fbpx

Chốt GDP tăng 6,5%, yêu cầu ổn định hệ thống tài chính, ngân hàng trong mọi tình huống

Với 465/466 phiếu thuận, Quốc hội thông qua nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 với chỉ tiêu GDP được chốt 6,5%, CPI bình quân khoảng 4,5%.

chot-gdp-tang-65-yeu-cau-ỏn-dịnh-hê-thong-tai-chinh-ngân-hang-trong-mọi-tinh-huong-happy-live-1
hủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo giải trình trước khi Quốc hội bấm nút

Báo cáo tiếp thu, giải trình trước khi Quốc hội bấm nút, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, các chỉ tiêu này đã được Chính phủ cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng.

Mục tiêu CPI bình quân năm 2023 khoảng 4,5% để thực hiện mục tiêu tổng quát tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát cũng như tình hình thực tiễn và các dự báo trong nước, quốc tế, ông Thanh nói.

Tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô

Được đặt lên hàng đầu trong mục tiêu tổng quát của năm sau là “tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các dịch bệnh mới phát sinh”.

Tại Nghị quyết, Quốc hội nêu rõ các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan thực hiện tốt.

Như, theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế, giá cả, lạm phát, thị trường thế giới, khu vực, trong nước, kịp thời nhận biết rủi ro để có đối sách phù hợp, điều hành đồng bộ, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định nền tảng vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế hợp lý, hiệu quả.

“Tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu, bảo đảm sự ổn định của hệ thống tài chính, ngân hàng trong mọi tình huống; kiểm soát chặt chẽ lạm phát, điều hành chủ động, linh hoạt công cụ lãi suất, tỷ giá, phù hợp và sát thực với diễn biến tình hình kinh tế – xã hội của đất nước. Thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, tăng cường kỷ luật tài chính, chống thất thu, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí; rà soát để sớm đưa các nguồn lực chưa khai thác hiệu quả vào phục vụ phát triển kinh tế – xã hội”, Quốc hội yêu cầu.

Nhiệm vụ tiếp theo được nêu tại nghị quyết là đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Triển khai quyết liệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 và phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài. Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý đối với các tổ chức tín dụng, tăng cường minh bạch, khắc phục triệt để hiệu quả tình trạng “sở hữu chéo”, cho vay không tài sản bảo đảm không đúng quy định hoặc tài sản bảo đảm được định giá không đúng giá trị, cho vay các doanh nghiệp “nội bộ”, “sân sau” – Quốc hội nêu yêu cầu tiếp theo.

Giải pháp sau đó được nêu tại nghị quyết là kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, bất cập trong các cơ chế, chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ, an toàn, lành mạnh, bền vững và hội nhập, bảo đảm hoạt động thông suốt, lành mạnh, chất lượng các thị trường tiền tệ, chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp; mở rộng, nâng cao chất lượng thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ.

Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm

Với kế hoạch năm tới, Quốc hội còn yêu cầu nghiên cứu mở rộng hơn không gian chính sách tài khóa gắn với hiệu quả đầu tư công; có các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2023, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, chương trình, dự án phát triển hạ tầng trọng điểm, dự án sử dụng vốn ODA có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội.

Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư và giải ngân vốn đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, phân tán nguồn lực và mất nhiều thủ tục hành chính – nghị quyết nêu rõ.

Yêu cầu của Quốc hội còn là khẩn trương thực hiện sắp xếp, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm công khai, minh bạch; phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước tham gia vào các dự án quan trọng.

Không “chốt” cứng, Quốc hội yêu cầu phấn đấu hoàn thành việc phê duyệt các quy hoạch còn lại trong hệ thống quy hoạch quốc gia theo Luật Quy hoạch trong năm 2023; rà soát để giải quyết các vướng mắc trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở các địa phương. Triển khai có hiệu quả công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghiên cứu xây dựng và thể chế hóa cơ chế điều phối, kết nối phát triển vùng giai đoạn 2021 – 2030, sớm tạo ra các vùng động lực mới, cực tăng trưởng mới.

Nhiệm vụ đặt ra cho năm sau còn là bảo đảm tiến độ đầu tư, xây dựng các công trình nguồn điện, lưới điện trọng điểm theo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) sau khi được phê duyệt.

Nghị quyết nêu rõ, xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, có khả năng kết nối khu vực, bảo đảm vận hành hệ thống truyền tải điện an toàn, hiệu quả. Tập trung tháo gỡ khó khăn để đưa các dự án nguồn điện lớn có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm cung cấp điện đi vào vận hành như Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Nghi Sơn 2, Duyên Hải 2, Vân Phong 1… Triệt để xử lý các dự án “treo”, dự án chậm tiến độ; bảo đảm lợi ích của người dân trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất, không để xảy ra khiếu kiện, phát sinh thành điểm nóng về an ninh, trật tự.

Ở kế hoạch năm sau, Quốc hội còn yêu cầu triển khai các giải pháp để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; xây dựng cơ chế, chính sách cải thiện điều kiện và môi trường làm việc, sớm khắc phục tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và tình trạng công chức, viên chức xin nghỉ việc.

Các chỉ tiêu chủ yếu được Quốc hội thông qua

1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5%.

2. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD.

3. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,4 – 25,8%.

4. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%.

5. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,0 – 6,0%.

6. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 26,2%.

7. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 27,5%.

8. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.

9. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm khoảng 1-1,5%.

10. Số bác sĩ trên 10.000 dân đạt khoảng 12 bác sĩ.

11. Số giường bệnh trên 10.000 dân đạt khoảng 32 giường bệnh.

12. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,2% dân số.

13. Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 78%.

14. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 95%.

15. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 92%.

Tiến Phát

baodautu

Có thể bạn quan tâm: Tủ sách Đầu tư Happy.Live

tủ sách đầu tư

ĐỌC THỬ

Các viết cùng chủ đề