Chứng khoán vẫn “xanh rực rỡ” ngay cả khi GDP Mỹ giảm quý thứ 2 liên tiếp
Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/7, các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đồng loạt tăng điểm, trong đó S&P 500 tăng tới 1,21%, bất kể GDP Mỹ giảm quý thứ 2 liên tiếp.
Báo cáo của Cục Phân tích Kinh tế Mỹ cho biết GDP nước này đã giảm 0,9% trong quý 2. Đây là quý thứ 2 liên tiếp GDP Mỹ sụt giảm và là dấu hiệu mà nhiều người tin rằng suy thoái đã xảy ra. Trước đó, trong quý 1, GDP của Mỹ giảm 1,6%. Trên lý thuyết, một nền kinh tế được cho là suy thoái khi tăng trưởng âm 2 quý liên tiếp.
Tuy nhiên, nước Mỹ có suy thoái hay không vẫn là chủ đề gây tranh cãi. Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics, cho biết: “Chúng ta không suy thoái nhưng rõ ràng là tăng trưởng của nền kinh tế đang chậm lại. Chúng ta đang tiệm cận mốc đình trệ”.
Giảm tốc trên diện rộng
Sự sụt giảm đến từ một loạt các yếu tố, bao gồm sụt giảm hàng tồn kho, đầu tư vào khu dân cư và nhà ở chậm lại cũng như chi tiêu chính phủ, từ liên bang tới tiểu bang, đều thấp. Trong 3 tháng của quý 2, tổng đầu tư tư nhân của Mỹ đã giảm 13,5%.
Chi tiêu tiêu dùng, được đo lường thông qua chi tiêu tiêu dùng cá nhân, chỉ tăng 1% trong giai đoạn lạm phát kỷ lục. Chi tiêu cho dịch vụ tăng 4,1% trong giai đoạn này. Hàng tồn kho, vốn đã giúp GDP của Mỹ tăng vào năm 2021, lại trở thành lực cản của quý vừa qua.
Trong khi đó, lạm phát là gốc rễ của nhiều rắc rối với nền kinh tế. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 8,6% trong quý, tốc độ nhanh nhất kể từ quý 4/1981. Điều đó làm giảm thu nhập cá nhân sau thuế cũng như ảnh hưởng đến tỷ lệ tiết kiệm cá nhân của người Mỹ.
Chứng khoán Mỹ phản ứng nhẹ nhàng
Ngay cả khi số liệu GDP được công bố, chứng khoán Mỹ vẫn tăng nhẹ lúc đầu phiên. Theo CNBC, Dow Jones có lúc tăng 83 điểm, tương đương 0,3%. S&P 500 tăng 0,3% còn Nasdaq Composite tăng 0,2%.
Tuy nhiên, tính tới 20h58 theo giờ Hà Nội, đà tăng của chứng khoán Mỹ đã không còn được duy trì. Dow Jones giảm 130,2 điểm, tương đương 0,4%. Trong khi đó, S&P 500 giảm 20,6 điểm, tương đương 0,52%. Nasdaq cũng giảm 103 điểm, tương đương 0,86%.
Dẫu vậy, kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua, Dow Jones vẫn tăng mạnh với 332,04 điểm, tương đương 1,03% lên 32.529,63 điểm. S&P 500 tăng 48,82 điểm, tương đương 1,21%. Nasdaq cũng tăng 12,162 điểm, tương đương 1,08%.
Thời gian gần đây, các nhà đầu tư ngày càng lo ngại các biện pháp kiểm soát lạm phát của FED có thể đẩy nền kinh tế Mỹ tới gần hơn với suy thoái. Tuy nhiều người nghĩ rằng GDP tăng trưởng âm 2 quý liên tiếp là suy thoái nhưng Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia, cơ quan vốn thường quyết định nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng hay lạm phát, lại dựa vào nhiều số liệu hơn thế.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán Mỹ cũng cho thấy các nhà đầu tư không quá bi quan, mà thậm chí còn lạc quan, khi tin rằng FED sẽ ngăn chặn được lạm phát mà không khiến nền kinh tế Mỹ suy thoái. Chính niềm tin này đã giúp các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ tăng điểm ngay cả khi FED lần thứ 2 liên tiếp tăng lãi suất 0,75%.
Cụ thể, phiên giao dịch ngày 27/7, Dow Jones tăng hơn 400 điểm trong khi S&P 500 và Nasdaq lần lượt tăng 2,6 và 4,06%.
Tiến Phát
Có thể bạn quan tâm