fbpx

CEO JPMorgan: Hãy chuẩn bị cho ‘cơn bão kinh tế’ do Fed và chiến sự Nga – Ukraine gây ra

Chỉ trong một tuần, người đứng đầu ngân hàng lớn nhất nước Mỹ đã đánh mất niềm lạc quan rằng “mây đen” phủ lên nền kinh tế Mỹ có thể tan biến. Hiện, ông cảnh báo nhà đầu tư cần sẵn sàng đối phó với cơn bão tố kinh tế sắp đến.

CEO JPMorgan: Hãy chuẩn bị cho ‘cơn bão kinh tế’ do Fed và chiến sự Nga - Ukraine gây ra

Bi quan hơn

Jamie Dimon, CEO JPMorgan Chase nói rằng ông đang chuẩn bị để ngân hàng lớn nhất nước Mỹ đối phó với cơn bão kinh tế sắp xảy ra và khuyên các nhà đầu tư nên làm như vậy.

Tại hội thảo tài chính ở New York hôm 1/6, ông Dimon phát biểu: “Tôi từng ví rằng nền kinh tế Mỹ đang bị bao phủ bởi đám mây đen khổng lồ. Giờ tôi sẽ sửa lại: Đó không phải đám mây mà là cả một cơn bão tố”. Tuy tình hình tạm thời có vẻ “ổn”, nhưng không ai biết được điều sắp đến sẽ là “bão nhỏ hay siêu bão Sandy”.

Ông Dimon tiếp tục nói với các nhà phân tích và nhà đầu tư tại hội thảo: “Tốt hơn hết là các bạn hãy sửa soạn tinh thần đi. JPMorgan cũng đang chuẩn bị và chúng tôi sẽ rất cẩn trọng với bảng cân đối kế toán”.

Kể từ cuối năm ngoái, thị trường chứng khoán Mỹ đã trượt dài trong bối cảnh nhà đầu tư chuẩn bị cho cái kết của thời tiền rẻ mà Cục Dự trữ Liên bang (Fed) mang lại. Lạm phát chạm đỉnh hàng chục năm làm dấy lên nỗi sợ rằng Fed sẽ vô tình đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái khi quyết đấu với áp lực giá.

Trong vài tuần qua, thị trường chứng khoán Mỹ đã phục hồi sau chuỗi dài suy giảm, khi nhà đầu tư kỳ vọng có thể lạm phát đang dịu đi. Tuy nhiên, ông Dimon dường như bác bỏ suy nghĩ rằng thị trường đã tạo đáy. Ông cảnh báo: “Hiện giờ, trời nắng đẹp, mọi thứ có vẻ ổn, mọi người nghĩ rằng Fed có thể giải quyết được tình hình. Nhưng cơn bão ở ngay ngoài kia, trên đường tiến tới chỗ chúng ta”.

Có hai yếu tố chính khiến CEO JPMorgan thấy lo lắng: Thứ nhất, Fed đã báo hiệu sẽ đảo ngược chương trình mua trái phiếu khẩn cấp và giảm quy mô bảng cân đối kế toán. Quy trình thắt chặt định lượng sẽ bắt đầu từ tháng này và mức giảm đối với trái phiếu sẽ dần tăng lên thành 95 tỷ USD mỗi tháng.

“Chúng ta chưa bao giờ có cuộc thắt chặt định lượng như vậy. Bạn có thể viết sách lịch sử về nó trong 50 năm tới”, ông nhấn mạnh.

Vị CEO nói rằng vài khía cạnh của chương trình nới lỏng định lượng thời COVID-19 đã “phản tác dụng”. Đặc biệt, ông gọi lãi suất âm là “sai lầm lớn”. Kết quả, các ngân hàng trung ương “buộc phải thắt chặt chính sách vì có quá nhiều thanh khoản trong hệ thống. Họ phải loại bớt một số thanh khoản để ngừng hoạt động đầu cơ, giảm giá nhà và những thứ tương tự”.

Yếu tố chủ chốt khác khiến vị tỷ phú này quan ngại là chiến sự Nga – Ukraine và tác động của nó lên hàng hóa, bao gồm lương thực và nhiên liệu. Ông khẳng định “giá dầu gần như chắc chắn sẽ đi lên” vì sự gián đoạn gây ra bởi cuộc xung đột. Ông dự đoán giá dầu có thể tăng đến 150 hay 175 USD/thùng.

“Các cuộc chiến gây ra những hậu quả khôn lường. Chúng ta vẫn chưa thực hiện được các chính sách thích hợp để bảo vệ châu Âu khỏi những gì sắp xảy ra với giá dầu trong ngắn hạn”.

“Biến động cực lớn”

Tuần trước, trong cuộc họp cổ đông của JPMorgan, ông Dimon ví những lo ngại kinh tế của mình là “mây đen khổng lồ có thể sẽ tan biến”. Bản thuyết trình từ ông Dimon và các trợ thủ tại cuộc họp đó đã giúp thúc đẩy giá cổ phiếu JPMorgan nhờ cung cấp nhiều chi tiết hơn về các khoản đầu tư và cập nhật số liệu về doanh thu.

Nhưng dường như những lo ngại của ông có vẻ đã trở nên nghiêm trọng hơn. Tại hội thảo hôm 1/6, ông Dimon nói rằng trong giai đoạn phản ứng với khủng hoảng tài chính 2008, các ngân hàng trung ương, ngân hàng thương mại và các công ty giao dịch ngoại hối là ba nhóm mua chính của trái phiếu Kho bạc Mỹ. Nhưng lần này, những người chơi đó sẽ không có năng lực hay mong muốn hấp thụ nhiều trái phiếu Mỹ đến thế.

Ông nói tiếp: “Đó là sự thay đổi lớn đối với dòng chảy của tiền trên khắp thế giới. Tôi không biết tác động của sự thay đổi này lớn đến đâu. Nhưng tôi đang chuẩn bị cho biến động cực lớn, mà đó còn là kịch bản nhẹ nhàng nhất”.

Ví dụ, một trong những bước mà JPMorgan có thể thực hiện là khuyến khích khách hàng chuyển những khoản tiền gửi chất lượng thấp gọi là “tiền gửi không hoạt động” sang những nơi khác, ví dụ như quỹ thị trường tiền tệ. Điều đó sẽ giúp ngân hàng quản lý các yêu cầu vốn theo luật lệ quốc tế, có thể giúp ngân hàng hấp thụ các khoản nợ xấu tăng vọt.

Ông nhấn mạnh: “Với sự không chắc chắc về vốn hiện nay, JPMorgan sẽ phải hành động. Tôi muốn giảm thiểu tiền gửi không hoạt động để bảo vệ bản thân nhằm phục vụ khách hàng trong thời kỳ khó khăn. Và ‘thời kỳ khó khăn’ chính là kiểu môi trường mà chúng tôi đang đối phó”.

Theo ông, các ngân hàng có “bảng cân đối kế toán vững như bàn thạch” và thận trọng trong phương pháp kế toán là sự bảo vệ an toàn nhất khi kinh tế suy giảm.

Nguồn: Vietnambiz

Có thể bạn quan tâm

396 lời khuyên đắt giá về đầu tư

1 phút 8 với các nhà đầu tư huyền thoại

ĐẶT SÁCH NGAY

Các viết cùng chủ đề