fbpx

Chứng khoán Mỹ bùng nổ sau báo cáo lạm phát, giá dầu tăng vọt

Sự điều chỉnh kỳ vọng, hướng tới một bước nhảy lãi suất ngắn hơn, giúp thị trường có một phiên khởi sắc mạnh mẽ…

Các nhà giao dịch trên sàn NYSE ở New York, Mỹ hôm 8/8 - Ảnh: Reuters.
Các nhà giao dịch trên sàn NYSE ở New York, Mỹ hôm 8/8 – Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (10/8), khi dấu hiệu cho thấy sự xuống thang của lạm phát ở Mỹ khiến nhà đầu tư đặt cược rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất với bước nhảy ngắn hơn so với dự kiến ban đầu. Tỷ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cùng đi xuống, trong khi giá dầu có một phiên tăng khá mạnh.

Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy trong tháng 7, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái và đi ngang so với tháng 6. Trước đó, các chuyên gia được Dow Jones khảo sát dự báo mức tăng tương ứng là 8,7% và 0,2%. Trong tháng 6, CPI của Mỹ tăng mạnh nhất kể từ cuối năm 1981, với mức tăng 9,1%.

Lạm phát lõi, không tính hai nhóm năng lượng và lương thực-thực phẩm, cũng tăng ít hơn so với dự báo.

Việc lạm phát ở Mỹ “giảm nhiệt” mạnh trong tháng 7 được cho là xuất phát từ giá xăng dầu giảm. Những dữ liệu này được xem là dấu hiệu quan trọng đầu tiên cho thấy áp lực giá cả đối với người tiêu dùng Mỹ đã dịu đi sau 2 năm không ngừng tăng.

Sau khi báo cáo được công bố, các nhà giao dịch đặt cược vào khả năng Fed nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng tới, thay vì áp dụng bước nhảy 0,75 điểm phần trăm như kỳ vọng trước khi báo cáo lạm phát được công bố.

Sự điều chỉnh kỳ vọng, hướng tới một bước nhảy lãi suất ngắn hơn, giúp thị trường có một phiên khởi sắc mạnh mẽ.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 535,1 điểm, tương đương tăng 1,63%, đạt 33.309,51 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,13%, đạt 4.210,24 điểm, mức cao nhất kể từ đầu tháng 5. Chỉ số Nasdaq tăng 2,89%, đạt 12.854,8 điểm, cao nhất kể từ cuối tháng 4.

“Báo cáo lạm phát công bố ngày hôm nay là một nhân tố giải toả áp lực. Thị trường đang mua vào cổ phiếu, trái phiếu và hàng hoá cơ bản. Đã lâu rồi chúng ta không có một báo cáo lạm phát nào yếu hơn so với dự báo”, Giám đốc đầu tư John Augustine của Hungtinton National Bank nhận định với hãng tin Reuters.

Tuy nhiên, ông Augustin cũng nói rằng vẫn còn nhiều điều khó đoán xung quanh việc Fed sẽ hành động như thế nào, cũng như triển vọng tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp trong năm 2023. “Chúng tôi sẽ giữ quan điểm trung tính cho tới khi có một cái nhìn rõ ràng hơn về năm tới”, ông nói.

“Sự giảm tốc của chỉ số CPI tháng 7 có thể sẽ là một sự giải toả lớn cho Fed, nhất là vì Fed trước đây đã khẳng định rằng lạm phát chỉ là tạm thời – một đánh giá không chính xác. Nếu lạm phát tiếp tục giảm, Fed có thể bắt đầu giãn tiến độ thắt chặt chính sách tiền tệ”, nhà sáng lập Nancy Davis của Quadratic Capital Management phát biểu trên kênh CNBC.

Cổ phiếu công nghệ là điểm sáng trong phiên này, với Meta tăng 5,8%; Netflix tăng hơn 6%; Salesforce tăng 3,5%…

Nasdaq Composite giảm hơn 1% chờ tin về lạm phát

Mức điểm đóng cửa phiên này của Nasdaq đã cao hơn 20,8% so với mức thấp gần đây thiết lập hôm 16/6. Chỉ số này cần tăng thêm 24,9% từ mức đóng cửa hiện tại để tái lập mức cao kỷ lục ghi nhận vào tháng 11 năm ngoái, và để xác lập một thị trường đầu cơ giá lên (bull market) mới.

Sắc xanh phủ khắp thị trường chứng khoán toàn cầu trong phiên ngày thứ Tư. Chỉ số Stoxx 600 của châu Âu tăng 0,89%, trong khi MSCI All Country World Index của chứng khoán thế giới tăng 1,8%.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm về mức 2,79%, từ mức gần 2,8% của phiên trước. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD giảm hơn 1%; đồng Euro tăng giá gần 0,9% so với USD, đạt 1 Euro đổi 1,03 USD.

Phát biểu ngày 10/8, Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago Charles Evans nói rằng lạm phát vẫn cao “không thể chấp nhận được” và Fed cần tiếp tục tăng lãi suất. Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis Neel Kashkari nói số liệu lạm phát mới nhất là tin tốt nhưng Fed “còn rất, rất xa đến chỗ có thể tuyên bố chiến thắng” và cần tăng lãi suất cao hơn nhiều.

Giá dầu thô WTI giao sau tại thị trường New York tăng 1,58%, chốt ở 91,93 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 1,13%, chốt ở 97,4 USD/thùng.

Đầu phiên, giá dầu giảm mạnh sau khi Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) Bộ Năng lượng Mỹ công bố báo cáo hàng tuần cho thấy lượng tồn kho dầu thô tăng mạnh. Tồn kho dầu thô trong tuần báo cáo tăng 5,5 triệu thùng, thay vì giảm 73.000 thùng như dự báo. Tồn kho xăng giảm, nhưng nhu cầu tiêu thụ xăng ở Mỹ trong 4 tuần qua đã giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá cao gây suy giảm nhu cầu là yếu tố gây bất lợi cho giá dầu. Tuy nhiên, giá dầu đã chuyển sang trạng thái tăng khi nhà đầu tư rót tiền mạnh vào các tài sản có độ rủi ro cao hơn sau khi báo cáo lạm phát được công bố. Đồng USD giảm giá cũng đóng góp vào phiên tăng giá này của dầu.

Dù vậy, giá dầu gặp bất lợi khi có tin dòng chảy dầu thô mà Nga cung cấp cho châu Âu qua đường ống Druzhba đã được nối lại. Theo hãng tin Nga RIA, công ty đường ống dẫn dầu Transneft của Nga đã khởi động lại dòng chảy dầu thô qua phần phía Nam của đường ống Druzhba. Trước đó, dòng chảy này bị gián đoạn vì các biện pháp trừng phạt khiến Nga không thể thanh toán tiền phí trung chuyển dầu cho Ukraine – nơi đường ống đi qua.

“Thị trường dầu hiện không có nhiều sức mạnh tăng giá. Với đồng USD giảm giá như vậy, giá dầu thô lẽ ra phải tăng 2-3 USD/thùng”, chiến lược gia Eli Tesfaye của RJO Futures ở Chicago nhận định.

Hà An 

Theo Vneconomy

Có thể bạn quan tâm:

Làm giàu từ chứng khoán bằng phương pháp VSA chính gốc

Nghiên cứu chuyên sâu về cách giao dịch của Wyckoff

Làm giàu từ chứng khoán bằng phương pháp VSA chính gốc: Nghiên cứu chuyên sâu về cách giao dịch của Wyckoff

ĐỌC THỬ

ĐẶT NGAY

Các viết cùng chủ đề