fbpx

Carl Icahn và Warren Buffett – Ông trùm đầu tư thâu tóm vây bắt doanh nghiệp (Phần 1)

Hai NĐT cơ bản của trường phái này là Carl Icahn và Warren Buffett. Họ mua lượng đáng kể cổ phiếu tại một công ty niêm yết rồi yêu cầu tham gia vào ban giám đốc để thực hiện những thay đổi nhằm giúp giá cổ phiếu tiệm cận về giá trị thực của doanh nghiệp. Đây được gọi là Đầu tư thâu tóm – Nghệ thuật “vây bắt” doanh nghiệp

Chúng ta biết đầu tư giá trị là mua các cổ phiếu có giá rẻ hơn so với giá trị thực của công ty. Tuy vậy việc khi nào mức giá trở về giá trị thực lại bị động phụ thuộc vào đánh giá của thị trường. Để chủ động, nhiều nhà đầu tư quyết định đứng lên nắm lấy vận mệnh của chính mình. Họ mua lượng đáng kể cổ phiếu tại một công ty niêm yết rồi yêu cầu tham gia vào ban giám đốc để thực hiện những thay đổi nhằm giúp giá cổ phiếu tiệm cận về giá trị thực của doanh nghiệp. Đây được gọi là Đầu tư thâu tóm – Nghệ thuật ‘vây bắt’ doanh nghiệp.

Tất nhiên quá trình này thường xảy ra xung đột mạnh mẽ giữa những người đang lãnh đạo và những người mới đến. Trong quá trình xung đột này, nhà đầu tư thường có cơ hội tiếp cận với nhiều thông tin hơn để đánh giá doanh nghiệp chính xác hơn. Nó gợi mở ra những cơ hội mà thông thường chúng ta không nhận ra. Đó là lý do Michael Price khuyên chúng ta nên chú ý tới những doanh nghiệp đang có xung đột.

Hai NĐT cơ bản của trường phái này là Carl Icahn và Warren Buffett

1. Carl Icahn

a. Triết lý đầu tư

Carl Icahn
Carl Icahn

Carl Icahn xuất thân là dân Arbitrage. Arbitrage nghĩa là mua giá thấp và bán giá cao cùng một loại tài sản, cùng một thời điểm, tại các thị trường khác nhau. Chẳng hạn Icahn tận dụng sự chênh lệch giữa cổ phiếu và giá trái phiếu chuyển đổi hoặc giữa cổ phiếu và quyền mua cổ phiếu, v.v để thực hiện Arbitrage. Ví dụ, một số trái phiếu của CII có thể chuyển đổi tại giá 18 và bạn có thể bán khống cổ phiếu CII tại giá 22. Nếu chi phí mua trái phiếu chuyển đổi và chi phí bán khống cộng lại nhỏ hơn phần chênh lệnh (22 -18 = 4 giá) thì đó chính là lợi nhuận ta thu được. Những giao dịch kiểu này tuy lợi nhuận thấp nhưng hầu như không có rủi ro.

Sau một thời gian thực hiện Arbitrage như trên, Carl Icahn nhận thấy cơ hội tại các quỹ đóng. Như chúng ta đã biết, quỹ đóng (trước đây có VF1, VF4, v.v) thường giao dịch tại mức discount so với giá trị chứng chỉ quỹ (ccq). Do vậy, Icahn có thể mua các ccq này đồng thời bán khống các cổ phiếu trong danh mục của quỹ đóng để ăn chênh lệch. Tuy nhiên cách này có rủi ro (Arbitrage cổ điển hầu như không có rủi ro) là khoảng cách giữa giá và giá trị của ccq có thể ngày càng rộng khiến cho Icahn bị margin call(do bán khống cổ phiếu) trong khi chưa thu được lợi nhuận từ việc nắm giữ ccq.
Để hạn chế rủi ro, Icahn thường tiếp cận và vận động người quản lý quỹ đóng tiến hành đóng quỹ hoặc chuyển đổi thành quỹ mở. Bằng cách này, Icahn chủ động làm cho ccq về gần với giá trị thật và ông có thể hiện thực hóa lợi nhuận của mình. (Không rõ Vfers nào đã đứng ra vận động các quỹ đóng chuyển thành quỹ mở?)

Arbitrage quỹ đóng mang lại lợi nhuận tốt nhưng thực ra không có nhiều quỹ đóng để Icahn tiếp tục thực hiện chiến lược này. Lúc này là vào khoảng năm 1975, tức 2 năm sau cú sụt năm 1973-1974(giảm 45% so với đỉnh tháng 1 năm 1973). Thời điểm này có rất nhiều cổ phiếu đang giao dịch tại giá nhỏ hơn giá trị thanh lý tài sản và Icahn là một trong ít người đánh hơi thấy cơ hội tại đây. Ông nghĩ rằng: “nếu ta có thể chủ động thanh lý quỹ đóng thì ta cũng có thể làm điều tương tự với các công ty”.

Từ đây, Carl Icahn từ Arbitrager chuyển qua một giai đoạn mới – người đi thâu tóm các công ty (Corporate Raider). Chiến lược đầu tư của ông, gửi tới các nhà đầu tư tiềm năng, viết đại khái là:

Giá trị thanh lý tài sản của nhiều công ty Mỹ đã tăng lên trong vài năm qua nhưng chưa được phản ánh vào giá cổ phiếu. Dó đó chúng ta có hội tuyệt vời để kiếm được lợi nhuận lớn nếu biết nắm bắt một cách chính xác. Lãnh đạo của không ít công ty có các tài sản tốt nắm giữ ít cổ phần nhưng lại hưởng nhiều bổng lộc của công ty. Họ cố gắng xây dựng một “vạn lý trường thành” bao quanh công ty nhằm bảo vệ bổng lộc của họ. Chiến lược của chúng tôi là trở thành cổ đông lớn của các công ty này và tác động tới công ty để hiện thực hóa lợi nhuận bằng một số cách:

1, Thuyết phục ban lãnh đạo thanh lý hoặc bán công ty cho các “kỵ sỹ trắng” (những người mua lại công ty một cách thân thiện. Họ thường giữ lại và ủng hộ ban lãnh đạo hiện hành của công ty)
2, Tiến hành bỏ phiếu thay đổi ban lãnh đạo (Proxy contest).
3, Đề xuất mua lại công ty với giá cao hơn giá thị trường. (Tender Offer).
4, Bán lại cổ phần cho công ty (Greenmail) (những người đi thâu tóm đề xuất với lãnh đạo công ty bị thâu tóm(rất muốn bảo vệ chiếc ghế của mình) mua lại cổ phần của họ với giá cao hơn giá thị trường. Hành động này gọi là Greenmail và hiện nay đã bị cấm tại Mỹ.)”

b. Quá trình thâu tóm một công ty cụ thể

Quá trình “vây bắt” một công ty thường diễn ra theo ba giai đoạn: khởi động, trình diễn, và kết thúc.

Khởi động: đây là giai đoạn mà các bên bắt đầu nhập cuộc và làm ấm cơ thể. Lúc này cuộc chơi nằm trong bóng tối và thị trường bên ngoài thường chưa biết thông tin về cuộc thâu tóm.

Năm 1977, Icahn tìm thấy thấy cơ hội tại công ty Tappan Stove Company, chuyên sản xuất lò vi sóng. Cùng với cú sụt năm 1974, cổ phiếu Tappan giảm mạnh khi công ty thua lỗ lần đầu tiên sau 40 năm vì sản phẩm mới thất bại. Icahn khởi động bằng việc mua cổ phiếu Tappan vào năm 1977 với giá $7.5/cp.

Icahn khởi động bằng việc mua cổ phiếu Tappan vào năm 1977 với giá $7.5/cp.
Icahn khởi động bằng việc mua cổ phiếu Tappan vào năm 1977 với giá $7.5/cp.

Lý do ông chọn Tappan vì cho rằng mức giá $7.5 quá rẻ so với giá trị thật của công ty – phải gần tương đương giá trị sổ sách($20/cp). Icahn cũng cho rằng Tappan rất thích hợp cho một vụ thâu tóm chiến lược. Thâu tóm chiến lược là việc một cty cùng hoặc khác nghành muốn mua một công ty khác để xâm nhập vào thị trường mới.

Sau khi liên tục mua vào cổ phiếu, Icahn ngỏ ý muốn nói chuyện với lãnh đạo công ty. Hai bên đồng ý đi ăn trưa để bày tỏ quan điểm của mỗi bên. Icahn cho rằng công ty đang giao dịch dưới giá trị và nên bán lại toàn bộ công ty cho các “kỵ sỹ trắng” với giá cao hơn giá thị trường. Icahn thậm chí đã mời sẵn một kỹ sỹ trắng cùng tới dự bữa trưa.

Tuy nhiên chủ tịch công ty, Blasius nhanh chóng khẳng định rằng công ty không phải để bán. Còn “kỹ sỹ trắng” thì nói rằng sẽ không “thâu tóm thù địch” khi lãnh đạo công ty không muốn bán. Lúc này, thị trường hầu như chưa biết thông tin gì và cổ phiếu không biến động nhiều.

Trình diễn: là giai đoạn cuộc chơi bước ra ánh sáng, cổ đông và công chúng chú ý tới vụ thâu tóm này.

Đến tháng 11 năm 1978, Carl Icahn gửi thông báo tới SEC về việc trở thành cổ đông lớn. Thị trường lúc này lập tức chú ý tới diễn biến đang diễn ra với công ty và cổ phiếu Tappan tăng giá.

Với việc trở thành cổ đông lớn, Icahn yêu cầu tham gia vào ban điều hành. Lãnh đạo công ty, Blasius, lập tức từ chối với lý do đã có đủ 9 người trong ban điều hành. Blasius tiếp tục phản công bằng cách tiến hành phát hành thêm cổ phiếu, khiến cho Icahn không còn là cổ đông lớn.

Khi không còn là cổ đông lớn, ảnh hưởng của Icahn sẽ giảm đi đáng kể. Icahn quyết định thực hiện một cuộc chiến truyền thông: lên án ban lãnh đạo công ty, thuyết phục cổ đông phủ quyết việc phát hành cổ phiếu và bầu Icahn vào ban điều hành. Với diễn biến tồi tệ của cổ phiếu Tappan trong mấy năm vừa qua, Icahn được cổ đông ủng hộ và ông có ghế trong ban điều hành.

Ngay sau khi tham gia điều hành, Icahn thanh lý các bộ phận hoạt động kém hiệu quả và tích cực tìm đối tác để bán lại toàn bộ công ty. Nhận thấy trước sau gì Icahn cũng sẽ tìm được người mua, lãnh đạo cũ của Tappan cũng tự mình đi tìm “kỵ sỹ trắng”.

Carl Icahn

Kết thúc: là giai đoạn cuộc chơi ngã ngũ, một trong hai bên thắng cuộc hoặc hai bên thỏa thuận để đạt được lợi ích tốt nhất cho mỗi bên. Giai đoạn này thường diễn ra vào kỳ đại hội cổ đông.

Cuối cùng, Electrolux đồng ý mua lại Tappan ở giá $18.5/cp năm 1979. Electrolux không những giữ lại ban điều hành mà còn đầu tư thêm vốn để Tappan tiếp tục phát triển. Icahn thì thu được mức lợi nhuận lên tới 90% sau khoảng 2 năm.
Chủ tịch hội đồng sáng lập công ty Tappan, Dick Tappan, ấn tượng với chiến lược đầu tư của Icahn đến nỗi ông quyết định đầu tư $100,000 vào quỹ của Icahn – hẳn là một khoản đầu tư đem lại lợi nhuận rất tốt.

Nguồn: Deep Value: Why Activist Investors and Other Contrarians Battle for Control of Losing Corporations/ dautugiatri.blogspot

Có thể bạn quan tâm:

Các phương pháp giao dịch ngắn hạn hiệu quả

trên thị trường Forex – Kathy Lien

(Chiến lược để thu lợi từ sự dịch chuyển của thị trường tiền tệ)

ĐỌC THỬ

ĐẶT SÁCH

Các viết cùng chủ đề