fbpx

Cách thức đầu tư của Warren Buffett như thế nào?

Bạn đã biết rằng, chỉ có một khoản đầu tư trị giá 10.000 USD vào Công ty Berkshire Hathaway vào năm 1965, đến năm 2005 Warren Buffett đã khiến số tiền đó sinh sôi lên tới 30 triệu USD. Trong khi đó, lại một khoản 10.000 USD khác đầu tư vào Công ty S&P 500 đã mang lại cho ông khoảng 500.000 USD.

Có thể bạn không thích Warren Buffett, nhưng sự thành công của ông sẽ khiến bất kỳ ai cũng phải ngưỡng mộ. Buffett đã trở thành huyền thoại trong lịch sử ngành tài chính và rất nhiều người đã theo dấu chân ông để tìm kiếm sự thành công ấy.

Triết lý của Warren Buffett

Trong họat động tài chính, mỗi nhà đầu tư đều có cách suy nghĩ riêng, có những triết lý mà những tư tưởng ấy sẽ định hướng các quyết định đầu tư của họ. Buffet đã từng học về đầu tư giá trị tại Trường Bejamin Graham. Các nhà đầu tư vào giá trị (value investors) thường tìm kiếm chứng khoán có mức giá thấp hơn nhiều so với giá trị thực của chúng. Việc tính toán giá trị nội tại của một chứng khoán hoàn toàn không phải là một chuyện dễ dàng bởi nó đòi hỏi một cái đầu lạnh và sự tinh tế bởi trên thế giới chẳng có tiêu chuẩn nào để tính toán con số này. Phần lớn việc đánh giá giá trị nội tại là dựa trên phân tích các số liệu cơ bản về một doanh nghiệp. Giống như việc các bà nội trợ mặc cả gắt gao khi đi chợ, các nhà đầu tư tìm kiếm giá trị cũng cố gắng tìm kiếm những món hàng rẻ, thực sự có giá trị nhưng phần lớn người mua hàng bị bỏ lỡ. Buffett tuy theo phương pháp đầu tư này nhưng ông đã tiếp cận nó ở một mức độ khác.

Nhiều nhà đầu tư vào giá trị không tin thuyết thị trường hiệu quả, nhưng họ lại thực sự tin rằng, thị trường sẽ làm đầy túi của họ vì qua thời gian những cổ phiếu định giá thấp sẽ tăng lên tới giá trị thực sự của chúng. Nhưng Buffett lại không nghĩ vậy. Ông không quan tâm đến quan hệ cung-cầu phức tạp trên TTCK, và thực sự thì cũng chẳng quan tâm đến những gì đang diễn ra trên thị trường. Ông chọn mua cổ phiếu đơn giản là dựa trên tiềm lực của công ty. Việc nắm giữ các cổ phiếu này đối với Buffett cũng giống như chơi một trò chơi, ông không chỉ muốn tăng vốn đầu tư của mình mà còn muốn sở hữu các công ty có khả năng tạo lợi nhuận cao. Khi đầu tư vào một công ty, Buffett không quan tâm, liệu sau này thị trường có nhận ra giá trị thực sự của doanh nghiệp hay không, thay vào đó ông chỉ quan tâm đến khả năng kiếm lời của doanh nghiệp như là một thực thể tiến hành họat động kinh doanh.

Cách thức của Warren Buffett

Vậy làm thế nào mà Buffett lại có thể tìm kiếm được các cổ phiếu có giá thấp và sao ông ta lại có thể đánh giá được mối quan hệ giữa giá cổ phiếu và chất lượng của cổ phiếu đó? Sau đây là cách thức mà Buffett tiến hành phân tích đầu tư. Nếu bạn thực sự muốn trở thành một nhà đầu tư thành công, hãy ghi nhớ trong đầu không chỉ những yếu tố mà Buffett phân tích mà hãy để tâm vào những thứ mà ông ta tìm kiếm.

Trước tiên, khi quyết định đầu tư vào một công ty, Buffett luôn xem xét liệu rằng, công ty này có hoạt động hiệu quả lâu dài hay không. ROE là một trong các chỉ số được quan tâm đầu tiên, việc so sánh tỷ lệ này với các doanh nghiệp khác trong ngành sẽ mang lại những thông tin hữu ích. Tất nhiên chỉ phân tích con số này trong một năm không bao giờ là đủ, muốn được như Buffett thì ít nhất bạn phải xem xét chỉ số này trong 10 năm để thấy được toàn bộ quá trình hoạt động của công ty.

ROE là một trong các chỉ số được quan tâm đầu tiên, việc so sánh tỷ lệ này với các doanh nghiệp khác trong ngành sẽ mang lại những thông tin hữu ích.
ROE là một trong các chỉ số được quan tâm đầu tiên, việc so sánh tỷ lệ này với các doanh nghiệp khác trong ngành sẽ mang lại những thông tin hữu ích.

Thứ hai, hãy xem công ty có hạn chế việc vay nợ quá mức không. Tỷ lệ nợ trên vốn cổ phần là một chỉ số quan trọng khác được Buffett quan tâm xem xét kỹ lưỡng. Ông luôn tìm kiếm những công ty có mức nợ thấp, do đó chính vốn cổ phần của cổ đông sẽ làm tăng doanh thu chứ không phải là các khoản tiền đi vay nợ. Nếu tỷ lệ này ở mức cao, có nghĩa là công ty đang sử dụng tiền từ đi vay nhiều hơn là sử dụng vốn từ cổ đông để duy trì họat động. Vay nợ ở mức tương đối cao so với vốn cổ phần có thể dẫn tới sự mất ổn định trong thu nhập và dẫn tới chi phí vay vốn (tiền lãi) cao.

Thứ ba, biên lợi nhuận là một nhân tố cần suy nghĩ. Khả năng sinh lợi của một công ty không chỉ phụ thuộc vào biên lợi nhuận mà còn phụ thuộc vào tốc độ tăng tỷ suất lợi nhuận liên tục của công ty. Để có được các thông tin đáng tin cậy về khả năng sinh lợi của một công ty, hãy xem xét chỉ số này trong ít nhất 5 năm. Biên lợi nhuận cao có nghĩa là công ty đang tiến hành hoạt động kinh doanh tốt, nhưng biên lợi nhuận (hay tỷ suất lợi nhuận) tăng thì đó là dấu hiệu cho thấy, hoạt động quản lý công ty là rất hiệu quả, đặc biệt là trong quản lý chi phí.

Thứ tư, cần xem xét công ty đã cổ phần hóa được bao lâu. Buffett thường chỉ xem xét tới các công ty cổ phần đã hoạt động ít nhất là 10 năm. Vì thế, hầu hết các công ty công nghệ phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) trong thập kỷ trước đều không nằm trong tầm ngắm của Buffett (đấy là còn chưa tính đến việc Buffett chỉ đầu tư vào các công ty mà ông nắm rõ thông tin, và ông cũng thừa nhận răng, mình chẳng hiểu mấy về cách thức hoạt động của hầu hết các công ty công nghệ hiện nay). Tuy vậy, các tiêu chuẩn của Buffett vẫn hoàn toàn hợp lý: đầu tư tìm kiếm giá trị có nghĩa là tìm kiếm các công ty đã được thử thách qua thời gian nhưng giá cả vẫn chưa thể hiện đúng giá trị thực của nó.

Hãy nhớ rằng, không bao giờ được đánh giá thấp các thành tựu của doanh nghiệp trong quá khứ, đó là những thông tin hết sức hữu ích để dự đoán khả năng làm gia tăng lợi nhuận cho cổ đông. Nhưng cũng đừng quên rằng, quá trình hoạt động trong quá khứ của một công ty không đảm bảo hòan toàn rằng, công ty đó sẽ hoạt động tốt trong tương lai, do đó công việc của nhà đầu tư giá trị là phải xác định xem, liệu trong tương lai công ty có thể họat động dễ dàng, nhưng Buffett lại là một thiên tài trong việc xác định khả năng phát triển của một công ty.

Không bao giờ được đánh giá thấp các thành tựu của doanh nghiệp trong quá khứ
Không bao giờ được đánh giá thấp các thành tựu của doanh nghiệp trong quá khứ

Thứ năm, hãy xem xét cơ cấu sản phẩm của công ty như thế nào, liệu có phải chỉ có sản xuất một loại sản phẩm duy nhất hay không? Bạn có thể nghĩ đây là một câu hỏi hết sức bình thường. Tuy nhiên đối với Buffett, câu hỏi này lại hết sức quan trọng. Buffett thường bỏ qua các công ty mà sản phẩm không có nét riêng biệt so với các công ty đối thủ và các công ty chỉ có một loại sản phẩm duy nhất. Các đặc điểm khó có khả năng bắt chước được Buffett gọi là chiếc áo giáp tự vệ của các công ty, hay nói cách khác đó chính là lợi thế so sánh. Lợi thế càng mạnh thì công ty càng có khả năng thắng thế trên thị trường.

Điều cuối cùng mà nhân vật huyền thoại của ngành tài chính thế giới quan tâm, và có lẽ cũng là mối quan tâm của chính bạn nếu muốn trở thành nhà đầu tư thực thụ, đó là liệu rằng cổ phiếu đó có bán ở mức giá thấp hơn giá trị thực của nó đến 25% hay không.

Lời kết

Tìm kiếm một công ty thỏa mãn những tiêu chí trên là một chuyện, nhưng xác định xem, liệu nó có bị đánh giá thấp hơn giá trị thực hay không thì lại là một chuyện khác, đây mới chính là công việc khó khăn phức tạp nhất đối với các nhà đầu tư giá trị, và cũng là kỹ năng quan trọng nhất của Warren Buffett. Để kiểm tra được tiêu chuẩn cuối cùng này, nhà đầu tư cần tính toán giá trị nội tại của một công ty bằng cách phân tích các dữ liệu cơ bản, trong đó có lãi ròng, tổng doanh thu, tài sản? Nếu một công ty có giá trị nội tại luôn lớn hơn giá thanh lý của công ty đó thì theo bạn nó sẽ có giá trị bao nhiêu nếu ngay trong ngày hôm nay bị phá sản và được rao bán. Giá trị thanh lý của công ty sẽ không bao gồm các tài sản vô hình như giá trị thương hiệu, một tài sản không có mặt trên các báo cáo tài chính nhưng lại lại là một thứ hết sức quan trọng và có giá.

Đối với Buffett, khi tiến hành tính toán giá trị nội tại của một doanh nghiệp, ông thường so sánh với giá trị vốn hóa thị trường hiện tại của nó. Nếu giá trị nội tại của một doanh nghiệp cao hơn ít nhất 1,25 lần giá trị vốn hóa thị trường của nó, Buffett sẽ ghi tên công ty vào danh sách đầu tư của mình. Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng thực sự thì thành công của Buffett là do khả năng thiên phú không ai sánh kịp của ông trong việc tính toán giá trị nội tại. Cho dù chúng ta có biết được các tiêu chí như trên của Buffett nhưng không ai có thể biết được, làm thế nào mà ông lại có thể tính toán chính xác đến vậy.

Phong cách đầu tư của Buffett cũng giống như cách shopping của những người ưa thích mặc cả. Phong cách ấy đã ngấm vào máu và nó thể hiện ngay trong cuộc sống đời thường của ông. Năm 2004, Buffett được Tạp chí Forbes phong là người giàu thứ hai trên thế giới, với tổng tài sản lên tới khoảng 40 tỷ USD. Tuy nhiên, Buffett không sống trong những ngôi biệt thự lớn, cũng không có cả bộ sưu tập ôtô hay dùng xe Limousine để đi làm. Có thể nhiều người không thích Buffett, nhưng nhà đầu tư ấy đã trở thành một tượng đài trong ngành tài chính và khiến cho cả thế giới phải nghiêng mình ngưỡng mộ trước tài năng của ông .

Nguồn: Sưu tầm

Có thể bạn quan tâm: Payback Time – Ngày đòi nợ – Phil Town

(đầu tư theo phong cách Warren Buffett, Charlie Munger)

sach-Payback-Time-ngay-doi-no-phil-town

ĐỌC THỬ

ĐẶT MUA

Các viết cùng chủ đề