fbpx

Ken Shibusawa: Kẻ từ bỏ phố Wall về mở quỹ đầu tư dài hạn ở Nhật Bản

Bước sang tuổi 40, ông Ken Shibusawa mới nhìn lại hai thập kỷ làm việc cho các công ty ở Phố Wall và tự hỏi ông đang làm gì với cuộc đời mình. Ngẫm nghĩ về lựa chọn nghề nghiệp của mình, ông mới tìm đến các “công trình” của người ông vĩ đại Eiichi Shibusawa, người thành lập ngân hàng và sàn giao dịch chứng khoán đầu tiên của nước này sau chuyến viếng thăm châu Âu trong những năm của thập niên 1860.

Và ông đã rút ra được một bài học: Đó là một cuộc sống trọn vẹn giữa kinh doanh và đức hạnh. Đối với ông Shibusawa, điều này có nghĩa là ông sẽ quay lưng với các phòng giao dịch, vốn luôn bị ám ảnh về lợi nhuận, chẳng hạn như Goldman Sachs Group Inc. và Moore Capital Management. Sau cùng, ông cũng sáng lập ra công ty quản lý tài sản của riêng mình. Mục tiêu của ông là khiến những người tiết kiệm của Nhật Bản phải bỏ tiền vào cổ phiếu bằng cách đưa ra một phương án đầu tư theo chiến lược tích trữ  với chi phí thấp.

Ông Ken Shibusawa
Ông Ken Shibusawa

Trong một cuộc phỏng vấn tại Tokyo, ông Shibusawa cho hay, trước đây ông đã từng là một nhà đầu tư ngắn hạn, một chuyên viên giao dịch. Nhưng khi đó, ông cũng nhận thấy sự cần thiết của một tầm nhìn dài hạn.

Hiện tại, ông Shibusawa đang thực hiện thay thế 1 trong 30 công ty thuộc quỹ của mình mỗi năm. Ngoài ra, ông dành thời gian còn lại chủ yếu vào việc khuyến khích các công ty Nhật Bản và các nhà đầu tư của họ giao tiếp với nhau nhiều hơn.

Công ty Commons Asset Management Inc. đã kết hợp với hai công ty – Rheos Capital Works Inc. và Saison Asset Management Co. để đẩy mạnh cách tiếp cận này, và họ gọi đó là “đầu tư chậm rãi”. Với số tiền gửi tiết kiệm ở các ngân hàng lên tới 16.1 ngàn tỷ USD và gần như không có lãi của các hộ gia đình ở Nhật Bản, sứ mệnh của họ là khiến các cá nhân thấy được thị trường chứng khoán là nơi tốt nhất để tiết kiệm cho tương lai, và để thúc đẩy nền kinh tế của quốc gia bằng cách bỏ vốn vào các công ty tốt nhất.

Quỹ Commons 30

Có những dấu hiệu cho thấy tập đoàn đang thắng thế. Quỹ Commons 30 của Shibusawa đánh bại 88% các quỹ cùng cấp trong 3 năm qua và cả chỉ số Topix của Nhật Bản, dữ liệu của Bloomberg cho thấy. Mặc dù tổng giá trị tài sản dưới quyền quản lý của công ty đầu tư này vẫn còn khá thấp với chỉ 235 triệu USD, nhưng công ty đã đạt mức tăng trưởng 29% trong 7 tháng qua.

Haruhiro Nakano, Chủ tịch của Công ty Saison Asset Management cho biết: “Mặc dù ông có thương hiệu và danh tiếng của Shibusawa, nhưng ông vẫn đặt bản thân trong môi trường khắc nghiệt này để khiến dòng vốn ở Nhật Bản đi theo đúng định hướng”.

Ông Shibusawa nói chìa khóa thành công là tìm ra các doanh nghiệp đang và sẽ tăng trưởng trong suốt một thế hệ. Mặc dù Quỹ Commons 30 sử dụng các số liệu như khả năng sinh lợi và việc định giá để chọn các cổ phiếu đầu tư, nhưng họ cũng tập trung vào tính minh bạch của công ty cũng như văn hóa doanh nghiệp.

Ông Shibusawa cho biết công ty tập trung nắm giữ những cổ phiếu có rủi ro thực tế ít hơn những rủi ro mà nhà đầu tư nhìn thấy bên ngoài vì hầu hết các cổ phiếu này đều là những cổ phiếu blue-chip ở Nhật Bản. Đây là những cổ phiếu mà các nhà đầu tư khác thường mua sau những đợt rớt giá nặng nề. Các blue-chip đó là cổ phiếu của Shiseido Co. và Mitsubishi Corp., đều tăng giá trong năm nay, ngay cả khi thị trường sụt giảm.

Quỹ Commons 30

Khi ông Eiichi Shibusawa đến tham quan Hội chợ Thế giới Paris vào năm 1867, những gì ông chứng kiến đã thuyết phục ông rằng nước ​​Nhật Bản phong kiến cần phải phát triển ngành công nghiệp và nền kinh tế của đất nước. Ông thành lập ngân hàng First National Bank, là đơn vị cho vay đầu tiên của quốc gia, và hỗ trợ thành lập khoảng 500 công ty, trong đó có cả Sở giao dịch Chứng khoán Tokyo. Tên tuổi ông Eiichi được đưa vào một số sách giáo khoa của Nhật Bản và cả trong một viện bảo tàng để tưởng nhớ tới những đóng góp của ông. Viện bảo tàng này thu hút khá đông khách du lịch ở Tokyo.

Ông Ken Shibusawa cho biết ông luôn ý thức về dòng dõi lẫy lừng của mình, nhưng mãi đến khi trải qua một cuộc khủng hoảng tuổi trung niên thì ông mới bắt đầu tìm kiếm tới những triết lý của ông nội – ông Eiichi. Và khi đang cố gắng ngẫm nghĩ về những việc cần làm trong những năm còn lại của mình, ông Ken đã tìm thấy một tài liệu sưu tầm các tác phẩm của ông nội. Sau khi đọc xong, ông đã tìm thấy câu trả lời. Thậm chí, ông còn cho xuất bản cuốn sách riêng về tổ tiên của mình.

Voi và Kiến

Ông Eiichi Shibusawa
Ông Eiichi Shibusawa

Khi được hỏi về công việc của mình hôm nay có tương tự như của ông nội không thì ông Shibusawa dí dỏm rằng: “Điều này giống như so sánh một con voi với một con kiến vậy. Nhưng tôi nhận thấy tôi đang làm những điều tương tự như vậy”. Theo ông, một ngân hàng về cơ bản không khác gì hình ảnh một dòng sông hùng vĩ, và số tiền nằm ngoài các ngân hàng thì giống như những giọt sương bé nhỏ, nhưng nếu được tập trung tại một ngân hàng thì cuối cùng trở thành một con sông lớn, và có sức mạnh để lèo lái tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản.

Nếu ông Eiichi tới châu Âu, thì ông Ken lại tới Texas, nơi ông đã trải qua những năm tháng cắp sách đến trường và theo đuổi ngành kỹ sư. Sau đó, ông đổi hướng và đi làm tại JPMorgan và Goldman Sachs, trước khi trở thành một chuyên viên giao dịch cho công ty Moore Capital của Louis Bacon. Từ năm 1997 đến năm 2000, ông đầu quân về văn phòng của Moore ở Tokyo.

Ông bộc bạch: “Tôi đã cảm thấy thoải mái hơn nhiều về tài chính ở độ tuổi 20 và tuổi 30. Nhưng đối với những người trong ngành dịch vụ tài chính thì họ luôn có cảm giác trống rỗng ở đâu đó trong trái tim của họ”. “Họ cảm thấy bị mắc kẹt, có lẽ là vậy”.

Hiện tại, dù đã xa cuộc sống đầy căng thẳng ở sàn giao dịch, nhưng ông Shibusawa vẫn dành cả ngày để tổ chức các sự kiện, nơi các khách hàng, những người đầu tư ít nhất là 3,000 yen (tương đương 28 USD) một tháng, có thể gặp được các giám đốc điều hành và bàn luận về tất cả mọi thứ từ chiến lược kinh doanh cho đến cách họ tiết lộ thông tin.

Một số công ty tỏ ra khá miễn cưỡng khi đề cập đến việc gặp mặt các cổ đông nhỏ lẻ lúc đầu, nhưng họ phải đến để thấy được lợi ích của việc này, ông nói. Quỹ Commons thậm chí còn tổ chức các nhóm nghiên cứu gồm những người đến từ 30 công ty để tìm hiểu cách thức xử sự như một nhà đầu tư thực thụ. Tên của công ty cũng ám chỉ cho việc tìm ra điểm chung giữa các nhóm.

Ông Shibusawa đang ủng hộ phương pháp đầu tư là tham gia, mua, nắm giữ ở một đất nước mà các cá nhân thường được khuyến khích luân chuyển giữa các quỹ do các môi giới muốn kiếm hoa hồng giao dịch. Quỹ Commons không yêu cầu hoa hồng đối với các dòng tiền đầu tư vào quỹ mà sẽ tính phí quản lý là 1.15% một năm, thấp hơn các mức trung bình của ngành này với hoa hồng là 2.6% và phí quản lý 1.4%, dữ liệu của Bloomberg cho thấy.

Trong khi trả lời câu hỏi của vợ về lý do tại sao ông lại từ bỏ sự nghiệp được trả lương cao trên Phố Wall, thì ông không hề tỏ ra hối tiếc về cuộc sống mới của mình.

Cuộc chiến đơn độc của trường phái đầu tư dài hạn tại Nhật Bản – Người Nhật không chuộng đầu tư “ăn cỏ”? (Phần 1)

Cuộc chiến đơn độc của trường phái đầu tư dài hạn Nhật Bản – Hậu bong bóng tài sản (Phần 2)

Cuộc chiến đơn độc của trường phái đầu tư dài hạn tại Nhật Bản – Đây thực sự là cơ hội cuối cùng (Phần 3)

Nguồn: vietstock

Có thể bạn quan tâm

Damn Right! – Tác giả Janet Lowe

Những bài học “đắt giá” của bậc thầy Charlie Munger

Cánh tay phải của Warren Buffett

 

ĐỌC THỬ

ĐẶT NGAY

Các viết cùng chủ đề