyên đọc

“Hơn hai thập kỷ sau khi Warren cho tôi mượn cuốn sách đó – và hơn bốn thập kỷ sau khi nó được xuất bản lần đầu – ‘Business Adventures’ vẫn là cuốn sách kinh doanh hay nhất mà tôi từng đọc. John Brooks vẫn là nhà viết sách kinh doanh yêu thích của tôi“, Gates viết trong một bài đăng blog vào năm 2014. (Ông còn hóm hỉnh viết rằng: “Và Warren, nếu ông đang đọc bài này, thì nhớ rằng tôi vẫn giữ cuốn sách đó của ông.”)

Vâng, giá trị của cuốn sách đó vẫn bền vững trước thời gian.

“Business Adventures” (Những cuộc phiêu lưu trong kinh doanh) là một tập hợp gồm 12 câu chuyện được xuất bản trước đó trên tờ The New Yorker – nơi Brooks làm việc với tư cách một cây bút viết bài – về một số sự kiện quan trọng nhất trong các công ty ở Hoa Kỳ trong thế kỷ 20. Mỗi câu chuyện cho thấy làm sao một thời điểm nhất định trong lịch sử có thể định hình một công ty nào đó.

Nhưng điều thực sự làm cho cuốn sách trở nên tuyệt vời (ngoài lối hành văn tuyệt đỉnh) chính là nó có thể thu hút cả những độc giả không mấy quan tâm đến bản chất của tài chính. Nó đem đến những bài vô giá về con người và cuộc sống, cụ thể là về những hành vi bản năng của chúng ta, về những gì làm cho chúng ta vượt trội so với những người khác và những rắc rối nằm ở phía trước nếu chúng ta để cho bản năng tàn bạo của mình lộng hành.

Dưới đây là những bài học cuộc sống thiết yếu nhất từ ​​cuốn sách “Business Adventures”:

Khi không thể nhận ra thay đổi, bạn sẽ trở nên lỗi thời.

Trong cuốn sách của mình, Brooks viết về một trong những thất bại lớn nhất của Ford Motor Company: chiếc Ford Edsel đời 1958 mà hãng ô tô danh tiếng này dự định biến nó thành chiếc xe “mới và tối thượng” cho người Mỹ trung lưu. Brooks lưu ý rằng Ford muốn tạo ra một chiếc xe phù hợp với nhu cầu của đại đa số dân chúng nước Mỹ, vì vậy hãng này đã thăm dò ý kiến ​​người dân để tìm ra những gì họ muốn từ một chiếc xe.

Nhưng rồi Ford không hài lòng với kết quả thăm dò ý kiến ​​và cuối cùng quyết định đi theo con đường của riêng mình. Với nỗ lực đánh bóng tên tuổi mẫu xe này, Ford bắt tay vào chiến dịch tiếp thị nó một năm trước khi nó hoàn thành. Nhưng rồi vào ngày ra mắt, mẫu xe này lại vướng phải nhiều vấn đề: bị rò rỉ dầu và cốp xe không mở được. Nó cũng bị nhận định là quá đắt và tốn xăng.

Nếu bạn ngừng chú ý đến những thay đổi của xã hội và nhu cầu của con người, bạn sẽ tụt lại phía sau và trở nên dễ bị tổn thương trước các đối thủ cạnh tranh của mình.

Thất bại không phải là một điều xấu – chấp nhận nó, học hỏi từ nó và đi lên từ nó.

Ford phải trả giá bằng 350 triệu USD từ thất bại của dòng xe Edsel. Tuy nhiên, các giám đốc điều hành của hãng này lại không chịu nhận trách nhiệm cho những thất bại của mình. Họ một mực khẳng định rằng họ đã làm đúng từ đầu đến cuối.

Trong khi viết câu chuyện này, Brooks cho biết một giám đốc tiếp thị nói với ông rằng lỗi nằm ở các khách hàng của Ford.

“Những gì họ sẽ mua trong vài năm tới chính là động lực cho chúng tôi xây dựng mẫu xe này. […] Chúng tôi trao xe cho họ nhưng họ lại từ chối nhận nó. Họ không nên hành động như vậy. Và bây giờ công chúng lại muốn những mẫu xe nhỏ xíu như thế này. Thật không thể hiểu nổi!“

Mọi người thường nghĩ, nếu tôi thất bại, tôi sẽ mất một thứ rất quan trọng – như vào một trường đại học tốt, làm việc (hoặc bắt đầu) tại một công ty tuyệt vời, được thăng chức, kiếm được nhiều tiền, v.v. Nhưng học hỏi từ những sai lầm của mình là một trong những công cụ tuyệt vời nhất để có được những kiến thức hữu ích. Nó cho chúng ta biết được chúng ta phải làm khác đi để có được thành công.

Đừng bao giờ đánh giá thấp tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp và các giá trị của doanh nghiệp.

Đây là một bài học quan trọng cho bất cứ ai – cho dù bạn là người sáng lập, quản lý, nhân viên hay đang tìm kiếm một công việc.

Brooks mô tả người sáng lập Xerox, ông Joseph C. Wilson, là người đi trước thời đại (thập niên 60) bởi cách ông ưu tiên xây dựng văn hóa doanh nghiệp với sự cảm thông sâu sắc dành cho nhân viên. Ông coi việc quyên góp hàng triệu đô la cho các tổ chức từ thiện và trường đại học là một nghĩa vụ của mình. Ông thực hiện các chính sách tuyển dụng tiến bộ khi phong trào dân quyền diễn ra.

Đặt mục tiêu cao, có những khát vọng gần như không thể với tới, làm cho mọi người tin rằng họ có thể làm được … những điều này cũng quan trọng như bảng cân đối, thậm chí còn có thể quan trọng hơn“, Wilson nói (theo lời của Brooks).

Ngày nay, hơn bao giờ hết, nhân viên coi trọng sự đoàn kết và mục đích trong một công ty – và họ không ngại từ bỏ hoặc từ chối lời mời làm việc từ một công ty tai tiếng. Một công ty có văn hóa doanh nghiệp tuyệt vời nhiều khả năng sẽ có năng suất cao hơn và động lực lớn hơn, ít vướng phải các vấn đề liên quan đến sức khỏe nhân viên hơn và có ít nhân viên nghỉ việc hơn.

Nếu bạn là người đang tìm việc, bạn cũng nên ghi nhớ điều này. Gia nhập một công ty có văn hóa doanh nghiệp tồi tệ sẽ không khiến bạn cảm thấy hạnh phúc lâu dài.

Nguồn: Investo

Có thể bạn quan tâm: Marketing giỏi phải kiếm được tiền – Cựu CEO Marketing Coca Cola Sergio Zyman

Marketing giỏi phải kiếm được tiền

ĐỌC THỬ

ĐẶT MUA

Các viết cùng chủ đề